Đôi điều chiêm nghiệm về Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài

A.  DẪN NHẬP

Muốn lập một nền Đạo lớn lao như Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập Pháp thì làm sao điều độ được số lượng giáo đồ quá đông gồm toàn thể nhân loại. Do vậy ngay sau Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo, vào giờ Tý đêm Rằm rạng sáng 16 tháng 10 năm Bính Dần, Thầy đã ban hành Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài từ Phẩm Giáo Tông đến Lễ Sanh. Về sau Đức Lý Giáo Tông ban hành bổ sung thêm phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nữ Phái. Đây chính là Chánh Pháp do Đức Chí Tôn ban truyền để ứng dụng  riêng cho cơ Phổ Độ Kỳ Ba này.

Nếu chưa nghiên cứu kỹ về giáo lý Đại Đạo thì chúng ta sẽ rất dễ dàng cho rằng Pháp Chánh Truyền thật ra rất bình thường, không có gì là quan trọng lắm. Tuy nhiên nếu có thời gian chiêm nghiệm kỹ thì Pháp Chánh Truyền tuy với những lời văn mộc mạc súc tích đã nói lên được tôn  chỉ mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; Thể hiện được lý dịch thật rõ nét; Tình huynh đệ đại đồng; Quyền Pháp của Đạo và Pháp Chánh Truyền cũng đã cho chúng ta thấy được hình thể của Đức Chí Tôn được  thể hiện rõ ràng qua các qui định của Pháp Chánh Truyền.

B.  NỘI DUNG

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC LẬP PHÁP CHÁNH TRUYỀN CHO NỀN ĐẠI ĐẠO

Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính thức ra mắt nhơn sanh vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926). Sau đó một ngày, Đức Chí Tôn liền ban hành Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài để làm kim chỉ nam cho Hội Thánh thay mặt Người tại thế gian mà hành đạo cho có trật tự. Sự kiện đó chứng tỏ rằng luật lệ đối với hành chánh Đạo là quan trọng đến dường nào!

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI

1. CHỦ THỂ VÀ THỜI ĐIỂM BAN HÀNH PHÁP CHÁNH TRUYỀN (PCT) CỬU TRÙNG ĐÀI NAM PHÁI TỪ PHẨM GIÁO TÔNG CHO ĐẾN PHẨM LỄ SANH

Thầy ban PCT Cửu Trùng Đài Nam phái từ Phẩm Giáo Tông cho đến Phẩm Lễ Sanh.

Vào giờ Tý, đêm Rằm rạng sáng 16 tháng 10 Bính Dần, Đức Chí Tôn đã giáng đàn ban Pháp Chánh Truyền (PCT) Nam phái từ phẩm Giáo Tông cho đến Lễ Sanh. (Lịch sử Đạo Cao Đài quyển 2 của CQPTGLĐĐ trang 61).

2.  CHỦ THỂ VÀ THỜI ĐIỂM BAN HÀNH PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI NỮ PHÁI

Đức Lý Giáo Tông ban Pháp Chánh Truyền Nữ phái.

Ngày 11 tháng giêng năm Đinh Mão 1927 Đức Giáo Tông ban Pháp Chánh Truyền Nữ phái.

3.  CHỦ THỂ VÀ THỜI ĐIỂM BAN HÀNH PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI NAM PHÁI PHẨM CHÁNH, PHÓ TRỊ SỰ, THÔNG SỰ

 Đức Lý Giáo Tông bổ sung phần Chức Việc áp dụng cho cả nam và nữ.

Các phẩm Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự được qui định trong Đạo Nghị Định số ba.

(PCT chú giải, mục IX Quyền Hành Chánh Trị Sự.  Hội Thánh ban hành sáu Đạo Nghị Định vào ngày mùng 3 tháng 10 Canh Ngọ (1930))

III.  ĐÔI ĐIỀU CHIÊM NGHIỆM VỀ PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI:

1.  YẾU LÝ DƯƠNG LÀM CHỦ NỀN ĐẠO TRONG PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI: TẠI SAO PHẨM VỊ CAO NHẤT CỦA NỮ PHÁI CHỈ ĐẾN PHẨM ĐẦU SƯ?

PCT: Nữ Phái phải tùng Ðầu Sư Nữ Phái song Ðầu Sư lại phải tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.”

CHÚ GIẢI: Hội Thánh Nữ Phái phải tùng quyền Ðầu Sư Nữ Phái, song cả thảy đều phải tùng quyền Giáo Tông và Chưởng Pháp.

Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông.

Hộ Pháp để lời phân phiền cùng Thầy như vầy: Thưa Thầy, Thầy đã nói con cũng đồng con, Nam Nữ vốn như nhau mà Thầy truất quyền của Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông, thì con e mất lẽ công bình chăng?

Thầy dạy: “Thiên Địa hữu Âm Dương, Dương thạnh tắc sanh, Âm thạnh tắc tử. Cả Càn Khôn Thế Giái nhờ Dương thạnh mới bền vững; cả chúng sanh sống bởi Dương quang, ngày nào mà Dương quang đã tuyệt, Âm khí lẫy lừng, ấy là ngày Càn Khôn Thế Giái phải chịu trong hắc ám, mà bị tiêu diệt. Nam ấy Dương, Nữ ấy Âm, nếu Thầy cho Nữ phái cầm quyền Giáo Tông làm chủ nền Đạo thì Thầy cho Âm thắng Dương, nền Đạo ắt bị tiêu tàn ám muội. 

Hộ Pháp lại kêu nài nữa rằng: Thầy truất quyền Giáo Tông Nữ Phái thì đã đành, song quyền Chưởng Pháp thì tưởng dầu ban cho cũng chẳng hại.

Thầy dạy: Chưởng Pháp cũng là Giáo Tông, mà còn trọng hệ hơn, là vì người thay mặt cho Hộ Pháp nơi Cửu Trùng Ðài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị Giáo Tông, thì lẽ nào cho ngồi địa vị Hộ Pháp con. Bởi chịu phận rủi sanh, nên cam phận thiệt thòi, lẽ Thiên Cơ đã định, Thầy chỉ cậy con để dạ thương yêu binh vực thay Thầy kẻo tội nghiệp!”

2. YẾU LÝ  “BA HIỆP MỘT”

CHÚ GIẢI: Đức Giáo Tông ban quyền hành trọn vẹn cho Chánh Phối Sư, lại buộc cả ba đều để 6 bàn tay vào cho đủ (chẳng nên để hở) khi dâng luật, tức là buộc cả 3 cùng hiệp một mới đặng. Đầu Sư cũng vậy mà Chưởng Pháp cũng vậy, phải hiệp một mới hạp câu Thánh Ngôn: Một thành ba mà ba cũng như một”. Đây chính là lý đạo nhiệm mầu: “Ấy là cơ vô vi TINH KHÍ THẦN hiệp nhứt, chư hiền hữu khá nhớ à! Ngọc là Tinh, Thượng là Khí, Thái là Thần, nếu cả ba không hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng khá nhớ!” (TNHT)

Đây cũng chính là sự thể hiện của chữ “Hòa”. Có hòa hiệp mới bảo tồn được Chánh Pháp của Thầy và có hòa hiệp mới có được sự yêu thương trong tình huynh đệ đại đồng.

3.  PHẨM GIÁO TÔNG

3.1  Tình huynh đệ đại đồng trong toàn Đạo

PCT: “Giáo Tông là anh cả các con”

Đây chính là điểm rất đặc biệt của Tôn Giáo Cao Đài! Người tín đồ Cao Đài chỉ gọi duy nhất Đức Thượng Đế là Thầy, còn lại trong hàng chức sắc, chức việc đều gọi bằng huynh tỷ đệ muội, đều xem như là anh em một nhà, đều là con chung của cùng một Đấng Cha Lành.

3.2 Tại sao trong Pháp Chánh Truyền Thầy lại hạn chế quyền hành của Giáo Tông?

PCT: “Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn”?

CHÚ GIẢI: Ðây là lời Thánh giáo của Thầy đã dạy cho Đức Hộ Pháp khi Ngài hỏi Thầy về quyền của Giáo Tông.

Hộ Pháp hỏi: “Thưa Thầy theo như luật lệ Thánh Giáo Gia Tô Thầy truyền tại thế, thì Thầy cho Giáo Tông trọn quyền về phần hồn và phần xác; Người nhờ nương quyền hành cao trọng đó, Ðạo Thánh mới có thế lực hữu hình như vậy. Ðến ngày nay, Thầy giảm quyền Giáo Tông của mấy con về phần hồn đi, thì con sợ e cho Người không đủ quyền lực mà độ rỗi chúng sanh chăng?”

Thầy đáp: “Cười! Ấy là một điều lầm lạc của Thầy, vì nặng mang phàm thể mà ra. Thầy cho một người phàm đồng quyền cùng Thầy về phần hồn thì nó lên ngai Thầy mà ngồi, lại nắm quyền hành CHÍ TÔN ấy, đặng buộc nhơn sanh phải chịu lòn cúi trong vòng tôi tớ của xác thịt hơn nữa. Cái quyền hành quí hóa ấy, Thầy tưởng vì thương mà cho các con, nào dè nó là một cây gươm hai lưỡi để giục loạn cho các con.

Nay Thầy đến chẳng phải lấy nó lại, mà Thầy chỉ đến làm cho tiêu diệt cái hại của nó; nếu muốn trừ cái hại ấy thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.

Kẻ nào đã nắm trọn phần hữu hình và phần Thiêng Liêng, thì là độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ vào tay, thì nhơn sanh chẳng phương nào thoát khỏi vòng áp chế.

Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Ðạo và Ðời) thì “HIỆP THIÊN ÐÀI”  lập ra chẳng là vô ích lắm sao con? “CỬU TRÙNG ÐÀI”  là Ðời “HIỆP THIÊN ÐÀI” là Ðạo, Ðạo không Ðời không sức, Ðời không Ðạo không quyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh Giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo”.

Đến đây gợi cho chúng ta nhớ đến lời dạy của Thầy trong Thánh Ngôn hiệp tuyển: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa”.

4.    PHẨM CHƯỞNG PHÁP

4.1  TAM GIÁO ĐỒNG QUYỀN, TUY BA MÀ MỘT

PCT: “Pháp luật Tam Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một”.

“Ba ấn phải có trên mỗi luật mới đặng thi hành”

CHÚ GIẢI: “Bất câu luật lệ hay là kinh điển nào, dầu đã đặng hai vị Chưởng Pháp phê chuẩn rồi mà thiếu một thì cũng không đặng phép ban hành; Nghĩa là: trên Giáo Tông không đặng phép thị nhận; dưới Đầu Sư không đặng phép thi hành.”

“Ấy vậy Chưởng Pháp có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành. Luật lệ nào không có ba ấn Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn thì cả chư Tín đồ của Thầy không tuân mạng.”

Qua quy định này giúp cho chúng ta thấy được Thầy đã trao quyền hành rất lớn cho phẩm Chưởng Pháp. Mỗi vị Chưởng Pháp đều đóng một vai trò rất hệ trọng trong việc xét nét và phê chuẩn luật lệ. Đồng thời cũng qua quy định này gợi cho chúng ta thấy được một điều: Mọi luật lệ nếu muốn được thực thi cho cả chư Tín đồ thì đều buộc phải phù hợp với luật lệ của cả Tam giáo, nếu chỉ trái với luật lệ của một trong Tam giáo cũng sẽ  làm cản trở đến cơ tiến hóa của nhơn sanh.

4.2  CƠ CHẾ KIỂM SOÁT RẤT CHẶT CHẼ VÀ HI HỮU TRONG QUI ĐỊNH CỦA PHÁP CHÁNH TRUYỀN: CHƯỞNG PHÁP LÀ NGƯỜI THAY MẶT HỘ PHÁP (HIỆP THIÊN ĐÀI) NƠI CỬU TRÙNG ĐÀI.

CHÚ GIẢI: “Cửu Trùng Đài vẫn là Chánh Trị mà Chưởng Pháp lại thuộc về luật lệ, vậy thì Chưởng Pháp là người thay mặt Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài. Ấy là cơ Đạo cổ kim hi hữu”.

Thường thấy Thiên mạng hằng quá sức phàm thế, còn phàm thế thì hằng nghịch hẳn Thiên mạng; biết đâu một ngày kia Giáo Tông không lập ra luật lệ quá sức người phàm làm đặng, và Đầu Sư lại không xin một luật lệ quá phép Thiên Điều thì hai đàng ắt phải nghịch lẫn nhau; Nếu không có Chưởng Pháp đứng trung gian thế quyền Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài mà điều độ cho êm đềm hòa nhã thì nền Đạo phải chinh nghiêng sanh ra rối loạn, thượng hạ khắc nhau phải mất trật tự mà gây nên đảng phái.”

Nhờ cơ chế kiểm soát này mới đảm bảo được tính khách quan, thận trọng, “dân chủ” và chặt chẽ trong việc phê chuẩn luật lệ của Giáo Tông: “Dầu cho luật lệ ấy đã thuận ý Giáo Tông đi nữa thì Giáo Tông cũng không quyền phê chuẩn tức thì, nhưng buộc phải giao lại cho Chưởng Pháp xét nét trước đã.” (CHÚ GIẢI)

Đây cũng chính là thể hiện được lý dịch: “Trong Âm có Dương và trong Dương có Âm”; “Âm Dương hòa hiệp”. (Trong Cửu Trùng Đài lại có sự hiện diện của Hiệp Thiên Đài).

Cổ kim hi hữu thật! Vì mỗi cơ quan  hành sự sẽ không dẫm lên quyền hạn của nhau; có sự phân quyền và phân nhiệm rất rõ rệt; thể hiện bình đẳng một cách tuyệt đối. Vì Đạo Trời nhất  định phải có những nét tuyệt vời và hoàn hảo đặc biệt như vậy.

5.    PHẨM ĐẦU SƯ

5.1  Đầu Sư cầm quyền luôn cả về Chánh Trị và Luật Lệ (Vừa là người của Hiệp Thiên Đài nhưng cũng vừa là người của Cửu Trùng Đài).

PCT: “Đầu Sư có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của chư môn đệ Chí Tôn.”

Đầu Sư có trọn quyền về Chánh Trị của Cửu Trùng Đài và phần luật lệ của Hiệp Thiên Đài. Vậy thì Người có quyền thay mặt Giáo Tông và Hộ Pháp trước mặt nhơn sanh. Hễ thay quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp, tức là người của Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.

Nhờ có quyền hành lớn lao này, Đầu Sư có đủ thế lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn thì Đầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy.

Vì được quyền hạn rất lớn như vậy, nên để tránh việc chuyên quyền, trong  PCT Thầy có quy định: “Chúng nó phải tuân mạng lệnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy”.

CHÚ GIẢI: “Đầu Sư chỉ có tuân mạng lịnh của Giáo Tông mà thôi, dầu cho Người, là Người thay mặt cho Hiệp Thiên Đài về mặt luật lệ đi nữa  thì luật ấy trước đã xét nét bởi Chưởng Pháp và phê chuẩn của Hiệp Thiên Đài rồi, tức là luật lịnh của Hiệp Thiên Đài sẵn định vào đó.”

5.2  Bởi tùng theo Tân Luật nên quyền lực của ba chi vẫn như nhau.

PCT: “Ba chi tuy khác,  chớ quyền lực như nhau”

CHÚ GIẢI: “Ba vị Đầu Sư không ai lớn, không ai nhỏ. (Hay) Quyền vốn đồng quyền, luật lệ nào của Giáo Tông truyền xuống hay là của nhơn sanh dâng lên mà đã có Chưởng Pháp và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn thì dầu cho một người trong ba mà chịu vâng mạng thì luật lệ ấy cũng phải buộc ban hành”.

Đến đây chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm một điều: Tại sao luật lệ nào không có đồng thời cả ba Ấn của Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên Ðài phê chuẩn thì cả chư Tín Ðồ của Thầy không tuân mạng? Trong khi đó đối với Đầu Sư thì khi đã có cả ba Ấn của Chưởng Pháp và Hiệp Thiên Ðài phê chuẩn, thì dầu cho một người trong ba mà chịu vâng mạng thì luật lệ ấy cũng phải buộc ban hành? Cái nghịch lý ấy là luật Âm Dương trong Tam Tiên. Con số Tam tài: Thiên (Giáo Tông), Nhơn (Chưởng Pháp) đã hiệp rồi thì phần Đầu Sư (Địa) dầu chỉ một người cũng cho là đủ. Bởi vì Đầu Sư là đứng vào Địa Tiên. Hơn nữa, trong PCT CHÚ GIẢI có ghi: “Thảng có một người trong ba mà tuân mạng lịnh đặng thị cũng chưa quyết đoán rằng luật lệ ấy đã nghịch hẳn với nhơn sanh, mà  hễ nếu chưa nghịch hẳn cùng nhơn sanh thì buộc phải ban hành”.

5.3  Là người đại diện cho nhơn sanh, bảo vệ quyền lợi cho nhơn sanh

Thầy đã ban cho phẩm Đầu Sư có được quyền hạn rất lớn:

PCT: “Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng thị luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa”

Qua quy định này cho chúng ta thấy được tính “dân chủ” rất cao trong Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài. Không phải nhất nhất tất cả luật lệ nào mà khi đã được Giáo Tông và Chưởng Pháp phê chuẩn cũng đều buộc phải thi hành. Bởi vì Đầu Sư là người đại diện cho nhơn sanh, hiểu nhơn sanh hơn và là người bảo vệ quyền lợi cho nhơn sanh nên nếu khi cả ba đều ký tên không tuân mạng thì tất nhiên sẽ có lý do chính đáng của nó, do vậy Pháp Chánh Truyền quy định luật lệ ấy phải trả về cho Giáo Tông rồi Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại cho phù hợp với nhơn sanh hơn.

5.4  Quyền thống nhứt của Đầu Sư

 CHÚ GIẢI: “Đầu Sư có trọn quyền về phần chánh trị của Cửu Trùng Đài và phần luật lệ của Hiệp Thiên Đài. Vậy thì Người đặng quyền thay mặt cho Giáo Tông và Hộ Pháp trước mặt nhơn sanh.”

“Nhờ quyền lớn lao nầy Đầu Sư sẽ có đủ thế lực mà ngăn ngừa tà quyền hại đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Đầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy.”

Chúng ta hãy cùng dừng lại và cùng chiêm nghiệm về điều này! Tại sao khi gặp thế lực tà quyền hại đạo Pháp Chánh Truyền lại không giao quyền thống nhứt này cho Giáo Tông hoặc Hộ Pháp mà lại giao cho Đầu Sư mà lại còn buộc Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải phục mạng? Phải chăng Thầy không giao quyền thống nhứt cho Giáo Tông hoặc Hộ Pháp là để tránh chuyên quyền, độc đoán vì một khi quyền lực cao nhất mà được tập trung vào chỉ duy nhất một người đứng đầu thì sẽ rất dễ gây nên những điều sai quấy và rất dễ trái luật đạo mà không ai có thể ngăn cản được. Trong khi đó, Đầu Sư bao gồm cả 3 vị, do vậy khi quyết định làm việc gì cũng phải có sự thống nhất chung của cả ba chứ không có sự chuyên quyền của một người, bên cạnh đó mọi luật lệ và mệnh lệnh của Đầu Sư ban ra trong thời điểm này đều đã phải tuân theo mạng lệnh của Giáo Tông và Hiệp Thiên Đài lúc trước đã phê chuẩn rồi, do vậy không phải lo bị trái lẽ Đạo và bị chuyên quyền, độc đoán. Có lẽ đây là quyền hành rất đặc biệt mà Thầy đã ân ban cho phẩm Đầu Sư.

6.    PHẨM  CHÁNH PHỐI SƯ

6.1  Tại sao Thầy không cho Chánh Phối Sư lập luật?

PCT: “Ba vị Chánh Phối Sư đặng phép thế quyền cho Đầu Sư, song không đặng quyền cầu phá luật lệ.”

CHÚ GIẢI: “Trên kia đã nói Chánh Phối Sư là Người thay mặt cho cả nhơn sanh giữa Hội Thánh, ấy là người làm chủ nhơn sanh trong nền Đạo (1), hễ là làm chủ nhơn sanh, ấy là nhơn sanh vậy” [(1): Đây cũng nên giải, vì cớ nào kể từ phẩm Chánh Phối Sư trở xuống thuộc về thế, nghĩa là đời và từ phẩm Đầu SƯ trở lên thuộc về Thánh, nghĩa là Đạo, bên Hiệp Thiên Đài cũng có Đời và Đạo, mà Bát Quái Đài cũng phải có vậy, mới nhằm cơ hiệp một đời cùng Đạo. Tức là trong Đạo có Đời, mà trong Đời cũng có Đạo].

“Hễ trái mạng lịnh Thiêng Liêng, sửa cải luật lệ mà hành sự, hoặc thêm, hoặc bớt thì là phạm phép Thiên điều làm cho Thánh Giáo trở nên Phàm Giáo. Nhơn sanh là Phàm, Hội Thánh là Thánh, nếu không Hội Thánh phê chuẩn thì những điều chi sửa cải bởi Chánh Phối Sư, nghĩa là nhơn sanh đều là Phàm cả mà hễ Phàm thì khó mong lập vị Thánh cho đặng. Bởi cớ ấy nên Thầy không cho Chánh Phối Sư lập luật; Ấy cũng là cơ mầu nhiệm, diệt Phàm của Đạo vậy”.

 6.2  Nguyên tắc phân quyền rất cụ thể rõ ràng, ở phẩm vị nào thì chỉ thực hiện quyền hành của phẩm vị đó chứ không có sự lấn quyền của nhau.

Giữa cấp lãnh đạo ở trung ương và cấp thừa hành ở địa phương có một phẩm vị trung gian rất quan trọng là ba vị Chánh Phối Sư. Ba vị này chỉ được tùng quyền ngài Đầu Sư mà hành sự. Thật là hợp lý vì đã tôn trọng nguyên tắc phân quyền thì một người được ban cho quyền hành sự không thể kiêm nhiệm luôn quyền lập luật. Về điểm này Pháp Chánh Truyền có chú giải rõ ràng về quyền hành của Chánh Phối Sư như sau: “Người nắm trọn quyền hành sự nơi tay, chỉ tùng lịnh Đầu Sư phán dạy thế nào thì phải tuân theo thế ấy, chẳng đặng cải mạng lịnh, tự mình chế biến, nhứt nhứt đợi lịnh Đầu Sư, song Đầu Sư cũng không đặng phép giành quyền của ba vị ấy. Hễ Đầu Sư lấn quyền hành sự mà không do nơi Chánh Phối Sư thì là quá quyền mình, ắt phải phạm Pháp Chánh Truyền”.

7.   PHẨM PHỐI SƯ; GIÁO SƯ; GIÁO HỮU; LỄ SANH

Khi nói đến các phẩm vị trên thì trước hết chúng ta phải nói đến vấn đề dạy dỗ mà đối tượng là nhân sanh. Muốn dạy dỗ người, nói pháp cho họ nghe, điều cần nhất là người phụ trách công việc đó phải có đủ tâm, hạnh, đức, tài. Còn nếu lỡ kém tài, thì ít ra tâm đức phải hơn người. Do vậy Pháp Chánh Truyền bắt buộc muốn cầu phong vào hàng chức sắc Hội Thánh thì phải qua hàng Lễ Sanh là phẩm vị có hạnh hơn hết được lựa chọn trong hàng tín đồ là vậy.

Về sự dạy dỗ, Pháp Chánh Truyền có chú giải như sau: “Cả chức sắc Hội Thánh Cửu Trùng Đài của Thầy lập, phải tùy theo tôn chỉ Đạo,  nghĩa là xu hướng về phần giáo dục mà thôi. Thầy đã xưng là Thầy đặng dạy dỗ, còn tên của chức sắc đủ chỉ rõ ràng phận sự giáo hóa là chánh vai của mỗi người, như Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Giáo Tông; xem rõ lại thì tên mỗi vị chẳng mất chữ Giáo hay là chữ Sư. Cơ Đạo từ cổ chí kim vẫn vậy, lại hiệp lời nầy: “Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị Đạo, Tu Đạo chi vị Giáo.” Thầy chỉ cậy Hội Thánh, Thầy đã đến lập, thay quyền cho Thầy mà dạy dỗ cả con cái của Thầy, nghĩa là chúng sanh đặng lành, ấy là phận sự cần nhứt của Hội Thánh đó.”

Muốn cho nhơn sanh chịu nghe lời dạy dỗ thì điều kiện thiết yếu bắt buộc người lãnh nhiệm vụ dạy dỗ nhơn sanh phải có hạnh làm người. Cho nên Pháp Chánh Truyền bắt buộc ai muốn cầu phong vào hàng chức sắc Hội Thánh đều phải qua hàng Lễ Sanh là phẩm vị được chọn lựa trong hàng tín đồ có hạnh hơn hết.

Qua đó chúng ta thấy được nhiệm vụ  chính yếu của Hội Thánh là thương yêu, dắt dìu con cái của Đức Chí Tôn mà có đạt được kết quả tốt đẹp hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố trong đó có luật pháp Đạo dùng để bảo tồn trật tự.

8.  PHẨM CHÁNH TRỊ SỰ, PHÓ TRỊ SỰ, THÔNG SỰ

Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự là Chức Sắc của Đức Lý Giáo Tông lập thành. Ba phẩm này rất quan trọng, là hiện thân, thay mặt cho Giáo Tông và Hộ Pháp ở mọi lúc, mọi nơi. Ba phẩm này được gọi chung là Ban Trị Sự.

Nhờ có 3 phẩm này mà giúp cho Chơn Lý Đạo được rải đến khắp nơi, nhơn sanh luôn được chăm nom, giúp đỡ cho mọi sự sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, giúp khó, trợ nghèo, có quyền xử đoán, nhất là những việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong phần Ðịa phận của mình; là  “cánh tay nối dài”, là “con mắt” của Giáo Tông và Hộ Pháp, thay mặt cho Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài chiếu soi đến khắp nơi để chia khổ ban vui, gìn giữ lẽ công bằng cho nhơn sanh.

8.1  CHÁNH TRỊ SỰ (ĐẦU SƯ em):

– Là người thay mặt Đức Lý Giáo Tông ở khắp mọi nơi để chăm lo cho nhơn sanh cả về Chánh Trị và luật lệ (Đầu Sư em).

Chánh Trị Sự vừa là người đem tình thương ban rải khắp nơi và cũng vừa là người giữ gìn lẽ công bình trong nhơn sanh.

CHÚ GIẢI: Chánh Trị Sự phải chăm nom, giúp đỡ sự sanh hoạt của môn đệ Thầy đã chịu dưới quyền điều khiển, giúp khó, trợ nghèo, coi cả Tín Đồ như em ruột, có quyền xử đoán, nhứt là việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong phần địa phận của mình, song phải tùng lịnh Giáo Hữu và Lễ Sanh cùng người Đầu Họ.

– Tại sao Chánh Trị Sự là người của Cửu Trùng Đài mà vừa nắm quyền Chánh Trị của Cửu Trùng Đài lại vừa được nắm quyền luật lệ của Hiệp Thiên Đài?

Về điểm này, Pháp Chánh Truyền có chú giải như sau: “Lời Đức Lý Giáo Tông nói: Chánh Trị Sự là người thay mặt Lão, làm anh cả của chư Tín đồ trong phần địa phận của nó, Lão muốn thế nào cho Lão có mặt khắp nơi, tận ven Trời cùng góc bể. Lão tưởng Hiền Hữu cũng muốn vậy chớ. Trong nhơn sanh, hạng trí thức thì ít, hạng ngu muội thì nhiều, nếu chúng ta không có đủ sức điều đình, thì khó mà rải chơn lý Ðạo khắp nơi cho đặng. Càng thân cận với nhơn sanh lại càng chịu nhiều sự khó khăn rắc rối; chúng ta phải liệu phương nào mà trừ diệt những sự khó khăn ấy  khi mới nảy sanh ra thì nền Ðạo mới khỏi loạn lạc. Vậy Lão xin Hiền Hữu ban quyền cho Chánh Trị Sự đặng phép xử trị, hầu có thể dạy dỗ, sửa răn, thay quyền cho chúng ta trong chốn thôn quê sằn dã”. (Khi ấy Hộ Pháp đã chịu lời cùng Đức Lý Giáo Tông và đã hiểu rõ ý tứ cao thượng ấy).

– Đến đây, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm một điều: Tại sao phẩm Giáo Tông không được phép nắm cả quyền Chánh trị và Luật lệ trong khi đó Phẩm Đầu Sư và Phẩm Chánh Trị Sự lại được nắm cả hai quyền này?

Phải chăng phẩm Giáo Tông là phẩm cao nhất, nếu Thầy giao trọn cả 2 quyền Chánh Trị và Luật lệ vào tay Giáo Tông thì sẽ không thể không tránh khỏi sự chuyên quyền, áp chế. Trong Pháp Chánh Truyền chú giải Thầy có dạy: “Kẻ nào đã nắm trọn phần hữu hình và phần Thiêng Liêng, thì là độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ vào tay, thì nhơn sanh chẳng phương nào thoát khỏi vòng áp chế. Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Ðạo và Ðời) thì “HIỆP THIÊN ÐÀI”  lập ra chẳng là vô ích lắm sao con? “CỬU TRÙNG ÐÀI”  là Ðời “HIỆP THIÊN ÐÀI” là Ðạo, Ðạo không Ðời không sức, Ðời không Ðạo không quyền, Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh Giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo”.

Còn đối với 2 phẩm Đầu Sư và Chánh Trị Sự tuy được nắm cả 2 quyền Chánh trị và Luật lệ trong tay nhưng vẫn là cấp dưới, vẫn luôn phải chịu sự “kiểm soát” và tuân theo mạng lệnh của cấp trên. Đầu Sư vẫn phải tùng quyền Giáo Tông. (Trong Pháp Chánh Truyền, Thầy có quy định: “Chúng nó phải tuân mạng lệnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy”.)  Hơn nữa, dầu cho Đầu Sư có thay mặt cho Hiệp Thiên Đài về mặt luật lệ thì luật ấy trước đã được xét nét bởi Chưởng Pháp và phê chuẩn của Hiệp Thiên Đài rồi, tức là luật lịnh của Hiệp Thiên Đài sẵn định vào đó.

Còn Chánh Trị Sự vẫn phải chịu sự “kiểm soát” của Thông Sự và cấp trên là Giáo Hữu và Lễ Sanh cùng người Đầu Họ nên không thể chuyên quyền và làm điều trái lẽ đạo được.

Đây quả thật là quy định rất đặc biệt và là một cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ mà Ơn Trên đã lập ra trong Pháp Chánh Truyền.

8.2  PHÓ CHÁNH TRỊ SỰ (GIÁO TÔNG em):

Phó Trị Sự là người luôn mang tình thương ban rải đến khắp mọi nơi, là người chỉ có quyền về Chánh Trị chứ không có quyền về luật lệ.

CHÚ GIẢI: “Người có quyền về Chánh Trị chớ không có quyền về luật lệ, đặng phép sửa đương, giúp đỡ dìu dắt, dạy dỗ chư Tín đồ trong địa phận trấn nhậm mà không đặng phép xử đoán.”

“Cấm nhặt không cho Phó Trị Sự lấn quyền về luật lệ”.

8.3  THÔNG SỰ (HỘ PHÁP em):

Thông Sự là người chỉ có quyền về luật lệ chứ không có quyền về Chánh Trị. Là người luôn gìn giữ lẽ công bình cho nhơn sanh.

CHÚ GIẢI: “Những chi sái luật Ðạo, chẳng y theo lịnh Hội Thánh tư truyền, hoặc sửa cải Tân Luật, hoặc cải lịnh hành chánh, nếu chẳng có phép của Chánh Trị Sự truyền dạy mà Phó Trị Sự tự chuyên thi hành, Hội Thánh lại không hay biết chi hết  thì tội tình ấy về phần Thông Sự.

Tuy người phải chịu dưới quyền Chánh Trị Sự mặc dầu, song đặng quyền sửa lỗi của Chánh Trị Sự. Thảng như đã thấy lẽ vô Ðạo hiển nhiên của Chánh Trị Sự, thì Thông Sự đặng phép can gián sửa lỗi; nếu đã nhiều phen mà Chánh Trị Sự chẳng nghe và đã có tư tờ về Cửu Trùng Ðài mà Cửu Trùng Ðài yêm ẩn  thì người đặng phép tư  tờ về Hiệp Thiên Ðài mà cầu xin sửa trị. Người phải chăm nom, binh vực những kẻ cô thế, bất câu người có Ðạo hay là ngoại Ðạo, hoặc là bị tai nạn thình lình, hoặc bị nghèo nàn đói khó, hoặc bị bịnh hoạn cô thân, hoặc phải bị tha hương lữ thứ, hoặc bị yếu tha già thải,  người đặng trọn quyền buộc Phó Trị Sự phải liệu phương giúp đỡ.”

Thông Sự được trao quyền hành rất đặc biệt là vừa tùng quyền Chánh Trị Sự nhưng lại vẫn có quyền sửa lỗi của Chánh Trị Sự. Điều này cho chúng ta thấy được một cơ chế “kiểm soát” rất chặt chẽ và hi hữu, luôn đảm bảo gìn giữ được lẽ công bình trong mọi lúc, mọi nơi.

Do vậy vai trò của Thông Sự rất là trọng yếu vì người luôn giữ vai trò là gìn giữ lẽ công bằng cho nhơn sanh. Thầy đã nói:“Nếu dưới mắt các con còn thấy một điều mất lẽ công bình  thì Đạo chưa thành lập. Bực hạ đẳng nhơn sanh thường bị hiếp đáp vì mất lẽ công bình hơn hết. Bởi cớ ấy mà quyền của Thông Sự rất nên yếu trọng” (CHÚ GIẢI)

Đến đây chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm tại sao Chánh Trị Sự (phẩm lớn nhất của hàng chức việc) lại là Đầu Sư Em mà không phải là Giáo Tông Em, và Phó Trị Sự tại sao không là Đầu Sư Em mà là Giáo Tông Em? Chúng ta cùng trở lại với quyền thống nhứt của Ba Đầu Sư, một đặc quyền vừa là quyền Chánh Trị lại kiêm cả quyền luật lệ. Và cũng bởi cái quyền đặc biệt này mà Chánh Trị Sự được gọi là Đầu Sư Em (giống như đặc quyền của Đầu Sư), nên mặc đạo phục Cửu Trùng Đài mà có thêm dây sắc lịnh màu trắng buộc ngang bụng (dây sắc lịnh tượng trưng cho luật lệ, tức quyền “Tư pháp”). Ngược lại, Phó Trị Sự chỉ có quyền về Chánh Trị chứ không có quyền về luật lệ (giống như quyền hành của Giáo Tông nên được gọi là Giáo Tông Em). Do vậy Phó Trị Sự mặc đạo phục không có thắt dây sắc lịnh trắng ngang bụng. Và Thông Sự là người thay mặt cho Hộ Pháp giữ gìn luật lệ trong địa phương mình, không có quyền về Chánh Trị mà chỉ có quyền về luật lệ (giống như quyền hành của Hộ Pháp nên gọi là Hộ Pháp Em) nên mặc đạo phục không có viền chỉ kim tuyến, hai bên cổ có thêu ba Cổ Pháp của Đạo y như của Hộ Pháp, có thắt dây sắc lịnh trắng. Quyền hành của Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự quả thật là rành mạch, phân minh, chẳng khác nào quyền hành của Giáo Tông, Hộ Pháp và Ba Đầu Sư đã cùng được minh giải trong Pháp Chánh Truyền. Vì vậy mà Ban Trị Sự được gọi là Hội Thánh Em, thay mặc cho Hội Thánh Lưỡng Đài trông nom chăm sóc mọi sinh hoạt về tinh thần lẫn vật chất của bổn Đạo trong địa hạt của mình.

Chúng ta chỉ cần hiểu thấu đáo về sứ mạng của Ban Trị Sự, và thực thi đúng cái tinh thần theo luật định về các chức vụ Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự là chúng ta cũng đã thấy được hết giá trị của những gì ghi chép trong Pháp Chánh Truyền rộng lớn biết bao. Cho nên sứ mạng của Ban Trị Sự là vô cùng khó khăn, nặng nề, chứ không phải dễ dàng như có người lầm tưởng. Để nói lên tầm quan trọng của Ban Trị Sự, Pháp Chánh Truyền đã dùng danh từ Hội Thánh Em để gọi Ban Tri Sự thật là tuyệt hảo lắm thay!. Ban Trị Sự rất gần gũi với nhơn sanh nên dễ dàng thay mặt cho Hội Thánh săn sóc đời sống của mọi Tín đồ, đồng thời Ban Trị Sự rõ ràng tường tận hơn ai hết trong việc nắm bắt được các nguyện vọng của chư Tín đồ hầu đệ trình lên Hội Thánh các nguyện vọng đó để Hội Thánh tìm phương pháp giải quyết thỏa đáng mọi thắc mắc và hỗ trợ giúp đỡ cho chư Tín đồ. Qua đây cũng giúp cho chúng ta thấy được tuy phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sư, Thông Sự không phải là lớn so với hàng cửu phẩm của Cửu Trùng Đài nhưng phẩm này lại vô cùng hệ trọng và thiêng liêng cao cả. Bởi vì nhờ có phẩm này mà Chơn Lý Đạo mới được ban rải đến khắp mọi nơi, tận ven Trời cùng góc bể như lời dạy của Đức Lý Giáo Tông.

9.  QUYỀN HÀNH CỦA CÁC PHẨM NỮ PHÁI

CHỈ CÓ QUYỀN HÀNH ĐỐI VỚI NỮ PHÁI

– Gồm 7 cấp, đứng đầu từ phẩm Đầu Sư cho đến Tín Đồ.

– Quyền hành của từng phẩm vị giống như quyền hành phẩm vị tương ứng của Nam Phái nhưng chỉ có quyền hạn đối với phái nữ, không có chia ba phái Thái Thượng Ngọc như ở Nam Phái.

Đức Lý Giáo Tông lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái nhằm cậy nhờ Nữ phái để giáo hóa các nữ tín đồ. Bởi vì theo luật Đạo thì Nam phái không đặng phép xen lẫn qua để điều đình Nữ phái được (Nữ Nam phân biệt rõ ràng).

C.    THAY LỜI KẾT

Pháp Chánh Truyền là Pháp lý công bình của Thiên Đạo, để điều hành guồng máy Hành Chánh Đạo Cao Đài, lập chủ quyền cho Đạo.

Vì sự cần ích rất quan trọng đó mà mỗi một người Tín đồ – Chức việc – Chức sắc Cao Đài đều phải tuân thủ mà không được phép sửa cải, hay thêm bớt Pháp Chánh Truyền.

Chúng ta rất diễm phúc được Đức Chí Tôn ban ân huệ cho dân tộc Việt Nam một mối Đạo Trời, để dìu dắt tận độ nhơn loại trong buổi Hạ Nguơn Mạt Pháp này bằng một “Hiến Pháp” với đầy đủ bác ái công bình, thương yêu công chánh, hiệp nhứt cả Trời và Người đồng trị.

Pháp Chánh Truyền quả là một bộ luật quí báu vô cùng! Càng đem khai triển và càng chiêm nghiệm chúng ta càng thấy được nhiều giá trị độc đáo trong đó. Chỉ với vai trò của Ban Trị Sự không thôi cũng đã là vô cùng hay, vô cùng tốt đẹp rồi huống chi nói đến những vấn đề khác như vai trò của ba vị Chưởng Pháp, ba vị Đầu Sư, ba vị Chánh Phối Sư… trong Hội Thánh Cửu Trùng Đài.

Chánh Tuân

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *