Vì sao niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát được cảm ứng


Tại sao có lòng ngưỡng mộ đặc biệt như thế? Chẳng qua không ngoài uy đức lẫy lừng của Bồ Tát Quán Thế Âm và lý do cảm ứng hiển nhiên không thể chối cãi được.
Bi tâm của Bồ Tát luôn luôn hưởng ứng với khổ tâm của chúng sanh kêu cầu. Vì có Cảm tất có Ứng, theo như luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nghĩa là những vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau (như một con gà gày thì bầy gà đều gáy), những vật cùng một khí loại thì tìm nhau (như từ thạch thì hút sắt).

Vì sao niệm danh hiệu

Quán Thế Âm Bồ Tát được cảm ứng?

Vậy mỗi khi chúng sanh lâm nạn cầu cứu thì Bồ Tát hiện thân cứu độ. Sự hiện thân của Ngài chỉ là một công dụng của lòng Đại Bi. Trong mục “Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát” Đại đức Thích Viên Giác đã trình bày lý do cảm ứng như sau: “Khi người nào chuyên tâm chú niệm danh hiệu Ngài, tức là người ấy đã chuyên chú niệm đức tánh Từ Bi của họ. Đồng thời tin tưởng của họ cũng đã nhập vào đức tánh Từ Bi của Ngài. Đồng thời đức tánh Từ Bi của Ngài cũng giao cảm với đức tánh Từ Bi cả người ấy.”

Ví như hai luồng ánh sáng tương tiếp giao hòa với nhau thì ánh sáng tỏa khắp rộng ra giữa không gian. Nói cách khác: khi tâm tánh của chúng ta đã thanh tịnh một phút nào đó, tức thì lúc đó chúng ta đã cảm nhận được ánh sáng từ quang của Ngài chiếu vào tâm tánh của chúng ta vậy. Như biển lặng sóng ngừng thì in rõ nền trời xanh vào lòng biển cả, nước hồ thu trong thì ánh trăng thu rọi vào.

“Trăng kia vẫn bình thản và thản nhiên chiếu nhưng nước đục thì không thấy trăng, chớ không phải trăng không soi đến hồ nước đục. Trời xanh vẫn hiển hiện vào lòng bể cả, nhưng bể cả sóng dồi thì làm sao thấy được nền trời xanh quang đãng.”

“Lòng Từ Bi của Ngài không bỏ một ai, nhưng vì ai đó sóng lòng còn xao động, tâm tánh còn thiên tà, không tin tưởng, không xưng niệm danh hiệu đấng Từ Bi. Người ấy không thấy đức Từ Bi, không thoát được khổ lụy, bị tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến nhận chìm xuống biển khổ.”

Để làm sáng tỏ thêm lý do cảm ứng, xin dẫn ra một thí dụ nữa: những làn sóng điện trên không gian thường chuyển đưa tin tức do các đài phát thanh phóng ra giữa vũ trụ, nhưng ai không có máy thâu thanh tốt thì không nhận được tin tức. Nếu máy thâu thanh tốt và đài phát thanh mạnh thì bất cứ ở đâu cũng nhận được tin tức. Máy thu thanh là nhân, đài phát thanh là duyên, nhân duyên đầy đủ thì tin tức phát hiện.

Ở đây, lòng khẩn xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm là nhân, Bi nguyện độ sanh sâu rộng của Ngài là duyên. Nhân duyên gặp gỡ thì cảm ứng rõ ràng: hoặc mộng thấy Ngài hiện thân chỉ bảo, hoặc thấy hào quang Ngài chiếu sáng, hoặc thấy các điềm lành khác như chuyển họa thành phước, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi v.v…

Chỉ có những người chí tâm thành kính xưng niệm danh hiệu mới nhận thấy rõ sự cảm ứng ấy, cũng như chỉ những máy thâu thanh tốt mới bắt được tin tức rõ ràng.

Hơn nữa, người nào thường làm việc phước thiện, không tham lam mà bố thí, không giận dữ mà nhẫn nhục, không ghen ghét mà tùy hỷ, không hẹp hòi mà bao dung, hay thương xót kẻ đau khổ, cứu giúp kẻ lâm nạn, người đó là hình ảnh của Từ Bi, của Bồ Tát, của Phật Đà, người ấy thường được hưởng phước lạc và cầu nguyện gì đều được thỏa mãn.

Trái lại, người nào tư tưởng tà vạy, ngôn ngữ bất chính, cử chỉ hung tợn, có tật chấp nê, có tánh đố kỵ, hay ganh ghét kẻ hơn mình, thường khinh rẻ kẻ bần cùng, hất hủi kẻ tàn tật, người đó chính là hình ảnh của tàn bạo, của dạ xoa, của la sát, người ấy thường chịu quả báo đau khổ và lúc lâm nạn không gặp ai cứu vớt.

Vậy muốn thoát khổ, được vui, thiết tưởng đừng gây nghiệp ác mà tạo nghiệp lành, phải bỏ lối sống vị kỷ, nếp sống hẹp hòi, nếp sống thiển cận mà tập sống vị tha, sống rộng, sống sâu, sống với bác ái, sống với Từ Bi, sống theo gương đức Quán Thế Âm Bồ Tát. 

(MK)

Nguồn: FB Địa Tạng Vương Bồ Tát

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *