Học tập lời dạy của Ơn Trên về Đức Tính Kiên Nhẫn

HỌC TẬP LỜI DẠY CỦA ƠN TRÊN
 VỀ ĐỨC TÍNH KIÊN NHẪN
Chánh Tuân

A.   DẪN NHẬP:
     Có lẽ đức tính được người đời ca tụng nhiều nhất là tính kiên nhẫn. Cato The Elder đã nói: “Kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính”.  Issac Newton nói: “Nếu tôi có được khám phá giá trị nào, đó là nhờ chú ‎ý kiên nhẫn hơn là bất kỳ tài năng nào tôi có”.
Vậy, kiên nhẫn là gì và làm sao để ta có được đức tính kiên nhẫn?

B.   NỘI DUNG:

I.       THUẬT NGỮ:
         Kiên: làm cho vững vàng, chắc chắn.
         Nhẫn: là chấp nhận sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần để phấn đấu cho lý tưởng cao cả. Chữ Nhẫn, Hán ngữ chiết tự gồm chữ đao ở trên, đâm mũi nhọn vào chữ tâm ở dưới. Thể hiện sức chịu đựng rất phi thường của một người có đức tính nhẫn.

 

II.     NHỮNG TẤM GƯƠNG KIÊN NHẪN:
Từ nghìn xưa đến nay có rất nhiều tấm gương kiên nhẫn đã mãi đi vào lịch sử mà người đời luôn xem đó là những tấm gương quý giá để học tập noi theo. Như Trương Lương ba lần hạ mình xách dép cho một Cụ Già để rồi được Cụ Già ấy trao tặng sách quý; Khương Tử Nha ngồi câu cá bằng cần câu không lưỡi chờ thời để được phò minh quân; Thánh Văn Vương ngồi tù suốt 7 năm ở thành Dũ Lý, trọn đạo bề tôi với Vua Trụ và đã nghiên cứu để lại cho đời những công trình vô giá về Kinh Dịch như vạch ra Bát Quái Hậu Thiên và viết soán từ cho 64 quẻ trùng quái…
Trong kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, khi dạy về chữ Nhẫn, Thầy cũng đã nhắc lại cho chúng ta thấy được những tấm gương kiên nhẫn bất hủ của người xưa:

“Tâm lành trụ đạo Huỳnh đình,
Học về chữ nhẫn phát sinh tâm hiền;
Gương Hàn Tín lòn tuốt chợ đời;
Nhẫn lòng chịu đựng ngày trôi,
Công hầu bực nhứt đương thời Hán tranh.
Nhẫn Trương Lương sẵn dành tâm thiện,
Đã bao lần nơi biển phía Đông;
Luôn luôn tâm thiện ôm lòng,
Hạ mình xách dép ba lần không ngơi!
Nhẫn Tử Nha suốt đời nghèo khổ,
Áo rách rưới khắp chỗ lở loang;
Quần tơi chẳng dép chợ đàng,
Ngẫm nghiền thông suốt thiện an cứu người.
………………………………………..
Nhẫn Việt Vương nếm mùi đau khổ,
Biết bao năm nơi chỗ đọa đày;
Chịu nhiều khổ nhọc đắng cay,
Nhưng lòng ôm nhẫn đến ngày hôm sau.
………………………………………..
Nhẫn Văn Vương làm tròn phận sự,
Bảy năm trường trọn giữ bề tôi;
Lúc nào cũng nhẫn cho trôi,
Để thành Dũ Lý bậc ngôi Thánh Hiền.
………………………………………..
Nhẫn Di Đà phá xiềng u tối,
Chịu nhiều bề bao nỗi nhọc nhằn!
Thầy đem mắng chửi bao lần,
Đệ huynh cấu xé nhẫn cần ngậm câm.
Nhẫn Thích Ca đi tầm diệu pháp,
Biết bao lần đời đáp nhục ôi!
Luôn luôn sỉ vả nặng lời,
Chặt tay roi đánh vậy thời cũng yên.
Nhẫn Gia Tô lưu truyền hậu thế,
Để ngày sau thừa kế người hành;
Đinh đời đóng quả tim trong,
Máu trào tuôn đổ bao dòng thảm thương!
Nhưng vì nhẫn đoạn trường không biết,
Nguyện cho đời thảm thiết gào la!
Luôn luôn gọi Đấng Trời Cha,
Cứu người oan nghiệt để ra trọn lành.
Nhẫn Quan Âm bao năm lăn lóc,
Tu một xó mà học chơn truyền;
Dù cho bạc ác đảo điên,
Đốt chùa đánh sãi vẫn yên tâm lòng!
Nhẫn Trường Xuân bao năm lặn lội,
Biết bao lần nông nỗi hàm oan!
Nhưng mà câm nín chẳng than,
Thầy la cam phận quì hàng gối bên!”

          Ngoài ra, trong cuộc sống cũng có biết bao tấm gương kiên nhẫn rất đáng để chúng ta học tập và noi theo.
          Sau đây là 1 câu chuyện nói về đức tính Kiên Nhẫn:
Thiền sư người Nhật Bản tên là Muju (Vô Trú) viết một tập sách nhan đề Shaseki-shu (Sa thạch tập), Đỗ Đình Đồng dịch dưới tên “Góp nhặt cát đá”, nhà xuất bản Lá Bối – Saigon xuất bản năm 1971. Trong tập sách có chuyện “Mùi vị của lưỡi kiếm Banzo”:
“Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ chối dạy anh. Vì thế Matajuro đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời phán quyết của cha Matajuro Yagyu.
Banzo nói: “Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.”
Matajuro một mực hỏi tiếp: “Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sĩ?”
Banzo đáp: “Cả quãng đời còn lại của anh.”
Matajuro giải thích: “Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu?”
Banzo hơi dễ dãi: “Ồ, có lẽ mười năm.”
Matajuro hỏi tiếp: “Cha con đã già rồi và con sớm phải săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu?”
Banzo đáp: “Ồ, có lẽ ba mươi năm.”
Matajuro hỏi: “Sao thế? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian ngắn nhất.”
Banzo đáp: “Được, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”
Sau cùng, Matajuro hiểu rằng mình đang bị trách mắng vì không có tính kiên nhẫn. Anh ta kêu lên: “Hay lắm, con đồng ý.”
Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn dẹp giường ngủ, quét sân, quét nhà, chăm sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.
Ba năm trôi qua, Matajuro vẫn làm việc, nghĩ đến tương lai, anh ta buồn. Matajuro vẫn chưa bắt đầu học thứ nghệ thuật mà anh ta đã hiến mình cho nó. Nhưng một hôm Banzo bò đến sau lưng Matajuro và tặng cho anh ta một đường kiếm rợn tóc gáy bằng một thanh kiếm gỗ. Ngày hôm sau, lúc Matajuro đang nấu cơm, thình lình Banzo nhảy bay qua người anh ta.
Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phút giây nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo. Matajuro học rất nhanh, anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matazuro đã trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.

III.  PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN ĐỨC TÍNH KIÊN NHẪN:
1.    Rèn luyện tinh thần kiên định:
Lòng kiên định là sự chắc chắn, quả quyết của bản thân trước công việc. Người kiên định luôn vững lòng, cho dù có gì ảnh hưởng, có vật gì cản đường cũng không thay đổi quyết định chính xác của mình. Vì yếu tố bên ngoài, chướng ngại khó khăn mà xoay chuyển, mà nghĩ lại không tiếp tục công việc, đó chính là những người thiếu kiên định. Kiên định quả thật là một đức tính cần thiết đối với mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. Trong công việc, học tập, mọi thử thách gian lao, nhờ lòng kiên định, con người sẽ không bị chi phối, không bị ảnh hưởng, luôn vững lòng để hoàn thành, để vượt qua.
Ông cha ta, từ xưa cũng luôn khuyên răn con cháu, phải biết vững lòng mình. Bằng tiếng cười dân gian, truyện “Đẽo cày giữa đường” kể về 1 anh nông dân, vì thiếu kiên quyết, không tự tin trước bản thân, nghe theo lời của nhiều người qua đường mà đẽo chiếc cày dở dở ương ương cũng là một bài học bổ ích về lòng kiên định.
Tục ngữ có câu: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là nói lên tinh thần kiên định lập trường trước mọi khó khăn nghịch cảnh.
Trong kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, Ơn Trên cũng có dạy về lòng kiên định như sau:

Thầy giảng tiếp sâu vào chữ Nhẫn,
Hạnh người tu phải nắm vững lòng;
Nhẫn đi nguồn đạo sạch trong,
Nhẫn kiên chịu đựng thông đồng tiên thiên.”
 

2.    Rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ:
Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” hoặc “Nước chảy đá mòn”. Cả hai câu tục ngữ này đều cho chúng ta thấy được một tính kiên trì rất phi thường, bởi vì một thanh sắt muốn trở thành một cây kim thì đòi hỏi người mài sắt phải hết sức kiên trì mới hoàn thành công cuộc to lớn đó được; Tuy nước mềm nhưng nước cứ chảy hoài trên bề mặt cứng cáp của tảng đá lớn thì lâu ngày đá cũng phải bị bào mòn theo năm tháng.

        

Dân gian thường nói: Lấy lửa thử vàng. Trong cuộc sống cũng vậy, bất kỳ một thành công nào cũng phải có sự kiên trì bền bỉ và phải chịu sự nhồi luyện thử thách để cho thật sự xứng đáng là vàng mười thử lửa.
Đức Chí Tôn cũng đã tiên tri cho biết rằng sứ mạng của đoàn Tứ Linh Đồng Tử truyền đạo ra Trung sẽ gặp rất nhiều thử thách chông gai nên Thầy đã ân cần căn dặn Ngài Bảo Pháp Thanh Long như sau:

“Thanh Long con đường trường giục ngựa,
Mảnh thân sinh đứng giữa trần gian;
Vui chi cười, buồn chi than,
Hễ càng cay đắng, con càng nên con.”
(Trích Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật)

Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy cũng có dạy:

“Biết Ðạo Đức chịu lỳ với Ðạo,
Ðể quỉ ma nó khảo mới cao;
Phơi gan trải mật anh hào,
Ðại hùng, đại lực mới vào cảnh Tiên.”

3.    Phải Nhứt Tâm và Minh Thệ:
Khi có minh thệ chúng ta mới không thối chuyển, có nhứt tâm vững đức tin nơi Đấng Chí Tôn chúng ta mới có thể đi trọn con đường tu thân hành đạo của mình. Chính vì điều này mà Thầy cũng đã có lần nhắc nhở Ngài Bảo Pháp Thanh Long phải luôn ghi nhớ lời thề trước lúc thọ nhận trọng trách truyền giáo ra Trung để giúp Ngài nhứt tâm đặt trọn lòng tin nơi Đức Chí Tôn mới có thể hoàn thành sứ mạng mà không thối chuyển:

“Long con hãy nặng phần trách nhiệm,
Bảng Quy, Lân, Phụng nhắm rừng non;
Lời thề gắng nhớ nghe con,
Dầu chi chi nữa cũng còn Thầy đây”.
(Trích Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật)

4.    Phải có sự quyết tâm:
Đã có dự tính làm gì thì chưa đủ, chúng ta cần phải quyết tâm cố gắng hết sức để theo đuổi việc ấy đến cùng. Khi thất bại chúng ta phải biết tự đứng dậy và tiếp tục theo đuổi mục đích chứ không được để giữa đường gãy gánh, đó mới là con người có quyết tâm.
Trong Thánh Truyền Trung Hưng, Đức Quan Thánh Đế Quân có dạy:

“Phải giác ngộ thiết tha tu học!
Phải quyết tâm khó nhọc đừng lui;
Nếm cho thấu vị  biết mùi,
Thì lòng mới khỏi ngược xuôi đoạn đời.”
(Trích Thánh Truyền Trung Hưng, quyển 4)

5.    Phải thường xuyên cầu nguyện:
Chúng ta biết rằng trong cuộc đời tu học hành đạo của mỗi người sẽ gặp không biết bao nhiêu là thử thách chông gai. Tùy nghiệp duyên của mỗi người mà phải đón nhận những khảo thí khác nhau: hoặc thuận khảo hoặc nghịch khảo. Do vậy chúng ta không nên quá chủ quan tin tưởng rằng mình sẽ có đủ nghị lực can trường vượt qua tất cả những khảo thí đó, mà, trong tâm phải luôn cầu nguyện Ơn Trên hộ trì soi dẫn cho chúng ta luôn vững đức tin để đi trọn vẹn con đường mình đã chọn.
Cầu nguyện là một bí pháp nhiệm mầu, nếu chúng ta đặt hết lòng thành tín vào đó. Nên khi thuyết giảng về quyền năng Phật Mẫu, Đức Hộ Pháp đã nói về kết quả của sự cầu nguyện, theo kinh nghiệm tâm linh của Ngài như sau:
“Qua chỉ cho mấy em một bí pháp là khi nào mấy em quá thống khổ, quá đau đớn tâm hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quỳ xuống giữa không trung, các em nguyện với Bà Mẹ Thiêng liêng ấy một lời cầu nguyện, Bần Đạo quả quyết rằng Bà chẳng khi nào từ chối cùng mấy em, Qua thử nghiệm rồi … ”. (Trích lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày rằm tháng tám Nhâm Thìn / 1952 tại Cửu Long Đài).
Đức Chí Tôn là Đấng Cha Lành luôn luôn cứu vớt chúng ta, sự cứu vớt nầy đôi khi không cần qua trung gian của bất cứ một quyền lực nào, hay hình thức nào, mà chỉ cần một “đức tin” vững chắc của chính mình đặt để nơi Đức Chí Tôn. Nên khi thuyết giảng về sự cứu rỗi, Đức Hộ-Pháp đã dạy rằng:
“Đức Chí Tôn đã để trong phương pháp cứu rỗi của Ngài đã nói rằng: Tội tình các con dù đầy dẫy nơi mặt địa cầu nầy, mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu. Thầy đem bí pháp giải thoát để trong tay các con, đặng cho các con đạt chơn pháp mà giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là niệm Nam-mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-ha-Tát” (Trích lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp về Con đường Thiêng Liêng hằng sống tại Đền Thánh đêm 12-02 Kỷ Sửu / 11-03-1949).

6.    Phải học hạnh Nhẫn Nhục và đức tính Khiêm Tốn:
          Để thực hiện được đức tính kiên nhẫn thì đòi hỏi ở chúng ta phải thực hiện được hạnh Nhẫn Nhục và đức tính Khiêm Tốn.
          Gương Việt Vương Câu Tiễn ngày xưa muốn báo thù phải chịu nhục, đêm nằm gai, ngày nếm mật để kiên định ý chí, chịu nhục nếm phân của vua Ngô Phù Sai để được tha mà trở về phục hận.
          Hạnh nhẫn nhục ngoài việc chịu nhục như cách làm của Việt Vương Câu Tiễn thì nhẫn nhục ở đây còn mang một ý nghĩa là vui vẻ đón nhận mọi điều lụy phiền gây ra cho mình mà không oán hờn tủi nhục, miễn sao đạt được mục đích cao thượng là mang đến nguồn hạnh phúc an lạc cho mọi người.
          Trong Kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, Thầy có dạy:

“Nhẫn sự việc cho xong tất cả,
Nhẫn hạ mình giải họa thế gian;
Nhẫn kiên xóa bỏ thảm nàn,
Nhẫn là hạnh nguyện Kim cang hành trì.
Nhẫn mới thấy kỳ thi phút chót,
Nhẫn hạ mình đẽo gọt thân tâm;
Nhẫn đi con thấy diệu thâm,
Nhẫn bình hòa ái xoay mầm Như Lai.
Nhẫn mà chịu dạn dày đau khổ!
Nhẫn rèn mình đến chỗ “Không không”;
Nhẫn tu mới thấy rõ lòng,
Nhẫn đi con sẽ thông đồng Vô Vi.”

                                                  
          Một đức tính không thể thiếu để thực hiện trọn vẹn đức tính kiên nhẫn, đó là Khiêm Tốn. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước giới luật, bao giờ cũng nêu cao tinh thần học hỏi. Hoài bão trọng đại của cá nhân là tiến mãi không ngừng, chủ đích là không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác.
Trong “Đại Thừa Chơn Giáo”, Thầy có dạy:

“Nên hạ mình chìu lòn chúng bạn,
Ðức hạnh tròn chói sáng mọi nơi;
Khuyên con con biết nghe lời,
Dạy con con biết tùy thời chấp trung.
……………………………………………………
Người hiền để người ta biết đó,
Thì cũng chưa thiệt rõ người hiền;
Người hiền an tịnh nhẫn kiên,
Lo làm âm đức mới thiền tâm linh.
Còn nhớ đến rằng mình hay giỏi,
Thì ai đâu còn gọi người hiền!
Người hiền trầm tỉnh ổn yên,
Thủy triều vận tải căn nguyên đức tài.
Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,
Lo cho người tai mắt ích chung;
Gìn tâm chẳng để buông lung,
Cúi lòn nhẫn nhịn, dây dùn dứt coi!”

7.    Phải rèn luyện thân thể để có đủ sức khỏe:
          Có đủ sức khỏe thì chúng ta mới có sức mạnh tinh thần để hoàn thành các mục tiêu mà mình đã vạch ra, bằng không sẽ bị lực bất tòng tâm.
          Đức An Hòa Thánh Nữ có dạy: “Vì không còn nhục thể nên thiếu phương tiện rất lớn, chư liệt vị còn sanh trưởng tại thế gian đủ điều kiện để bồi công lập đức, chỉ có một điều hơi trở ngại đó là tự mình nuông chiều tánh lười biếng để dễ thối chí ngã lòng trước những việc hơi khó khăn. Nếu mỗi người khắc kỷ, khép mình giữ tánh nết để đủ kiên nhẫn trước mọi trở ngại hầu tiến thẳng trên đường tu học thì sự thành đạo rất dễ dàng.” 

C.   KẾT LUẬN:
Nói tóm lại, đức tính kiên nhẫn là một trong những đức tính hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi chúng ta. Có kiên nhẫn, chúng ta mới có đủ can trường và nghị lực để vượt qua mọi thử thách chông gai trên bước đường tu thân hành đạo của mình. Có kiên nhẫn, chúng ta mới hoàn thành được các mục tiêu do mình đã vạch ra mà không phải chịu giữa đường gãy gánh.
Do vậy, mỗi chúng ta hãy luôn cố gắng hết sức học tập và rèn luyện hằng ngày để đức tính kiên nhẫn trong bản thân mỗi người ngày một tăng trưởng.

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *