Không nên giải đãi trên đường tu

KHÔNG NÊN GIẢI ĐÃI TRÊN ĐƯỜNG TU

Đối với những ai đã ngán ngẩm lẽ vô thường của thế gian này, muốn cầu đạo giải thoát thì phải hạ quyết tâm để dứt khoát những nghiệp duyên kéo trì, không nên chờ hẹn vì chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. 

Cổ thi có câu:

Ngày trước đầu đường còn ruổi ngựa,
Hôm nay trong quách đã nằm yên
.
hoặc câu:
Chờ hẹn đến già rồi niệm Phật,
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Trên đường tu, để ngăn tránh về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy tỳ khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.” 

Như thế cho đến những khi sắp làm việc nhiều, lúc làm việc nặng vừa xong, sắp muốn đau, khi đau bịnh vừa mạnh, sắp đi xa, lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị tỳ khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một thân hữu lo tu cầu giải thoát. Ông bạn viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt,
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong
!
Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu lo tu cầu giải thoát. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc xong, tôi sẽ vâng lời.” 

Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu,
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều;
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt,
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau
!

Bài thi ý nói: ông bạn hẹn khi xong ba việc sẽ lo tu, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có hẹn cho ông biết trước ngày nào đâu? Thế là rồi một kiếp, lại tiếp tục luân hồi!!!

Phải biết:

Nắm cây huệ kiếm gươm Thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây
.
Khuyết Danh

Nguồn: Tam Giáo Đồng Nguyên và tamduyen.com

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *