Những điều người tân tín đồ Cao Đài cần nhớ và tìm hiểu thêm

 

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI TÂN TÍN ĐỒ CAO ĐÀI

CẦN NHỚ VÀ TÌM HIỂU THÊM

Huệ Nhẫn

Qua hơn 40 năm học Đạo và hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, nhứt là qua những trải nghiệm sau gần 20 năm nghiên cứu Sử Đạo, tiếp xúc thân cận với người đạo Cao Đài khắp Nam, Trung, Bắc, bản thân chúng tôi nhận thấy nhiều địa phương thiếu vắng lớp kế thừa, có nơi rất thiếu. Và nghiệm ra rằng, trong những nguyên nhân, nguyên do cốt yếu là “thiếu giáo lý”.
Đó là nguyên nhân chánh khiến nên chúng tôi muốn viết ra một số “Những điều người tân tín đồ Cao Đài cần nhớ và tìm hiểu thêm” với hy vọng góp phần nhỏ vào việc giúp cho những ai đang chuẩn bị, hay mới nhập môn đạo Cao Đài, ý thức một cách rõ ràng việc vào Đạo của mình. Qua đây, cũng hy vọng những vị “cao niên đạo” thấy rõ nhu cầu giáo lý của đàn em để kịp thời đáp ứng, đồng thời góp ý kiến cho loạt bài này thêm phong phú, thêm sâu sắc, thêm nhiều thí dụ điển hình ….

Ý THỨC VỀ VIỆC ƠN TRÊN LẬP TAM KỲ PHỔ ĐỘ VÀ DUYÊN PHƯỚC CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI.

Thánh giáo của Đức Đông Phương Chưởng Quản: Đàn ngày 10 tháng 5 Bính Thìn tại CQPTGL.

“ Chư hiền đệ hiền muội vẫn còn nhớ rằng Đạo là phương pháp cứu đờì thực tiễn, chớ không phải là ru ngủ và cho ăn bánh vẽ (…).
Trong vạn hữu chúng sanh mà được sanh làm người là rất quý. Làm người sớm giác ngộ là cái quý thứ hai. Trong hàng đạo hữu, ý thức được Đạo là cơ cứu rỗi, tự cứu cứu tha, đó là cái quý thứ ba. Trải qua mấy mươi năm tao loạn, còn sống sót và giữ Đạo được đến ngày nay là cái quý thứ tư. Học được Đạo pháp chơn tu để thoát thai thánh hóa là cái quý thứ năm. Trong biển pháp mênh mông mà gặp Thầy gặp bạn dắt dìu, đó là cái quý thứ sáu…” 

Nói cần ý thức, là vì mối Đạo Trời được Ơn Trên lập ra để con người theo đó tu hành tự độ cho chính mình, nếu mình không tự tu, Ơn Trên không thể “bồng ẳm” mình đưa về cõi Trời được. Lời Thầy có ghi trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: 
“Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. Các con nghe à !”.

Đạo Thầy lập ra trong Tam Kỳ Phổ Độ này, là đợt phổ độ lần thứ ba, sau hai kỳ trước là Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ. Xin tóm tắt 2 đợt Phổ độ trước đó:
Con người là kết quả tốt đẹp sau một quá trình tiến hóa của vạn loại. Đến con người có thêm được phần linh hồn, khác với vạn loại chỉ có sanh hồn và giác hồn. Ở vạn loại, sự tiến hóa là đương nhiên. Nhưng tiến lên đến thành con người, có thêm phần linh hồn, con người phải tự quyết định: hoặc tiến hóa tiếp lên địa vị Thần Thánh Tiên Phật, hoặc cũng có thể thoái hóa trở lại kiếp thú cầm.
Khởi thủy, con người thực sự xuất hiện cách nay khoảng hơn 30.000 năm (Homo sapien sapien). Theo sử quan Cao Đài Giáo thời đó đúng là thời Thánh đức, con người sống thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau một cách tự nhiên không tính toán. Cuộc sống con người “hồn nhiên thiên lý”.
* Rồi con người ngày càng đông thêm, nhu cầu tích lũy vật chất khiến nảy sinh tình trạng giàu – nghèo. Con người bắt đầu có tư tưởng thu gom riêng, tranh giành quyền lợi… Đây là giai đoạn mà Đạo Đức Kinh gọi là:

“Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa.
Tuệ trí xuất, hữu đại ngụy”

Cuộc sống hồn nhiên thiên lý theo Đại Đạo không còn nữa. Con người cần phải được dạy những bài học nhân nghĩa đầu tiên của Nhơn đạo. Nhiều vị Thánh nhân thọ lệnh Đức Chí Tôn lâm trần, dạy dân ổn định cuộc sống trong cộng đồng, dạy điều lễ nghĩa, thiết lập kỷ luật… điển hình có các vị ở Trung Hoa như: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế … và nhiều vị ở các vùng khác.
Thời điểm ấy, cách nay trên 4000 năm,
bắt đầu Nhứt Kỳ Phổ Độ. Nếu không nhờ những vị Thánh nhân ấy, xã hội con người sẽ trở nên đại loạn và bị hủy diệt.
* Theo thời gian, ảnh hưởng của Nhứt Kỳ Phổ Độ sau đó cũng phai nhạt dần bởi nhiều lý do:
– Chưa có văn tự nên giáo lý bị thất truyền.
– Các quốc gia hùng mạnh hình thành, triết lý sống của con người thay đổi.
– Cuộc sống vật chất đã nghiêng về sự xa hoa hưởng thụ quá mức, hướng đến sa đọa.

Ơn Trên đã ban ơn mở đợt Nhị Kỳ Phổ Độ cách nay khoảng trên dưới 2000 năm với các nền chánh giáo đồng thời được lập thành như: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Pythagore, Hồi giáo…
Nhịp độ tiến bộ về khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh, con người càng ngày càng bị vật chất hóa, nhiều cuộc chiến tranh nổ ra khắp nơi. Nếu không có một đợt cứu độ mới, đưa vào tâm thức nhân loại một quan điểm mới được tất cả các dân tộc trên thế giới chấp nhận, đó là: “ Nhơn Đạo Đại Đồng – Thiên Đạo giải thoát” làm cứu cánh cho nhơn sanh thì “Tuệ trí xuất hữu đại ngụy” sẽ dần dần đi đến mức cùng cực.
Vì vậy Tam Kỳ Phổ Độ khai minh.

* Nay đang vào giai đoạn Tam Kỳ Phổ Độ, và đạo Cao Đài là một trong những tôn giáo đầu tiên trong thời Tam Kỳ này. Điều đặc biệt nhứt của Tam Kỳ Phổ Độ là gì? Là chính Đức Thượng Đế lâm phàm (qua cơ bút) để độ dẫn trực tiếp con cái của Thầy còn lặn hụp ở thế gian. Ở các thời kỳ trước, để tạo lập tôn giáo, Đức Chí Tôn đã chiết Thần điển tá thế làm những vị giáo chủ. Đó là những Đấng Ngôi Hai, thay mặt Chí Tôn để cải tạo cơ đời. Trước nay ít người nói các vị giáo chủ ấy là Ngôi Hai. Có người đã đặt câu hỏi về vấn đề này. Để giải thích, chúng ta căn cứ vào Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, thí dụ:
1. Về trường hợp Đức Chúa Jésus Christ, ngay trong bài Thánh giáo đầu tiên có câu:
Các Đấng ấy, đều là Ngôi Hai, lúc truyền đạo phải hạ thế mang thân phàm, và Thầy giải thích: 

“Kim viết Cao Đài,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Đêm nay, 24 décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây”.


2. Trường hợp các đấng Giáo chủ khác, căn cứ Thánh giáo tại Vĩnh Nguyên Tự ngày 7.4.1926:
“Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã,
Các Đấng ấy, đều là Ngôi Hai, lúc truyền đạo phải hạ thế mang thân phàm”
và Thầy giải thích: 
“Vốn từ trước Thầy đã lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Tùy theo phong hóa mỗi thân nhân loại mà gầy chánh giáo” bởi vì “nhơn loại duy có hành đạo nơi tư phương mình mà thôi”.

Đến thời Tam Kỳ Phổ Độ này, chính Thầy phải giáng thế:
 
“Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng. Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy nên nhơn loại nghịch lẫn nhau. Nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt (…) Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con”.

Thời buổi “Càn Khôn dĩ tận thức” này, sự hiểu biết của nhơn loại quá sâu rộng, cộng với sự thông tin quá nhanh, nhiều phát minh mới còn muốn thay quyền Tạo Hóa. Tam Kỳ Phổ Độ phải được chính Đức Chí Tôn giáng hạ mới đủ Thần điển cứu độ sanh linh.
 
Chính điều này cho thấy rõ duyên phước của người đạo Cao Đài khi được vị Giáo chủ là chính Đức Ngọc Đế Chí Tôn. 
Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên thời Tam Kỳ Phổ Độ được Thiên Đình bổ nhiệm làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm (cùng với Đức Phật Quan Âm và Đức Quan Thánh Đế Quân đồng vào hàng Tam Trấn). Và khi Đức Lý Thái Bạch vì lòng thương sanh chúng nhận thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm làm Giáo Tông Vô Vi của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì, ngay hôm đầu tiên nhậm chức Giáo Tông (24.10 Bính Dần), Ngài có lời dạy nghiêm khắc như sau: 
“Mở một mối Đạo không phải là sự thường tình. Mà sanh nhằm đời gặp mối Đạo chẳng phải dễ.
Muốn lập thành (mối Đạo) tất phải có điều nghiêm chỉnh thưởng phạt. Có thưởng mới giục lòng kẻ có công. Có phạt mới răn đặng lòng tà vạy (…)
Đặng bậc Chí Tôn cầm quyền thế giới dìu dắt, rửa lỗi, mà chẳng bươn chải cho kịp, để đua nhau nghĩ tính về miếng đỉnh chung. Nếu Thầy chẳng Đại từ Đại bi thì công quả đã chảy theo dòng nước”.


Chúng ta lưu ý các câu:

1. “Mở một mối Đạo chẳng phải sự thường tình (…) Đặng bậc Chí Tôn cầm quyền thế giới dìu dắt, rửa lỗi”. 
Đó là phần phước của người đệ tử Cao Đài, lần đầu tiên một tôn giáo được chính Đức Chí Tôn làm giáo chủ. Sự cứu độ nhờ vậy chắc chắn sẽ mạnh mẽ, tràn đầy gấp bội. Hằng ngày đọc bài kinh xưng tụng Đức Thượng Đế, nếu chú tâm, chúng ta sẽ thấy trọn vẹn ý nghĩa đó, nhất là đến các câu cuối:
“Hồng Oai Hồng Từ, Vô Cực Vô Thượng,
Đại Thánh Đại Nguyện, Đại Tạo Đại Bi,
Huyền Khung Cao Thượng Đế, Ngọc Hoàng Tích Phước Hựu Tội Đại Thiên Tôn”.

Oai lực cứu độ từ Đức Chí Tôn là to lớn vô biên vậy. (Nhân đây cũng xin nhắc nhở một vài đạo hữu tụng kinh và hiểu cho đúng câu kinh: “Tích phước hựu tội”. Tích là tứ: cho, ban ra; Tích phước là ban phước. Hựu là tha thứ, hựu tội là tha thứ tội lỗi – Có người không hiểu, tụng thành “Hữu tội” là sai quá).

2. “Sanh nhằm đời gặp mối Đạo chẳng phải dễ”. Đây là phần duyên của cá nhân mình, sanh nhằm thời Thầy mở đạo, lại biết đạo nhập môn, là một cơ duyên đặc biệt hiếm hoi, ta phải hiểu rằng đây là một sự tập hợp từ bao nhiêu yếu tố tốt lành mà mình tạo lập được, sau khi trải qua nhiều kiếp trước. Bởi vậy nên gọi là duyên chớ không phải là sự may mắn, hên xui bình thường. Duyên này có một lần trong đời, nếu không nắm chặt lấy cơ hội này, ngàn kiếp sau sẽ mãi hối tiếc.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo có lần giảng dạy đại ý: nhiều người xem mối đạo quý giá này như đồ hàng bông ngoài chợ, người cầm lên, kẻ bỏ xuống.


– Thiệt là đáng tiếc cho những người không sanh vào thời có Đạo. Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long lần giáng đàn tại Vĩnh Nguyên Tự năm xưa đã từng cho biết:
“(…) Nhơn bất đắc kỳ truyền, Ngã luyện thế thường tình chi giáo”. 
Tạm dịch: (Vì Ta không gặp thời có được chơn truyền nên phải tu luyện theo giáo pháp thường tình thế gian).
– Đáng tiếc hơn nữa là sanh vào thời có Đạo mà không biết Đạo. Còn đáng buồn nhứt cho những người vào Đạo rồi mà hành đạo cũng như không.


Chúng tôi chọn phần đầu tiên, với trọng điểm là “Ý thức về việc Ơn Trên lập Tam Kỳ Phổ Độ và duyên phước của người đạo Cao Đài”, để trình bày cho những vị mới vào Đạo hiểu rằng cơ Trời đã đến Tam Kỳ Phổ Độ và duyên phước của mình. Để từ có ý thức đó, tìm học thêm giáo lý, tu hành một cách vững vàng, bước thêm một bước tiến hóa hết sức quan trọng cho chính chơn linh của mình, giải thoát khỏi kiếp người chốn trần ai.


HUỆ NHẪN
07-2010
Nguồn: www.nhipcaugiaoly.com

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *