Ôn lại những lời dạy cốt yếu của Đức Diêu Trì Kim Mẫu

ÔN LẠI NHỮNG LỜI DẠY CỐT YẾU
CỦA ĐỨC DIÊU TRÌ KIM MẪU
Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín

Nhơn lễ Trung Thu Hội Yến Bàn Đào, chúng tôi thành kính ôn lại những lời dạy cốt yếu của Đức Từ Mẫu để rèn lòng tu học hành đạo cho xứng đáng là những người con yêu dấu của Đức Mẹ.
1. Mẹ không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương:“Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ. Ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con. Mẹ không nắm quyền sanh phạt các con. Ngược lại, Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ, tha thứ sinh dưỡng bảo tồn, tất cả đều là Mẹ. Các con có nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng?

Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.”

2. Sứ mạng của người tín đồ Đại Đạo, con của Thầy Mẹ:“Các con may được diễm phúc sanh làm người, đã là con của Thầy Mẹ, tín đồ của Đại Đạo, Thiên sứ của nhơn sanh, thế nên các con cần nhận thức rõ rệt sứ mạng của mình. Các con muốn tự cứu, cứu đời ư? Các con muốn lập nhiều công đức với nhơn sanh hầu sớm trở về dâng lên Thầy Mẹ ư?…”Tiếp theo, Mẹ dạy chúng ta đừng đánh rơi hạnh phúc thực tại là lo cho chúng sanh: “…Các con lo cho đời, cho chúng sanh, nhân quần, xã hội, đem lại nguồn an ủi tinh thần cho họ, đem lại sự cơm no, áo ấm, nhà ở, trường học, bịnh viện, v.v… Đó là nguồn hạnh phúc cho họ, mà chính là hạnh phúc của các con đó, vẫn vĩnh cửu trường tồn, mưa không lạt, nắng không phai, trộm không cắp, cướp không giựt, lửa không cháy, phong ba bão táp không hề hấn gì. Vậy đó các con. Nếu các con đánh rơi hạnh phúc thực tại đó tức là chính đời con sẽ sống trong toàn là những cơ hồ giả dối, tạm bợ, sa đọa, luân hồi.”Các Đấng Thiêng Liêng cũng thường khuyên chúng ta làm âm chất giúp đời, trợ khó, giúp nghèo là bỏ tiền tiết kiệm trên nhà băng thượng giới không bị mất mát mà còn lời nhiều. Tuy nhiên, đối với người thực hành công quả, âm chất thực sự có giá trị vô vi, khi vô công, vô danh, vô ngã, chính nghĩa là tự cứu mình trước.
3. Hãy thử kiểm điểm lại việc hành đạo của mình có đúng 3 tiêu đề công bình, bác ái, từ bi hay không? Đừng khinh lờn dể duôi vì Đức Mẹ đã bảo ba điểm đó là sơ khởi người mới giữ Đạo phải tập làm cho được.
Đức Mẹ căn dặn:
“Đạo khai để cứu đời, chớ không phải làm nhăng cho đời, mà cứu bằng cách nào vậy hỡi các con? Chính các con phải tự cứu mình trước rồi mới có phương tiện và điều kiện cứu kẻ khác. Tự cứu mình như thế nào đó các con? Trước hết phải thành thật với lòng mình, tự đóng khung mình trong kỷ luật Đạo, gột rửa hết những tánh ích kỷ, xấu xa, ý nghĩ đen tối, tánh nết ganh hiền ghét ngõ, tập lần đức bác ái vị tha, tinh thần phục thiện, thực hiện được đường lối công bình, bác ái, từ bi. Ba điểm đó là sơ khởi, người mới giữ Đạo phải tập làm cho được.”Rồi Đức Mẹ giảng giải rõ:“Từ bi là mình phải bất nhẫn thương tâm trước những sự đau khổ nhục nhã của kẻ khác, cốt làm sao giác ngộ và tạo mọi hoàn cảnh để giúp kẻ khổ sớm thoát ra vòng tội lỗi đen tối.
Bác ái là xót thương tất cả, chẳng những nhơn loài, mà thương luôn đến loài thú cầm, thảo mộc, bò bay máy cựa. Tha thứ những kẻ có lỗi với mình để cảm hóa họ lại gần mình hầu hướng dẫn họ lần vào đường tu hành chánh đạo.
Từ bi, bác ái, khi con làm được xong, cũng phải nhớ đến công bình.(…) Mình muốn Trời Phật, Thánh Thần hộ độ khoan dung dìu dắt mình tai qua nạn khỏi, sớm ngộ Đạo, thì mình cũng phải hộ độ dìu dắt những kẻ khác và khoan dung công bình với kẻ khác, dầu kẻ đó là người nghịch, cũng phải tạo cho được lòng thương đối với họ. Chính trong chữ tự tu, tự cứu, các con phải làm được những điều sơ đẳng đó rồi mới nói những việc khác. (…)
Khuyên người làm từ bi, bác ái, công bình mà chính mình không làm được, thì sự khuyên đó không đem lại kết quả gì hết!
Thế nên các Đấng Thiêng Liêng thường dạy phải thuyết và hành đi đôi, phải chính mình làm gương mẫu để người đời trông thấy mới tin tưởng nơi người tu hành chơn chánh thì mới độ được người đời.
Thực hiện được ba đức tánh từ bi, bác ái, công bình thì chúng ta thực hành được pháp môn tu hành Tam công là công quả, công trình và công phu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đức Mẹ đã minh xác như vậy.

4. Đức Mẹ dạy về Đạo pháp:“Này các con! Đạo không ở ngoài thân con mà Pháp là phương tiện. Con hiểu được Đạo, hành được Đạo, là thị hiện được Pháp. Khi Pháp hiển dương, tất nhiên con đủ quyền năng giúp đời độ chúng. Con ôi! Tu học mà không thoát được vòng mê chấp thì sớm muộn gì cũng sa vào chốn mê đồ. Các con muốn hoàn toàn giác ngộ để thấm nhập nghĩa lý siêu mầu của Đạo pháp thì đừng bao giờ quên những món báu là: từ hòa, khiêm tốn, bác ái, khoan dung, nhẫn nại, trì thủ và hy sinh mọi cái tư hữu của chính con. Bao nhiêu đó con hòa được với cảnh, hòa được với nhơn tâm, tự khắc sẽ hòa với Thiên lý. Bao nhiêu đó con sẽ thấy con không còn nhơn, còn ngã, còn kỷ, còn cầu. Nếu không nhơn ngã, vô kỷ, vô cầu là con thực hiện đúng đạo lý, đúng chánh pháp Đại Đạo vậy.” Đó chính là Luyện kỷ. Theo đơn thơ, muốn luyện đơn trước phải cần luyện kỷ, là phải diệt phàm tâm tục tánh, tuyệt trừ thói hư tật xấu biếng lười. Thánh xưa đã dạy: “Luyện kỷ tối nan, còn luyện đan thậm dị”, nghĩa là luyện đơn rất dễ còn luyện kỷ, luyện phàm tâm trở thành Thánh tâm rất khó khăn. 70 % luyện kỷ, còn 30 % luyện đơn.
Đức Từ Tôn dạy rất nhiều và hỏi chúng ta:

“Từ thử dạy khuyên đã quá nhiều,
Hỏi con còn nhớ được bao nhiêu?”

Hôm nay, chúng ta nhớ được bao nhiêu điều cốt yếu, xin ôn lại nằm lòng và cố gắng thực hành để vừa làm vui lòng Từ Mẫu, vừa tự cứu lấy mình.
Xin ghi lại lời dạy quí báu này để tu học hằng ngày:“Các con cố gắng kiên trì tu thân, lập đức hành đạo giúp đời, thành không kiêu, vấp không nản, chuyên nhứt hướng thượng thanh cao tinh ròng, ngày đêm không xao lãng. Hay không tự mãn, dở chẳng tự ti, cố gắng không ngừng, mưu cầu lợi chúng ích dân.
Phật Tiên đắc Đạo cũng thế. Thánh Hiền được hiển cũng thế. Người trước viên thành cũng thế. Kẻ sau đắc quả chắc rồi cũng thế.
Phật Tiên rọi đuốc chỉ đường, đạt đến cùng không đều do con trẻ.
Hãy nhìn ở thân, đừng nhìn ở ngoài. Có ăn mới no, có ngủ mới khỏe, có tu mới đắc, có hành mới thành. Lý tuy đơn giản, nhưng muôn đời, đời vẫn tụng.”

Đạo Trưởng Chí Tín

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *