Cầu nguyện

CẦU NGUYỆN
Đạt Tường
Minh Tâm Bửu Giám có câu:
“Tuần Thiên Lý tắc bất cầu lợi nhi tự vô bất lợi. Tuần nhơn dục tắc cầu lợi vị đắc nhi hại dĩ tùy chi”.
Tạm dịch là: “Tuân theo lẽ Trời, tuy không cầu lợi mà luôn được lợi. Còn theo lòng ham muốn, đã cầu lợi không xong mà hại lại theo sát bên”. Vậy trong giáo lý Cao Đài, Ơn Trên thể hiện tính đồng nhứt lý như thế nào về sự cầu nguyện.
I. ĐỊNH NGHĨA:
“Cầu nguyện tức là tìm sự ước muốn, ước nguyện của chính mình.” [1]
Tìm ở nơi đâu? Tìm ở các Đấng Thiêng Liêng qua hành động van vái, biểu hiện lòng tin vào sự ban bố của các Đấng Thiêng Liêng. Vì thế Đức Lý Giáo Tông nói:
“Cầu nguyện là biểu hiện tượng trưng đề cao các Đấng Thiêng Liêng cũng như đặt hết niềm tin tưởng nơi các Đấng ban bố phước lành.” [2]
II. CẦU NGUYỆN NHỮNG GÌ VÀ CẦU NGUYỆN CHO AI? Chúng ta hãy (nghe) đọc một bài báo, đăng trong Tuổi Trẻ Chủ Nhật 20.7.1997, trang 16:
“Những ngày trước cuộc thi, các cụ bà đi lễ chùa, phủ…  thường hay thắc mắc: “Sao bỗng dưng cửa chùa lại nhiều thiện nam tín nữ thế cơ chứ?”. Họ chẳng phải ai khác, chính là các sĩ tử… Trong những ngày cao điểm trước mùa thi, mỗi ngày có tới trên trăm sĩ tử lai vãng qua đây mua sớ. Ngay như di tích mộ bia bà, cách Hà Nội vài cả (cả vài) chục cây số (ở làng Nha Khê, thị xã Hà Đông) mà cũng thấy thấp thoáng không ít bóng dáng học trò qua lại. Với số tiền chỉ 2000 đồng cho một lần thuê viết sớ, cộng thêm chút tiền mua hương hoa vàng mã là các cô cậu tú đã có thể đàng hoàng xin một sớ may. Các lá sớ đã được thảo sẵn, chỉ cần khai tên tuổi, địa chỉ, số báo danh, phòng thi, địa điểm thi, hội đồng thi để “người viết sớ thuê” nghe và điền vào chỗ trống.
Trước khi thi vài tháng, các sĩ tử đã nhộn nhịp rủ nhau đi lễ vào các ngày rằm, mồng một hoặc các ngày Chủ Nhật hay buổi học thêm được nghỉ, và mật độ cứ tăng dần khi ngày thi gần đến. Nhiều phụ huynh đích thân đưa con đi cầu may cũng không hiếm. Nhiều vị cho rằng phải làm nghiêm túc như thế mới “linh”.
Đến tận hôm trước ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng, phủ Tây Hồ tấp nập học sinh và phụ huynh đến dâng hương lễ bái, bất chấp cơn dông đang báo hiệu mưa to có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Có những nhóm thí sinh cứ trước hôm thi là tới đền Ngọc Sơn “sờ đầu rùa” để lấy may! Mặc dầu con rùa này được đặt trong tủ kính.”
1. Sự mê tín trong cầu nguyện:
Bởi thế, Đức Minh Đức Đạo Nhơn Lê Văn Còn (nguyên là Đầu Họ Đạo Thánh Thất Bình Hòa, Gia Định) trong một lần giáng đàn có dạy:
“Thế thường người đời hay quan niệm sự cầu nguyện là:
– được đáp ứng theo ý muốn với lời van vái hiến dâng lễ lộc cúng bái.
– sự cầu nguyện chỉ quan trọng đối với người đời khi hữu sự, khi hoạn nạn.
– ngoài ra sự cầu nguyện còn được lạm dụng trong vấn đề vay mượn trước Thiêng Liêng để đóng trọn vai trò của một người khoác áo nhà sư hay thầy bóng phù pháp cộng với cả chức sắc, chức việc trong các cuộc cúng tế đình đám, quan hôn tang tế. Vì vậy sự linh ứng của Thiêng Liêng không còn trọn đức tin cho đúng với ý nghĩa thiêng liêng nữa.” [3]
a. Như vậy phần đông mọi người, ngay cả một số tín đồ của các tôn giáo, đều cầu nguyện cho riêng mình hay gia đình mình và phần nhiều cầu xin được ban phước lành cho khoẻ mạnh, bình an, sống lâu hay được lợi lộc chi đó trong học hành thi cử hoặc trong sự nghiệp công danh, làm ăn… Đó là sự vô minh, đồng nghĩa với mê tín.
– Đức Đông Phương Chưởng Quản có nói:
“Người đời thường cầu nguyện cầu xin sự thái hòa an lạc từ trên Trời ban xuống. Nhưng có mấy ai biết sự an lạc thái hòa phải chính nơi lòng người tạo nên, và chính nơi tập thể loài người vùng lên mà có.” [4]
– Đức Mẹ trong một lần giáng cơ đã dạy những lời sau:
“Hiến dâng cúng Phật cầu Tiên,
Để cho Thất Tổ Cửu Huyền siêu thăng.
Hoặc cho con làm quan thượng hạ,
Hoặc cho chồng cao cả vị ngôi;
Cầm quyền răn chúng trị đời,
Cầu xin chư Phật Đất Trời chứng minh …
Thương hại thay cho đời mê tín,
Tưởng Phật ưa dua nịnh như đời;
Không lo tu tánh kịp thời,
Nội tâm cải tạo thành người chí nhân.” [5]
–  Đức Quan Thế Âm có dạy:
“Còn cúng lạy niệm danh chư Phật,
Ở chùa chiền tịnh thất thường khi;
Tứ thời bái sám làm chi,
Niệm danh các Đấng làm gì nữa đây?
Có người niệm xin Thầy cùng Phật,
Cho Thánh đường Tịnh Thất bình yên;
Đó đây trên dưới chùa chiền,
Đừng cho phá hoại, giữ yên mãi hoài.
Cho gia đạo trong ngoài an bĩ,
Cho đàn con ứng thí thủ khoa;
Và cho lớn bé trẻ già,
Làm ăn thạnh mậu cửa nhà sum suê.
Tôi sẽ nguyện đem về cho Phật,
Hoa quả trà chồng chất đầy bàn;
Hương thơm trầm tốt trà nhang,
Rượu lê trà cúc bỉ bàng thiếu chi.
Xin chư Phật từ bi gia hộ,
Cho chồng tôi thi đỗ quan cao;
Để cầm vận mạng phong trào,
Đi đâu dân chúng chạy theo rần rần.
Đó là tu theo phần mê tín,
Phật Tiên đâu ưa nịnh ưa dua;
Mà đem lễ vật đến chùa,
Đặt điều kiện để bán mua Phật Trời.” [6]
b. Ngay cả khi chúng ta cầu nguyện để có được vật chất làm phương tiện hành đạo cho cá nhân hay tập thể cũng đều không được Ơn Trên khuyến khích:
“C.T hiền đệ! Bần Đạo cảm động đối với lòng chí thành chí kỉnh thương Thầy mến Đạo của hiền đệ. Hiền đệ cũng cần suy nghiệm một điều nầy: Có phải ai ai muốn cầu xin vật chất để làm phương tiện hành đạo đều được thỏa mãn hết sao? Nếu được vậy, thế gian nầy tất cả Thánh Đường hoặc các cửa tôn giáo, Đạo giáo đều diễn ra một cảnh đổi chác dưới huyền năng thiêng liêng.
Hiền đệ sẽ được tưởng thưởng tương xứng với việc hành đạo và nỗi ưu tư vì đại nghĩa. Hiền đệ cứ an lòng mà sống và hành đạo theo định mệnh.” [7]
“Bần Đạo để lời dạy nhân viên đến chức vụ CQPTGL. Chẳng nên cầu xin những số lợi nào, bất cứ lớn nhỏ đến với Cơ Quan trong một cơ hội nào. Phải luôn luôn giữ phần thanh bạch, đứng đắn cho danh nghĩa Cơ Quan. Sự bành trướng mở mang hay phần đạo tâm giúp đỡ, đó là tự nhiên, chừng nào đến sẽ đến mà thôi.
Chư hiền đệ muội nên nhớ rằng: Việc phải trên đời để cho người biết tìm lẽ phải làm. Và lời Chí Tôn có dạy:
Của con Thầy để thiếu chi đây!
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài.” [8]
2. Vậy thì để cầu nguyện theo chiều chánh tín, chúng ta nên cầu nguyện những gì và cho ai:
a. Nên cầu nguyện những gì tốt đẹp, lợi ích cho mọi người trên cả hai mặt thể chất và tinh thần nhất là phương diện tâm linh.
– Thường thì mục đích cầu nguyện rất rõ ràng khi chúng ta tham gia một buổi lễ cầu siêu hay cầu giải bệnh… cho vong linh hay đạo hữu nào đó. Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Chư hiền đệ muội đã có duyên phúc được sinh vào chỗ tương đối an ổn, đã và đang tổ chức cuộc lễ triều kính Thiêng Liêng là vì nhờ tâm đạo công đức chi? nên cơ duyên hạnh phúc đã an bài cho được an ổn tiện bề tu thân hành đạo, hiến lễ.
Vậy chư đệ muội hãy hướng tâm linh vào những nơi xa xôi, những vùng đất bất hạnh để cầu nguyện đưa điển lành trợ duyên cho những nơi ấy.” [9]
– Nhưng ở một buổi cúng đàn sóc vọng hay các buổi cúng tứ thời tại nhà thì đối tượng được cầu nguyện có thể không còn là tha nhân mà lại quay về gia đình mình. Đó là điểm cần lưu ý.
Chúng ta cần cố gắng tập cầu nguyện, như những lời dạy của Ơn Trên, là hãy cầu nguyện cho tha nhân.
b. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho chính mình hay gia đình của chúng ta nhưng không được cầu nguyện về danh, lợi, quyền.
– Có những lúc cần phải cầu nguyện Ơn Trên phò hộ cho mình một việc chi đó (thí dụ như cầu giải bệnh) thì kết quả cũng tùy thuộc vào tư tưởng lành đã gieo trước đó như lời dạy của Đức Lê Đại Tiên:
“Đây là lời dặn chung cho toàn thể chư hiền đệ muội: nhớ niệm danh trong các Đấng Thiêng Liêng mà tín hữu Cao Đài hằng niệm, sẽ được hộ trì khi bịnh hoạn bất kỳ. Nhớ hằng ngày phải để tư tưởng tốt, nghĩa là những tư tưởng lành có ích lợi cho tha nhân thì sự cầu nguyện mới mong kết quả.” [10]
– Hãy cầu nguyện Ơn Trên phù hộ cho mình được tinh tấn trên đường tu tiến: làm chủ được mình, bỏ dần bản ngã, mở rộng tình thương đến mọi người.
Đức Quán Thế Âm nêu một thí dụ về cầu nguyện như sau:
“Ai cũng thường cầu nguyện Thiêng Liêng Trời Phật phò hộ cho mình, cho gia đình mình được an bình hạnh phúc, nhưng có bao giờ cầu nguyện cho mình đủ dạ từ bi để sẻ chia, để thông cảm, xử sự với tha nhân như Đức Chí Tôn đối với chư hiền đệ muội không? Bần Đạo nhận thấy ít có như vậy lắm!” [11]
Nơi đây đòi hỏi người tín đồ phải có sự giác ngộ và đức tin phải ở một mức khá căn bản: tin rằng luật nhân quả bao trùm tất cả và hết sức công bình.
Đức Di Lạc có dạy những lời sau:
“Thương hại thay cho người đời còn lầm tưởng rằng đem lễ vật hiến dâng, lễ bái để cầu xin một việc tư riêng sẽ được Bần Đạo hộ trì và giúp đỡ! Ngày hôm nay, Bần Đạo vì lòng thương … nên đem lời sau đây để giác ngộ kẻo bị lầm lẫn trong sự tu hành tín ngưỡng. Đâu là chánh tín và mê tín?
Có câu “Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi”. Người có nguyện lành, Trời ắt sẽ theo mà phù trợ cho lời nguyện đó …  Cũng có câu: “Thiên Địa vô tư, Thần minh ám sát. Bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa”. Trời Đất không riêng cho ai, Thần minh cầm cân công lý coi xét người đời, không vì sự cúng tế hiến dâng lễ vật mà cho phước. Không vì sự không cúng tế hoặc thất lễ mà gieo họa.
Sự họa phúc may rủi tốt xấu đến với mọi người là do căn nguyên tội phúc của mỗi người mà thị hiện. Do đó lời Thiêng Liêng thường dạy mỗi người ráng lo tu, cải ác tùng thiện. Thiện nhiều được phước, gặp sự an lành, còn ngược lại cải thiện tùng ác, ác sanh gây điều tội lỗi thất đức thì tai họa rủi ro sẽ đến với mình không sớm thì chầy.
Luật nhân quả không sai một mảy,
Gieo giống nào giống ấy sẽ lên;” [12]
c. Và nếu chúng ta đã “đặt trọn lòng tin vào Đấng Chí Tôn và Đại Đạo” thì phải luôn đọc những lời cầu nguyện nầy của Đức Lê Đại Tiên ban cho, để suy nghĩ và hành đạo trên đường phổ độ:
“Con cúi xin phụng thừa Thiên lịnh,
Dưới chân Thầy phán định phát ban;
Dầu trong mọi cảnh khó khăn,
Nguyện lòng đem hết khả năng thực hành.
Nguyện đem cả tài danh quyền chức,
Nguyện xem thường vật chất hồng mao;
Quyết tâm xây dựng phong trào,
Hóa hoằng chánh pháp xóa màu tang thương.
Nguyện chung sức mở đường đại chúng,
Đem đạo mầu công dụng mọi nơi;
Cho người thông cảm cùng người,
Dẹp tan sắc phái, phục hồi tình thương.
Nguyện nung nấu can trường thiết thạch,
Nguyện giữ gìn son sắt thủy chung,
Hy thân nguyện nước non cùng;
Mở mang Đạo lý vẫy vùng trần la.” [13]
III. PHƯƠNG CÁCH CẦU NGUYỆN:
Cầu nguyện như thế nào mới đúng cách để có thể đạt kết quả ước mong? “Hữu cầu tắc ứng, hữu thành tắc thông”.
Do đó việc đầu tiên là:
1. Phải thành tâm thiện ý:
“Thần Thánh Tiên Phật luôn luôn do nguồn cảm linh diệu chân thành của thế nhân mà ứng đắc hộ trì.”
“Phải thật tâm để tìm trong giờ phút thiêng liêng hàng ngày giữa cuộc sống. Giờ phút thiêng liêng ấy luôn luôn đến với những tâm hồn vô tư minh chánh hằng nghĩ đến sự sống còn trong lẽ Đạo. Những người ấy không ước vọng gì riêng tư cho cá nhân mình cả, vì họ đã thông thấu sự công bằng của Tạo Hóa.” [14]
“Hãy thành tâm thiệt ý và luôn luôn cầu nguyện để Thiêng Liêng bố điển nơi lương tâm được phát huệ thì dầu với thời cuộc có đưa đến cách nào đi nữa, chính tiếng nói của lương tâm các con dìu dẫn các con được an bài mọi việc.
Nói rộng hơn nữa, dẫu các con có gặp những quyền lực nào bắt buộc lôi cuốn, phải cố gắng niệm danh Thầy Mẹ luôn luôn và khôn ngoan khước từ những hành vi có tánh cách trái ngược với Đạo Lý, tình yêu nhân loại và lòng háo sanh của Thượng Đế.
Nhờ sự cầu nguyện đó nó tạo cho con một lớp hồng khí bao trùm con để cảm hóa người đối diện.” [15]
Để đạt được thành tâm, chúng ta phải tập trung tinh thần, cố gắng giới hạn sự phóng tâm, nương theo lời kinh tiếng kệ, suy gẫm lý đạo trong câu kinh và hết lòng cầu nguyện cùng các Đấng Thiêng Liêng.
Nhưng nếu công đức của mỗi người chưa sâu dầy thì sự cầu nguyện của cá nhân cũng ít có kết quả mỹ mãn. Vì thế Ơn Trên dạy chúng ta phải biết:
2. Sử dụng sức mạnh điển lành của tập thể:
“Sự cầu nguyện tuy có nhiều hình thức và phương pháp cầu nguyện nhưng nếu hợp nhau lại tổ chức một buổi cầu nguyện chung như vậy sẽ là một niệm lực hùng mạnh dâng lên không trung và bao trùm rải xuống khắp chốn để cảm hóa lòng người hướng về sự ước muốn thái hòa an lạc đó.
Chư đệ muội không nguyện cho riêng mình là đã thể hiện tấm lòng vị tha.” [16]
3. Hồi hướng kết quả tọa thiền đến chúng sinh:
“Đêm nay Bần Đạo muốn đề nghị chư hiền đệ muội để dành hai phút hầu bổ túc cho lễ cầu nguyện trong mấy ngày qua để đem lại sự kết quả trọn vẹn.
Vậy ngay giữa đàn đây chư hiền đệ muội từ lớn chí bé hãy nhắm mắt lại ngồi ngay xương sống, gom thần lại ngay trán chính giữa hai mí chơn mày. Khi gom thần lại nghe nặng nặng nơi giáp mối chơn mày thì từ trong tâm hướng đưa tất cả lòng cầu nguyện lên không trung tưởng tượng như sẵn sàng tiếp nhận ân điển một bầu nước cam lồ. Sẵn sàng tiếp nhận rồi từ từ đưa lên rải ra tung tóe bốn phương trời cho muôn loài vạn vật đều thọ hưởng.” [17]
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều không lạ với câu chuyện Đức Thích Ca dạy Mục Kiền Liên Tôn Giả dùng niệm lực hùng mạnh của chư tăng sau mùa tu An Cư Kiết Hạ để giải nghiệp và cảm hóa lòng tà của bà Thanh Đề hầu thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
IV. CẦU NGUYỆN ĐƯỢC CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG:
Công đức là vốn liếng quý của mỗi người tín đồ, là điều kiện cần thiết và phải đủ để được nhận “giấy phép vào cổng” hầu bước qua cửa Thiên đàng. Có nhiều cách làm để có được công đức mà cầu nguyện là một trong những cách ấy. Chúng ta hãy đọc tiếp lời của Đức Minh Đức Đạo Nhơn:
“Vì sao cầu nguyện lại được công đức vô lượng?
Đã bàn qua hai chữ cầu nguyện tất phải nói đến công đức để mọi người đều ý thức đến sự quan trọng của lời cầu nguyện. Theo Phật gia có nói: mỗi người đều có Phật tánh. Phật tánh hằng tại trong Phật thân là pháp thân, hóa thân và báo thân. Công đức vô lượng sẽ là mầm để khởi ánh huệ đăng cho ba thể Phật ấy, nên nói rằng:
Tự tánh bất ly thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức.
Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức.
Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức.
Tạm nói nghĩa như vầy:
– Không lìa tự tánh là công, lúc ứng dụng mà không nhiễm ngoại vật là đức.
– Mình biết tu lấy tánh mình để cho suất (xuất?) tánh đó là công, mình biết tu thân mình trọn lành đó là đức.
– Niệm niệm không bị xen lẫn thiên lệch loạn động mà không dứt chánh niệm là công, lòng hằng phẳng lặng xem tất cả đều bình đẳng là đức.
Tóm lại, cầu nguyện mà được công đức không lường là do những tác dụng ấy, như khóa tịnh Đông Chí vừa qua chư tịnh viên nam nữ đã hành trì công đức vô lượng để đem lại sự hồi hướng cho đất nước đồng bào. Ôi lớn lao thay! Lời cầu nguyện, tâm cầu nguyện, kiểm điểm lại để mỗi khi nhắc đến hai tiếng cầu nguyện phải liên tưởng ngay đến lý siêu việt và tác dụng uy linh của sự cầu nguyện.” [18]
KẾT LUẬN:
Sự cầu nguyện là một hành động tín ngưỡng, do đó có thể mang màu sắc, hình thức mê tín hay chánh tín, bởi vì phần lớn việc cầu nguyện đi liền với sự lễ bái.
Ngay cả khi về mặt hình thức không có biểu hiện mê tín (như sát sanh, dùng đồ vàng mã…), thái độ và nội tâm hết sức thành khẩn thì nội dung cầu nguyện ở trong tư tưởng cũng có thể đang trong phạm vi mê tín mà không hay như cầu xin phước lộc…
Do đó nội dung và phương cách cầu nguyện như thế nào để theo đúng chiều chánh tín là những vấn đề mà người tín đồ cần thông suốt để thực hành đúng theo Chánh Đạo. Có như thế mới tích lũy được công đức trên đường tu niệm. Chúng ta đúc kết đề tài cầu nguyện với những trích đoạn Thánh giáo sau:
“Đừng có cầu xin phước bởi Trời,
Tự mình tu tiến đó ai ơi;
Ai ăn no dạ, tu thành đạo,
Công lý cầm cân sẵn có Trời.” [19]
“Chớ quá chú trọng về mặt hình thức lễ bái cầu xin mà thiếu phần nội tâm tự tu, tự cứu, Bần Tăng cũng không làm sao cứu rỗi giùm.” [20]
“Lão thấy chư hiền mỗi mỗi đều có tâm thành cầu nguyện. Một là Đại Đạo tiến bộ, hai là quốc thới dân an. Nhưng sự cầu nguyện ấy còn phải quan niệm cho sát thực hơn là cầu nguyện không phải đặt cái ta trên hết. Mà cần phải quan niệm rõ một khi cầu nguyện thì phải tưởng đến đại thể nhơn sanh, quốc gia, xã hội. Phải tưởng đến lòng nhơn đạo để rồi hòa nhịp với hành động đạo đức đi đôi. Để sự cầu nguyện thực tiễn là không nên đặt sự ỷ lại nơi các Đấng mà phải góp phần thực hành theo câu cầu nguyện.” [21]
“Cầu xin ân điển Thiêng Liêng phù trợ, đó là thiện niệm thích hợp với lòng bác ái từ bi của người tu. Nhưng đó chỉ là nhờ vào tha lực. Điều cần yếu là tự mình chư hiền sĩ hiền muội phải làm lấy mới đem hiệu năng như mong ước.” [22]
“Thiêng Liêng thường nhắc nhở về sự cầu nguyện hay tịnh tập thể… Sự hữu ích của các thời cầu nguyện hay tịnh tập thể đều do đức tin chơn chánh và bản chất thanh tịnh vô vi của mỗi người. Có đức tin chơn chánh thì không hay tin tưởng loạn động. Có bản chất thanh tịnh vô vi thì thần lực đủ đầy. Hai yếu tố quan trọng nầy để người tu thực hiện được sự cứu độ vô vi. Thế nên cần đến các thời cầu nguyện hay tịnh tập thể để các dòng tư tưởng trọn lành phát xuất từ tâm linh của mỗi tịnh viên hướng lên để cảm hóa cùng Thiên Địa, ứng hiệp với các Đấng Thiêng Liêng như linh quang, như vân võ để biến tỏa thành trận mưa ban phát rưới chan mát mẻ khi con người đang sống trong bầu lửa dục của trần gian.” [23]
Và sau cùng chúng ta hãy suy nghĩ và hành động theo lời dạy của Đức Chí Tôn:
“Thầy khai Đại Đạo với công cuộc an định nhân loại cứu rỗi quần sinh. Với sứ mạng cao cả ấy, các con là những người đi trước, là những người tiền phong thì phải thực hành cho đúng Thiên ý, đúng với Đạo lý để tôn giáo và tôn giáo, tôn giáo và chính ủy chính trị được hợp tác với nhau trong thế nhân hòa. Con sẽ đem lại sự yên vui cho nước non dân tộc con và thiên hạ. Được vậy, không cần cầu nguyện với Thầy, hòa bình cũng sẽ đến với các con.” [24]
Thánh giáo:
Quan Âm Như Lai. Nầy chư thiện tín ôi! Giữa giờ phút nầy, Bần Đạo rọi điển nhìn thấu tâm trạng mỗi người đều có một nguyện cầu. Nhưng đa số đều giống nhau một điểm là được Thiêng Liêng mách bảo thời sự vị lai hầu tìm phương lánh nạn. Còn một phần khác trong đó có việc gia tư, bịnh hoạn xin thuốc… Như vậy cũng đã làm cho không khí cùng điển nơi đàn trung một phần lớn bị chi phối. Bần Đạo ghi nơi đây bài học Đạo để giải đáp một phần lớn của sự nguyện cầu là: Lẽ sống.
THI
Sống sao cho đáng kiếp con người,
Sống ở hồng trần có mấy mươi;
Sống tạm loay hoay rồi bỏ xác,
Sống sao đời mến khỏi chê cười.
THI BÀI
Ta muốn nhắn cho đời tu tỉnh,
Ngặt vì đời bản tính đổi thay;
Vào chùa lạy Phật ăn chay,
Muốn cầu được phước độ ngay gia đình.
Cầu cho được chính mình giàu có,
Cầu cả nhà lớn nhỏ cùng nhau;
Bình an lợi lộc sang giàu,
Vẹn toàn đời trước, đời sau vững bền.
Cầu cho được tuổi tên rạng rỡ,
Cầu quyền cao sống ở trần gian;
Cầu xin Thất Tổ mười phang,
Cửu Huyền chín suối lần sang Thiên đường.
Cầu cho kiếp còn đương tại thế,
Nhiều lộc quyền oai vệ nhiều duyên;
Cầu sau thác xuống cửu tuyền,
Được nhờ ân điển thành Tiên Phật đàng.
Bần Đạo thấy cầu toàn ích kỷ,
Nhưng xét ra hữu lý lắm thay!
Vì cầu cho chính mình đây,
Phải đâu cho khắp ai ai đâu nào!
Nhưng xét lại mà đau lòng vậy,
Kiếp phù sanh có mấy mươi năm;
Sanh, lão, bệnh, tử khôn tầm,
Mà cứ lẽo đẽo quanh năm đón rình.
Khi bỏ xác, hồn linh rời thế,
Muôn việc đều phải để lại trần;
Đối cùng chỉ có bản thân,
Mà không giữ đặng ở trần bền lâu.
Kế nữa là ruộng trâu giàu có,
Đất cò bay thẳng ngõ đó đây;
Bạc vàng châu báu riêng tây,
Cửa nhà con vợ gia tài muôn kho.
Đành phải chịu nằm co bỏ cả,
Mặc cho đời ruồng sả tính toan;
Chỉ còn một nắm xương tàn,
Le the ngọn cỏ mồ hoang lấp vùi.
Hỏi dẫu sợ hên xui may rủi,
Để làm chi đó hỡi trần gian!
Sao không lo gởi nhà băng,
Gia tài âm chất hằng ngày điểm tô.
Nhà băng cõi hư vô quí báu,
Ngàn năm không trộm đạo vãng lai;
Để khi bỏ nhục thể nầy,
Của kia sẵn có xây xài muôn thu.
Lẽ sống phải cần tu âm chất,
Giúp cho người chẳng mất mảy may;
Còn lo ky cóp đêm ngày,
Bởi lòng ích kỷ mấy ai được bền.
Phút vô thường tuổi tên vùi lấp,
Mặc cho đời vùi dập ghét thương;
Vậy nên ở kiếp trần dương,
Mau toan tìm một con đường thoát thân.
Đó là phép tu đơn luyện kỷ,
Đó là tâm tánh ý luyện phanh;
Lọc lừa phân tách dữ lành,
Chọn điều nhân hậu mà hành luôn luôn.
Tâm thì muốn theo nguồn Đạo lý,
Nhưng bị vì tánh ý cản ngăn;
Tâm mong về chốn Thiên đàng,
Tâm viên ý mã cản ngăn đủ điều.
Phải làm chủ mà điều khiển nó,
Tâm năng giồi sáng tỏ quang minh;
Dẫu cho lục dục thất tình,
Cũng không lôi cuốn rập rình buông theo.
THI
Thiên cơ chớ hỏi việc dông dài,
Môn đệ đàn trung đó hỡi ai;
Tu luyện dày công bồi lập đức,
Khỏi lo vạn vật chuyển bên ngoài.
THI
Bên ngoài dẫu có lửa đao binh,
Những cảnh hành hung đến cực hình;
Tâm đạo năng giồi cho vững chắc,
Mây mờ vẫn có Đấng Thần linh.
THI
Thần linh phò trợ kẻ căn lành,
Dẫu dấn thân vào bãi chiến tranh;
Khỏi lũy, khỏi hầm cùng khỏi hố,
Ân lành tá trợ chẳng xa xăm.
THI
Xa xăm tâm nguyện ứng ra liền,
Cho kẻ tu hành hữu huệ duyên;
E chỉ tâm xà cùng khẩu Phật,
Làm sao hoạn họa khỏi theo liền.
THI
Chư thiện tín đàn hầu xao xuyến,
Tiếng rạc rào động điển khô khan;
Kìa kia Đức Lý vào đàn,
Tịnh thần tiếp điển Tây phang đây về.
Tiếp điển:
Lý Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Nam nữ phải nằm đêm suy xét,
Lời Ơn Trên nhiều nét dạy răn;
Tiến lên chớ có dùng dằng,
Kẻo qua cơ hội mà hằng tiếc thương.
Cả đàn nội bước đường đêm tối,
Hiệp cùng nhau bước trỗi về đây;
Để nghe lời dạy đêm chầy,
Luận bình đạo đức lâu ngày ít nghe.
Thì ráng bước dặt dè từng bước,
Hễ công nhiều thì phước cũng to;
Cùng nhau chèo Bát Nhã đò,
Độ đời qua buổi cam go hiện tiền.
Thì ơn đức Thần Tiên hộ trợ,
Cả gia đình, con vợ bình an;
Giã từ toàn tất trung đàn,
Thế gian tu niệm, cõi nhàn đây thăng.” [25]
“Lời dặn chung đàn nội: Về điểm nguyện cầu của nhơn sanh xin Thiêng Liêng phúc đáp. Hỡi ôi! Đời là bể khổ, thế sự là một thảm kịch quay cuồng. Chính vì đó, dầu Phật, Tiên, Thánh, Thần hiện xuống đủ mặt ở thế gian cũng không làm sao có đủ ngày giờ để thỏa mãn những nguyện cầu ấy, trừ phi Thiêng Liêng thấy nguyện cầu có tánh chất vị tha đại đồng hữu ích cho đại cuộc.
Hãy ghi nhớ câu: “Thiện nguyện Thiên tùng, hữu cảm hữu ứng”. Chính trong những lời nguyện lành, tất cả chúng sanh đều có cảm ứng trong hành động, trong lời nói, ở mọi hoàn cảnh, tuy rằng: “Thanh thanh hà xứ tầm, phi cao diệc phi diễn, đô chỉ tại nhân tâm”. Tuy trầm lặng trong chỗ không không, chớ sự ứng hiện mảy lông chẳng sót. Cần có một điều là nguyện phải cho chánh tín; nếu trái lại sẽ bị bàng môn tả đạo dẫn dắt vào mê đồ. Luật vô hình cũng như luật thế gian, kẻ quấy dám làm việc quấy, bất chấp pháp luật…” [26]
Đạt Tường
————————————————————————
[1] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQ Phổ Thông Giáo Lý 15.11 Giáp Dần (28.12.1974)
[2] Đức Lý Giáo Tông, Thánh Thất Nam Thành 23.8 Tân Sửu (1961)
[3] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQ Phổ Thông Giáo Lý 15.11 Giáp Dần (28.12.1974)
[4] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQ Phổ Thông Giáo Lý 30.12 Tân Hợi (1972)
[5] Đức Mẹ, Nam Thành Thánh Thất 15.6 Tân Hợi (1971)
[6] Đức Quan Thế Âm, Thánh Thất Bình Hòa 15.9 Đinh Mùi (1967)
[7] Đức Lý Giáo Tông, Ngọc Minh Đài mùng 1.3 Đinh Mùi (1967)
[8] Đức Lý Giáo Tông, Thiên Lý Đàn 26.12 Bính Ngọ (1967)
[9] Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo 9.01 Quý Sửu (1973)
[10] Đức Lê Đại Tiên, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo 29.7 Mậu Thân (1968)
[11] Đức Quan Thế Âm, Nam Thành Thánh Thất 14.10 Canh Tuất (1970)
[12] Trúc Lâm Thiền Điện – Vĩnh Long, 18.7 Kỷ Dậu (1969)
[13] Đức Lê Đại Tiên, Thiên Lý Đàn 12.2 Bính Ngũ (4.3.1966)
[14] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQ Phổ Thông Giáo Lý 15.11 Giáp Dần (28.12.1974)
[15] Đức Vô Cực Từ Tôn, Vạn Quốc Tự mùng 1.8 Giáp Thìn (1964)
[16] Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 22.4 Nhâm Tý (1972)
[17] Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 22.4 Nhâm Tý (1972)
[18] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 15.11 Giáp Dần (1974)
[19] Đức Lê Đại Tiên, Ngọc Minh Đài, mùng 1.01 Quý Sửu (3.02.1973)
[20] Đức Di Lạc, Trúc Lâm Thiền Điện – Vĩnh Long, 02.01 Bính Ngọ (1966)
[21] Đức Lý Giáo Tông, Nam Thành Thánh Thất, 23.8 Tân Sửu (1961)
[22] Đức Quán Thế Âm, 02.01 Kỷ Dậu (1969)
[23] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự 15.3 Ất Mão (1975)
[24] Đức Chí Tôn, Nam Thành Thánh Thất mùng 1.01 Tân Hợi (27.01.1971)
[25] Thánh Thất Tân Định, 15.7 Giáp Thìn (1964)
[26] Đức Lý Thái Bạch, Thiên Lý Đàn 20.5 Ất Tỵ (19.6.1965)

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *