Một vài phương pháp để tập rèn để tự thắng chính mình

 

1. Mối giặc vô cùng nguy hiểm của nội tâm:

Chúng ta biết rằng bên trong mỗi con người luôn có sự đấu tranh không ngừng nghỉ giữa phàm tâm và chơn tâm (đạo tâm). Phàm tâm luôn nghe theo sự xúi dục, khiến sai của lục dục (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý), thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ), tham sân si còn chơn tâm luôn tùng theo Thiên lý, thuận với lương tâm của mỗi người. Hễ phàm tâm hưng thịnh làm chủ con người thì chơn tâm phải lu mờ và ngược lại khi chơn tâm hưng thịnh thì phàm tâm phải bị chế ngự, tiêu diệt.

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư có dạy:

Trong mỗi người đều có hai trạng thái tâm hồn, một là tốt, hai là xấu. Hoặc nói khác hơn, một là thiện, hai là ác. Hoặc nói một cách khác nữa, đó là phàm tâm và đạo tâm. Hễ khi phàm tâm hưng thịnh, làm chủ con người thì đạo tâm bị che án, khuất lấp lu mờ, để cho thất tình lục dục, tham sân si tha hồ mà ngự trị loạn động khiến sai. Chỉ khi nào đạo tâm hưng thịnh ngự trị làm chủ con người thì phàm tâm mới diệt được. Khi phàm tâm diệt, đạo tâm sanh, thì con người ấy mới có thể gọi là hiền lương quân tử, đạo đức chơn tu.” [Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972)]

Tuy nhiên, để chơn tâm luôn hưng thịnh và chế ngự được phàm tâm là một việc vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi mỗi người phải luôn tỉnh giác kiểm soát lấy thân tâm từng phút, từng giây và từng sát – na.

Có lẽ vì nhìn thấy được mức độ vô cùng khó khăn, gian khổ đó mà Đức Phật Thích Ca đã từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình.”[Lời dạy của Đức Phật Thích Ca được ghi lại ở phẩm Ngàn trong quyển Kinh Pháp Cú].

Thật vậy, trong nội tâm mỗi người luôn có một mối giặc vô cùng nguy hiểm, luôn đủ khả năng “hạ đo ván” chơn tâm bất cứ lúc nào. Mối giặc đặc biệt nguy hiểm ấy chính là thập tam ma (lục dục, thất tình) và tam độc tham sân si.

Chính vì điều này mà Đức Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã xác nhận:

Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm,
Không ngại cho bằng giặc nội tâm;
Ngoài có thiên binh đem thạnh trị,
Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm.”

[ Nam Thành Thánh Thất, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967)]

 Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng có dạy:

Chư hiền đệ muội thử nghĩ, trên thế gian có rất nhiều người anh hùng có thể chiến thắng trăm trận, đoạt thành cướp lũy, kiến quốc tạo nghiệp, nhưng cũng chưa hẳn làm được anh hùng để chiến thắng những trận giặc bất chính ở cá nhân nội tâm.” [(Thiên Lý Đàn, 24-7 Bính Ngọ (08-9-1966)]

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng có dạy:

“Thất tình lục dục là mối loạn hàng ngày ở trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí, đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ dẹp trừ đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nó phá hoại hàng ngày.”  [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 354]

Thỉnh thoảng chúng ta thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm… Hầu hết những vụ trọng án này đều khởi nguồn từ lòng sân hận, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, dục vọng… trỗi dậy mạnh mẽ bên trong lòng của người phạm nhân khiến cho chơn tâm của họ không thể nào kềm chế được phàm tâm để rồi họ đã ra tay thực hiện những hành vi trọng tội.

Còn đối với những người tu hành tuy luôn có giới quy làm khuôn mẫu để tự bảo vệ mình khỏi những cám dỗ thử thách nhưng những việc thắng và thua trong chính họ cũng đã và đang diễn ra hằng ngày trong đời sống tu hành của mình. Những cám dỗ như tiền tài, địa vị, quyền lợi, sắc dục, v.v… khiến cho các nhà tu hành phải chịu thất bại thảm hại. Chẳng hạn như vì không vượt qua được cám dỗ của sắc dục mà người tu hành phải phạm giới tà dâm hoặc vì lòng tham mà người tu hành đã bất chấp giới luật để cắt xén bớt tiền của thập phương bá tánh bỏ vào túi riêng của mình hoặc vì tranh dành địa vị chức sắc đã khiến cho huynh đệ đồng đạo không còn nhìn mặt nhau, gièm pha nói xấu lẫn nhau…

Chính vì mối giặc nội tâm vô cùng nguy hiểm như vậy nên trong Tây du ký, tác giả Ngô Thừa Ân muốn nhắn gửi một điều: Nếu một người tu hành muốn đến được Tây Trúc để thỉnh kinh (tìm được chơn lý tuyệt đối) thì điều tiên quyết là buộc người hành giả ấy phải đủ can trường và nghị lực để tiêu diệt cho được 6 tên cướp (lục dục) và thu phục được 7 con yêu tinh nhền nhện (thất tình) [Nói về 6 tên cướp, Tây du kể rằng:“Thầy trò đi được lúc lâu, bỗng ven đường nghe soạt một tiếng, thấy sáu người xông ra, đứa nào cũng giáo dài, kiếm ngắn, dao sắc, cung cứng, quát vang…” [TDK II 1982: 81], Tề thiên hỏi lai lịch, bọn cướp tự giới thiệu: “Nhà ngươi không biết, bọn ta nói cho mà nghe: Chúng ta, một người gọi là mắt thấy mừng, một người gọi là tai nghe giận, một người gọi là mũi ngửi thích, một người gọi là lưỡi nếm nghĩ, một người gọi là ý thấy muốn, một người gọi là thân vốn lo.” [TDK II 1982: 82]; Nói về 7 con yêu tinh nhền nhện, Tây du kể rằng:Bỗng thấy bảy cô gái cởi khuy áo, để lộ eo bụng trắng phau như tuyết, làm phép từ trong rốn ùn ùn nhả những sợi tơ ra như một tấm lưới mù mịt một khoảng trời, trùm kín lấy Hành giả.” [TDK VIII 1988: 63], “Vật cứng còn có thể đánh đứt, thứ này mềm đánh chỉ lún xuống thôi. Khéo nó biết, nó quấn chặt lấy mình.” [TDK VIII 1988: 38]

2. Một vài phương pháp để tập rèn tự thắng chính mình:

2.1 Trì tụng các bài kinh có thể hiện lời tự hứa nguyện của mình với Ơn Trên trong việc giữ gìn quy giới và cố gắng hết sức để giữ gìn quy giới tinh nghiêm:

– Hằng ngày chúng ta nên dành thời gian trì tụng những bài kinh có thể hiện lời tự hứa nguyện của mình với Ơn Trênnhư Kinh Hôm, Kinh Mai, Kinh Sám Hối…. Chính những lời hứa nguyện khi đọc lên từ những bài kinh này sẽ có tác dụng rất hiệu nghiệm trong việc nhắc nhở chúng ta luôn biết lo sợ mỗi khi chuẩn bị vi phạm giới luật, từ đó giúp chúng ta biết dừng lại đúng lúc trước khi phạm giới.

Kinh Hôm:

“Nguyện dìu dắt anh em sau trước,

Nguyện cùng nhau dõi bước theo Thầy;

Nếu con quên hẳn lời này,

Làm điều phạm giới xin Thầy phạt răn.”

Kinh Mai

“Nguyện giữ giới hạ thừa khăn khắn,

Dù chi chi con chẳng quên lời;

Nếu con lòng có đổi dời,

Ơn Trên phạt tội kiếp đời tai khiên.

Kinh Sám Hối:

Con nhứt định qui y sám hối,

Con nhứt tâm sửa lỗi hằng ngày.”

– Việc cố gắng hết sức giữ gìn quy giới tinh nghiêm sẽ là “hàng rào” rất vững chãi bảo vệ chúng ta thoát khỏi thảm bại trước chính mình.

Có một câu chuyện rất thú vị nói về việc giữ giới nghiêm minh của Thiền Sư Linh Mộc Đại Chuyết (người nước Nhật), ngài là một thiền sư rất có ảnh hưởng ở Mỹ giúp chúng ta học hỏi va noi gương: “Một nữ đệ  tử đến gặp riêng thiền sư để bộc lộ nỗi lòng. Nàng thú nhận không sao dằn được lòng yêu thương thiền sư say đắm, thành thử tâm nàng chẳng lúc nào bình an, thanh thản. Sư điềm nhiên bảo: Không hề gì. Con cứ để lòng con tự do yêu thương thầy con. Cũng tốt thôi.Thầy có đủ giới luật nghiêm minh để gìn giữ cho thầy và cho cả con nữa.”

– Tuy nhiên muốn giữ gìn quy giới tinh nghiêm thì đòi hỏi ở mỗi chúng ta phải có lòng quyết tâm và phải hết sức nghiêm khắc với chính bản thân mới có thể chiến thắng được những cám dỗ và dối gạt của phàm tâm.

Đức Bác Nhã Thiền Sư có nêu lên một ví dụ về lý lẽ dối gạt của phàm tâm:

Hoặc tới giờ cúng thời, hoặc đến giờ tham thiền hành pháp, bên trong đưa ra các lý do như buồn ngủ hoặc ngày nay làm việc nhiều uể oải, thông qua một thời này thời sau tịnh lại có sao đâu, vì đường tu hành còn dài mà… Một vài thí dụ đó để chư đạo hữu biết mình là ai, thật là rắc rối và tế nhị.” [Minh Lý Thánh Hội, 02-10 Quý Sửu (27-10-1973).]

– Ngoài ra, chúng ta phải hết sức thận trọng, không nên chủ quan thấy những lỗi nhỏ mọn mà nghĩ rằng chúng không có gì là nghiêm trọng lắm để rồi không lo giữ gìn giới quy.

Trong Kinh Sám Hối, Ơn Trên có dạy:

“Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,

Thường dạn làm tội lại hằng hà;

Vì chưng tựu thiểu thành đa,

Họa tai báo ứng chẳng qua mảy hào.”

– Hơn nữa, chúng ta cũng phải hết sức thận trọng giữ gìn quy giới ngay cả khi không một ai hay biết đến hành vi, suy nghĩ của mình.

Mở đầu sách Trung Dung của đạo Khổng có ghi: “Cố quân tử thận kỳ độc dã.”Nghĩa là người quân tử dù ở lẻ loi một mình cũng rất cẩn thận giữ gìn, không để dể duôi phạm lỗi rồi mới đi tụng Kinh Sám Hối.

Trong Kinh Sám Hối cũng có để lời khuyên:

“Chớ lầm tưởng trong hang vắng tiếng,

Mà dể duôi sanh biến lăng loàn;

Con người có trí khôn ngoan,

Tánh linh hơn vật, biết đàng lễ nghi.”

Đức Thượng Đế đã “cài đặt” nơi mỗi người một chiếc “camera” vô cùng vi diệu, khi con người phát khởi nghĩ và làm bất cứ một điều gì thì đều bị chiếc “camera” đó ghi chép lại hết tất cả. “Camera” ấy chính là lương tâm của mỗi người.Cho dù chúng ta có làm một việc xấu xa tội lỗi nào đó tại một nơi vô cùng vắng vẻ, không một người nào hay biết đến hành vi sai quấy của mình cả nhưng không bao giờ mình che dấu được chiếc “camera” lương tâm của chính mình, hễ mà lương tâm biết thì cũng đồng nghĩa với Trời biết, Đất biết, Thánh Thần biết. Do vậy mỗi khi dự tính làm một việc gì xấu xa tội lỗi dù không ai hay biết đến nhưng chúng ta hãy luôn nhớ và nghĩ đến lúc nào cũng có Trời biết, Đất biết, Thánh Thần biết mà lo sợ không dám làm.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có dạy:

Nơi lòng Thầy ngự, động Thầy hay,
Ngặt nỗi là xưa chẳng thế bày;
Đạo hạnh khuyên con gìn tánh đức,
Cửa cung Bạch Ngọc cũng gần khai.”
[TNHT]

          Trong Kinh Sám Hối, Ơn Trên cũng cho biết mỗi một hành vi sai quấy hay thiện từ của chúng ta đều được Thần Thánh ghi chép lại rất cẩn thận và đầy đủ:

“Trên đầu có bủa giăng Thần Thánh,

Xét xem người tánh hạnh dữ hiền.”

2.2 Tỉnh xét và ghi nhật ký hàng ngày:

Sau một ngày tiếp xúc với bao thị phi trong cuộc sống, chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ không thể nào tránh khỏi gây ra thêm những điều tội lỗi. Do vậy mỗi tối trước khi đi ngủ chúng ta nên dành khoản từ 10 đến 15 phút ngồi một mình hít thở điều hòa, tỉnh tâm hồi tưởng lại, phải tự mình công bình mà phán xét trong ngày qua mình có phạm lỗi nào không? Nếu có thì ghi lại trên một quyển tập nhật ký, phân tích nguyên nhân tại sao mình lại phạm lỗi như vậy và vạch ra cách khắc phục để không còn tái phạm lần sau nữa.

2.3 Tập rèn để dần dần đạt được “Thị chi bất kiến, thính chi bất văn”:

Thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe! Làm thế nào mà mình có thể không phát sinh bất cứ một phản ứng nào đối với những điều xảy ra ngay trước mắt và những điều nghe thấy bên tai! Làm sao để đạt được “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”?

Thật là vô cùng khó khăn mới có thể làm được điều ấy! Tuy khó nhưng không phải là không có người làm được. Một khi nhận thức được cõi đời là vô thường giả tạm, ngoại cảnh đang diễn ra trước mắt và xung quanh chúng ta chỉ là ảo ảnh phù du, tất cả chỉ là pháp giới, là môi trường để thử thách và giúp chúng ta tôi luyện trong công cuộc tiến hóa trở về hòa cùng với khối Đại Linh Quang. Khi nhận thức được như vậy sẽ dần dần giúp chúng ta tập rèn được “thị chi bất kiến, thính chi bất văn”.

Câu chuyện “Thiền Sư và cô lái đò” cho thấy nhà sư đã đạt được “Thị chi bất kiến, thính chi bất văn”. Qua câu chuyện này sẽ giúp cho chúng ta học được một bài học tịnh tâm, vượt qua được những cám dỗ sắc tướng bên ngoài luôn tác động, chi phối khiến cho lục dục thất tình lúc nào cũng sẳn sàng khuấy đảo trong nội tâm của mình:

“Cô lái đò thật trẻ đẹp hàng ngày đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái đò thu tiền từng người. 

Sau hết đến nhà sư.Cô lái đò đòi tiền gấp đôi. 
Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái đò mỉm cười:
– Vì Thầy nhìn em… 
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đò cười bảo:
– Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông.
Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đò đáp:
– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông.
Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần nầy phải trả bao nhiêu?
Cô lái đò đáp:
– Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.
Thiền sư hỏi:
– Vì sao vậy?
Cô lái đò cười đáp:
– Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa.
Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi.”

Và Đức Phật Thích Ca cũng là một trong những tấm gương đạt được “thị chi bất kiến, thính chi bất văn” để chúng ta cùng học tập và noi theo: Vào cái đêm trước khi thành Phật dưới cội cây bồ đề, tu sĩ Cồ Đàm còn bị ba cô con gái tuyệt đẹp của ma vương Ba Tuần cám dỗ và hành giả Cồ Đàm đã chiến thắng vượt qua.

 

 

Theo kinh Trường Thọ III, ba cô gái kể lại việc này với cha là ma vương Ba Tuần như sau: “Ngày trước, dưới gốc cây bồ đề, ba đứa chúng con xinh đẹp nhứt hạng, vậy mà bày trăm cách ngàn kiểu khêu gợi dục tình, Bồ Tát Cồ Đàm đều không chút đắm nhiễm. Ngài xem chúng con như ba mụ già xấu xí.”

2.4 Học hạnh khiêm cung và giảm dần bản ngã tư tâm:

Có thực hiện được hạnh khiêm cung chúng ta mới tôn trọng tất cả mọi người, giảm dần được bản ngã tư tâm. Có giảm được bản ngã tư tâm thì chúng ta mới dễ dàng tha thứ, phá chấp, giảm dần sự hơn thua, sân hận, tự ái và không còn tự cao tự đại khoe mình rồi lại chê bai người. Trong thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân khởi đầu đơn giản chỉ là một cái nhìn hoặc một lời nói khiêu khích từ phía nạn nhân. Chính vì còn nhiều bản ngã tư tâm nên người phạm nhân đã nổi cơn tự ái, không thể tha thứ bỏ qua và đã sân hận, thù ghét nạn nhân để rồi không kềm chế được lòng mình dẫn đến gây nên hậu quả thật đáng tiếc.

2.5 Tự kỷ ám thị:

Mỗi ngày chúng ta có thể dành một khoản thời gian nhất định để tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga… hoặc ngồi tỉnh tâm. Vừa tập thể dục hoặc vừa tỉnh tâm, chúng ta nên thường xuyên tự nhủ thầm để nhắc nhở mình phải luôn cố gắng giữ gìn quy giới tinh nghiêm. Chúng ta có thể sử dụng những câu nhủ thầm như: “Cho tôi luôn luôn giữ gìn được quy giới tinh nghiêm”; “Cho tôi luôn thắng được lục dục thất tình trong người của tôi”; “Cho tôi luôn diệt trừ được tam độc tham, sân si trong người của tôi”; “Cho tôi giảm dần việc gây thêm tam nghiệp thân, khẩu, ý”; “Cho tôi luôn suy nghĩ và hành động theo đúng với lương tâm của mình”… Chính nhờ việc thường xuyên nhắc nhở mình như vậy sẽ giúp cho những điều này dần dần đi vào tiềm thức của mình để rồi mỗi khi chuẩn bị phạm giới thì chính nhờ những lời nhủ thầm này sẽ tự khơi dậy và nhắc nhở mình biết dừng lại đúng lúc.

2.6 Niệm danh hiệu Thầy, Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng và cầu nguyện:

Nếu áp dụng các phương pháp nêu trên nhưng chúng ta vẫn không thể nào chiến thắng được phàm tâm, dục vọng vẫn luôn khuấy đảo xúi dục mình sẳn sàng làm điều quấy, bất chấp sự cản ngăn của chơn tâm thì lúc này chúng ta nên tỉnh giác hít thở thật sâu và điều hòa, niệm danh hiệu Thầy, Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng rồi cầu nguyện Thầy, Mẹ và các đấng Thiêng Liêng (cầu nguyện thầm trong tâm) hộ trì soi dẫn giúp cho mình đủ nghị lực và đức tin để vượt qua thử thách cám dỗ này.

2.7 Công phu thiền định:

Công phu tịnh luyện chính là một món“bửu bối”rất hiệu nghiệm giúp chúng ta chế ngự được lòng tà, sửa được tánh thấp hèn, thâu được vọng tưởng, phóng tâm và mới tìm được nguồn an lạc nơi thân tâm của chính mình.

Thầy có dạy:

“Nhờ công phu con siêng học Đạo,
Nhờ công phu con bảo toàn căn;
Mới mong sửa tánh thấp hèn,
Mới thâu vọng tưởng mới tăng an hòa.

[Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tý thời, 17 tháng 8 Canh Tý (07-10-1960)]

Và như lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long:

“Lấy công quả đền bù nợ trước,

Dụng công phu chế ước lòng tà,

Để rồi tự giác giác tha,

Song hành Phước Huệ mới là viên thông”.  [TTTH 4]

 

THAY LỜI KẾT:

Cuộc chiến đấu với chính mình hay nói rõ hơn là cuộc đấu tranh với thói hư tật xấu cùng những ham muốn thấp hèn của mình là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ. Đây là một cuộc chiến thầm lặng và đơn độc, không có người chỉ huy cũng không có chiến hữu, chỉ có ta với ta, mình cũng là tướng soái chỉ huy chính mình. Mình thắng không ai hay, mình thua cũng chẳng ai biết. Cuộc chiến này kéo dài trường kỳ và âm ỉ, không một giây phút nào ngưng nghỉ. Trong mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lời nói, hành động và nhất là trong suy nghĩ, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác để nhận diện kẻ thù và chiến đấu với nó.Một ý nghĩ bất chánh, một lời nói sân ác, dù chưa thực hiện thành hành động nhưng tội hình cũng đồng ngang nhau.

Do vậy “cuộc chiến” với chính bản thân mình là một cuộc chiến rất trường kỳ, vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi ở mỗi người chúng ta phải hết sức thận trọng, tỉnh giác kịp thời, nghiêm khắc với chính bản thân mình và không nên chểnh mảng chủ quan để rồi bao nhiêu sự cố gắng của mình phút chốc bỗng trở thành công dã tràng xe cát. Người tu nếu không kềm chế được lòng mình, chỉ cần một phút sân giận nổi lên thì đã thiêu đốt hết cả một rừng công đức mà mình đã cố công gầy dựng bấy lâu.

Chánh Tuân

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *