Giả sử có một ngày, khi tôi chết đi…
Người ghét tôi, họ sẽ nhảy múa…
Người yêu tôi, họ sẽ khóc như mưa…
Ngày thứ 2 qua đi
Thân xác tôi sẽ được chôn dưới lòng đất.
Người ghét tôi, nhìn thấy mộ tôi, họ chỉ mỉm cười và bước đi.
Người yêu tôi, không dám quay đầu nhìn lại, dù chỉ một lần.
1 năm sau
Thân xác thịt của tôi đã trở nên mục nát.
Ngôi mộ của tôi, cỏ mọc um tùm trong sương gió.
Người ghét tôi, sau khi ăn uống no say, đôi khi vẫn rất khó chịu khi nhắc đến tên tôi.
Người yêu tôi, trong đêm khuya vắng vẻ, vẫn khóc thầm gọi tên tôi.
Mười năm sau
Thân xác tôi không còn nữa, chỉ còn lại bộ xương cốt.
Người ghét tôi, không còn nhớ mặt tôi nữa, mà chỉ còn nhớ tên tôi một cách mơ hồ.
Người yêu tôi, đôi khi trầm lắng trong giây lát khi nhớ đến tôi. Cuộc sống khiến cho mọi thứ dần dần trở nên phai nhạt…
Mấy chục năm sau…
Ngôi mộ của tôi, trải qua bao mùa mưa gió, chỉ còn lại một bãi đất hoang vu.
Người ghét tôi… không còn nhớ tôi nữa.
Người yêu tôi, cũng đã nằm xuống đất.
Đối với thế giới này, tôi đã trở thành hư vô.
Những phấn đấu một đời của tôi, với bao của cải vật chất… không thể mang đi thậm chí là một cọng cỏ…
Những ham muốn, theo đuổi một đời của tôi, không thể mang đi dù một chút hư danh.
Kiếp này
Cho dù là giàu sang hay nghèo hèn, rốt cuộc cũng phải đi đến bước cuối cùng.
Đến khi nhìn lại, mới thấy uổng phí một đời, tôi muốn khóc, nhưng không thể khóc thành tiếng. Tôi hối hận, nhưng tất cả đã quá muộn.
Hãy sống một cách thiết thực, đừng vì ánh mắt của người đời, hay tiêu chuẩn đánh giá của bất kỳ ai.
Yêu, hận, tình, thù chỉ tồn tại khi chúng ta còn sống.
Trăm năm qua đi chỉ trong một nháy mắt. Cuối cùng cũng chỉ còn lại nắm tro tàn…
Theo NTDTV
Thiên Minh biên dịch
Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế:
Quan niệm vô thường của đạo Phật
Đại Đế Alexandre III ( -356 -323) (Alexandre le Grand): gốc Macédoine, học trò của Aristote. Được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Đế quốc vĩ đại của Alexandre chạy dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ Dương
Khi ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết, Ngài Alexander Đại Đế đã cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình.
Ngài phán rằng:
1 – Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y giỏi nhất của thời đó;
2 – Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, …) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài;
3 – Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao.
Ngài Alexander đã giải thích như sau:
1 – Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
2 – Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (cái gì của đất thì cuối cùng rồi cũng phải trả về cho đất một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này).
3 – Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và đến cuối cuộc đời, khi chúng ta đã cạn kiệt kho tàng quý giá nhất là thời gian, thì chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế giới với hai bàn tay trắng.
Sưu tầm
NẮM NƯỚC TRONG TAY
Tôi đã từng nắm nước trong tay,
Nắm hoài nắm mãi cũng không đầy!
Hỡi ai trên khắp cùng trái đất,
Có nắm được gì xin cho hay?
Thiên tai bão lụt đó cùng đây,
Sóng thần động đất chẳng hẹn ngày;
Vô thường biến dịch hằng chi phối,
Muôn pháp đổi dời trong phút giây!
Tuổi xuân ngày tháng cứ dần qua,
Tóc xanh tóc bạc trẻ rồi già;
Quy luật sanh trụ rồi hoại diệt,
Khống chế mọi người chẳng riêng ta.
Hơi thở vào ra mãi không ngừng,
Ngày qua tháng lại chẳng hề ngưng;
Tưởng rằng như thế là miên viễn,
Công danh sự nghiệp ráng vun trồng.
Hơi thở cùng ta vốn gắn liền,
Còn không giữ được lúc hết duyên;
Sá chi danh lợi mà mong giữ,
Nắm nước trong tay để ưu phiền.
Diệu Nhân
San Jose 31.01.2012
—————————————————————
“Nhưng xét lại mà đau lòng vậy,
Kiếp phù sanh có mấy mươi năm;
Sanh, lão, bệnh, tử khôn tầm,
Mà cứ lẽo đẽo quanh năm đón rình.
Khi bỏ xác, hồn linh rời thế,
Muôn việc đều phải để lại trần;
Đối cùng chỉ có bản thân,
Mà không giữ đặng ở trần bền lâu.
Kế nữa là ruộng trâu giàu có,
Đất cò bay thẳng ngõ đó đây;
Bạc vàng châu báu riêng tây,
Cửa nhà con vợ gia tài muôn kho.
Đành phải chịu nằm co bỏ cả,
Mặc cho đời ruồng sả tính toan;
Chỉ còn một nắm xương tàn,
Le the ngọn cỏ mồ hoang lấp vùi.”
“Mãi lẩn quẩn trong vòng lẩn quẩn,
Mặc, uống, ăn, vui, giận, ghét, thương;
Rồi đây mái tóc pha sương,
Rồi đây nắm đất vùi chôn cuộc đời!”
“Giựt giành rốt cuộc cũng tay không,
Nhân quả đeo mang tội chất đồng;
Ví biết phép công cơ thưởng phạt,
Ðường tu sớm bước chí thong dong.”
“Tham chi sự thế lắm đua tranh,
Cái miếng đỉnh chung xúm giựt giành;
Bỏ hết trong cơn mê một giấc,
Trăm năm ngắn ngủi nhớ làm lành.”
“Cần lo học Ðạo chí đừng lơi,
Phú quí sương tan lố bóng Trời;
Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp,
Nghĩa nhơn tích trữ để muôn đời.”
“Một kiếp sống ở yên trần thế,
Hỏi mấy ai bách tuế thiên niên?
Sống trong cõi tạm triền miên,
Tạm ăn, tạm ở, tạm duyên nợ đời.
Tạm thân xác ba hơi còn thở,
Tạm cha con chồng vợ chị anh;
Tạm trong cái bại, cái thành,
Cái quyền, cái chức, cái danh, bạc tiền.
Tạm kêu gọi rằng tên I, X,
Có ai tường tên thiệt mình chăng?
Sống trong vũ trụ trần hoàn,
Kiếp người hột cát so hàng cồn to.
Mãi lặn hụp trong lò luân chuyển,
Một kiếp người tai biến biết bao;
Hỏi coi những hạng sang giàu,
Xe hơi, tàu lớn, nhà lầu, của kho.
Hỏi ai được khỏi lo, khỏi sợ?
Hỏi ai không mang nợ trần gian?
Hỏi ai có được thập toàn?
Hay là cũng cảnh rộn ràng bối bê?
Cảnh ghen tức phu thê nem chả,
Cảnh bạc bài gây họa gia cang;
Cảnh bán chức, cảnh mua quan,
Cảnh đương nghèo túng giàu sang tức thì.
Người tu niệm xét suy cho kỹ,
Một kiếp người bền bỉ bao năm?
Quả công tua sớm nên làm,
Đó là vốn liếng muôn năm cõi Trời.”
“Đời con có những gì đâu tá?
Mãi quẩn quanh trong bả lợi danh;
Thị phi, đắc thất bại thành,
Hơn thua, vinh nhục, dữ lành buồn vui.
Kẻ mộc mạc tới lui bất cập,
Người khôn ngoan sẽ vấp sảy chơn;
Rốt cùng nào có gì hơn,
Sống ăn mặc ở cũng trần thế gian.
Khi đắc thế huênh hoang hống hách;
Lúc thất thời nhân cách thảm thương;
Chợt nhìn mái tóc điểm sương,
Rồi mồ cỏ lạnh nắm xương rũ tàn.”
“Trên gối điệp chiêm bao mơ tỉnh,
Gắng thành tâm vui thính lời Ta;
Thế gian đâu phải là nhà,
Không tu một kiếp khổ mà ngàn thu.
………………………………
Mê giấc hòe lấp chôn thân thể,
Nợ mình gây chứa để dập dồn;
Làm cho xiêu lạc linh hồn,
Mất phần chơn tánh bảo tồn chi đâu.
Biển ái hà, càng sâu, càng thẳm,
Bớ đời ôi!!! Chớ ngắm mà lầm;
Chôn người mất trí mất tâm,
Mất luôn tam bửu khó tầm linh căn.”
(Trích từ nguồn Thánh Ngôn – Thánh Giáo Cao Đài)
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!
Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay!
Bạn thân ơi! có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi!
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay.
Cuộc đời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và đâu biết ngày mai?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi.
Thì người ơi xin đừng ganh đừng ghét
Đừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui.
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Đến mọi người xa lạ cũng như quen.
Ta là Cát ta sẽ về với Bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!
(Sưu tầm)