Tìm hiểu cành Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư

caymai.gif
Tìm hiểu cành Mai
trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư

Mỗi khi mùa Xuân  đến, người ta  thường nhớ đến bài kệ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) đời Lý:

Hoa mai mơ
(Prunus mume)
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục tiền nhãn quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Ngô Tất Tố dịch như sau:
“Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt: việc đi mãi
Trên đầu: già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai”.

Trong bài kệ này, hình ảnh nổi bật nhất là “một cành mai”. Vậy, cành mai này là loại mai gì? Chúng ta thử tìm hiểu về “nhất chi mai” mà Sư Mãn Giác muốn nói đến.

Ở Việt Nam , mai là tên đặt cho một số loại cây khác nhau như: mai chiếu thủy, mai tứ quý (mai đỏ), mai vàng (huỳnh mai), mai cánh lõm, mai (mơ), mai hoa… 

Trong các loại mai vừa nêu, ta thấy mai chiếu thủy (wrightia religion hookf), mai tứ quý (ochna astropurpura DC.) đều không phải là loại mai trong bài kệ.

Loại mai vàng (ochna intergerrima (Lour.) merr.) là cây mọc hoang ở rừng còi và rừng thưa ẩm hay khô, độ cao dưới 1.200m; có khi gặp dọc các bờ sông, cho đến các vùng gần biển, từ Quảng Trị vào Nam. Loại cây này có hoa nở trước khi ra lá. Hoa to mọc thành chùm ở nách lá. Hoa màu vàng, có 5 cánh (hoặc nhiều hơn), nhiều nhụy dài, mùi thơm. Lá đài màu xanh sẫm, khi hoa đã kết quả xanh thì lại chuyển sang màu đỏ, làm tăng thêm vẻ đẹp cho cây.

Mai vàng đẹp cả dáng và hoa, nên thường được trồng làm cảnh trong chậu, trong sân vườn, hoa viên, làm cây bonsai. Người ta thường cắt cành cắm vào bình để trang trí trong nhà vào dịp đón Tết Nguyên đán.
Khi hoa mai vàng nở là báo hiệu mùa Xuân đã đến ở phương Nam (miền Trung và miền Nam Việt Nam ).

“Xuân này trong ấy ra sao nhỉ
Ngõ cũ hoa mai nở mấy cành”
 (Nguyễn Bính)

Loại mai cánh lõm (gomphia serrata (gaerton) kanis) cũng chỉ có từ Quảng Trị trở vào các tỉnh Nam Bộ.
Ở miền Bắc, có một loại cây mà người ta thường gọi là mai, nhưng thực ra đó là cây mơ (prunus mume sieb et Zucc.). 

Loại cây này có lá, quả rất giống cây hạnh (prunus armenica L.) nên người Pháp gọi lầm cây mơ là abricotier (hạnh). Cây hạnh có 2 loại: một trồng để ăn quả tươi và một trồng để ăn hạt (hạnh nhân) hoặc làm thuốc. Còn mơ được trồng làm cây cảnh vì có hoa đẹp (màu trắng, màu hồng hoặc hồng nhạt), hương thơm, có thể trồng để ăn quả tươi, chế nước uống giải khát, ngâm rượu, ướp muối phơi khô để làm ô mai.

Mơ được trồng nhiều ở Hà Tây (vùng chùa Hương, thuộc huyện Mỹ Đức), Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Loại cây này được nhà thơ Chu Mạnh Trinh nói đến trong bài “Hương Sơn phong cảnh ca”:

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.

Cây mơ có đặc điểm là ra hoa rộ vào tháng 1, tức tháng rét nhất ở miền Bắc và thường bị một vài đợt gió Đông Bắc gây mưa phùn ảnh hưởng tới đậu quả. Mơ có nhiều giống, như: mơ rừng, mơ vàng, mơ Đông Mỹ, mơ Hải Hậu… loại mơ ở chùa Hương là giống mơ ngon nổi tiếng, người Trung Quốc gọi là thanh mai. Những người yêu thơ, nhạc đều cảm xúc trước hình ảnh “Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ” của Nguyễn Bính.

Tuy nhiên, cành mai trong văn học nghệ thuật thường bị lẫn lộn giữa cây mai mơ (P. mume S. et Z.) và cây mai hạnh (P. armenica L.).

Mãn Giác Thiền sư sống vào thời nhà Lý, từ đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đến đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Vào thời kỳ này, trong triều có Ỷ Lan nguyên phi, mẹ của vua Lý Nhân Tông, là người rất sùng mộ đạo Phật. Bà đã cho xây dựng hơn 100 ngôi chùa, tháp và thỉnh nhiều bậc cao tăng vào hoàng cung để thọ giáo lý. Những lời vấn đáp giữa bà và các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời sách Thiền uyển tập anh sau này.

Khi có bệnh, Sư Mãn Giác đã làm bài kệ Cáo tật thị chúng với hình ảnh một cành mai vẫn nở dù mùa Xuân đã đi qua, đã để lại cho đời sau một áng văn tuyệt tác, đầy ý nghĩa nhân sinh và tâm linh.

Loại mai này được các văn nhân thi sĩ gọi là tuyết mai, bạch mai, diêm mai, lục mai hoa, sương mai… Mai được xếp đầu bảng các loại hoa mùa Xuân, cùng với tùng và trúc thể hiện khí tiết kiên nghị của người quân tử: Tuế hàn tam hữu.

Trong bài thơ Hoa mai, Nguyễn Trãi (1380-1442) viết:

“Giữa mùa Đông, lỗi thức xuân
Nam chi nở cực thanh tân
Trên cây khác ngỡ hồn cô dịch
Đáy nước ngờ là mặt Thái Chân (tức Dương Quý Phi)
Càng thuở già, càng cốt cách
Một phen gió, một tinh thần
Người cười rằng kém tài lương đống
Thửa việc điều canh bội mấy phần”.

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du (1765-1820) nhiều lần nói đến hoa mai, nhưng câu tả hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, thật là tuyệt tác:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.

Nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) một đời ngang dọc, đã cúi mình trước đóa hoa mai thanh cao, trong sáng:

“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đệ thủ bái mai hoa”.

Hoa mai không chỉ đẹp, có ý nghĩa tinh thần cao quý, mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc đời. Y học cổ truyền cho rằng hoa mai trắng có vị chua, hơi chát, tính bình, không độc, tác dụng làm sáng mắt, khai vị, tán ứ. Thường dùng chữa nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiêu hóa kém, ho có đàm. Ngày dùng 5-10g, sắc uống.

Quả mai chế thành ô mai (bạch mai chế) có vị mặn, chua, tính bình, tác dụng khai uất, hòa trung, hóa đàm, giải độc, giải khát, giải phiền nhiệt… Ngày dùng 4-6 quả, ngậm nuốt nước dần hoặc sắc uống.

Trong sách Thuyết Uyển có chép một câu chuyện về hoa mai rất thú vị như sau:
Sứ giả nước Việt là Gia Phát đến Trung Nguyên để gặp vua nước Lương. Lễ vật mà ông dâng lên vua Lương là một cành mai, tỏ ý trân trọng, tôn kính nhà vua. Đại thần nước Lương tên là Hàn Tử cho rằng dùng cành mai bé nhỏ để làm lễ vật yết kiến nhà vua là không phải, nên có ý làm khó sứ giả.

Hàn Tử nói: “Đại vương chúng tôi có bệnh nếu các ngài đội mão thì sẽ lấy lễ đại nhân để đón tiếp, nếu không sẽ không tiếp kiến”.

Gia Phát đáp: “Nước Việt chúng tôi có tục cắt tóc, xâm mình, sao có thể đội mão được? Nếu nói như vậy, sau này khi sứ giả Trung Nguyên các ngài đến nước Việt chúng tôi, chúng tôi yêu cầu các ngài cũng cắt tóc, xâm mình mới tiếp kiến, các ngài sẽ xử sự như thế nào?”.

Vua nước Lương nghe xong rất khâm phục tài trí của sứ giả nước Việt, liền y phục chỉnh tề tiếp kiến Gia Phát.

Như vậy, cành mai trong bài kệ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư chính là cây mai mơ (P. mume S. et Z.) của Việt Nam , mà đại biểu xuất sắc nhất là rừng mai ở Hương Sơn.

ĐINH CÔNG BẢY (Tổng Thư ký Hội dược liệu TP.HCM.)
Nguồn: GIÁCNGỘonline

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *