Lịch sử Đạo Cao Đài thời kỳ 1920 – 1926


  
LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI THỜI KỲ 1920 – 1926
Tổng hợp: Chánh Tuân
I. NHỮNG LỜI TIÊN TRI VỀ ĐẠO CAO ĐÀI SẼ XUẤT HIỆN. 

1. Lời tiên tri của Chi Minh Sư:

Khi nhà Thanh (Trung Hoa) chiếm ngôi nhà Minh, một số vong thần chạy sang Việt Nam và một nhóm lên núi lập ra Chi Minh Sư, Minh Đường (Hai Chi trong Ngũ Chi Đại Đạo sau này). Ngòai bìa sách Kinh của các Chi ấy có 2 câu thơ:

Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng,
Đài tại Nam Phương Đạo thống truyền. “

Đã tiên đoán cho việc khai Đạo Cao Đài tại phương Nam nước Tàu tức Việt Nam. 

2. Lời tiên tri trong Kinh các Tu sĩ tại Trung phần theo phái Minh Sư có câu:

” Con cầu Phật Tổ Như Lai,
Con cầu cho thấu
Cao Đài Tiên Ông” .

 

II. ĐỨC THƯỢNG ĐẾ KHAI MỞ NGUỒN ĐẠO MẠCH THỨ NHẤT (NỘI GIÁO TÂM TRUYỀN):

1. Ngài Ngô Văn Chiêu và con đường đến với Đạo Cao Đài:

                              
Ngài sanh ngày mùng 7 tháng giêng, năm Mậu Dần, nhằm ngày 08/02/1878, tại quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Liễu đạo ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân, tức ngày 18 tháng 04 năm 1932 tại Cần Thơ, hưởng dương 54 tuổi.
Sanh trưởng trong một gia đình nghèo, đông con, Ngài có 9 anh chị em, nhưng không may có 2 người mất sớm, còn lại kể cả Ngài gồm 2 gái và 5 anh em trai. Bận kế sinh nhai, cha mẹ Ngài phải rời bỏ nhà máy Bình Tây (Chợ Lớn) để theo chủ ra tận Hà Nội, miền Bắc Việt Nam nên phải gửi các con lại cho người em gái nuôi dưỡng.
Xa tình phụ mẫu rất sớm từ khi lên bảy, Ngài đã được người cô dưỡng nuôi và cho đi học tiểu học tại Mỹ Tho. Nhờ bẫm chất thông minh, Ngài nhận được học bổng để tiếp tục học tiếp chương trình trung học tại trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, và đổ bằng Thành Chung vào năm 21 tuổi. 

1.1 Đức độ của Ngài Ngô Văn Chiêu:
Khi còn làm chủ quận, Ngài Ngô thường cải dạng thường dân, đi vào các thôn xóm, chợ búa để tìm hiểu, quan sát cuộc sống người dân trong địa phận Ngài chịu trách nhiệm. Gặp ai khốn cùng, tai ương, Ngài kín đáo cứu giúp.
Có lần thăm chợ trưa 30 Tết, gặp người bán hoa ế ẩm, mặt héo dàu dàu, Ngài bỏ tiền mua cả bó lớn hoa, vừa xấu lại mắc. Con Ngài có ý phàn nàn, Ngài giải thích rằng muốn giúp họ chút tiền để kịp dọn về lo cúng rước ông bà.
Ngài hay nhờ những người nghèo trong xóm đến làm giúp vài chuyện lặt vặt, rồi trả công hậu hĩ. Đó là cách giúp đỡ kẻ khác tế nhị, khéo léo che giấu sự trợ giúp của mình.
Đối với người ngoài, Ngài rất khoan thứ, nhưng với con lại rất nghiêm. Khi con Ngài còn bé, phàn nàn Ngài bố thí rộng rãi cho người dưng mà lại ít chịu cho con tiền túi ăn quà vặt. Ngài ôn tồn giải thích: “Các con đã có cơm no, áo quần lành lặn, còn đòi hỏi gì nữa? Ba nuôi người bần khổ là để dành đức lại cho các con đó.”
Bản thân Ngài rất tiết kiệm. Ngày 12-10-1924, đang làm việc ở Sài Gòn, Ngài gởi thư về cho hai con gái (Ngô Thị Yến Ngọc và Ngô Thị Nguyệt), dặn con nhíp lại quần áo cũ của Ngài để Ngài mặc và Ngài cũng khuyên con: “Phải biết tiện tặng [tặn] mà ở đời cho khỏi tiếng xấu hổ. Áo vải mà no bụng khỏi bị ai kêu réo đòi nợ là tốt trong đời.” .

Vốn là người con chí hiếu với mẹ cha, phụng dưỡng phụ mẫu chí tình, nhất là đối với bà mẹ già thường hay đau yếu. Ngài hay đi hầu Đàn Tiên để xin toa thuốc trị bệnh cho mẹ, có khi ở Thủ Dầu Một, có lần tại Cái Khế, tỉnh Cần Thơ. Nhân dịp này, Ngài thường được các đấng Thiêng Liêng giáng cơ nhắc nhở, khuyến khích Ngài con đường tu hành.
Những nét phác họa về thân thế Ngài Ngô Văn Chiêu như trên cho thấy về phương diện đạo làm người, đối với gia đình, xã hội, đồng bào, Ngài đã là tấm gương trọn vẹn, trong sáng. Người công chức nhân hậu này đã chấp nhận cuộc sống bình dị, nhưng lại vươn lên khỏi chỗ tầm thường của thói tục. Với những đức tính như vậy, Ngài đã có sẵn mọi điều kiện thuận lợi để hướng vào cuộc sống tu hành, nhằm vào mục đích giải thoát cho kiếp người khỏi vòng luân hồi sanh tử. Nhưng bình sinh Ngài không chịu tu học với thầy phàm, do đó mãi đến năm bốn mươi ba tuổi (1921) Ngài mới thực sự bước vào đường đạo, được sự dìu dắt của đức Cao Đài. Mà con đường đưa Ngài đến với đạo Cao Đài cũng không phải tình cờ, đơn giản.

1.2 Nhân duyên với các đàn tiên:
Xu hướng tín ngưỡng của Ngài Ngô Văn Chiêu sớm bộc lộ từ buổi ấu thơ. Nhà dượng Ngài tại Mỹ Tho có lập trang thờ đức Quan Thánh, do đó Ngài quen dần với việc cúng kính và tụng kinh Minh Thánh. Kinh này diễn sự tích Quan Vũ đời Tam Quốc, khuyến tu, do đức Quan thánh giáng cơ vào đời Thanh (Trung Quốc), khá phổ biến ở Nam Kỳ qua nhiều nhan đề và bản dịch khác nhau.
Ngoài ra Ngài còn ăn chay mỗi tháng hai kỳ sóc vọng (mùng 1 và 15, theo âm lịch). Mãi đến năm 1920 (Canh Thân), lúc ở đảo Phú Quốc, vâng theo lời dạy của đức Cao Đài, Ngài mới thôi tụng kinh này, chuyển sang tu thiền.
Năm 1902 (Nhâm Dần), muốn cầu thọ cho thân mẫu, Ngài đến hầu đàn Minh thiện (tại Thanh an tự) ở tỉnh Thủ Dầu Một, và được một vị tiên ông ban cho một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ẩn ý sâu xa tiên tri về tương lai của Ngài sau này.
Năm 1919 (Kỷ Mùi), vì thân mẫu đau nhiều, Ngài cũng trở lại đàn Hiệp minh, nhưng chỉ được ban cho bài thơ (trường thiên) với nhiều câu ẩn ý. Tiên gia không cho thuốc. Ngài lại lặn lội về đàn Minh thiện ở Thủ Dầu Một, được đức Quan Thánh ban cho một bài thất ngôn tứ tuyệt. Qua bài thơ này, hiều ý đức Quan Thánh, Ngài biết rằng thân mẫu của mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Cuối năm ấy thân mẫu Ngài tạ thế.

1.3 Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ nhất (1920):
Trong một buổi lập đàn tại nhà Ngài Ngô, vào ngày 4-2-1920, khi đọc bài cầu cơ đến câu Ngũ chơn bửu khí lâm trần thế… thì cơ gõ mạnh xuống bàn, một đấng xưng danh là Cao Đài Tiên Ông, bảo pháp đàn sửa lại câu văn nọ. Vị Pháp đàn không chịu nghe. Tiên ông bảo Ngài Ngô sửa; Ngài đổi lại là Bửu chơn ngũ khí lâm trần thế… Tiên ông gõ cơ khen.
Vì không rõ Cao Đài Tiên Ông là đấng nào, các Ngài bạch, xin cho biết lai lịch. Tiên ông trả lời:

Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh,
Đố ai biết được cái danh Cao Đài.”

Hồng danh Cao Đài hôm ấy Ơn Trên nhắc đến 3 lần, nhưng làm sao mọi người lúc bấy giờ hiểu nổi. Riêng đối với Ngài Ngô Văn Chiêu thì Ngài đã tin rằng Cao Đài Tiên Ông là một đấng tối cao.

1.4 Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai (1920):
Xong tuần bá nhật (một trăm ngày) của thân mẫu, ngày thứ Hai 01-3-1920 (11-01 Canh thân) Ngài Ngô đổi ra tỉnh Hà Tiên. Ngài thường lên núi Thạch Động cầu tiên.

Núi Thạch Động, Hà Tiên – Nơi Ngài Ngô lập đàn cầu Tiên

Đêm Trung thu năm Canh Thân (Chủ nhật 26-9-1920), Ngài Ngô cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức. Tiên ông ban cho bốn câu thơ vừa xưng danh vừa điểm danh như sau:

“Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể Quan, Diêu.
Vô thậm Sự, Đức nhiệm ngao du,
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu”.

1.5  Ngài Ngô được chọn làm đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông và thọ pháp môn vô vi (Tâm pháp bí truyền):
Ngày 26-10-1920, Ngài Ngô-Văn-Chiêu đổi đến làm chủ quận Phú-Quốc. Tại đây Ngài cũng tiếp-tục cầu cơ thỉnh Tiên, có một vị Tiên-ông giáng cơ không chịu xưng tên, dạy Ngài chịu làm đệ-tử thì Tiên-ông sẽ dạy Đạo cho và khuyên Ngài ngưng tụng Minh-Thánh kinh, và dạy Ngài ăn chay mỗi tháng mười ngày, nhưng Ngài còn đang do-dự chưa quyết-đoán, vì nghĩ rằng đương làm quan, thực hiện thập trai rất khó khăn, nhưng nếu đắc đạo thì cũng cố-gắng được, còn nếu không gặp đạo mà còn phải sinh tử luân hồi, thì thà ăn chay hai ngày mỗi tháng mà làm phải làm lành vẫn hơn.
        Trong tâm Ngài suy nghĩ như vậy, định bạch lại với Tiên-Ông, thì trong một đàn cơ kế đó, Tiên-ông giáng, Ngài chưa kịp hỏi điều gì thì Tiên-Ông hạ lịnh: “Chiêu tam niên trường trai”. Ngài lấy làm bối-rối, vì nghĩ rằng chưa chịu ăn mười ngày, mà nay Tiên Ông lại bảo ăn chay trường ba năm, Ngài mới bạch rằng:
“Tiên-Ông đã dạy thì đệ tử phải vâng, song xin Tiên-Ông phò-trì, và nếu đệ-tử vâng lời thì Tiên-Ông phải cho thấy chứng quả gì mới được”.

        Từ ngày 8-2-1921 trở đi Ngài thực-hiện trường-trai, Tiên-Ông đã giáng cơ truyền phép tu-luyện, và khuyên Ngài giữ bí-truyền cho đến ngày đạo khai, ngày đó thì Tiên Ông sẽ dạy. Từ đó Tiên-Ông cũng đã hiện ra cảnh Bồng-lai ở chân trời biển đông như Ngài ước nguyện, cho Ngài thấy để thêm lòng tin-tưởng học đạo.
        Từ năm 1921 trở đi Ngài tu theo phương-pháp bí-truyền, chỉ có mình Ngài biết. Sau đó vào này 30-07-1924 Ngài đổi về Sài-gòn cũng vẫn tiếp tục tu-luyện, đến gần cuối năm Ất-sửu (1925) Đức Cao-Đài mới dạy Ngài đem mối Đạo truyền ra, nên Ngài đã độ được bốn ông : Quan-phủ Vương-Quan-Kỳ,ông phán Nguyễn-Văn-Hoài, ông phán Võ-Văn-Sang, ông đốc-học Đoàn-Văn-Bản. Sau đó các ông này cũng có độ thêm một số đệ-tử nữa cùng tu-luyện với Ngài, nhưng những hoạt-động giai-đoạn nầy còn trong phạm-vi một nhóm tu-chơn tịnh-luyện, chứ chưa phát-triển thành một Tôn-giáo. 

1.6  Thiên Nhãn xuất hiện (20-4-1921):
Tiên Ông ẩn danh dạy Ngài Ngô không được tiết lộ pháp môn tu luyện, có lẽ vì thời cơ chưa đến. Ngài cũng chưa biết một nghi thức nào để thờ đấng sư phụ vô vi. Một hôm, Tiên Ông dạy Ngài hãy nghĩ ra một biểu tượng nào đó cho mối đạo do Tiên Ông sáng lập. Ngài Ngô đề nghị chữ thập. Tiên Ông dạy tiếp, đại ý: “Chữ Thập cũng được song đó là dấu hiệu riêng của một nền đạo đã có rồi (Đạo Thiên Chúa). Tiên Ông dạy phải tìm một biểu tượng khác. Ngài Ngô xin thời hạn một tuần, nhưng rồi cũng không thể nghĩ ra được ý gì.
Vào một buổi sáng ngày 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc tám giờ, Ngài Ngô đang ngồi trên võng, phía sau Dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt thật lớn, linh động, hào quang chói lọi.

Ngài sợ quá, bèn lấy tay che mắt lại. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Ngài chắp tay, khấn xin Tiên Ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như Tiên Ông muốn Ngài thờ con mắt. Lạ thay, sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn. Mặc dù vậy, trong dạ ông hãy còn phân vân. Vài hôm sau, Ngài cũng mục kích lại một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì con mắt nọ mới biến đi.
 
1.7 Thừa tiếp đầy đủ Hồng Danh Cao Đài Tiên Ông (Tại Phú Quốc-1921):
Khoảng vài ngày sau khi Thiên Nhãn xuất hiện lần thứ hai, Ngài Ngô đến hầu đàn tại chùa Quan Âm, Tiên Ông dạy hãy vẽ lại Thiên nhãn (con mắt trái) như đã thấy để thờ. Dịp này, tiên ông còn xưng hồng danh là CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT, dạy Ngài Ngô gọi đức Cao Đài bằng Thầy.
Vì ở Tân An và Hà Tiên đã hai lần được nghe hồng danh Cao Đài (1920), hơn nữa hai chữ Cao Đài vẫn thường được nhắc tới mỗi khi đọc bài chú thỉnh Tiên cho nên có lẽ Ngài Ngô không thấy bỡ ngỡ. 

2. Ý nghĩa của các đàn tại chùa Quan Âm:
Ngài Ngô được nghe danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong đàn cơ lập tại chùa Quan Âm. Như vậy đàn này có một ý nghĩa rất lớn, vì đã xác lập những cơ cấu căn bản tối thiết của một tôn giáo. Nói cách khác, do đàn này, có thể khẳng định rằng đạo Cao Đài dù còn tiềm ẩn đã sớm hình thành từ năm 1921, với các yếu tố ban đầu như sau:
– Giáo chủ (vô vi): đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
– Giáo đồ đầu tiên: Ngài Ngô Văn Chiêu.
– Giáo pháp: Phần nội giáo tâm truyền, tức là pháp môn tu đơn (tọa thiền), cũng được gọi là tân pháp Cao Đài.
– Giáo tượng (thánh tượng): Thiên Nhãn.
– Giáo thuyết: hồng danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT thể hiện đường lối dung hợp Tam giáo với Cao Đài biểu thị Nho, Tiên ông biểu thị Lão, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát biểu thị Phật.

 
Cao Đài Hội Thánh (Trên nền chùa Quan Âm cũ  tại Phú Quốc).

III. ĐỨC THƯỢNG ĐẾ KHAI MỞ NGUỒN ĐẠO MẠCH THỨ NHÌ (NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN) VÀ KẾT HỢP HAI NGUỒN ĐẠO MẠCH:

1.  Đức Thượng Đế thâu phục mấy vị phò loan:

 

Ngài Cao Quỳnh Cư người gốc ở Tây ninh, xuống làm việc tại sở Hỏa xa Sài gòn. Ngài mướn phố ở đường Bourdais. Ngài có một người vừa là đồng hương vừa là bạn thiết, là Ngài Phạm Công Tắc nguyên làm việc tại sở Thương Chánh Saigon, và một người cháu là Ngài Cao Hoài Sang cũng làm việc tại sở Thương Chánh. Ba người nầy thân thiết với nhau lắm, đêm nào cũng hiệp nhau một chỗ, khi đờn địch, lúc ngâm thi, tiêu diêu với thú phong lưu tài tử.
Thượng tuần tháng 6 năm Ất Sửu (1925), Ngài CAO QUỲNH CƯ đến nhà Ngài CAO HOÀI SANG thăm chơi, để cùng Ngài Cao Hoài Sang và Ngài PHẠM CÔNG TẮC hàn huyên tình đời thế sự, vì Ngài Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Cao Hoài Sang bên cạnh chợ Thái Bình dãy phố hàng Dừa, Sài Gòn.
Hết hồi đàm đạo với chén trà câu thơ, giờ càng khuya, Ngài Cao Quỳnh Cư dường như có Thần linh thúc giục hay vì linh tánh kích động mới nghĩ ra việc xây bàn tiếp xúc với các vong linh khuất mặt, thì hai Ngài Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang cũng đồng tình hưởng ứng.
Ba Ngài mới đem ra trước hiên một cái bàn vuông bốn chân rồi cả ba đồng để tay lên bàn; chưa mấy phút thì cái bàn rung chuyển liền một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, dường như hăm hở lắm vậy.
Tiếp đó bàn bắt đầu nhịp chơn gõ chữ, bàn gõ một tiếng các ông đọc A, hai tiếng đọc B, cứ như vậy đến khi bàn ngưng lại tại chữ gì thì lấy chữ đó, và cứ như vậy ráp vần thành ra chữ và thành câu có ý nghĩa.

Ðêm ấy có nhiều vong linh nhập bàn viết tiếng Anh, Pháp và Hoa, cũng có vong linh học sinh Hà Nội viết tiếng Việt Nam.
Buổi xây bàn đêm ấy là lần đầu tiên, có lẽ là có chư vong muốn nhập và tranh nhau nói chuyện nên làm xáo trộn, cái bàn gõ khi chững chàng, khi lựng khựng, làm cho ba Ngài càng ngạc nhiên lại thêm chán nản nhứt là Ngài Cao Quỳnh Cư nghi rằng có hồn ma hay ngạ quỉ vô phá phách, liền đó Ngài đề nghị không tiếp nhận các vong linh đó và đồng ý cùng hai Ngài ngưng việc xây bàn.
Qua đêm sau, nhằm ngày 6 tháng 6 Ất Sửu (26-07-1925) ba Ngài lại tiếp tục xây bàn nữa, vì tánh ba Ngài cũng hiếu kỳ muốn hiểu rõ hiện tượng kỳ lạ này coi tại sao cái bàn linh động nhanh nhẹ và viết thành chữ nhiều thứ tiếng, và có ý nghĩa nữa.
Từ đây, các bạn “xây bàn” lấy làm đắc chí, vì hễ cầu thỉnh vị Tiên Thánh nào thì được nấy.
Nhưng Ông Cư thường than phiền rằng thông công cùng chư Thần Thánh bằng cách xây bàn lấy làm bất tiện, nên vào lối thượng tuần tháng tám, năm Ất Sửu, một vị Tiên Cô xưng là Thất Nương Diêu Trì Cung (Vị tiên nữ này thường xuyên giáng cơ để cùng với 3 vị hoạ  thơ, đối ẩm và dẫn dắt 3 vị được Đức Chí Tôn hóa độ sau này) nhập bàn dạy phải kiếm Ngọc Cơ mà dùng. Ông Cư hỏi thăm mượn được cơ của ông ký Tý (cũng ở đường Bourdais) và cậy Ông đến nhà chỉ giùm cách chấp cơ thế cho bàn.

Ngọc Cơ dùng để cầu cơ

Từ khi có Ngọc Cơ rồi, mỗi đêm đều có Thần Tiên giáng cơ dạy đạo.
Sau lần lần có nhiều vị thiêng liêng khác nhập bàn. Mỗi lần đều có xướng họa thi chương, chỉ cách làm văn, thích nghĩa truyện Kiều, và dạy dỗ về đường đạo đức. Trong mấy Đấng Thiêng Liêng ấy, lại có một vị xưng là “A à ”. Bắt đầu hết, Ông phán rằng: “Muốn cho Bần Đạo đến thường, xin chư vị nạp lấy mấy lời yêu cầu của Bần Đạo như sau đây: Một là đừng kiếm mà biết Bần Đạo là ai; hai là đừng hỏi đến quốc sự; ba là đừng hỏi đến Thiên cơ”. Các vị  xây bàn đều hứa giữ theo mấy điều ấy.
Đến hạ tuần tháng bảy năm đó, Ông A, Ă, Â lại giáng đàn.
Ông Cư hỏi Ông A, Ă, Â mấy chục tuổi, Ông gõ bàn hoài không ngừng, nên ông Cư không dám hỏi nữa.
Một hôm khác, ông Nguyễn Trung Hậu bạch cùng Đức “A à ” như vầy: “Tôi còn nhớ hai câu đối thuở nay chưa ai đối được. Xin đem ra cho Ngài đối chơi”. Đức “A à ” bèn đáp: “Bần Đạo xin hầu đối, nhưng nếu đối ra không chững, quí vị chớ cười và niệm tình Bần Đạo mà chấn chỉnh lại cho”.
Câu đối ông Hậu ra: “Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé!”
Đức “A à ” đối lại: “Cỡi lưng trâu chớ khỉ thằng tê!”
Câu đối ông Hậu ra: “Ngựa chạy mang lạc”.
Đức “A à ” đối lại: “Cò bay le bè”.
Từ đây ông Hậu mới phục tài Đức “A à ” và hết lòng tin tưởng có người khuất mặt.
Từ đó về sau, hễ cơ ai giáng xuống cho thi thì ba ông cầu ông A, Ă, Â giải nghĩa.
Khi ấy, Đức “A à ” mới phân với mấy Ông Cư, Tắc, Sang rằng: “Muốn cho Ta tận tâm truyền Đạo, phải kêu Ta bằng Thầy cho tiện bề đối đãi”. Ba Ông ấy vui lòng vưng chịu, từ đây giữ nghĩa thầy trò, tình giao thiệp càng thêm mật thiết.

2. Chư Thiên chính thức xưng danh:
Nhằm đêm Giáng Sinh, năm 1925, Đức A, Ă, Â tá danh từ lâu nay mới cho các người hầu đàn biết rằng: Người chính là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương. Bấy lâu nay Thầy ẩn danh là để mục đích dìu dắt các con đường đạo đức hầu sau này các con sẽ giúp Thầy khai Đạo. 

3. Cơ vận chuyển hai nguồn đạo mạch sum họp:
Tiếp đó, một hôm vào hạ tuần tháng chạp năm Ất Sửu (1925), Đức Cao Đài Thượng Đế dạy các Ngài Trung, Cư, Sang, Hậu phải vâng lệnh chung hiệp với Ngài Ngô Văn Chiêu lo khai Đạo và còn dặn các vị trên rằng: “Chi chi cũng do nơi Chiêu là anh cả“.
Đàn cơ Tý thời ngày mùng một Tết năm Bính Dần (13/02/1926), Đức Cao Đài Thượng Đế có giáng dạy Ngài Ngô rằng: “Chiêu buổi trước có lời hứa truyền Đạo để mà dìu dắt chúng sanh. Nay phải y lời mà dẫn dắt các môn đệ ta vào đường đạo đức cho đến lúc đắc thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt ta mà dạy dỗ chúng nó. Trung, Kỳ, Hoài, các con hãy thay mặt Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo.”
          Khoảng tháng 01-1926 Đức Chí-Tôn dạy quý Ông Trung, Cư, Tắc, Sang liên-lạc với nhóm Cao-Đài của Quan-phủ Ngô-Văn-Chiêu để tìm hiểu thêm chi-tiết nghi-thức thờ-tự và kết-hợp với nhau để truyền-giáo. Giai-đoạn nầy Thượng-Đế đã thâu nhận được mười ba môn-đồ đầu-tiên. Thượng-Đế còn dạy Ngài Ngô-Văn-Chiêu làm Anh Cả, như vậy là Ngài Ngô-Văn-Chiêu là trưởng nhóm môn-đồ của Đức Chí-Tôn, chứ chưa phải là Giáo-Tông chánh-vị, vì Cao – Đài lúc này chưa hình- thành một Tôn-giáo.
 Vào đêm Lễ Vía Đức Chí-Tôn lần đầu tiên 09/ 01 Bính-Dần (21-02-1926) thiết Lễ tại nhà Ông Vương-Quan-Kỳ số 80 đường Lagrandière Sài-gòn.
Đức Chí-Tôn đã giáng-cơ điểm danh chung cho những người đang có mặt, Đức Chí-Tôn ban cho bài thi gồm đủ tên các Vị có mặt hôm đó như sau:

“CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,  
   BẢN đạo khai SANG QÚI GIẢNG thành,   
HẬU ĐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh,   
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.”

        Mười hai chữ lớn trong ba câu trên là tên của mười ba vị môn-đồ đầu tiên của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế (Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Vương Quan Kỳ, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Văn Bản, Võ Văn Sang, Lê Văn Giảng, Lý Trọng Quí, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức), còn ba chữ đứng câu chót là tên ba vị hầu đàn. Ba người nầy là bạn của Ông Vương-Quan-Kỳ.

4. Ngài  Ngô Văn Chiêu tách ra khỏi hoạt động phổ độ
Ngài Ngô hướng dẫn nhóm Phổ độ được khoảng ba tháng thì bắt đầu diễn ra những sự kiện quan trọng để chuẩn bị thành lập Hội thánh Cao Đài như sau:
·  Thiên-phong chức sắc cho Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài
Ø Hiệp Thiên Đài
1. Ngài Phạm Công Tắc ,
Thiên phong Hộ Pháp ngày 15 tháng 3 Bính Dần.

2. Ngài Cao Quỳnh Cư ,
Thiên phong Thượng phẩm ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần.

3. Ngài Cao Hoài Sang ,
Thiên phong Thượng Sanh ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần.

Ø Cửu Trùng Đài
1. Ngài Nguyễn Văn Tương Thiên phong Chưởng Pháp phái Thượng ngày 24-7 Bính Dần.
2. Hoà Thượng Như Nhãn, Chưởng Pháp phái Thái ngày 24-7-Bính Dần.
3. Trần Văn Thụ, Thái Lão Sư , Thiên phong Chưởng Pháp phái Ngọc ngày 10-9-Bính Dần.
4. Lê Văn Trung  Thiên phong Đầu sư Thượng Trung Nhựt ngày 15-3-Bính Dần.                          

5. Lê Văn Lịch (Con Ông Lê Văn Tiểng ) Thiên phong Đầu sư Ngọc Lịch Nguyệt ngày 15-3-Bính Dần.

               

6. Thiện Minh (đệ tử Như Nhãn) Thiên phong Đầu sư Thái Minh Tinh ngày 13-10-Bính Dần.

·  Thiên-phong Giáo-Tông
         Vào khoản tháng 4/1926 (Bính-dần) Đức Chí-Tôn dạy ba Ngài Trung, Cư, Tắc đến gặp Ngài Ngô-Văn-Chiêu nói về việc may Thiên-phục Giáo-Tông cho Ngài.
          Vào ngày Chủ-nhật 18-04-1926 (Bính-dần) Đức Chí-Tôn cũng giáng dạy và vẽ kiểu áo mão thiên-phục Giáo-Tông cho Bà Hương-Hiếu may. Nhưng Ngài Ngô-Văn-Chiêu từ-chối không nhận ngôi Giáo-Tông, tuy vậy Ngài Ngô-Văn-Chiêu cũng gởi tiền phí tổn để may bộ thiên-phục nầy, nhưng Ngài không mặc áo Giáo-Tông lần nào.

Đây là lúc Ngài Ngô Văn Chiêu quyết định tách ra khỏi hoạt động phổ độ, trở về với nếp sống ẩn tu cố hữu trong sáu năm qua. Người muốn dốc trọn tâm chí và dành nhiều thời gian vào việc tu thiền cho thành công ngõ hầu xây dựng nền tảng vững chắc cho nội giáo tâm truyền.
Tuy Ngài Ngô từ tạ phẩm Giáo Tông, nhưng ngày nay toàn đạo Cao Đài vẫn kính ngưỡng người là Đệ nhất Giáo Tông.
Đến đây Ngài Ngô Văn Chiêu nhận thấy đã xong nhiệm vụ xây dựng giềng mối cho cơ Phổ Độ, nhường lại cho Ông Trung quyền Giáo Tông (Năm 1933), để trở về ẩn tu, tịnh luyện cho được thành công viên mãn.
Sau đó Ngài đã khai mở cơ tuyển độ Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh (Tên Ngài Ngô lúc này được đổi thành Ngô Minh Chiêu), để dẫn độ cho một số người đại nguyên căn quyết cầu tu giải thoát, hầu tu chứng tại tiền cho nhơn sanh tin tưởng nơi Tân Pháp Cao Đài do Đức Thượng Đế truyền trao cho Ngài hồi còn ở Dương Đông (Phú Quốc) năm Tân Dậu (1920).

IV. GIAI ĐOẠN CHÍNH THỨC HÌNH THÀNH TÔN GIÁO CAO ĐÀI.

1. Công-bố tuyên-ngôn khai Đạo nơi Chính Phủ Pháp (Khai Tịch Đạo)
Ngày Khai Tịch Đạo tức là ngày thành lập tôn giáo Cao Đài bằng cách đăng ký với chánh quyền theo đúng thủ tục pháp lý quy định để có tư cách pháp nhân cho nền tôn giáo.
Vào ngày 23 tháng 08 năm Bính-Dần (nhằm ngày Thứ tư 29/09/1926) một cuộc họp gồm 247 đạo-hữu tại nhà Ông Nguyễn-Văn-Tường, Thông-phán Sở Tuần-cảnh Sài-gòn, cuộc họp dưới quyền chủ-tọa của hai Ngài Lê-Văn-Trung và Lê-Văn-Lịch, bàn việc hợp-thức-hóa nền Đạo ra công-khai, và để đạo-hữu ký tên vào Tịch-Đạo, cùng soạn-thảo tờ Khai-đạo gởi cho nhà Cầm-quyền Pháp. Đến ngày 01 tháng 09 Bính-dần Tờ Khai Đạo do 28 vị cầm-quyền Đạo đại-diện cho 247 tín-đồ, đồng ký tên vào tờ khai Đạo bằng Pháp-văn, do Ngài Lê-Văn-Trung soạn-thảo. 

Dinh Thống Đốc Nam Kỳ – nơi đăng ký Khai Tịch  Đạo 
         

Điều nầy tuy là do nhơn-ý nhưng cũng đã được Đức Chí-Tôn chấp-thuận và phê-duyệt. Tờ Khai-Đạo được gởi lên cho Quan Thống-đốc Nam-kỳ lúc đó là Ông Le Fol. Đây là một tờ tuyên-ngôn khai-sáng một Tôn-giáo lấy tên là Phật-giáo Chấn-hưng hay là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, chứ không phải là một tờ đơn xin phép với chính-quyền để mở một hiệp-hội bình-thường do luật-pháp quy-định.
Danh sách 28 vị môn đệ Đức Cao Đài đại diện đứng tên Khai Tịch Đạo:

Ký tên:
– Mme Lâm Ngọc Thanh: Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.
– M. Lê Văn Trung: Cựu Thượng Nghị Viện,
thưởng thọ Ngũ Ðẳng Bửu Tinh (Chợ Lớn).
– Lê Văn Lịch: Thầy tu – làng Long An (Chợ Lớn).
– Trần Ðạo Quang: Thầy tu – làng Hạnh ThÔng Tây (Gia Ðịnh).
– Nguyễn Ngọc Tương: Tri phủ – chủ quận Cần Giuộc.
– Nguyễn Ngọc Thơ: Nghiệp chủ – Sài Gòn.
– Lê Bá Trang: Ðốc Phủ Sứ – Chợ Lớn.
– Vương Quan Kỳ: Tri Phủ sở Thuế Thân – Sài Gòn.
– Nguyễn Văn Kinh: Thầy tu – Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh.
– Ngô Tường Vân: ThÔng Phán – Sở Tạo Tác, Sài Gòn.
– Nguyễn Văn Ðạt: Nghiệp chủ – Sài Gòn.
– Ngô Văn Kim: Ðiền chủ – Ðại Hương Cả, Cần Giuộc.
– Ðoàn Văn Bản: Ðốc Học trường Cầu Kho.
– Lê Văn Giảng: Thơ toán hảng Ippolito – Sài Gòn.
– Huỳnh Văn Giỏi: Thông Phán sở Tân Ðáo – Sài Gòn.
– Nguyễn Văn Tường: ThÔng Ngôn sở Tuần Cảnh – Sài Gòn.
– Cao Quỳnh Cư: Thư ký Sở Hỏa Xa – Sài Gòn.
– Phạm Công Tắc: Thư ký Sở Thương Chánh – Sài Gòn.
– Cao Hoài Sang: Thư ký Sở Thương Chánh – Sài Gòn.
– Nguyễn Trung Hậu: Ðốc Học Trường Tư Thục Ða Kao.
– Trương Hữu Ðức: Thư ký Sở Hỏa Xa – Sài Gòn.
– Huỳnh Trung Tuất: Nghiệp chủ Chợ Ðuổi – Sài Gòn.
– Nguyễn Văn Chức: Cai Tổng – Chợ Lớn.
– Lại Văn Hành: Hương Cả – Chợ Lớn.
– Nguyễn Văn Trò: Giáo Viên – Sài Gòn.
– Nguyễn Văn Hương: Giáo Viên – Ða Kao.
– Võ Văn Kỉnh: Giáo Tập – Cần Giuộc.
– Phạm Văn Tỷ: Giáo Tập – Cần Giuộc.

2. Lễ Khai – Đạo diễn ra vào giờ Tý ngày Rằm Tháng Mười năm  Bính Dần (1926) tại Thiền-Lâm-Tự, Gò Kén Tây-Ninh:
Khai nghĩa là mở ra, khởi đầu, tức là thành lập. Khai đạo là thành lập một tôn giáo. Trong ngữ cảnh Cao Đài thì khai Đạo là thành lập tôn giáo Cao Đài, và ngày Khai Đạo là ngày thành lập Cao Đài giáo.
        Vào giờ Tý đêm 14 rạng Rằm tháng 10 năm Bính-Dần (18/11/1926), các vị chức sắc lãnh-đạo lúc bấy giờ thiết-lễ Khai-Đạo tại chùa Thiền -Lâm-Tự ở Gò-Kén, Tây-Ninh.

 
Thiền Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh

Đây là một ngôi chùa Phật-giáo thuộc phái Đạo Thiền, do Hòa-Thượng Như-Nhãn làm trụ-trì, đứng ra lạc-quyên xây cất chưa hoàn-thành, chỉ mới vỏn-vẹn có ngôi chánh-điện,  chứ chưa có các cơ-sở phụ như đông tây lang, nhà Tăng, nhà khách và đường sá vào chùa, nhưng Hòa Thượng Như-Nhãn và một số tín-đồ của Ngài nhập-môn vào Cao-Đài, nên giao cho Đạo mượn làm cơ-sở đầu-tiên của Tôn-giáo Cao-Đài.
Tại Đại Lễ Khai Đạo có các vị chức sắc cao cấp tham dự như sau:
– Cửu Trùng Đài: Thái Chưởng Pháp: Như Nhãn; Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương; Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ; Thái Đầu Sư Thái Minh Tinh; Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt; Ngọc Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt; Thái Chánh Phối Sư: Thái Thơ Thanh; Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh; Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh.
– Nữ Phái: Nữ Giáo Sư: Lâm Hương Thanh; Phó Giáo Sư Ca Hương Thế.
 Hiệp Thiên Đài: Hộ Pháp Phạm Công Tắc; Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư; Thượng Sanh: Cao Hoài Sang
        Trong ba tháng nền Đạo đặt cơ-sở Trung-ương tại đây, cũng trong thời-gian nầy Đức Chí-Tôn đã giáng-cơ lập Pháp Chánh-Truyền (Hiến-pháp của Đạo), tấn-phong Giáo-phẩm thành-lập Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài, Hiệp-Thiên-Đài để làm Thánh-thể của Ngài tại thế, và dạy Hội-Thánh lập Tân-Luật để dâng lên Thiêng-liêng phê-chuẩn.

V. KẾT LUẬN
Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo tại Thiền Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh) vào ngày Rằm Tháng 10 Năm Bính Dần (1926), Ơn Trên đã hoàn thành giai đoạn chuyển cơ mở đạo Cao Đài, vì tình thương yêu nhân loại mãi đắm chìm nơi biển khổ sông mê nên đức Chí Tôn đã  Đại  Từ  Đại  Bi hạ mình, lâm trần dẫn độ chư tiền khai Đại Đạo; chỉ dạy đầy đủ tâm hạnh chức sắc cho đến nghi thức, pháp môn cho nền tôn giáo mới – Tôn Giáo Cao Đài nhằm cứu vớt vạn linh sanh chúng thoát khỏi luân hồi sanh tử trong thời Hạ Nguơn Mạt Kiếp này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Lịch sử đạo Cao Đài Quyển 1 KHAI ĐẠO của CQPTGL ĐĐ.
2.     Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926 của Lê Anh Dũng.
3.     Đạo Sử 1 và 2 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
4.     Đạo Sử Khai Đạo của Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.
5.     Thánh Ngôn và Thánh Giáo sưu tập.

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *