Tỉnh thế

    giac-ngo-tu-hanh

    TỈNH THẾ

(Ngày 26 tháng 8, Bính Tý (1936) – Trích Kinh Đại Thừa Chơn Giáo)

                Thi:

CAO đức thấm nhuần khắp tứ châu,

ÐÀI sen thọ hưởng quả linh mầu,

GIÁO dân tỉnh ngộ đường Chơn Ðạo,

CHỦ định chiêu chương Thánh Ðạo thâu.

       Thầy mừng các con.

                Phú:

Nguồn Ðạo đức thâm vi nhiệm lý,

Bổn chơn truyền lập chí tìm ra,

Máy dinh hư chẳng có bao xa,

Nguồn tận diệt bày ra trước mắt.

Cuộc xáo lộn Ðông, Tây, Nam, Bắc,

Nạn chiến tranh đạo tặc dẫy tràn,

Ôi! Muôn nhà trăm họ lầm than,

Chịu khốn khổ tai nàn thảm thiết.

Ðạo ra đời là đời tận diệt,

Nên Phật, Tiên cho biết mà tu,

Người thế thường chác những hèn ngu,

Cắm cổ chết trong ngục tù tội lỗi.

Khuyên nhủ mãi sao đời không tự hối,

Mảng vui say hụp lội biển mê,

Cuộc hành tàng dòm thấy bắt gớm ghê!

Người kêu réo mãi không hề đếm xỉa.

Tai Trời đến mới kinh hồn mất vía,

Nhớ lại Thầy, Thầy đã đi đâu!

Quyết lấp xô biển khổ thành sầu,

Nhưng phải chịu bể dâu trong một thuở.

           

  Trường Thiên:

         Gióng chuông Thánh Ðức truy hồn,

Ðạo hưng cứu thế bảo tồn vạn linh.

         Cuộc đời đáng thị đáng khinh,

Ðáng chê đáng bỏ, chôn mình làm chi?

         Ðời đáng ghét, đời đáng khi,

Ðáng xa cho rảnh, đáng ly cho rồi.

         Ðời người là vũng tanh hôi,

Là ao nhơ bẩn, là mồi quỷ câu.

         Mắt phàm trông thấy sắc màu,

Dục lòng tham chạ, cắm đầu chết  nguy.

         Trông ra nhơn loại thời suy,

Toan bề đâm chém chẳng vì thương yêu.

         Làm cho cột ngã thành xiêu,

Nhà hư nước loạn tiêu điều thế gian.

         Nhìn đời đổ lụy chứa chan,

Xót thương cho nỗi mấy đàn con ngu.

         Chịu trong khám tối mây mù,

Sa chơn vào chỗ lao tù ngàn năm.

         Thầy nhìn phát động thương tâm,

Ðến đây chỉ chỗ sai lầm của con.

         Gây thành tội chất bằng non,

Trả cho tiêu hủy thì còn chi thân!

         Mê đời chung chịu khổ thân,

Ðạo tâm u ám tinh thần muội mê.

       Thầy thấy bầy con ở thế gian, vì miếng ăn đất ở, vì danh vọng mà các con cắn xé nhau, chia rẽ nhau, nào khác chi rắn chung hầm, vì đói mà cắn giết nhau, nuốt ăn nhau, đâu biết suy xa nghĩ tột.

       Ôi! các con đồng mắc phải tội tình, chịu cái nạn chung trong ao sầu, vũng khổ, mà các con không tầm đường tẩu thoát, lo cứu vớt cho nhau, lại toan bề sát hại lẫn nhau. Khờ lắm thay! Dại lắm thay!

       Cái cuộc đời là sông mê bể khổ, con người chỉ bị ham muốn mà linh hồn hãm chặt vào chỗ nguy nàn. Phải biết thế gian là cuộc bày trò gạt chúng, toàn là giả mộng phù vân.  Bởi vậy cho nên thất tình, lục dục nó luống mê sa mồi lợi lộc, bả vinh hoa mà chôn chặt con người trong bốn tường: sắc, tài, tửu, khí.  Thiệt đời là khổ, muôn việc chi cũng khổ, con người vì ham đem trí não vào cuộc vui thích của tình đời mới chịu buồn, lo, sầu, thảm, não nuột, đớn đau.

       Mở mắt chào đời, người đà thấy khổ.  Ôi! từ sanh chí tử, biết bao nhiêu là nạn nọ tai kia, đến khi lưng mỏi gối dùn lại bịnh tật phát sanh, chồng chập muôn vàn sự khổ.

       Nhưng thế gian dẫu là chí khổ, mà khổ ấy lại cần phải có; vì có khổ, thế gian mới trở nên một trường thi tấn hóa cho nhân loại.

       Tuy nhiên, Thầy nay hỏi thử các con:  Có thiệt tại đời là khổ, hay tại ở các con tạo gây lấy khổ cho mình?

       Các con hãy xét, đời đâu có khổ, chỉ tại các con chác khổ mà thôi. Bao nhiêu sự ham muốn, đắm mê, lầm lạc là bao nhiêu con đường mở rộng để rước ngay cái khổ vào mình. Không ham muốn, đắm mê, lầm lạc, làm sao có oan khiên, quả báo, luân hồi. Hễ ham vinh hoa phú quí thì chịu tâm khổ, thân lao; mà muốn vợ đẹp con khôn lại bị thê thằng tử phược. Cứ mảng say mê trong trường mộng ảo, miệt mài theo bốn vách, chìu lụy với bảy tình, mà theo đuổi muôn vàn điều ưa thích muốn ham, thế mới gây nên những cái thảm họa tàn khốc cho thây nằm chật đất, máu chảy thành sông, thì biểu sao luân thường không bại hoại, Ðạo đức chẳng suy đồi.

       Ôi! đời đã đến thế thì đời chỉ là một trường tranh đấu kịch liệt, một cuộc tàn sát gớm ghê, nạn khổ dẫy đầy, đao binh chất ngất, đạo tặc lung tung cho đến đổi cùng chung một bọc, cùng chung một nòi, mà cũng tương tàn, tương sát lẫn nhau cho vừa lòng dục, thì còn chi phong tục, kỷ cương, tình nghĩa!

       Ðời đã đến thế thì dầu ai trí cả tài cao bực nào cũng đành thúc thủ vô sách, chớ có thế gì khiển nỗi nhơn tâm, dường ấy là đời sắp tận vong tiêu diệt đó.

       Nhưng tuy vậy mặc lòng, nếu hôm nay đời lại biết lấy nền Ðạo đức làm trung tâm cho mối chuẩn thằng qui củ, thì sự tình tệ cũng dần dần ngày một thối lui mà nhượng bước cho sự thiện lương thuần mỹ.

       Phải nhờ Ðạo đức mới huấn luyện hồn dân, chế kềm tâm chúng mà dìu dắt trở lại con đường nghĩa nhơn hạnh phúc.

       Con người phải hiểu biết cho phân minh rành rẽ, luật báo ứng nhơn quả, thì mới chịu hồi tâm cải ác tùng lương mà tu phong hóa, chỉnh luân thường, để làm cái giới hạn cho nhơn sanh. Ðược vậy đời mới lần lần nhiễm lấy Ðạo đức tinh thần mà ưa làm phải làm lành, biết tránh tai, tránh họa.  Lâu lâu con người lại thông suốt đến cả căn cơ Ðạo đức mà tầm ra nguồn cội của chúng sanh.

       Ðã tầm ra nguồn cội ấy thì nhơn loại sẽ bắt đầu thương yêu nhau trở lại, vì sẽ rõ biết tất cả chúng sanh ở thế gian nầy dầu thảo mộc, thú cầm hay nhơn loại chi cũng cùng chung một lò sanh hóa, cùng chung một khối tinh thần;dường ấy lớn là anh, nhỏ là em, thì lòng bác ái mới mở rộng ra, mà không bao giờ còn loài nào muốn ăn thịt, nhai xương, nút máu loài nào nữa hết.  Con người chừng ấy sẽ trở nên chí thiện mà không bao giờ còn những thói nhỏ nhen, hèn mạt như tham lam, ganh gỗ, oán chạ, thù vơ, ghen hiền, ghét ngõ,…  Chừng đó là đời đã thái bình, dựng nghiệp Thuấn Nghiêu, phong võ điều hòa, bốn phương cộng lạc.  Ấy có phải là nhờ nơi Ðạo đức mà un đúc lòng người đó chăng?

       Ôi! Báu trọng thay cái Ðạo! quí hóa thay cái Ðạo! mà thế gian còn chưa hiểu rõ.  Vả như một người biết Ðạo, mười người biết Ðạo, trăm ngàn người biết Ðạo, cả gia đình quốc gia biết Ðạo, khắp xã hội hoàn cầu biết Ðạo, thì còn ai đâu mà sanh lòng quấy quá?  Có phải là sẽ khỏi thất công cho chánh trị giữ gìn chăng?

       Ôi! đời đã lập hình pháp rất nghiêm, dùng khí giới rất nhiều, mà thử xem:  đời độc ác, chẳng những cũng vẫn huờn độc ác mà còn càng thêm độc ác mỗi ngày gia tăng lên mãi nữa kìa!

       Chỉ có chừng nào nhơn loại biết sợ cơ Trời báo ứng, biết ham Ðạo đức tinh thần thì dẫu một cái tội chi thầm tối, một cái ác chi bí mật là cũng chẳng bao giờ ai dám làm đâu? Vì thầm tối bí mật với ai, chớ với thần lương tâm,với cơ báo ứng mà còn kín nhẹm nỗi gì?

       Thế nên không chi ích lợi cần yếu cho đời bằng Ðạo với Ðức. Hễ Ðạo đức hoằng khai, đời đã thâm nhiễm thì con người mới hết dục vọng, mà hết dục vọng là hết tàn ác, hết tàn ác là hết khổ đau. Vậy nên các con phải chung tay hiệp sức mà rán lo sao cho bành trướng Ðại Ðạo, để độ rỗi quần sanh trong thời mạt kiếp này.

       Vả đời thường có trị có loạn, mà loạn hễ cùng là tất phải trị.  Ðạo cũng có thạnh có suy, mà suy đã cùng thì rồi lại thạnh.  Sự thành bại, hưng vong ấy cũng bất ngoại là cơ Ðạo chuyển.

       Thầy ban ơn các con.  Thầy thăng.

Trích Kinh Đại Thừa Chơn Giáo

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *