Người Phụ Nữ Cao Đài

 

NGƯỜI PHỤ NỮ CAO ĐÀI

(Bài thuyết đạo của cố Giáo sư Ngọc Dinh Thanh)

 

Nói đến phụ nữ là một vấn đề quan trọng, vì phụ nữ chiếm hơn nửa nhân số và giữ một vị trí trọng yếu trong gia đình và ngoài xã hội. Có nhiều vấn đề được đặt ra: Phụ nữ với hôn nhân, phụ nữ với gia đình, phụ nữ với xã hội, phụ nữ với chức nghiệp, phụ nữ với khoa học, giáo dục, tôn giáo… Chung qui đều tập chú vào nhiệm vụ, bổn phận của người phụ nữ. Trong lãnh vực tôn giáo, ngoài những nhiệm vụ, bổn phận thông thường, người phụ nữ Cao Đài còn có những nghĩa vụ thiêng liêng và phải có ý thức sâu sắc với thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ… của người phụ nữ.

Để chị em dễ phần lãnh hội, chúng tôi xin phân ra những tiết mục sẽ đề cập đến như sau:

1. NGƯỜI PHỤ NỮ CAO ĐÀI

    VỚI TÔN GIÁO    

Để chị em nhận định rõ ràng sứ mạng trọng đại mà người phụ nữ Cao Đài phải chung lòng hợp sức để xây dựng Đạo đời, chúng tôi xin trích dẫn đoạn Thánh huấn của Đức Vô Cực Từ Tôn giáng dạy tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15/8/ĐĐ 39 (1964) như sau:

 “Hỡi các con nữ phái! Giờ nầy Mẹ đến trần gian với các con trong cảnh mưa thu ảm đạm, gió thu thê lương. Mẹ cảm thấu hằng triệu trái tim của các con khắp các Thánh thất, Thánh đường đang rộn rịp dâng lên đón chờ tin Mẹ. Mẹ chứng kiến lòng con những nỗi hãi hùng kinh sợ, những buồn tủi lo âu bởi đời chiến tranh, đạo tương tranh, thảm cảnh cốt nhục tương tàn, đồng bào tương khuynh mà các con là nạn nhân của bối cảnh. Ôi! Lịch sử nhân loại không bao giờ viết xuôi thuận một dòng như lòng con tưởng, thẳng tắp một đường như ý con mơ, mà chính cái lẽ tán, tụ, cùng, thông, thăng trầm, bĩ thái là lẽ dĩ nhiên! Bởi nghiệp quả số kiếp duyên phận của con người!.

Hỡi các con nữ phái! Ngày nay các con phải tự thấy sứ mạng càng quan trọng hơn, phải lấy tình thương yêu, đức nhu thuận để san bằng mọi mâu thuẫn, hòa đồng mọi dị biệt, hàn gắn mọi đổ vỡ. Các con là sinh lực của bác ái của hoà bình, của gia đình cũng như xã hội. Các con phải hăng hái tiến lên, đừng rụt rè e ngại. Các con dù ở đâu: Ở nhà, ở xã đạo, ở Thánh thất, ở Hội Thánh, các con là tín đồ, là chức sắc, là chức việc, là nữ tu sĩ, giáo sĩ cũng đều có thể làm tròn bổn phận người phụ nữ trong sứ mạng Trung Hưng.

Hỡi Nữ phái! Con ơi ghi nhớ!

Nhớ Mẹ hằng nâng đỡ cho con.

…Dẫu bao nhiêu cảnh thăng trầm,

Mối giềng đạo đức vững cầm đừng sai”.

Trên đây, Đức Mẹ Từ Tôn đã kêu gọi toàn thể Nữ phái phải ý thức được trọng trách của mình dù bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, lãnh vực nào cũng phải lấy tình thương yêu, đức nhu thuận làm nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình, cải hoá xã hội. Hãy mạnh dạn, hăng hái, vui vẻ làm việc ích lợi cho mình, cho người. Muốn thực hiện được những hoài bão ấy phải:

– Củng cố đức tin.

– Kiên định lập trường.

– Siêng năng học tập: Học ở sách vở, học ở người, ở xã hội, trong cuộc sống hàng ngày. . .  

– Phải tự lấp những hố chia rẽ, tư riêng trong lòng.

Những điều căn bản nêu trên để tự đào tạo và rèn luyện cho mỗi chị em trở nên người tín đồ Cao Đài chân chính, thì trước hết, chị em chúng ta phải có một đức tin vững chắc.

Trước tiên là phải biết tin thờ Thượng Đế.

Tại sao phải biết tin thờ Thượng Đế? Thánh giáo đã dạy: “Đức Chí Tôn là Đấng tạo thành càn khôn vạn loại, sự sống bởi Ngài, vạn vật do đó mà còn, do đó mà có, do đó mà nên. Vì vậy, Ngài là Cha yêu thương của vạn vật, nên ta phải hiếu kính Ngài để hướng về lẽ sống hằng còn. Ngài đã dựng nên trời đất, nắm cơ mầu nhiệm nơi tay, đủ quyền năng thống trị trong muôn loài, điều hoà vũ trụ vững an, thì Ngài là Chúa tể càn khôn, ta phải trọng kính Ngài để gội ơn Thánh đức, hướng về lẽ phải là cơ mầu nhiệm”.

Thứ đến là phải giữ giới qui tinh tiến.

Tại sao phải giữ giới qui? Qui giới đối với người tu hành như đường rầy đối với xe lửa. Giữ giới qui là không rót thêm dầu vào ngọn đèn dục vọng, ngăn chận tánh tham, sân, si, là bộ thiết giáp mà Đức Chí Tôn đã ban cho môn đồ của Ngài. Thầy đã dạy:

“Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình, chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp; chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.

Ấy vậy ráng gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy. (TNHT, 13 Mars 1926).

 Người tu hành nhờ giới qui để chế ước vọng tâm, trau giồi chơn tánh, bồi dưỡng thiện lương, un đúc một con người thuần thành đạo đức, thì khỏi bị đắm chìm trong bể trầm luân, muôn ngàn phiền não, biết bao giờ giải thoát tâm linh.

Và tại sao phải tinh tiến? Đức Phật dạy: “Ta hãy tinh tiến nỗ lực thêm lên để đạt mục đích cao thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực hành các đức tính nào mà ta chưa thành tựu. Siêng năng, tinh tiến thì không việc gì khó. Giọt nước thường chảy có thể xuyên thủng đá”.

Tinh tiến là một tiềm năng linh động, quyết hướng cầu đến chỗ tinh thuần, hiểu biết thành tựu và giải thoát. Tinh tiến là đem tâm trong sáng tự tại hướng tiến mọi công việc dựa trên sự thật để đạt đến chỗ chân thật. Hạnh tinh tiến rất cần cho đời sống con người, nhất là người tu hành. Tất cả những lỗi lầm, những việc không hay, những nết xấu, cần phải tinh tiến giữ gìn đừng cho nó sinh khởi. Tất cả những điều hay, những tính hạnh tốt, những công việc ích lợi cho mình, cho người, cần phải tinh tiến làm cho nó phát sinh.

Việc cuối cùng và cần thiết là phải thường xuyên cúng nước quì hương, công phu tịnh định. Đức Quan Âm Bồ Tát đã dạy về vấn đề nầy như sau:

“Cúng lạy để nghỉ ngơi tâm trí,

Để tịnh lòng, tịnh ý, tịnh ngôn;

Khép mình dưới bệ Chí Tôn,

Trau giồi tính nết, luyện hồn tịnh thanh.

Cúng lạy để tâm lành phát hiện,

Nhìn Phật Tiên trên điện hiền hoà;

Khởi lòng bác ái vị tha,

Nhìn chung Thượng Đế là Cha linh hồn”.

Diệu dụng của việc cúng nước quì hương là để tắm gội tâm hồn, trí não thảnh thơi, để lòng mình được thanh tịnh, ý mình được thanh tịnh, lời nói mình được thanh tịnh. Được vậy, tâm lành phát hiện, trí tuệ khai minh, mới nhận định được con người với vũ trụ đồng một thể. Thượng Đế luôn luôn giá ngự trong con người. Để hiệp cùng Trời, chúng ta phải tu hành tinh tiến.

Đức Mẹ Từ Tôn đã ân cần nhắc nhở:

“Thành đạo do con trọn chí thành,

Ngăn ngừa tư dục ở tâm sanh;

Bụi trần chớ để mờ chơn tánh,

Ngôi vị Tiên cung Mẹ sẵn dành”.

Cái tâm con người chứa đựng thiện ác, Phật ma. Chỉ có công phu tịnh định là pháp môn, chế ngự được quỷ ma, tam bành, lục tặc sẵn có trong lòng người, chờ có nhân duyên phát khởi. Công phu tịnh định là giọt nước ma ha dập tắt lửa phiền muộn, sân hận bùng cháy trong lòng người. Tâm con người như nước trong hồ ao. Nước thanh tịnh không khuấy động thì bùn nhơ lắng chìm dưới đáy, nếu khuấy động thì bùn nhơ nổi lên quỉ ma, đê tiện, xấu xa, hèn mọn trong lòng người cũng hiển hiện đầy dẫy. Cho nên, Đức Mẹ đã ân cần khuyến dụ con cái của Ngài:

“Muốn về cung Diêu với Đức Mẹ, thì phải lo giữ gìn khắc chế cái tâm, đừng để tư dục dấy loàn, bụi trần làm lu mờ chơn tánh”.

Thế nên, diệu dụng của công phu tịnh định là để lau chùi gương tâm luôn luôn sáng láng, tạo một nếp sống tâm linh lành mạnh, diệt trừ phiền não, khổ đau, phát huy thiên tính thiện lương, phẩm giá siêu việt của con người nhân thế.Cho nên, người tu hành không thực hiện pháp môn công phu tịnh định là “hàm súc nội tâm” để cho được “lòng trống bụng đặc” thì không lấy gì mà tinh tiến, chỉ lẩn quẩn loanh quanh công việc ăn chay cúng lạy thường tình mà thôi, thì thật là đáng tiếc, đáng buồn!

Muốn ngừng bớt đau khổ, chúng ta hãy gò cương dục vọng lại, nhận chân giá trị, địa vị và hoàn cảnh mình trong phạm vi tự do. Chúng ta hãy công phu tịnh định để xét lại những việc chúng ta đã làm hằng ngày xem phải hay trái. Trái thì cương quyết sửa đổi, phải thì cố gắng làm theo. Cứ làm như thế, làm mãi, cho tâm trí không bị tán loạn; không theo đà dục vọng, tự nhiên chúng ta thấy bớt đau khổ, tâm trí thanh thản, đời sống an vui, tinh thần khoan khoái, siêng năng làm việc và nhiệt thành yêu người yêu đời. Tự mình làm chủ đuợc tâm mình. Dù sống trong cuộc đời huyên náo, giựt giành, bon chen lợi lộc, song cũng không hệ lụy với đời! Được vậy, người tu hành phải thực hiện công phu tịnh định để nuôi dưỡng thần lực, chánh khí đầy đủ trong tâm, là phương cách làm cho lòng trống (không tham, sân, si, không dục vọng, phiền não và nuôi dưỡng đạo đức trong lòng), bụng đặc rồi thì tà vọng không khởi sanh được. Ngài Bảo Pháp Thanh Long đã từng dạy:

“Lấy công quả đền bù nợ trước,

Dụng công phu chế ước lòng tà”.

2. NGƯỜI PHỤ NỮ CAO ĐÀI

   VỚI BẢN THÂN

+ VỀ PHẦN VẬT CHẤT, người phụ nữ cần phải có một thân thể khỏe mạnh. Chúng ta không ai là không có thân thể, nên phải biết cách giữ gìn và làm phát triển, tất nhiên chúng ta sẽ thấy “một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.Muốn có một thân thể khoẻ mạnh, chúng ta phải thực hành những phương pháp cần thiết sau đây:

* Cần phải vận động:Sự vận động rất cần cho cơ thể, cũng ngang với sự ăn uống, ngủ nghỉ. Có vận động, máu chạy mới đều, gân cốt mới mạnh, tinh thần mới khỏi mỏi mệt và tâm chí mới được bình tỉnh.

* Cần ăn uống điều độ hợp vệ sinh:  Ăn  để  sống chứ không phải sống để ăn. Đó là câu nguời ta thường nói để nhắc nhở những ai ăn uống quá độ. Cơ thể chúng ta gồm vô số tế bào và không giây phút nào là không biến đổi. Lớp nầy sinh ra thì lớp kia hủy hoại. Vì vậy, chúng ta cần phải ăn uống có điều độ và hợp vệ sinh để cơ thể luôn được bồi bổ.

* Cần ngủ nghỉ điều hòa: Ngủ nghỉ là một liều thuốc an định, bổ dưỡng thân tâm sau khi làm việc mỏi mệt. Sau một ngày vận động vì làm việc, ta cần phải ngủ nghỉ có điều độ để lấy lại sức khoẻ.

* Cần phải  sạch sẽ thân thể:Vấn đề tắm giặt sạch sẽ và nhà cửa bếp núc sạch sẽ cũng rất quan trọng như vấn đề vận động và ngủ nghỉ, hô hấp… Thân thể bẩn do tiếp xúc với bên ngoài, đôi khi gây bệnh tật. Hô hấp là việc rất cần nên môi trường sống phải sạch sẽ, thoáng mát. Người xưa nói “nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon” là thế!

 Ngoài phần thân thể khoẻ mạnh, người phụ nữ cần phải có ngăn nắp thứ tự.Bước vào nhà của ai, nhìn thấy sự bày biện, xếp đặt, chúng ta cũng có thể phán đoán sơ khởi là những người trong nhà ra sao rồi. Vậy thì ngăn nắp, thứ tự là một đức tính tốt của người có nếp sống văn minh. Sự ngăn nắp, trật tự trong gia đình giúp ta khỏi mất công tìm khi cần dùng đến và giúp ta dễ kiểm soát.

Chị em chúng ta cần canh tân nếp sống, mà gia đình là nền tảng của quốc gia xã hội. Chúng ta hãy cố gắng sắp xếp gia đình cho sạch sẽ và ngăn nắp. Điều đó rất có ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta, nhất là người phụ nữ trong gia đình. Trách nhiệm của chị em thật vô cùng to lớn.

+ VỀ PHẦN TINH THẦN thì người phụ nữ cần phải học hỏi, phải có tâm hồn cao thượng, phải luôn vui vẻ dịu dàng và phải đoan trang thật thà đức hạnh.

Trong“Nữ phái giáo huấn” có câu:

“Trau đức dục, học đòi giáo dục,

Lo tinh thần rèn đúc văn chương;

Đức tài là sắc là hương,

Là câu cẩm tú là chương ngọc vàng”.

Xem thế, sự học hỏi là điều quan hệ của đời người. Bao nhiêu cảnh đau buồn lo lắng của con người lây cho cả xã hội loài người phần lớn đều do sự thiếu học hỏi. Mọi người cần phải học, học ở nhà trường và trong đời sống. Thời gian không đợi chúng ta đâu!

“Trắng răng bao thuở da mồi,

Hoa râm mái tóc thôi rồi  tuổi xuân!”.

Bây giờ chị em không còn là thời cắp sách đến trường nữa, nên phải tự học hỏi bằng cách đọc sách báo, kinh kệ, học bằng việc làm, bằng kinh nghiệm cuộc đời… Chúng ta phải gánh vác việc xã hội, Giáo hội. Vì xã hội là một trường học to lớn, trong đó có đủ thứ để học hỏi. Suốt đời chúng ta vẫn học và phải biết học tất cả.

Thấy người hay ta phải học cho bằng, thấy người dở ta phải rút kinh nghiệm. Nghĩa là không cứ điều hay điều dở, việc phải việc trái, chúng ta đều phải học hỏi. Học hỏi để tiến tới, để sửa chữa – tức là tu hành vậy!

Tiếp theo là phải có tâm hồn cao thượng. Tất cả nết tốt của người phụ nữ đều thể hiện trên lời nói, cử chỉ, tính tình, việc làm và cách xử sự hàng ngày. Không phải ngẫu nhiên, mà chúng ta phải có một nề nếp giáo dục chính đáng, một khuôn phép vững vàng, đào tạo cho con người có một tâm hồn cao thượng. Đó là người không cố chấp, hẹp hòi, biết khoan dung tha thứ, biết thương người, làm việc nghĩa, biết hy sinh nhẫn nhục, không chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, luôn biểu hiện một tâm hồn cao thượng. Cho nên, người phụ nữ Cao Đài phải luôn luôn phát huy năng khiếu và thiện lương sẵn có, phải ý thức giá trị làm người, địa vị cao quí của mình.

Cần phải luôn luôn vun tưới cây đạo đức được sâu rễ chặt gốc trong tâm hồn mình, thì dù ở đâu, bất cứ trường hợp nào, ánh sáng đạo đức vẫn rực rỡ như ngọn hải đăng, vừa giúp cho mình nên người, vừa đưa đường dẫn lối cho người khác. Đức Quan Thế Âm đã từng dạy Nữ phái như sau:

“Ai Thánh nữ mấy ngàn năm trước,

Ai Tiên nương mấy lượt năm qua;

Cũng trong cái lớp đàn bà,

Tu thân hành đạo, thoát xa luân hồi”.

Đàn tại Thánh tịnh Thanh Quang năm ĐĐ14, Đức Vân Hương Thánh Mẫu đã từng cổ vũ: “Biết đâu gái cũng như trai” và: “Công dung ngôn hạnh đáng trang nữ hiền”.

  Thêm nữa là phải vui vẻ dịu dàng: Đứng trước đóa hoa vừa có sắc vừa có hương, ai lại không trìu mến, trân trọng? Người phụ nữ kiều diễm, vui tươi dịu dàng thì ai mà không yêu không quí?

Hoa thơm bởi tại mùi hương,

Người xinh bởi tại lắm đường nết na.

Nết na quí trọng nhất và gây nhiều cảm tình nhất. Người phụ nữ luôn vui tươi như đóa hoa, như ánh trăng rằm, nói năng, đi đứng, nằm ngồi dịu dàng thùy mị, làm cho mọi người cảm mến và còn tránh được những trận gây gổ ở gia đình hoặc chòm xóm. Vì  “cái tay giận dỗi không đánh nổi cái mặt tươi cười” chị em ạ! Hơn nữa, gương mặt vui vẻ tươi cười, hiền hậu sẽ động viên khích lệ, an ủiđối với chồng con khi âu sầu tuyệt vọng.

– Điều cuối cùng, là phải đoan trang, thật thà. Đoan trang, thật thà, đức hạnh là phẩm giá quí nhất của người phụ nữ. Thực hành được bốn đức tính: vui vẻ, dịu dàng, đoan trang, ngay thẳng tức là đã xây dựng được một phong hóa tốt đẹp, đem lại lợi lạc cho cá nhân và tập thể. Làm vậy tức là đã gieo truyền mầm mống đạo đức căn bản, căn cơ cấu tạo nên những măng non ưu tú mà người mẹ là bà giáo gương mẫu hiền hoà trong trường học gia đình.

 “Nữ phái giáo huấn” cũng đã dạy khuyên phụ nữ Cao Đài phải tập luyện, dồi mài những đức tính ấy:

“Ở mềm mỏng là ngoan là khéo,

Tiếng nói năng yểu điệu nhu hoà.

… Nhụy hoa chớ để hững hờ

Khó ngăn lũ bướm, khôn ngừa đàn ong”.

3.NGƯỜI PHỤ NỮ CAO ĐÀI

VỚI GIA ĐÌNH

Gia đình là nền tảng của quốc gia xã hội. Xã hội có an bình, quốc gia có thạnh trị là bởi tất cả các gia đình đều biết sống theo đạo nghĩa, mà thực hành đạo nghĩa là do con người. Vậy người phụ nữ đối với gia đình có ba nghĩa vụ chính yếu: nghĩa vụ làm con, nghĩa vụ làm vợ và nghĩa vụ làm mẹ.

+ Trước hết là nói đến nghĩa vụ làm con. Con người đã có thân tất phải có cha mẹ, dĩ nhiên người làm con phải biết báo đáp công ơn của cha mẹ. Đạo Hiếu đứng đầu trong đạo làm người. Vì sao phải báo hiếu? Bởi vì cha mẹ đối với con công đức sâu nặng cao dày. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như núi non sông biển: “Công cha như núi Thái Sơn… Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Chúng ta làm con luôn luôn phải nghĩ tới và tìm phương báo đáp công ơn bậc sinh thành bằng cả tinh thần lẫn vật chất, trong lúc cha mẹ sống cũng như khi chết.

+ Tiếp theo là nghĩa vụ làm vợ.Người vợ là người chủ sự chốn gia đình. Người vợ là người đem nguồn sống nhân tài đượm nhuần khắp cõi lòng và thân thể con cái, là giọt nước cam lồ để an ủi những nỗi lo lắng cho chồng, là tấm gương khích lệ chí khí cho chồng. Ảnh hưởng giá trị của người vợ đối với gia đình, xã hội, không phải thấp kém mà ngược lại còn cao hơn. Bởi trên cõi đời nầy, nếu không có người đàn bà thì thiếu vui, kém đẹp. Người đàn bà đứng đắn, đảm đang là nguồn nước trong lành tưới mát cho những ai đã lặn lội trên đường đầy gió bụi. Người vợ hiểu biết và thực hiện được nghĩa vụ của mình là đã tạo một thiên đàng hạnh phúc tại thế gian nầy với những việc hết sức bình thường hằng ngày như việc đối xử thương yêu chồng con, thuận hòa vui vẻ, quán xuyến việc nhà, sắp xếp gọn gàng ngay ngắn, ôn hoà nhã nhặn với mọi người… Người vợ như một nhà ngoại giao, luôn luôn ôn tồn, dịu dàng, hòa nhã, lễ độ… Một công việc gì được kết quả, một gia đình nào được êm ấm đều là công phu của sự hiểu biết, cố gắng và nhường nhịn lẫn nhau. Ca dao VN từng có câu:

“Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê!”.

Người chồng đôi khi có những ham mê không chính đáng thì người vợ cũng nên dùng những lời lẽ ôn tồn khôn khéo mà sửa đổi, không nên vì thế mà gây gổ giận hờn, đi đến chỗ đánh đập nhau gây tai tiếng xấu hổ. Sự giao tế giữa người chồng và người vợ cần phải tế nhị, lịch sự, phải hiểu biết và nhường nhịn lẫn nhau, để luôn giữ hòa khí, đem lại hạnh phúc và vinh dự cho gia đình, gia tộc.

Bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc mà không thể thiếu được ở người vợ là phải biết giữ gìn nhan sắc, trang phục hẳn hòi, kín đáo, đẹp đẽ. Trong “Nữ phái giáo huấn” cũng đã chỉ vẽ cặn kẽ nghĩa vụ làm vợ như sau:

“Nên duyên phận càng thêm ý vị,

Khi có chồng trọn thỉ trọn chung;

Chồng nghĩa sĩ, vợ trinh trung,

Chồng là đoan chính, vợ tùng nghĩa phu.

Lo gìn giữ trước sau nội trợ,

Đạo tề gia nâng đỡ cho chồng;

Kìa chồng nặng gánh non sông,

Vợ lo chăm sóc những công việc nhà.

Dầu nghèo khổ cũng là chịu cực,

Dầu gian nguy tùng nhứt nhi chung.

Có chồng trọn tiết với chồng,

Dù cay đắng lắm cũng lòng không hai.

Chồng trông cậy một tay kim chỉ,

Giúp cho chồng danh vị thăng cao.

Chồng nên một đấng anh hào,

Thì ta cũng đã góp vào thành công”.

+ Cuối cùng là nghĩa vụ làm mẹ. Cha mẹ, con cái là một mối dây hòa đồng tông gia tộc, nên cha mẹ, nhất là người mẹ có một nguồn thông cảm rạt rào không bờ bến trước sự trưởng thành của con cái. Dù phải nhẫn nhục trước bao sự vất vả, khổ sở, ô uế, hay khinh bỉ trong khi thơ ấu cũng như trong lúc trưởng thành, cha mẹ cũng chỉ biết dốc hết cả vào nơi con cái một lòng thương yêu chân thật và một cố gắng lo toan xây dựng.

 Người mẹ lại đóng một vai trò quan trọng hơn hết trong công việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Vậy người làm mẹ phải ý thức được những trách nhiệm thiêng liêng đó. Nghĩa là trước hết người mẹ phải làm gương tốt cho con cái. Con cái sẽ tốt hay xấu, hư hay nên, lành hay dữ phần lớn là do sự giáo dục, cảm hóa của người mẹ. Nên làm người mẹ phải luôn luôn gương mẫu, như không nói dối với con, không tham lam, không chửi thề, văng tục, không nguyền rủa người khác, không giận dữ la ó om sòm với mọi người, không đánh đập tàn bạo với con cái, không răn phạt quá mức hay không công bình, không nghiêm khắc thái quá, cũng không nuông chìu vô lý, không cho ăn uống quá độ, tham ăn và hay ăn lặt vặt suốt ngày. Luôn luôn hướng dẫn con cái có chí tự lập, tự chủ, không ỷ lại, không lười biếng, không rụt rè, nên bạo dạn và nên hoạt động. Tập tánh vui vẻ và rộng lượng, thương yêu và tha thứ, khiêm nhường và lễ độ.

Người mẹ phải ngăn cấm con cái làm điều ác. Làm mẹ phải biết nhận thức rành rẽ những hành vi của con cái. Hành vi ác phải triệt để ngăn cấm không cho nó sinh khởi và phải cố gắng diệt trừ để khỏi hư hỏng thân con, khỏi liên lụy đến mình và khỏi mất thanh thế gia phong. Đồng thời, người mẹ phải hướng dẫn con cái biết và làm điều thiện. Điều thiện tức là điều lành, là những gì làm tăng trưởng hay duy trì sự sống của con người và của xã hội, là những gì ứng hợp với lệ luật của sự sống. Là cha mẹ, không bao giờ muốn cho con cái lạc ra ngoài phương châm ấy, mà phải cố gắng uốn nắn cho con theo đúng khuôn khổ của nó trong sự tìm hiểu và thực hành.

“Con hư tại mẹ”. Câu tục ngữ nầy đã chứng minh rất xác thực. Trưng Trắc Thánh Nương đã từng nói rõ:

“Thảm thương bánh méo vì khuôn méo,

Chẳng đặng con lân bởi mẹ mèo”.

Vậy chị em chúng ta nghĩ sao khi ý niệm được trọng trách của người mẹ? Chẳng những là người mẹ trong gia đình mà là người mẹ của quốc dân. Sự tồn vong của quốc gia, sự thịnh suy của xã hội, người phụ nữ – Người làm mẹ – cũng gánh vác một phần lớn lao trách nhiệm.

Người mẹ phải có một tình thương chân thật thấm thía. Tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái phải là tình yêu thương chân thật thấm thía, thương yêu trong chia ngọt sẻ bùi trong rét bức đói no, trong ốm đau tật bệnh. Nghĩa là không giờ phút nào, hoàn cảnh nào mà cha mẹ lảng quên con cái, lảng quên sự yêu thương đùm bọc chở che. Đem tình thương yêu chân thật trìu mến tiêm nhiễm sâu sắc vào huyết quản, tế bào của con cái, làm cho con cái trong gia đình cùng một nhịp thở, một nhịp sống an hoà, vui vẻ, đạo đức, văn minh, tiến bộ với người mẹ.

Dù gặp cảnh nghèo chứ lòng mẹ không nghèo. Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Nuôi thể xác đứa con chưa bằng nuôi linh hồn đứa con. Cho con học hành tiến bộ chưa đủ, người mẹ còn phải để lại phúc đức cho con nhờ. Người ta thường nói: “con nhờ đức mẹ, cháu hưởng lộc bà”, là có ý như vậy!  

Cuối cùng là người mẹ phải hướng dẫn hôn nhân cho con cái. Con cái khi tuổi xuân đến độ tất nhiên phải đòi hỏi nơi cha mẹ vấn đề thành lập gia thất cho chúng. Trong trường hợp ấy, cha mẹ không thể yên nhiên phó mặc cho đời son trẻ. Cha mẹ phải ra công dò xét tâm lý con cái – nhất là người mẹ – phải tìm hiểu hoàn cảnh và cá tính của trai gái nào có thể xứng hợp sánh đôi, đem lại hạnh phúc lâu dài cho chúng. Và sau khi hai bên đã ý hợp tâm đồng bằng sự hiểu biết chân thật chứ không phải là sự cám dỗ, mù quáng, áp bức, cha mẹ mới tùy theo hoàn cảnh, phong tục mà tác hợp cho con.

Đến khi làm sui làm gia, đối với dâu với rể, nhiệm vụ người đàn bà cũng không kém phần quan trọng. Khi định làm sui, chúng ta phải giữ theo luật Đạo. Không nên chọn giàu sang theo kiểu“môn đăng hộ đối” mà phải chú trọng phần tu hành, phúc đức của gia đình mà thôi! Đối với dâu rể, người mẹ phải hết lòng thương yêu lo lắng như con đẻ, không vì tiền tài mà để mất nhân nghĩa, đạo đức. Người đàn bà cần lưu ý việc cư xử trong gia đình khi đã có rể có dâu cho mọi bề êm đẹp. Người mẹ cương quyết nhưng dịu dàng, vui vẻ truyền lại bao kinh nghiệm quí báu của đời mình cho dâu con tiếp tục xây dựng gia đình đạo đức.

Thưa quí chị em,

Nói tóm lại, người phụ nữ Cao Đài phải nhìn xa thấy rộng, phải ý thức vai trò trọng đại của mình, thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ, làm tín đồ, mà cố gắng quyết tâm thực hành những điều hay lẽ thật đã trình bày trên đây, là đã góp phần xây dựng hữu hiệu, lớn lao trong công cuộc phục hưng tinh thần văn minh đạo đức của dân tộc, đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho gia đình, an ninh cho tổ quốc và đào tạo một nền văn hoá  tốt đẹp cho xã hội.

Bởi vì, từ gia đình đến xã hội, từ đạo giáo đến thế gian, quá trình sinh hoạt trong nhiều lãnh vực đã chỉ chứng cho chúng ta thấy được vai trò của người phụ nữ ngày càng quan trọng.

Trong chiều hướng đó, chúng ta có quyền tin tưởng nữ giới sẽ chia sẻ phần vinh dự trong công cuộc kiến tạo tương lai huy hoàng cho nhân loại. Với vai trò người tín nữ Cao Đài, chúng ta còn ý thức được điều ấy một cách rõ ràng hơn trong sứ mệnh “Thiên đạo giải thoát. Thế đạo đại đồng”.

Nguồn: Sống Đạo số 14

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *