ĐỨC ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Đạt Tường
I. SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC ĐỊA TẠNG VƯƠNG
TRONG CAO ĐÀI GIÁO
– Thuở mới lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vào buổi ban sơ ấy Cao Đài giáo có sử dụng một số bài kinh cúng của Phật giáo như Bát Nhã Ba La Mật Kinh,… cho nên việc cầu nguyện với chư Phật và Bồ Tát là thường xuyên.
Ngay trong năm đầu tiên – Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã dạy chư vị Tiền Khai tìm thỉnh thêm kinh từ Ngũ Chi Minh Đạo.[1] Sau khi chư vị đến Minh Lý Đạo để tham khảo, trong đàn ngày 28.6 Bính Dần (06.8.1926), Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy quý vị bên Minh Lý:
“Chư nhu phải sắm 12 cuốn Kinh Sám Hối… cho đi mời Trung, Lịch, Kỳ lại nhà chư nhu, biểu chúng nó làm lễ mà thỉnh kinh ấy.” [2]
Trong số các kinh này có bài do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát giáng cơ ban cho, đoạn đầu như sau:
“Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,
A Di Đà Phật độ chúng dân;
Quan Thế Âm lân mẫn ân cần,
Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc.
Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Bố từ bi tế bạt vong hồn.(…)”
Minh Lý Đạo gọi bài kinh này là Sám Cầu Siêu. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện, xin cho vong linh được siêu rỗi, thoát qua cảnh đọa đày ở chốn U Minh. Theo truyền thống của nhà Phật, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát được xem là Đấng chánh yếu có vai trò siêu độ chúng sanh.
– Qua cơ bút Cao Đài, Đức Địa Tạng Vương được nhắc đến trong việc cầu nguyện để giúp cho vong linh được siêu thoát bắt đầu hiện diện vào ngày 28.8.1926 [3] khi thân mẫu của Ngài Nguyễn Trung Hậu [4] tạ thế. Lúc đó, chư Tiền Khai lập đàn cầu Thầy hỏi về cách thức cử hành tang lễ. Hôm đó Thầy dạy:
“Con Trung, con viết một lá sớ như vầy:
Lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hứa dữ Địa Tạng Vương Bồ Tát khả thâu chơn hồn thị… tử… nhựt… ngọat… niên, giam tại Vọng Thiên Cung.
Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên.” [5]
Qua đây chúng ta thấy muốn cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thoát cần thực hiện việc đọc kinh cầu nguyện siêu độ. Trong số những Đấng Thiêng Liêng có vai trò cứu độ vong linh thì vai trò của Đức Địa Tạng Bồ Tát rất quan trọng không thể thiếu. Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Cao Đài giáo kế thừa và phát huy truyền thống của Tam Giáo, riêng trong việc cầu siêu độ tử kế thừa tinh hoa văn hóa Phật giáo nhất là mỗi khi vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm lại càng làm nổi bật hình ảnh của Đức Địa Tạng Bồ Tát.
Cũng vì thế, mỗi khi cần thực hiện nghi thức cầu siêu trong các đám tang, cúng cửu cho đạo hữu Cao Đài hay cho các đẳng cô hồn hoặc chiến sĩ trận vong, v.v… thì việc hướng về Ngài để cầu nguyện không thể nào thiếu được. Mặc dầu trong nghi thức thờ phượng của Cao Đài giáo không hề có sự hiện diện của Đức Địa Tạng Vương nhưng trong các bài kinh siêu độ danh của Ngài không thể nào thiếu vắng.
II. LÝ SIÊU ĐỘ CỦA ĐỨC ĐỊA TẠNG QUA CƠ BÚT
Qua cơ bút, Ơn trên đã ban cho nhiều bài kinh, danh của Đức Địa Tạng hiện diện trong những bài được tụng
1. Khi hấp hối:
Khi đạo hữu gần dứt hơi, bổn đạo Cao Đài đọc bài Lâm Chung Tỉnh Ngộ trong đó có những câu:
“Miệng khô lưỡi đớ nan ngôn,
Cầu xin Địa Tạng vong hồn chở che.”
Trong bài Cầu khi Hấp hối có câu:
“Vọng Địa Tạng độ siêu đọa lạc,
Cầu Âm Tào Đông Nhạc giảm hình;
Giác linh tỉnh ngộ tiền trình,
Bớt cơn mê muội vật mình trở trăn.”
Lúc gần chung thời, trong các câu niệm có câu:
“ Nam Mô Thập Điện Từ Vương, thường hành bình đẳng.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát tiếp dẫn vong hồn tảo đắc siêu thăng, bất nhập Địa phủ chi U quang. Tận độ chúng sanh bất vãng U minh giái cảnh.”
Khi gần dứt hơi, niệm kinh có câu:
“Hồn du Tiên cảnh,
Thế tục bất hoài.
Trực vãng Thiên thai,
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Tiếp dẫn Phật Đài,
Tiêu diêu khoái lạc,”
hay trong Kinh Đưa Linh có câu:
“Từ đây lìa khỏi trần gian,
Nương mây theo gió nhẹ nhàng phi thăng.
Mãn kiếp đọa trầm luân khổ hải,
Nơi ngôi xưa trở lại tiêu diêu;
Mong ơn Địa Tạng độ siêu,
Âm Tào Đông Nhạc giảm tiêu tội tình.”
2. Vớt vong khi gặp nạn tai:
Lời kinh có những câu:
“Xin Địa Tạng Vương tua giúp sức,
Hội trai đàn nhờ Đức Ngao quân;
Cúi xin nhờ lượng thủy long,
Tha hồn chết đuối thoát vòng tai ương.
Đầu cúi lạy Diêm Vương ân xá,
Đức từ bi mau thả hồn oan; … …” [6]
3. Về Tang Lễ:
Khi đưa linh cửu ra linh xa, đồng nhi và bổn đạo đọc kinh Động quan có câu:
“U minh Đại Thánh từ bi,
Đức ân Địa Tạngliên trì tiếp vong;
Từ Vương thập Điện rộng lòng,
Xá tha hồn đặng thoát vòng trầm luân.”
Khi mở cửa mả, trong bài kinh có câu:
“Ngày nay an mộ đến kỳ,
Nam mô Địa Tạng từ bi dẫn hồn;
(…) Từ đây vĩnh biệt âm cung,
Lánh nơi trần tục thung dung một mình.”
Quá trình thực hiện tang lễ theo nghi thức Cao Đài, danh của Đức Địa Tạng thường xuyên được nhắc đến. Nhưng cũng có một số tín hữu tuy đã nhập môn nhưng đức tin chưa sâu dầy nên vẫn chưa “Khai đàn, Thượng tượng thờ Thầy” tại nhà mình cũng như chưa tích cực công quả công trình… cho nên khi gia đình có tang lễ thì dễ bị chạy theo suy nghĩ mê tín trong dân gian.
– Hằng ngày trong đời sống, chúng ta thấy nhiều nhà bình thường không có thờ cúng chi cả nhưng đến khi có đám tang mới lập bàn thờ Đức Địa Tạng Vương và mời quý thầy tu về tụng kinh cầu nguyện cho người quá cố được siêu thoát.
Lại có nhà còn tổ chức “phá ngục cướp vong” rồi lập đàn cúng bái cầu U Minh Giáo Chủ siêu độ theo quan niệm của dân gian để thể hiện sự hiếu thảo của mình. Vậy thì những việc làm này có hiệu quả chi hay không?
Sách Hồi Dương Nhơn Quả trang 127 có bài “Địa Tạng Vương Bồ Tát Giáng Bút“. Nội dung như sau:
“Người đời không cho con học chữ Nho nên không thông Đạo Lý. Cứ tưởng cúng chùa, dâng hương là lành. Rước sãi, thầy tu tụng kinh làm chay thì siêu độ cho vong hồn đặng! Các điều ấy có phải làm lành, làm phước đâu? Làm lành là làm phải lý, lại khuyên người làm phải thì Trời xuống phước. [tự giác, giác tha]
Ta thấy người đời ở với cha mẹ không hiếu gì, cha mẹ mãn phần thì nói:
“Sa Địa ngục rồi, phải rước sãi làm đàn siêu độ!”
Các sãi bày ra làm mị, như gởi kho vàng bạc, phá ngục, bông đầu phướn đặng tiếp dẫn vong hồn lên Tây phương. Có lẽ gì, thọc cây tre mà phá đặng địa ngục? Nếu quả như vậy thì kẻ giàu sang làm dữ, thác rồi con rước đông sãi tụng kinh niệm Phật thì vong hồn ra khỏi địa ngục? Người hiền lành mà nghèo, không tiền rước sãi làm như vậy thì không ra khỏi ngục!
Như vậy, Trời Đất cũng vị nhà giàu mà hiếp nhà khó hay sao? Còn chư Phật ở Tây phương, công đâu mà vị nhà có tiền phải đi cứu vớt?
Tâm là Phật, tâm là Thiên đường. Lòng lành, thuận lòng Trời thì cầu vong khỏi tội. Lòng chẳng lành, làm nghịch lòng Trời thì cầu không đặng. Nếu không làm phước, cứ mỗi ngày rước thầy tụng kinh cầu siêu hoài, Phật muốn cứu cũng không thể cứu được.
Ta cũng là Phật, lẽ đâu không hiểu phép. Làm lành, tuy không cầu Phật mà Phật cũng phò hộ. Nếu làm dữ, có lạy Phật cho tới xói đầu, cầu cũng không đặng.
Ta khuyên đời nghe lời Ta, cứ theo Luật Công Quá cách,[7] đừng làm các điều dị đoan trái lẽ, tuy chẳng cầu Ta cũng độ vong. Không cần rước sãi.”
Qua cơ bút Cao Đài, Đức Địa Tạng Vương giáng cơ vào mùa Trung Nguơn Tân Sửu (1961) có dạy:
“Có lẽ chư hiền thấy rõ người đời, mãi khi đưa xác chết lên đường lập bàn gọi Địa Tạng rước vong. Cười (…).
Nầy chư thiện tín! Ta chỉ có quyền pháp để siêu rỗi cho những vong hồn biết siêu rỗi, giải thoát cho những vong hồn có các nhân lành đặt trên đường giải thoát. Chớ quyền pháp của Ta không phải để cướp tội một đám giải oan của người đưa Ta lên địa vị rước vong như người lầm tưởng.” [8]
Như thế thay vì sa đà vào hình thức rần rộ để cố chứng tỏ cho đời biết sự hiếu thảo của mình với người quá cố, chúng ta những tín hữu Cao Đài một khi đã hiểu Lý của Đạo Hiếu sẽ không làm như thế.
Trái lại, những điều cần phải làm nếu muốn cho người thân mau được siêu rỗi thì trong việc tang lễ – cầu siêu, chúng ta phải thực hiện những điều mà Thế Luật điều thứ 16 và 17 trong Tân Luật qui định:
“Trong việc tống chung không nên xa xỉ, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc loè lẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ mà mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi. Trong việc cúng tế vong linh không nên dùng hy sinh, dùng toàn đồ chay thì được phước hơn; không cấm lễ nhạc song phải dùng lễ nhạc theo Tân Luật. Tang phục thì y như xưa.”
4. Tinh thần Siêu Độ trong Lễ Vu Lan:
– Chúng ta hãy xem một bài giáo huấn về “Lý siêu rỗi” của Đức Địa Tạng Vương nhân ngày Trung Nguơn năm Tân Sửu (1961).
Thi
Thiết hội Vu Lan xá tội nhơn,
Tùy tùng Giáo Chủ giáng Cung Huờn;
Trung đàn nghiêm nghị phân nam nữ,
Tiếp lịnh Địa Vương dạy lý chơn.
Ngọc Điện Đồng Tử, chào chung chư Thiên ân lưỡng phái. Đàn nội trang nghiêm tiếp lịnh. Tiểu Thánh hộ đàn. Lui.
Tiếp điển:
Thi
U hiển huyền vi Tạo Hóa cơ,
Minh Vương phóng xá tội Phong Đô;
Giáo truyền mặc mặc quy Chơn Đạo,
Chủ hướng tư tư quả túy khô.
Địa hậu Thiên cao năng phúc tải,
Tạng thân tướng phủ tự duyên vô;
Bồ đoàn hảo kiết thiên liên thảo,
Tát vị tầm thinh đắc vạn đồ.
Ta chào mừng chư Thiên sắc, chư liệt vị, chào chư thiện tín. Ta miễn lễ chư Thiên sắc cùng thiện tín an tọa. Giờ nay Ta vâng Ngọc Hư sắc triệu Tam Giáo truyền ban, Ta mượn điển quang để bày giải đôi câu đạo đức để kỷ niệm trường sanh trong kỳ Trung Nguơn xá tội.(…)
Bài
… Khuyên nhau tâm niệm chí thành,
Cứu đời bớt nỗi cạnh tranh khốn nàn.
Ta đã nguyện trên đàng siêu thoát,
Cứu vong linh đọa lạc Phong Đô,
Huyền linh chơn pháp hư vô,
Trung Nguơn xá tội diễn phô dắt dìu.
Nhìn cảnh thế ra chiều ảm đạm,
Thấy chúng sanh ly loạn thảm thê;
Sống trong vạn cảnh não nề,
Thân sanh phải chịu lắm bề đớn đau.
Vì ham lợi chất cao tội lỗi,
Bởi tranh danh lạc lối đọa đày;
Gieo chi những giống chua cay,
Cho tê lưỡi tục cho say linh hồn.
Sanh trong cõi hàn ôn thử thấp,
Mang chi điều tranh chấp dục tư;
Vạn sinh nung giữa lò cừ,
Sương phong lớp áo bụi mờ tánh linh.
Diễn những cảnh cực hình thảm khốc,
Bày những trò cốt nhục tương tàn;
Thấy chăng địa ngục trần gian,
Vì mình tạo lấy trái oan cho mình.
Đã từng đọc thiên kinh vạn quyển,
Phải nhớ câu nhứt đán vô thường;
Chớ rằng bày vẽ phô trương,
Bạc vàng châu báu tránh đường trầm luân…”
4.1. Siêu Độ cho cô hồn uổng tử
Mùa Trung Nguơn năm Tân Mão 1951, khi giáng đàn ở Thánh thất Tây Thành Cần Thơ, Đức Địa Tạng Vương có dạy:
“Trung Nguơn Đại Lễ ân đức từ bi Phụ Hoàng hiệp đồng chư Phật Tiên Thánh Thần ban phép lành nơi Diêm Địa, đại phóng thích oan hồn cùng nghiệt án thì chư nam nữ nhứt trí dâng tấm lòng thành, triệu lai hồn tử sĩ với âm nhơn hưởng ứng lễ nguyện cầu. Hơn nữa nhờ lòng đạo đức (của) chư hiền mà những oan hồn ấy nghe kinh giác ngộ đặng siêu thăng tịnh độ, hầu trở lại ngôi lành (…).
Bần Đạo khuyên chư hiền không (để) một mảy may nào do lòng trần của chư hiền bất hiệp cùng nhau thì điển lực không chung kết nhau thành ra khó mong người âm trực tiếp siêu thăng. Vì vậy cạn khuyên nhủ nhiều lần, mong chư hiền in trí gắng hành xong.” [9]
Lòng thành và sự hòa hiệp là những điều kiện căn bản để sự nguyện cầu cho các vong linh chưa siêu thoát mau sớm giác ngộ đặng siêu thăng tịnh độ.
Riêng với tín hữu Cao Đài và thân nhân, Đức Địa Tạng Vương ân cần dạy tiếp:
“… Diệu Thiện xưa thuốc thần cứu khổ,
Mục Kiền Liên tầm mẫu Phong Đô;
Nguyện thân thí pháp hư vô,
Vu Lan mở hội tam đồ thoát ly.
Vì hiếu thân đã ghi thiên sử,
Phận làm con còn giữ tích xưa;
Trung Nguơn vén bứt rèm thưa,
Tội trong phước cả mới vừa được siêu.
Lòng chúng sanh tạo điều thiện cảm,
Lòng Trời hòa khí đạm thiên lương;
Trời, người tiếp xúc cho thường,
Lối siêu, nẻo đọa là phương dễ tầm.
Lời Ta để do tâm tất cả,
Chư hiền xem ghi dạ đinh ninh;
Muốn cho mình khỏi tội tình,
Ngục không mở cửa do mình mở thôi.
Chư hiền sống trong đời đạo đức,
Đấng Chí Tôn muôn thức chở che;
Nam Bang hạnh phúc mọi bề,
Mà dân đất Việt đường về biết chưa?
Hỏi sứ mạng trong giờ mạt pháp,
Hỏi tín đồ trong áp lực đời;
Đâu là pháp báu của Trời?
Phải chăng vì Đạo độ đời lo tu.
Kỳ xá tội công phu xây dựng,
Trung Nguơn nầy phê chuẩn phước ban;
Điển lành rưới khắp trần gian,
Cho chư thiện tín vững vàng đường tu”
Giờ lành Ta để đôi câu dạy chung chư Thiên sắc cùng chư thiện nam tín nữ, Ta ước mong chư hiền ráng trọn hành Thiên Đạo để đến ngày chung quy Thiên Tào chiếu bảng.” [10]
Qua lời dạy, chúng ta thấy Đức Địa Tạng khẳng định rằng Ngài “chỉ có quyền pháp để siêu rỗi cho những vong hồn biết siêu rỗi” mà thôi.
Đức Địa Tạng dạy tiếp:
“Như vậy, theo luật công bình nghĩa là có tu mới siêu thăng đắc quả, bằng mến trược, tranh danh thì phải chịu kiếp luân hồi trả vay”.
Người lúc sinh tiền không có tu hành chi mà lại còn mắc phạm tội lỗi thì phải nhờ đến công đức hợp lực cầu nguyện của gia đình và các vị tu hành thì mới được Đức Địa Tạng “Cứu vong linh đọa lạc Phong Đô” thoát khỏi ngục cảnh mà được đi đầu thai, luân hồi chuyển kiếp.
Vậy việc cầu nguyện chỉ mới đáp ứng điều kiện cần nhưng vẫn chưa đáp ứng điều kiện đủ. Chúng ta nhớ lại lời kết của Thầy dạy về đám tang của mẹ Ngài Nguyễn Trung Hậu: “Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên”. Như thế nếu chỉ đọc kinh thôi cũng chưa đủ mà phải có ý thức đến việc làm công quả âm chất để hồi hướng cho vong linh.
4.2. Siêu độ cho Chiến Sĩ Trận Vong
Là một đất nước phải chịu nhiều cảnh binh đao để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc và dân tộc nên mỗi khi tổ chức một lễ trọng trong năm, việc cúng tế chiến sĩ trận vong luôn có trong chương trình của các Thánh thất Thánh tịnh. Không những cầu nguyện cho chiến sĩ đồng bào vì nước vong thân đồng thời cũng mở lòng bác ái cầu nguyện chung cho cả những kẻ đối phương vì nghiệp chướng cang qua mà phải thành oan hồn uổng tử.
Đức Địa Tạng Bồ Tát có dạy:
ĐỊA cầu nhơn loại luống sầu thương,
TẠNG phủ nát thân cảnh chiến trường;
VƯƠNG quốc, dân quan hòa huyết lệ,
BỒ đoàn tát hiệp giáng Trung Nguơn.
Hôm nay Trung Nguơn Đại Lễ, Bần Đạo chỉ rành… mong chư nam nữ hiệp đồng cầu Lễ nguyện với cuộc Lễ hòa bình thế giới và cầu Anh linh chiến sĩ vị quốc vong thân, xu cùng anh hồn uổng tử bởi cang qua,… chư hiền đồng ráng lo sao huy hoàng.(…)
Lễ cầu chiến sĩ độ cô hồn,
Thành kỉnh nguyện cầu Đấng Chí Tôn;
Thượng giới chư Tiên cùng Tiên cảnh,
Nhứt tâm hội họp, tỉnh hương thôn… …
Rằm Trung Nguơn, thời kỳ Đại Lễ,
Cõi dương trần triệt để vớt vong;
Chư hiền nam nữ chung đồng,
Sẵn nhờ Đại Đức ân hồng Thầy ban… …
Lập lễ nguyện cầu vong chiến sĩ,
Là tượng trưng nhứt trí ai thông?
Để thành lập ngọn đuốc hồng,
Mong soi sáng rõ đại đồng thế gian… …
Hồn chiến sĩ tử thương mạng bạc,
Nợ oan hồn rơi hạt châu sa;
Biệt tăm nơi cảnh Diêm La,
Vi vu gió thổi cùng là hồn vương.
Vì cuộc thế chiến trường bỏ mạng,
Vì công dân bảng vạn quyết đền;
Thương thay phải chịu than rên,
Lạnh lùng Diêm Địa bốn bên ai là?
Thân thích ruột gần xa đâu rõ,
Với gia đình dòm ngó tường chăng?
Chỉ mong lòng những nặng oằn,
Đói cơm khát nước ai đằng dưỡng nuôi?
Nhận thấy thế ngậm ngùi lòng chạnh,
Vì nghĩa đền đất Thánh vùi thân;
Trung Quân hiển hích Đại Thần,
Oan tình phải chịu bỏ thân hạ miền.
Lễ cầu nguyện kỉnh thiền chư đệ,
Hiệp tác đồng chung để lắng lo;
Giữa thời quốc loạn cơ đồ,
Cầu vong Chiến Sĩ hãi hồ lương tâm.[11]
2.4. Tinh thần Siêu Độ trong Tam Kỳ
Mùa Trung Nguơn năm Tân Mão, Đức Địa Tạng dạy:
“Dưới quyền của cõi diêm phù, Bần Đạo vâng sắc chỉ Thượng Hoàng phóng thích rất nhiều anh hồn cùng uổng tử nơi ngục A Tỳ.
Bởi vì nhờ điển lực đại ân Thiên mạng đượm thấm lòng đại đức vô biên của Đức Phụ Hoàng cùng chư Tiên Phật thì Bần Đạo khuyên Thiên mạng nên vui hơn nữa, để rồi… giải rành cho thiện nam tín nữ đồng nghe hầu bền chặc giữ đường tu bồi.” [12]
Nếu như luật ân xá trong mùa Vu Lan – Địa Quan giải ách chỉ có tác dụng trong phạm vi giới hạn là mở cửa Phong Đô để cho chư vong được trở lại dương thế thọ hưởng của thí thực để giải cơn đói khát về tâm lý đồng thời được nghe kinh được trì tụng của chư tăng để thức tỉnh lương tâm lương tri hầu mau được giảm tội đặng đi luân hồi tái kiếp.
Trong khi đó, giá trị của Tam Kỳ phổ độ được nâng lên mức độ siêu thăng. Các vong linh có thân nhân là tín hữu Cao Đài cũng được hưởng qui chế đại ân xá tùy theo công quả – công đức của con cháu mà nhân lên theo hệ số ít nhất là ba lần. Đây là điều khác biệt về mặt ý nghĩa độ siêu giữa thời kỳ này và hai kỳ trước.
Mặt khác, chính tinh thần “phổ độ” tham gia các hình thức siêu độ khác, như dộng U minh hay thuyết đạo, v.v…, tùy điều kiện hay hoàn cảnh khả năng của mỗi người với tấm lòng hòa hiệp trên dưới chung lo cho đạo sự nhưng không vọng cầu riêng cho thân nhân Cửu Huyền Thất tổ của mình, trái lại một lòng chỉ hướng về bá tánh chúng sanh không phân biệt màu da chủng tộc.
THI NGŨ NGÔN: [13]
ĐỊA môn chơn linh tiếp,
TẠNG lạc cảnh tỉnh nhường;
VƯƠNG đài ít kẻ đến,
PHẬT quốc thế xem thường.
ĐỊA TẠNG VƯƠNG PHẬT – Ta thọ lịnh Thượng Đế du Thập Điện dẫn chơn linh được ân xá vào ngày Lễ Vu Lan đưa về Phổ Đà nay được lịnh nên đưa chư chơn linh về báo tin cho tử tôn, cũng có chơn linh đã được chứng Thần đưa về Phổ Đà trước.
Nầy chư Cao đồ có được huyền vi bí ẩn của Thượng Đế. Đây Ta sơ qua cho chư Cao đồ tường những chơn linh phải đến Nghiệt Đài Cảnh soi để thấy phần công quả có nhờ tử tôn lập kỳ công quả mà được tương công chiết tội trở về Phổ Đà phải luyện thần để phân thanh lóng trược. Nay được lịnh cho về nhập bút. Thôi Ta báo tin chư Cao đồ tiếp chơn linh, Ta xuất ngoại giữ gìn hộ liệt vị.
Tiếp Điển:
Thi:
Chuyển bút NGUYỄN hòa giọt lệ đây,
Vui thay THỊ cảnh được sum vầy;
Nữ nhi ĐỆ thưởng công con lập,
Tát mất hồn nay thọ lịnh Thầy.
NGUYỄN THỊ ĐỆ – tôi cúi đầu lạy Đức Thượng Đế, Đức Mẹ cùng chư Thần Thánh Tiên Phật, xin cúi đầu chào mừng Thiên mạng cùng quí huynh tỷ nội đàn.
Mừng vui vô cùng tôi nhờ công ái nữ đã lập đức bồi công, nhờ đó mà tôi được đưa về Phổ Đà để tịnh luyện phân thanh lóng trược. Từ lâu tôi chưa được lai cơ, nay được lịnh Thượng Đế nhờ có Phật Vương Địa Tạng tôi được đưa về đây để báo tin cho ái nữ cùng nghĩa tế tôn ngoại được vui mừng.
Tôi chưa được ân huệ Thượng Đế ban cho, chỉ nhờ công đức của con với phần đại ân xá của Thượng Đế. Thôi tôi có đôi lời nhờ Ban Cai Quản chuyển tin cho ái nhi Sẫm được mừng, còn phần vô vi tôi theo Phật Vương trở lại Phổ Đà để tịnh dưỡng coi có may được thoát kiếp luân hồi không. Thôi tôi xin cúi đầu từ giã trung đàn, tôi xin lui.
Tiếp Điển:
THI:
NGUYỄN đã từ lâu lánh cõi trần,
NGỌC kia đã bể chẳng hoàn thân;
THÀNH lòng khẩn nguyện Trời cao xá,
Đẹt tự thường dùng của người thân.
NGUYỄN NGỌC THÀNH thường dùng Đẹt – tôi cúi đầu lạy Đức Chí Tôn, cúi mừng chào Thiên mạng cùng ông bà cô bác nơi Nguyệt Thanh Quang.
Tôi lìa trần được đưa về Diệu Nghiêm Cung để tịnh dưỡng luyện thần, hiệp tinh khí họa may có khỏi kiếp luân hồi không. Nay tôi được nhập cơ cũng nhờ anh Hai, chú Tư, em cùng hiền nội, nhờ công quả nên được Chí Tôn cho lai cơ phân trần.
Nầy Sành hiền nội, tôi vẫn biết khi đôi ta đã thành hôn thì chiến tranh tàn khốc nên tôi phải ra đi, dầu thương cha, trìu mến vợ con, cũng đành gạt lệ để lại cho hiền nội biết bao trăm đắng ngàn cay. Tôi muốn than thở nhiều nhưng cũng không được vì lịnh Phật Vương giục thúc.
Vậy để tin cho anh em cùng vợ con mừng chớ vẫn khóc xin lai cơ để than thở mới cạn lời. Thôi cúi đầu chào mừng Thiên mạng cùng cô bác ông bà anh chị em nội đàn, tôi xin ra cơ.
KẾT LUẬN
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát khi giáng cơ ở Kiên Giang đêm mùng 8 tháng 6 nhuần năm Canh Ngũ (1930) đã ban cho bài dộng chuông U Minh, lời Kệ có những câu:
Gọi kẻ Phong Đô thức tiếng kình,
Nghe lời Thầy dặn nhớ đinh ninh;
Hồi đầu quy hướng Cao Đài giáo,
Tội nghiệt tiêu tan hưởng phước lành.[14]
Lời kệ của Địa Tạng Bồ Tát nhắc các vong linh vừa được phép tạm ra khỏi Phong Đô đặng nghe kinh cầu siêu và tiếng chuông U Minh hãy quy hướng Cao Đài để cho tội nghiệt được tiêu tan. Còn với người đang sống ở dương thế, qua vai trò độ dẫn và siêu rỗi vong linh của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, những lời dạy của Ngài khi giáng cơ giúp cho tín hữu Cao Đài học hiểu, ý thức những gì cần phải làm để có đủ điều kiện được ban ân siêu rỗi cho CHTT nếu như muốn sự nguyện cầu siêu thoát cho những vong linh thân nhân quá cố. Tóm tắt lại, đó là:
“Theo luật công bình nghĩa là có tu mới siêu thăng đắc quả.” và phải “ráng trọn hành Thiên Đạo”.
Một trong những phương cách thực hiện là hãy tích cực trọn lòng thành hiệp cùng bổn đạo nguyện cầu siêu độ cho tha nhân chứ không mê tín vào thần quyền rồi chỉ cầu nguyện mà lại không thực hành tu học và hành đạo hướng về chúng sanh để bồi công lập đức.
Nghĩa là bản thân muốn cầu siêu rỗi cho chính mình thời phải tu sửa thân tâm, bồi công lập đức, Phước Huệ song tu, nghĩa là cần phải luôn siêng năng tu học hành đạo trên cả hai mặt Thế Đạo và Thiên Đạo. Khi nào công đức bản thân có đầy đủ để siêu rỗi cho bản thân thì mới có số dư giúp siêu rỗi cho Cửu Huyền Thất Tổ.
Đạt Tường
[1] Ngũ Chi Minh Đạo: Minh Sư, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Lý, Minh Tân
[2] Lịch Sử Đạo Cao Đài quyển 1 tr257 CQ Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo xb2005
[3] Hạ tuần tháng 7 Bính Dần
[4] Về sau Ngài được Thiên phong Bảo Pháp Hiệp Thiên Đài và làm Đồng Tử
[5] Lịch Sử Đạo Cao Đài quyển 1 trang 261 CQPTGLĐĐ xuất bản 2005
[6] Kinh vớt vong trong Kinh Tam Nguơn Siêu Độ
[7] Công: không có ý riêng; Quá: tội lỗi.
Luật Công Quá cách: Luật nêu những qui định cách thức mà mỗi người cần làm theo để tránh được lỗi lầm đồng thời làm những điều tốt đẹp cho người khác mà không có ý tư riêng.
[8] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Huờn Cung Đàn 14 rạng 15.7 Tân Sửu (24.8.1961)
[9] Địa Tạng Vương Bồ Tát, Tây Thành Thánh thất 15.7 Tân Mão (17.8.1951)
Kinh Tam Nguơn Siêu Độ, xuất bản 1952 trang 200.
[10] Huờn Cung Đàn – Minh Tân, 14 rạng Rằm tháng 7 Tân Sửu (24.08.1961)
[11] Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Tây Thành Thánh thất, 15.7 Tân Mão (17.8.1951)
[12] Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Tây Thành Thánh thất, 17.7 Tân Mão (19.8.1951)
[13] Nguyệt Thanh Quang, Mùng 3.12 Ất Hợi (1996)
[14] Kinh Ngọc Đế Chơn Truyền 1935 – Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn.