Vai trò của Thanh thiếu niên Đại Đạo trong việc phát triển bền vững Đạo Cao Đài trong tương lai

VAI TRÒ CỦA THANH THIẾU NIÊN ĐẠI ĐẠO TRONG VIỆC

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẠO CAO ĐÀI TRONG TƯƠNG LAI

CHÁNH TUÂN

I. THANH THIẾU NIÊN ĐẠI ĐẠO PHẢI LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẠO CAO ĐÀI TRONG HÔM NAY VÀ NGÀY MAI?

Để trả lời được nội dung này thì trước tiên chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thực trạng cơ Đạo hiện nay đang gặp phải những vấn đề khó khăn nào để từ đó mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta cố gắng xây dựng cho chính mình một định hướng để cùng chung tay phát triển bền vững cơ đạo trong hôm nay và ngày mai:

– Nhân sự lãnh đạo đang trong tình trạng thiếu hụt và chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, qui củ:  Thực trạng hiện nay tại các Hội Thánh tình hình nhân sự đứng ra hi sinh gánh vác đạo sự rất mỏng, thậm chí có nơi còn để khuyết một vài vị trí hoặc có người nhận lãnh nhiệm vụ nhưng không thể tham gia hành đạo thường xuyên được hoặc một người cùng một lúc kiêm trên 2 nhiệm vụ. Phần lớn nhân sự chưa qua đào tạo kỹ năng hành đạo cũng như phương pháp lãnh đạo điều hành, tổ chức, quản trị. Làm việc chưa có phương pháp kế hoạch, thiếu chiến lược định hướng phát triển bền vững lâu dài. Các chức danh lãnh đạo phần lớn do hành đạo lâu năm, có thời gian rảnh rỗi tham gia hành đạo thường xuyên là được bầu cử hoặc bổ nhiệm vào các chức danh còn khuyết chứ thật sự chưa dựa trên tâm hạnh đức tài của mỗi người (do thiếu hụt nguồn nhân sự) nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến bước phát triển của cơ đạo trong giai đoạn hiện nay.

– Thực trạng bất hòa, phân hóa, mất tình đoàn kết trong nội bộ của Đạo cũng đang là một vấn đề nan giải. Ngay cả trong một đơn vị hành chánh nhỏ như Xã đạo hoặc Thánh thất, Thánh tịnh cũng còn có sự phân hóa hơn thua, chưa thể đồng lòng chung sức thực hiện các đạo sự, chương trình kế hoạch chung. Thậm chí có nơi thực trạng này đang ở mức độ khá nghiêm trọng.

Còn giữa các chi phái với nhau tuy trong thời gian qua đã có những kỳ họp mặt giao lưu nhằm đi đến thống nhứt Đại Đạo nhưng giữa các chi phái vẫn còn nhiều điểm khác biệt đáng kể, không thể dung hòa nên chưa thể một sớm một chiều đi đến qui nguyên thống nhứt ngay được. Mục đích của Đại Đạo là “Thiên Đạo Giải Thoát và Thế Đạo Đại Đồng” nhưng với thực trạng cơ đạo hiện tại như vừa kể trên thì rất khó để đạt được sứ mạng trọng đại này.

– Phần lớn các Hội Thánh trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiện nay chưa thành lập được các trường, các lớp chuyên huấn luyện và đào tạo ra hàng ngũ chức sắc, chức việc, tu sinh, tu sĩ, những người lãnh đạo Thanh thiếu niên nhà đạo để tạo ra nguồn nhân sự kế thừa cho Giáo Hội sau này.

– Còn nhiều Hội Thánh chưa thật sự chú trọng, huấn luyện, đào tạo và phát triển lớp hậu tấn kế thừa hoặc nếu đã có phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên nhà đạo thì cũng chưa chăm lo đúng mực hoặc chưa có phương pháp tổ chức, điều hành và huấn luyện đào tạo Thanh thiếu niên một cách bài bản và mang tính chiến lược lâu dài.

– Một lượng không nhỏ tín đồ chúng ta hiện nay chưa nắm vững được giáo lý Đại Đạo dẫn đến việc tu học hành đạo có phần rơi vào chiều hướng mê tín, chưa định hướng được cụ thể rõ ràng cho bước đường tu học hành đạo của mình. Điều này đang rất cần những người có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng và dìu dắt cho họ.

– Chưa có nhiều bậc hướng đạo có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài để có thể đáp ứng được khả năng đảm đương sứ mạng phổ truyền chơn đạo ở trong nước và ra nước ngoài.

– Vẫn còn nhiều người Thanh thiếu niên còn thờ ơ trước các Đạo sự chung, cho rằng các Đạo sự này phải do người có trách nhiệm thực hiện. Mỗi khi được nhờ hỗ trợ thì viện vào rất nhiều lý do để từ chối như không có thời gian, bận lo kinh tế cho gia đình, mình chưa có đủ khả năng làm việc đó…

– Vấn đề tài chánh vẫn còn là vấn đề rất khó khăn đối với nhiều Thánh thất, Thánh tịnh trong giai đoạn hiện nay (nhất là các Thánh thất, Thánh tịnh ở vùng quê), dẫn đến thiếu phương tiện hỗ trợ tốt cho việc tu học hành đạo tại địa phương.

Trước những thực trạng của cơ đạo hiện nay vừa nêu trên, với thế hệ tiếp nối là những người Thanh thiếu niên đi sau chúng ta sẽ phải có những suy nghĩ và làm gì để tiếp nối đạo nghiệp của các bậc tiền nhân đi trước để phát triển cơ Đạo trong hôm nay và ngày mai.

1. Luôn thể hiện cho mọi người thấy được mình chính là mẩu người Thanh thiếu niên Đại Đạo chân chính – mẩu người có tác phong đạo hạnh đúng mực và luôn nêu cao tinh thần hòa hiệp, tư tưởng đại đồng:

Mỗi người Thanh Thiếu niên chúng ta phải làm sao để mỗi khi xuất hiện tại mọi lúc mọi nơi đều thể hiện được mình là mẩu người của tình thương yêu chân thật, luôn giữ hạnh khiêm cung, tinh thần hòa hiệp, tư tưởng Đại Đồng, luôn có hoài bão cứu thế độ đời, luôn có tinh thần phổ truyền nền chơn đạo ra khắp năm châu bốn biển, là mẩu người có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài để làm thân giáo cho mọi người cùng noi theo. Hễ là môn đệ của Đức Chí Tôn thì chúng ta phải luôn có ý thức sống sao cho ngay thẳng chánh trực, gương mẫu để làm rạng danh Thầy, sáng danh Đạo, chứ không phải là mẩu người của lòng đố kỵ, tư tưởng rẽ chia, bất hòa, cục bộ mang màu sắc địa phương.

Để làm được điều đó thì ngay từ bây giờ mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta phải luôn gìn giữ tác phong đạo hạnh đúng mực được thể hiện qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm của chính mình; Nên chủ động thường xuyên tổ chức những kỳ giao lưu, làm việc chung để tạo sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Từ đó xây dựng được tình huynh đệ trong cộng đồng Thanh thiếu niên Đại Đạo để tạo tiền đề tốt cho tương lai sau này nếu có chủ trương thống nhất Đại Đạo sẽ thực hiện được dễ dàng hơn. Trên thực tế các tổ chức Thanh thiếu niên Đại Đạo cũng đã từng có những kỳ giao lưu hơn mười mấy năm qua như Trại Hiệp Tâm, Trại Liên Vườn, những chuyến hành hương viếng thăm các Thánh thất Thánh tịnh có phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên ở Miền Tây, những chuyến ủy lạo giúp ích ở các Thánh thất, thánh tịnh có phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Chính qua những lần hoạt động giao lưu chung này mà anh em tín hữu trẻ Cao Đài mới có dịp hiểu và cảm thông nhau hơn, đã phần nào thắt chặt thêm tình huynh đệ trong giới trẻ giữa các chi phái với nhau.

2. Sẵn sàng tham gia hành đạo và gánh vác đạo sự:

Trong thực tế hiện tại phần lớn các huynh tỷ đệ muội Thanh thiếu niên chúng ta thường vướng bận vào kế sinh nhai, mãi lo cơm áo gạo tiền mà quên đi trách nhiệm phải chung lo gánh vác đạo sự để cùng phát triển cơ đạo. Mỗi khi được nhờ hỗ trợ công tác nào đó thì chúng ta thường đưa ra đủ các lý do để từ chối như không có thời gian, bận việc này việc nọ, điều kiện hiện tại chưa cho phép, bận lo kinh tế cho gia đình, việc đó vượt quá khả năng của mình nên không thể thực hiện được…

Chính vì thực trạng này mà Đức Cao Triều Tiền Bối mới để lời kêu gọi Thanh thiếu niên phải ý thức được trách nhiệm của mình với cơ đạo: “Hỡi các em! Các em phải nhận thức trách nhiệm của mình. Hãy nhìn thẳng vào hoàn cảnh để cương quyết  bắt tay vào việc hoằng giáo độ đời. Đời can qua mới rõ tay bình định, lúc loạn ly mới xuất hiện nhân tài. Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời.” …“Thanh Thiếu Niên không sống cái sống của riêng mình, không làm cái làm của riêng mình, mà phải làm và sống cho đại chúng.” (1)

Tuổi trẻ chính là những người có thật nhiều nhiệt huyết và hăng say trên bước đường hành đạo, do vậy mỗi người Thanh thiếu niên Cao Đài chúng ta phải thực hiện được phương châm: nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên.

Để làm được điều đó thì mỗi chúng ta phải thắng được chính mình, mà, thắng vạn quân không bằng thắng chính mình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và phải có tinh thần khắc kỷ cao độ mới chiến thắng được tính ích kỷ, thắng được lục dục thất tình trong nội tâm của mỗi người.

3. Đăng ký tham gia sinh hoạt Thanh thiếu niên và góp phần xây dựng phong trào Thanh Thiếu Niên nhà đạo:

Người Thanh thiếu niên Đại Đạo phải luôn ý thức tổ chức đào tạo lớp đàn em hậu tấn kế thừa vì công cuộc phổ độ là rất lớn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và tâm sức, cần phải có lớp hậu tấn kế thừa (Tre tàn măng mọc). Bởi vì chúng ta biết rằng cho dù hiện tại có một vị Đạo Trưởng nào đó có tài đức vẹn toàn đến mức độ nào đi chăng nữa thì vị Đạo Trưởng đó cũng chỉ có thể hy sinh cống hiến cho đời và cho đạo trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi và vị Đạo Trưởng đó cũng không thể tránh khỏi qui luật sinh tử của Tạo Hóa. Cho nên bất kỳ tổ chức, xã hội, tôn giáo hay quốc gia nào nếu muốn tồn tại và phát triển vững bền lâu dài thì phải xem tầng lớp Thanh thiếu niên là rường cột, nòng cốt. Đây chính là một trong những nhiệm vụ rất thiêng liêng và hệ trọng cho cơ đạo trong tương lai. Chính vì vấn đề xây dựng và đào tạo Thanh thiếu niên rất quan trọng này nên Thầy đã từng dạy:

“THẦY đã nói tận tường con rõ,

Muốn đời sau đời có bình yên;

Đời nay phải cậy thanh niên,

Thanh niên hiện tại lưu truyền đời sau.” (2)

Và Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo cũng có dạy: Chư hiền đệ muội luôn luôn ghi nhớ cái nguyên tắc “Tre tàn măng mọc” và phải có phương pháp dung dưỡng lớp măng ấy theo đường lối tổ chức có chuẩn thằng qui củ, theo đường lối chánh đạo trong quyền pháp đạo luật. Chư hiền đệ muội đừng nhằm vào tuổi đời cá thể của mình mà đốt giai đoạn trưởng thành của cơ đạo. Mỗi người mỗi việc, hành cho đến nơi đến chốn. Mỗi một lớp người xây đắp một giai đoạn; mỗi một thế hệ nhân sinh xây dựng một bước tiến một cấp cao. Về NHIỆM VU VUN QUÉN MĂNG NON LÀ CẦN THIẾT, vì mỗi tổ chức nào cũng phải cần đến lớp người nồng cốt có căn bản. Tổ chức có được tiến triển kết quả mau hay chậm đều do lớp người nồng cốt trong nhiều thế hệ kế tiếp”. (3)

Tuy nhiên thực trạng về công cuộc phát triển phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên Đại Đạo trong giai đoạn hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Có những nơi các em nhỏ về Thánh thất, Thánh tịnh sinh hoạt đã tạo ra những tiếng ồn ào náo nhiệt làm mất đi sự thanh tịnh nơi tôn nghiêm và gây thêm một số phiền phức nhất định đã khiến cho quý vị lớn tuổi cảm thấy không hài lòng, nên đã la ngầy, không ủng hộ hoặc thậm chí ngăn cấm không cho các em được tiếp tục sinh hoạt nữa. Từ đó làm cản trở không nhỏ đến bước đường phát triển của phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên.

Do vậy là một người Thanh thiếu niên Đại Đạo chúng ta phải luôn nhận thức được rằng hiện tại hay sau này cho dù mình có ở vào bất kỳ một vị trí vai trò nào trong Giáo Hội cũng phải hết sức chăm lo, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp cho phong trào sinh hoạt Thanh thiếu niên nhà Đạo ngày càng phát triển vững mạnh trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình. Nếu trong tương lai trong số những người Thanh thiếu niên chúng ta có người được nắm giữ những vai trò trọng yếu trong Giáo Hội thì càng phải hết sức ưu tư, nặng phần trách nhiệm trong việc lo xây dựng, định hướng giáo dục và đào tạo có phương pháp lớp hậu tấn kế thừa để sau này có được một thế hệ tin Thầy, giữ Đạo và truyền Đạo vững bền. Có làm được như vậy chúng ta mới không phải mắc lỗi với Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng liêng.

Để có định hướng đúng đắn cho việc xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo Thanh thiếu niên nhà đạo thì chúng ta phải xem những lời dạy dưới đây của Đức Cao Triều Tiền Bối làm kim chỉ nam cho công cuộc giáo dục:

“Phương pháp thu phục nhơn tâm, tinh thần kỷ luật, óc tổ chức và phương châm lãnh đạo, tâm lý tiến thủ, luận lý chiến thắng, còn bao nhiêu điều cần yếu mà Thanh Thiếu Niên cần phải được có và phải được hoàn thành.” (4)

Trở lại với đàn anh lãnh đạo thanh niên. Hãy mở rộng lòng hoài bão Đại Đạo và nhân sinh khi tổ chức và đào luyện thanh niên. Có vậy mới thực sự là trang hướng đạo. Vì Thượng Đế, vì nhân sinh, hãy khai phóng cho chúng một con đường thống nhứt ý chí và tư tưởng, hãy gieo vào lòng chúng một hoài bão cứu thế độ đời, hãy đặt vào bộ óc tinh anh của chúng một trách nhiệm hoằng hóa đạo pháp để cứu thế độ đời. Có như vậy mới thực sự góp tay vào công cuộc Đại Đạo của sứ mạng Thiên ân.

Đừng đặt vào tâm hồn chúng một cơn mộng huyền ảo. Đừng để bóng tối chập chờn vào thiên lương nhân tính chúng. Đừng lỡ tay làm lấm bẩn tâm hồn chúng bằng những ý niệm chia rẽ, cạnh tranh, đóng cửa lòng và cửa phán xét lý chơn. Hãy tìm các phương tiện liên kết thanh niên trong một phương châm: Đồng Đạo, Đồng Thầy, Đồng Trách Nhiệm; để những người tiếp nối sau này thấy rằng bất cứ dưới danh hiệu nào chúng cũng có một nhiệm vụ duy nhất là phá vỡ tàn tích phân hóa, xây dựng một tinh thần hòa hiệp để thống nhất Đại Đạo mai sau đúng với tôn chỉ “Vạn Giáo Nhất Lý”. Hãy tổ chức những môi trường sống chung, học chung, làm việc chung bất cứ ở danh nghĩa nào, phương trời nào. Hãy góp nhặt những cánh én để làm xuân vĩnh cửu. Có thiệt hòa hiệp ở bản thân, có hiệp nhất ở bản thân, thì thế giới nhân loại sẽ hòa hiệp. Đại đồng không còn xa, Long Hoa không còn ngại khó khăn bước tới như tưởng tượng của con người.” (5)

4. Tích cực làm công quả giúp khó trợ nghèo, cứu khổ ban vui:

Đức Mẹ có dạy: “Các con nhìn chung quanh các con. Ôi! Biết bao là thảm trạng, biết bao những tâm hồn cô đơn non nớt, yếu ớt đói lạnh, đầu đường xó chợ, không nhà, thiếu áo hụt cơm, thiếu bao sự an ủi vỗ về của các  bực từ ái, ra công cứu trợ. Họ đang chờ những bàn tay dịu hiền, những tấm lòng từ ái của các con….” “…Các con lo cho đời, cho chúng sanh, nhân quần, xã hội, đem lại nguồn an ủi tinh thần cho họ, đem lại sự cơm no áo ấm, nhà ở, trường học, bệnh viện… Đó là nguồn hạnh phúc cho họ, mà cũng chính là nguồn hạnh phúc của các con đó, vẫn vĩnh cữu, trường tồn, mưa không lạt, nắng không phai, trộm không cắp, cướp không giựt, lửa không cháy, phong ba bảo táp không hề hấn gì”. (6)

Qua lời dạy của Đức Mẹ đã nhắc cho mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta phải nhận thức được rằng mình phải có trách nhiệm rất lớn với nhơn quần xã hội.

Thật vậy, Đạo không dạy chúng ta phải xa lánh cuộc đời vì chúng ta là một nhân sanh trong cuộc đời, đã sống trong cộng đồng xã hội thì chúng ta đã cùng cộng hưởng thọ ân biết bao nhiêu điều từ nhơn quần xã hội  như công ơn dưỡng dục và sinh thành của cha mẹ; công người trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để có áo quần cho ta mặc; công người trồng lúa để có gạo ta ăn… Xét về phần Nhơn Đạo thì hễ thọ ơn thì chúng ta phải biết trả ơn cho đời (Làm tròn Nhơn Đạo):

“Trải thân đền nợ nước non,

Máu xương lấp mấy cho tròn hiếu trung”.

Để thực hành đúng theo lời dạy của đức Mẹ đòi hỏi mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta phải có được một tình thương chân thành đến tất cả mọi người, sẵn sàng ra tay giúp đời xuất phát từ tinh thương yêu chân thật, không còn lòng ích kỷ phân biệt ta người. Có như vậy chúng ta mới đem được Đạo vào đời và chúng ta mới có được niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực như lời dạy của Đức Cao Triều: “Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hảnh diện khi xả thân cho tha nhân. Không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác. Người Thanh Thiếu Niên hãy tràn ngập hoan lạc trong sự cao thượng”. (7)

II. NHỮNG HÀNH TRANG CẦN THIẾT CỦA THANH THIẾU NIÊN ĐẠI ĐẠO ĐỂ PHÁT TRIỂN CƠ ĐẠO MỘT CÁCH BỀN VỮNG:

1. Rèn luyện và học tập để trở thành người có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài:

Là một người Thanh thiếu niên khi ý thức được trách nhiệm góp phần vào sứ mạng Đại Đạo, chúng ta phải luôn nỗ lực hết sức mình trên bước đường tu tiến, lo trau dồi đạo đức, tận dụng thời gian quý báu và sức khỏe của bản thân để tu học văn hoá và giáo lý để ngày càng nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho chính mình.

Chính vì điều này mà Thầy đã từng để lời kêu gọi Thanh niên:

“Thanh niên phải dồi trau đạo đức,

Thanh niên cần trí thức cho cao;

Thanh niên làm chủ đời sau,

Đời sau hư tệ tại màu thanh niên.”  (8)

* RÈN LUYỆN ĐỂ TRỞ NÊN NGƯỜI CÓ ĐẦY ĐỦ TÂM, HẠNH, ĐỨC:

– Giữ gìn quy giới tinh nghiêm, tu thân tích đức:

Xem cuộc đời là vô thường, giả tạm và hãy lập chí  chuyên cần lo tu học đừng xao lãng, giữ gìn qui giới tinh nghiêm, xem trọng đạo đức nghĩa nhân hơn cả. Thầy có dạy:

“Cần lo học Đạo chí đừng lơi,

Phú quý sương tan lố bóng trời,

Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp,

Nghĩa nhơn tích trữ  để muôn đời”. (9)

– Rèn lòng vị tha, tình thương yêu, chia sẻ (Tâm từ bi):

Để rèn được lòng vị tha, tình thương yêu, chia sẻ thì mỗi chúng ta phải tích cực làm công quả xuất phát từ tình thương yêu chân thành, luôn giữ dạ vô tư mà không mong được đền đáp hay vọng cầu bất cứ điều chi. Có thực hiện được như vậy chúng ta mới xứng đáng là con cái thật sự của Đức Chí Tôn:

“Lòng Trời đất bao la vạn vật,

Hỡi các con duy nhất Cao Đài;

Con Thầy thì phải giống Thầy,

Giống Thầy ở chỗ đủ đầy tình thương.(10)

– Trọng chữ tín, gìn giữ danh dự cho bản thân và cho Đại Đạo:

Chữ tín như những giọt nước nhỏ lâu dần thành bình uy tín lớn. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng tích lũy uy tín cho mình từng giờ từng phút mà không nên chủ quan lơ là từ những việc dù là nhỏ nhất để dần dần mình sẽ chắc chắn đón nhận được sự tin cậy lớn của mọi người. Một khi mình luôn trọng chữ tín cho bản thân thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự gìn giữ danh dự cho chính mình. Đối với Đạo, mình lại càng phải thận trọng hơn nữa, không làm những việc làm thất tín, trái đạo lý dẫn đến tổn hại đến uy tín của nền Đạo.

– Trung thực, ngay thẳng, rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân:

Là một Thanh thiếu niên Đại Đạo thì lúc nào chúng ta cũng phải sống sao cho trung thực, ngay thẳng, chánh trực chứ không sống giả dối, gian trá, hai lòng. Có trung thực, ngay thẳng mới là tấm gương sáng giúp đưa Đạo vào đời một cách hiệu quả nhất.

Tính kỷ luật là một đức tính mà mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta cũng cần phải hết sức cố gắng trau dồi và nghiêm túc thực hiện. Người có tính kỷ luật cao mới hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra cho bản thân, ngược lại, nếu mình quá dễ dãi với chính mình thì sẽ không bao giờ có được sự  tiến bộ đáng kể nào trên bước đường tu học hành đạo của mình cả.

– Học hạnh khiêm cung, đức tính nhẫn nhục:

Có thực hiện được hạnh khiêm cung chúng ta mới tôn trọng tất cả mọi người, giảm dần được bản ngã tư tâm. Có giảm được bản ngã tư tâm thì chúng ta mới dễ dàng tha thứ, phá chấp, giảm dần sự hơn thua, sân hận, tự ái cá nhân và không còn tự cao tự đại khoe mình rồi lại chê bai người.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy về ích lợi của hạnh khiêm cung và nhẫn nhục:

“Người hiền đức không cần danh vọng,

Làm thì ưa công cộng hiệp hòa;

Kính người quên phức đến ta,

Tự nhiên thanh tịnh giọng tà bất sanh.

…………………………………………

Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,

Lo cho người tai mắt ích chung;

Gìn tâm chẳng để buông lung,

Cúi lòn nhẫn nhịn dây dùn dứt coi.” (11) 

– Rèn tinh thần hòa hiệp, tư tưởng Đại Đồng:

Luôn ý thức và tích cực xây dựng tình huynh đệ đại đồng, hòa hiệp yêu thương nhau chân thật từ cấp cơ sở đến cấp Hội Thánh. Nhìn nhau cả thảy đều là anh em có cùng chung một Thầy, một Cha trọn lành.

Trong thực tế hiện nay thỉnh thoảng chúng ta thấy có những người đồng đạo mới gặp nhau thì thường nghe họ hỏi: Bạn theo chi phái nào vậy? Nếu người được hỏi không cùng chi phái với họ thì họ thường tỏ ra thái độ không mấy thiện cảm, thậm chí còn cho chi phái này là bàn môn tả đạo, chi phái kia là cực đoan, hữu vi sắc tướng…

Ngay cả trong cùng một Thánh thất, một xã đạo vẫn luôn có những huynh tỷ đệ muội luôn chống đối nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau làm mất đoàn kết nội bộ, thiếu tình thương yêu dẫn đến làm chậm phát triển chung của cơ đạo.

Chúng ta thử cùng suy ngẫm: đã cùng một Đạo Cao Đài, cùng thờ chung một Đấng Cha lành là Đức Thượng Đế Chí Tôn mà chúng ta vẫn chưa đủ yêu thương để hòa hiệp với nhau thì làm sao đi đến chỗ Đại Đồng nhân loại.

Người Thanh Thiếu Niên Đại Đạo chúng ta phải có hoài bão Đại Đồng, thống nhứt Đại Đạo, phải biết sống hướng tha, phá chấp, không còn phân biệt ta người, nhìn nhận tất cả đều là con chung của một Đấng Cha lành; tất cả đều là “hóa thân” của Thượng Đế (chi này phái nọ, tôn giáo nọ tôn giáo kia…) để thế gian này có thêm thiên hình vạn trạng, ngàn giống muôn tên, tất cả cũng chỉ là phương tiện để phục vụ cho cơ tiến hóa chung của nhơn loại mà thôi chứ chúng ta không nên chấp vào những hữu vi sắc tướng ấy mà cứ mãi lo đấu tranh cho sự hơn thua, tốt xấu, hay dở…

Chính bởi điều này mà Đức Cao Triều có dạy: “Muốn thế giới được hòa bình, loài người được tình thương, thế gian được an cư lạc nghiệp trong tinh thần tương trợ, thì ngay từ giờ phải ý niệm và gây dựng một thế hệ ngày mai. Thế hệ đó là Thanh Thiếu Niên, Thiếu Sinh của mọi giới, mọi lãnh vực. Thanh Thiếu Niên đó phải được bảo trợ và huấn luyện cho có nhân nghĩa lễ trí, cho có lòng thành, cho có tình thương, cho có tư tưởng đại đồng, xem nhân loại là tình huynh đệ. Hễ máu chảy ruột mềm có như vậy nhơn loại mai sau đây mới hết khổ sở.” (12)

– Rèn luyện tinh thần dũng khí, đức tính kiên nhẫn:

Người Thanh thiếu niên phải rèn luyện cho mình có được dũng khí và phải có được đức tính kiên nhẫn, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách, làm việc với uy hùng và sẳn sàng xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, luôn sống vì chính nghĩa, luôn vững đức tin hết lòng hi sinh vì Thầy, vì Đạo mà không thối chí ngã lòng trước cường quyền, nghịch cảnh. Có làm được như vậy người Thanh thiếu niên mới xứng đáng là môn đệ thật sự của đức Chí Tôn.

Đức Cao Triều Tiền Bối đã từng kêu gọi tinh thần dũng khí đi tiên phong trước những khó khăn gian khổ của người Thanh thiếu niên: “Muốn chống con thuyền vượt khỏi khúc quanh co, không thể đứng trên bờ đê chỉ trỏ. Hãy buông mình ra sông rộng, hãy bước xuống thuyền, tất cả sự uy hùng đang chờ đợi các em.” (13)

Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy cũng có dạy về đức tính kiên nhẫn và tinh thần dũng khí mà mỗi người tu bắt buộc phải có nếu muốn đạt thành chánh quả:

“Biết đạo đức chịu lỳ với Ðạo,

Ðể quỉ ma nó khảo mới cao;

Phơi gan trải mật anh hào,

Ðại hùng, đại lực mới vào cảnh Tiên.” (14)

 

* HỌC TẬP ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ NĂNG (TÀI):

Người thanh thiếu niên chúng ta phải luôn biết tự kiểm điểm thân tâm để ngày càng hoàn thiện bản thân không ngừng. “Học, học nữa, học mãi”.  Luôn phấn đấu tự nâng cao trình độ văn hóa và giáo lý để ngày hôm nay phải tiến bộ hơn ngày hôm qua và ngày mai phải hơn ngày hôm nay.

Chính vì tầm quan trọng của việc học tập và tu tập nên Đức Cao Triều Tiền Bối có dạy: “Giờ đây Tiên huynh muốn nói với các em trong tinh thần nội bộ. Đó là học tập và tu tập. Học tập là kiến tạo tri thức để phụng sự xã hội. Tu tập là xây dựng ý thức tinh thần để cải tạo xã hội. Có học, có tiến, có hành động mới dìu dắt được mình, cộng đồng mình và xã hội vượt qua bóng tối của tầm thường chật hẹp trong đời sống vật chất, trong phạm vi kiến năng. Có tu, có đức, có hiến dâng mới đem đạo vào đời làm rạng danh Thượng Đế. Nhờ đó xã hội trở nên lành mạnh hóa, đi lần đến thánh đức tại thế gian.”  (15)

– Khi nói về vấn đề học giáo lý thì chúng ta phải luôn học tập  để nắm vững giáo lý Đại Đạo và nghiên cứu, hiểu rõ triết lý các Tôn giáo khác cũng như Triết học Đông Tây kim cổ.

Nếu có hoài bão phổ thông Chơn Đạo ra khắp năm châu bốn biển thì ngay từ bây giờ chúng ta cũng phải cố gắng học cho thuần thục ít nhất một ngôn ngữ mang tính phổ thông quốc tế như tiếng Anh chẳng hạn.

Trên thực tế có nhiều bạn Thanh thiếu niên chúng ta khi nghe những câu hỏi về Tôn giáo Cao Đài từ những người ngoại đạo thoạt tiên tưởng chừng như rất phổ thông, đơn gian nhưng thường tỏ ra lúng túng và thiếu tự tin trong cách trả lời cho họ hiểu một cách thuyết phục nhất. Bởi vì phần lớn chúng ta còn rất chủ quan, chúng ta thường cho rằng những điều đó quá căn bản, đơn giản cần gì phải học, cần gì phải chuẩn bị chu đáo; Trong cuộc sống đôi khi chúng ta bắt gặp những người ngoại quốc khi trao đổi giao tiếp với họ chúng ta có nghe họ hỏi về giáo lý tôn giáo Cao Đài nhưng vì khả năng ngoại ngữ của mình còn hạn chế nên không thể trả lời cho họ hiểu rõ về giáo lý của tôn giáo mình được.

– Nói đến việc học văn hóa là do chính bản thân mỗi người khi thấy mình còn yếu kém lĩnh vực nào thì cố gắng học tập và hoàn thiện lĩnh vực đó, phải luôn tự rèn luyện hoặc học tập từ những người có kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực mình cần học để nâng cao giá trị cho bản thân mình. Một khi mình đã có giá trị thì sẽ giúp ích được cho rất nhiều người. Khi nói về vấn đề này chúng ta cũng nên đề cập đến vấn đề tài chính. Mỗi người Thanh niên chúng ta ngay từ bây giờ phải nên định hướng cho mình sẽ có được một nguồn thu nhập ổn định từ công việc làm ăn kinh doanh chính nghĩa của mình để từ đó có được một nguồn thu nhập ổn định đảm bảo đủ trang trải cho cuộc sống của chính mình mà không phải phụ thuộc vào người khác, có thể chủ động làm công quả mỗi khi thấy cần thiết và đặc biệt phải luôn có kế hoạch tiết kiệm mỗi tháng khoản 10% trên tổng thu nhập của mình để chờ khi có cơ hội đăng ký tham gia các khóa huấn luyện có giá trị và cần thiết cho bản thân. Chúng ta thử nêu ra một thí dụ để thấy được tính hiệu quả của việc đăng ký tham gia học tại các khóa huấn luyện từ các chuyên gia thành công trong lĩnh vực mình cần học: Khi nói về vấn đề rèn luyện lòng tự tin, tính quyết đoán hoặc những kỹ năng cần thiết khác như quản trị, lập và triển khai thực hiện dự án… chúng ta có thể tìm đọc được ở rất nhiều từ các sách hướng dẫn chúng ta phải làm như thế này thế nọ, song khi hữu sự xảy ra trong thực tế chúng ta lại không thể thực hiện được như những điều đã được đọc. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những khóa huấn luyện chỉ từ 2 – 7 ngày đã giúp cho chúng ta thay đổi được tư duy, đã giúp cho lòng tự tin, tính quyết đoán của chúng ta tăng lên rất đáng kể mà mình không thể nào ngờ đến. Và dĩ nhiên những khóa huấn luyện có giá trị này thường có học phí không nhỏ chút nào, có thể từ 3 – 20 triệu đồng/ khóa. Thậm chí sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều nếu chúng ta ra nước ngoài học từ các chuyên gia. Do vậy để nâng giá trị của chính mình lên thì mỗi người phải biết mình cần phải học những gì, khả năng tiếp thu của mình đến đâu và phải biết lựa chọn đúng người hướng dẫn có nhiều kinh nghiệm và đã có nhiều thành công trong lĩnh vực mình cần học mới đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho chính mình.

Tuy nhiên để việc học của mình tránh bị pha loãng (học những cái không cần thiết) và đặc biệt là sau khi học phải biết vận dụng vào thực tế để đem lại hữu ích thật sự cho đời cho Đạo thì mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta phải ghi nhớ lời dạy hết sức ý nghĩa của Đức Hiển Thế Đạo Nhơn để làm định hướng cho việc học của mình: “Ở trường đời, phần đông đều học với mục đích kiếm được mảnh bằng để mưu cầu sinh nhai, hay mưu cầu chút mùi danh bả lợi nào đó. Còn học đạo trái lại, các em trước hết đã có tư tưởng vô tư, không học riêng cho mình, mà học để trở thành con người tốt, con người phụng sự cho nhân quần cho đạo nghĩa, đó là có tánh cách vị tha. Song trong cái vị tha đã có vị kỷ; vì bản thân và xã hội bên ngoài đếu liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi có được một quan niệm đúng đắn về học tập rồi, các em sẽ học với tinh thần cầu tiến, không ai cưỡng chế mình, mà chính mình đào tạo cho mình một cơ sở vững vàng về đạo đức, về kiến thức ở đời, ngõ hầu mai này sẽ xuất thân giúp đời giúp đạo hoặc trở thành những phần tử tốt đẹp trong xã hội nhân sinh. Đó là một giá trị rất cao đẹp mà những nhà đạo đức trên thế giới đều công nhận. Chẳng cứ thế thôi đâu các em. Học là sửa soạn cho hành. Các em học thì phải hành mới có công dụng thực sự cho sự học.” (16)

– Chuẩn bị sẵn sàng hành trang cần và đủ để có thể đáp ứng được khả năng xây dựng kế hoạch đào tạo ra hàng ngũ chức sắc, chức việc phục vụ cho Giáo Hội và phát triển lớp hậu tấn kế thừa cho mai sau (Nếu sau này những người Thanh thiếu niên trong chúng ta hôm nay có cơ hội được nắm giữ các phẩm vị trọng yếu của cơ đạo trong tương lai).

2.  Nhập thế và xuất thế song hành:

Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long có dạy:

“Lấy công quả đền bù nợ trước,

Dụng công phu chế ước lòng tà,

Để rồi tự giác giác tha,

Song hành Phước Huệ mới là viên thông”. (17)

Thầy cũng có dạy:

“Nhờ công phu con siêng học Đạo,
Nhờ công phu con bảo toàn căn;
Mới mong sửa tánh thấp hèn,
Mới thâu vọng tưởng mới tăng an hòa.” (18)

Công quả vừa giúp chúng ta rèn luyện tình yêu thương chân thật vừa giúp giải trừ được những oan khiên nghiệp chướng mà mình đã gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay; Công phu tịnh luyện chính là một món “bửu bối” rất hiệu nghiệm giúp chúng ta chế ngự được lòng tà, sửa được tánh thấp hèn, thâu được vọng tưởng, phóng tâm. Có tự giác được rồi chúng ta mới có thể giác tha. Có tu, có đức, có trí huệ mới không dẫn dắt người khác đi lầm đường lạc lối. Có thực hiện được như vậy chúng ta mới tìm thấy được nguồn an lạc thật sự nơi thân tâm của chính mình, mới đem được tấm gương đúng nghĩa của người Thanh thiếu niên Đại Đạo vào đời.

3.  Rèn luyện thể năng:

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng trong hành trang của người Thanh thiếu niên Đại Đạo là phải biết chăm lo rèn luyện sức khỏe cho chính bản thân mình. Chúng ta biết rằng một tinh thần minh mẫn, một ý chí kiên cường chỉ có được trong một thân thể tráng kiện. Do vậy mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta không nên chủ quan phí phạm sức khỏe của mình mà phải cố gắng tự lựa chọn cho mình một môn thể thao nào đó phù hợp với điều kiện thực tế của mình nhất để thường xuyên rèn luyện cơ thể nhằm đảm bảo cho mình luôn có được một sức khỏe tốt. Nếu không có sức khỏe tốt thì nhiều khi muốn làm một điều gì đó có ích cho đời cho Đạo chúng ta cũng sẽ không làm được vì lực bất tòng tâm.

THAY LỜI KẾT:

Đã là người Thanh thiếu niên Đại Đạo một khi đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc phát triển bền vững Đạo Cao Đài trong tương lai thì ngay từ bây giờ bản thân mỗi người Thanh thiếu niên chúng ta phải bắt tay ngay vào làm những việc trong phạm vi khả năng của mình đã được nêu ở phần trên và phải chuẩn bị những hành trang cần thiết, đó là phải luôn ra sức rèn luyện và học tập để trở thành người có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài đồng thời phải biết chăm lo đến sức khỏe của bản thân. Đây chính là những món hành trang rất quý giá giúp cho mỗi người Thanh thiếu niên Đại Đạo chúng ta có đầy đủ tự tin và sẵn sàng chung vai gánh vác để cùng phát triển Đạo Cao Đài một cách bền vững trong tương lai.

 

(1) Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, Tuất thời 29 tháng chạp Bính Ngọ (08-2-67)

(2) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Thất Nam Trung Hòa, ngày 06-7-ĐĐ.13 (Mậu Dần) (01-8-1938) – TTTH tập 1

(3) Đức Lý Giáo Tông, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15.01 Kỷ Dậu (03.3.1969)

(4) Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, Tuất thời – 30.10. ĐINH MÙI (01.12.1967 )

(5) Đức Cao Triều Phát, Nam Thành Thánh Thất, Tý Thời 23 tháng 8 Canh Tuất (22.9.1970)

(6) Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Tuất thời mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ 1965

(7) Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, Tuất thời 29 tháng chạp Bính Ngọ (08-2-67)

(8) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Thất Nam Trung Hòa, ngày 06-7-ĐĐ.13 (Mậu Dần) (01-8-1938) – Thánh Truyền Trung Hưng tập 1

(9) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, TNHT quyển thứ nhì, phần Thi Văn Dạy Đạo

(10) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huờn Cung Đàn 01-6 Nhâm Dần 1962)

(11) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Trước Tiết Tàng Thơ, mùng 4 tháng 9 năm Bính Tý (1936)

(12) Đức Cao Triều Phát, Thánh Thất Bình Hòa, Ngọ thời, 28 tháng 8 năm Đinh Mùi (1.10.1967)

(13) Đức Cao Triều Phát, Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời 23.4 Kỷ Dậu (07.6.1969)

(14) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Trước Tiết Tàng Thơ, mùng 4 tháng 9 năm Bính Tý (1936)

(15) Đức Cao Triều Phát, CQPTGLĐĐ, Tuất Thời, Rằm Tháng 10 Tân Hợi (02.12.1971)

(16) Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, Ngọc Minh Đài, Tuất Thời, mùng 09.05 Tân Hợi (02.06.1971)

(17) Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-01-ĐĐ.57 (Nhâm Tuất) (01-02-1982) – Thánh Truyền Trung Hưng tập 4

(18) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tý thời, 17 tháng 8 Canh Tý (07-10-1960)

Post Author: Ban Biên Tập

2 thoughts on “Vai trò của Thanh thiếu niên Đại Đạo trong việc phát triển bền vững Đạo Cao Đài trong tương lai

    trương thành tài

    (11/09/2013 - 21:45)

    rất hay, rất quý

    trinhtanvinh

    (13/09/2013 - 15:34)

    Là môn đệ của THẦY tiểuđệ đọc qua bài CAO ĐÀI GIÁO-NGHỆ THUẬT SỐNG , vai trò thanh thiếu niên đại đạo trong việc phát triển bền vững trong tương lai ,đệ như mở rộng thêm một niềm tinva2 đệ sẻ gửi cho bạn bè xem và in ra làm nhiều ban gửi cho huynh tỷ đệ muội ờ Thánh Thất Di Linh xem mà học tập theo . Cảm ơn huynh Chánh Tuân đã gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *