Sắc không luận


SẮC KHÔNG LUẬN
20 tháng 8 – Bính Tý (1936) – ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO


Thi:
CAO thăng linh-diệu quán thần-thông,
ÐÀI các nguy nga nỗi bận lòng;
TIÊN Phật thoát ra ngoài cảnh khổ,
ÔNG thành Ðạo chỉ giữ tâm không.

       Thầy mừng các con.
       Thầy nắm cơ-quan mà vận hành Chơn-Ðạo chuyển hóa chúng-sanh.  Thầy bỏ ngôi Thiên giáng thế là vì thương xót đám sanh-linh mới lập Ðại-Ðạo mà cứu vớt cho khỏi tội-tình để tránh cuộc tang thương cứ mãi vùi chôn trong gió bụi.
       Thầy nay ban xuống một pho ÐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO minh lý Ðạo, thức tỉnh chúng-sanh (riêng cho kẻ luyện Ðạo) tu hành, làm mối chuẩn thằng, lưu truyền tập tục.
       Sẵn đây Thầy giải qua chữ  SẮC, chữ KHÔNG.  Các con nên học nằm lòng mà lo giải-thoát.


Thi:
Muôn vật thế-gian chẳng vững bền,
Có thì hư-hoại mấy hồi nên;
KHÔNG là trường-cửu, không tan rã,
Nên mượn chữ KHÔNG đúc móng nền.

       SẮC tức thị KHÔNG.  Ở thế gian hữu-hình vật-chất này, không bao lâu nó tan ra gió bụi.
       Các con có hình-trạng, mắt thấy, tai nghe là giả, mộng ảo.  Các vật sống trên thế-giới không bao giờ bền-bỉ, có đó rồi nó lại hóa ra không.  Sự có, không ấy nó dễ dàng mau lẹ như bọt nước trôi sông, như sương đeo ngọn cỏ.  Ðã vậy, cõi trần ai, là nơi “Dục-Giới”, con người cả ham muốn, ưa vật này, thích món nọ.  Cái túi tham không đáy, chứa mãi chẳng đầy. Lòng tham dục chuyện này việc khác, đắm đuối trong bốn vách: tửu, khí, sắc, tài, say-mê bả lợi, mồi danh, cứ quẩn-quẩn quanh-quanh trong trường mộng ảo.  Không xét cạn, nghĩ cùng cuộc đời là giả.  Các vật sắp bày trên mặt đất nó hư-hoại chẳng vững-bền mà con người cứ tham chạ, tưởng vơ, cứ bỏ chỗ không mà tìm nơi chỗ có. Có kia sẽ hóa không, không ấy là đường Chơn-Ðạo.  Cái xác phàm hư-hoại thì linh-hồn trở lại chỗ không. Vậy thì các trẻ ráng nỗ sức gia-công mà tham-khảo con đường thâm-viễn.


THI BÀI
Ðường Chơn-Ðạo trong “KHÔNG” mà ““,
Pháp-chánh-truyền có đó hóa không;
Làm sao phủi sạch bụi hồng,
Giữ tâm thanh-tịnh để lòng tự-nhiên.
Cõi vật-chất hiện tiền thấy đó,
Vật sắp bày nhưng có mà không;
Nó mau hư nát lẹ làng,
Chẳng chi bền-bỉ vững-vàng đặng lâu!
Mắt dòm thấy sắc, màu, hình, tướng,
Thì chắc gì ảnh-hưởng về sau;
Nhục, vinh, sang, tiện, nghèo, giàu,
Sang qua sớt lại biết bao nhiêu lần.
Ðịnh trí nghĩ cuộc trần giả-mộng,
Thoát ra ngoài hư-hỏng tang-thương;
Ngày đêm tâm-chí lo lường,
Tầm tu Chánh-giáo là phương chữa mình.
Kìa những đóa hoa xinh sắc đẹp,
Mọi người đều mê-mệt mến-ham!
Thánh kia lộn kiếp ra phàm,
Sóng trần bũa khắp đành cam lấp-vùi!
Người thích cuộc mua vui ham lạ,
Ðắm sắc rồi như cá vướng câu;
Ruột, gan, tâm, trí, lộn nhầu,
Tinh-thần tiều-tụy, đèn dầu lụn tim.
Phân tội phước nặng chìm nhẹ nổi,
Kiếp luân-hồi tiếp-nối mãi ru!
Nghiệp dày mắc phải tội tù,
Bởi chưng tham dục không tu chịu hèn.
Ðời nhiều lúc trắng, đen thay đổi,
Ðời nhiều người lầm-lỗi quá chừng;
Vừa lòng ham muốn vui mừng,
Không vừa oán-trách lẫy-lừng ghét-ganh.
Các sự quấy nảy sanh ra mãi,
Xác thịt còn nó lại đeo-đai;
Ý, thân, miệng, mũi, mắt, tai,
Trừ xong thì thấy lộ-bày cảnh không.
Kìa muôn vật ở trong thế-giới,
Tụ rồi tan, có lại thành không;
Dòm xem Thầy luống não-nồng,
Dinh-hư tiêu-trưởng non sông chắc gì?
Chi bằng trước qui-y hành Ðạo,
Bỏ lòng phàm mà tạo lòng Tiên;
Lòng phàm chác những não-phiền,
Buồn, lo, than, trách, xẹo-xiên, giận-hờn.
Lòng Tiên mới là chơn-chánh Ðạo,
Không không mà thông-thạo diệu-huyền;
Dứt rồi nghiệp-quả nhơn-duyên,
Ðoạn xong tư-tưởng nối chuyền về sau.
Không, không sắc, không màu, không tướng,
Không, không hình, không tượng, không nghe;
Không ham kết đảng lập phe,
Không ham sang-trọng, không khoe-khoang mình.
Không cầu lợi, cầu danh tham dục,
Không làm điều tà-khúc hại đời;
Không làm khó nhọc cho người,
Không làm chuyện quấy để đời phiền-phân.
Không lưu-luyến hồng-trần buộc trí,
Khỏi bốn tường trực-chỉ Ðào-Nguyên;
Không không mới thiệt diệu-huyền,
Chữ không làm đặng thì Tiên trong đời.
Ðể tâm KHÔNG Phật, Trời bố hóa,
Người tu hành chẳng khá bỏ KHÔNG;
Chữ KHÔNG mầu-nhiệm nơi lòng,
Hành theo thấy rõ tâm trong diệu-huyền.
Người nên Thánh, nên Hiền, nên Ðạo,
Trước phải lo rèn-tạo chơn-không;
Mặc ai tham-chạ đèo-bồng,
Mặc ta, ta cứ giữ lòng an-nhiên.
Dẫu người dụng oai-quyền húng-hiếp,
Cứ nhẫn-hòa bặt-thiệp thanh-minh;
Chẳng vì sợ hại-hư mình,
Ngơ tai, bít mắt, vẹn gìn lòng son.
Nã-Phá-Luân gương còn ở đó,
Ngang dọc trời, công khó biết bao;
Xông pha tên đạn ào-ào,
Rốt rồi cũng bại, anh hào hóa Không.
Kìa Hạng-Võ non sông ngang dọc,
Lúc suy thời khử-nọc bạo-hung;
Xưa nay biết mấy anh hùng,
Rốt rồi chẳng khỏi đến cùng thành Không.
Ðạo Tiên Phật rèn lòng luyện tánh,
Tìm chỗ KHÔNG mà lánh luân-hồi;
Ở trần nhân-quả nó nhồi,
Ráng tu một thuở gỡ rồi nợ-duyên.
Mượn cảnh không diệt phiền trừ não,
Bực chí-thành nương Ðạo an vui;
Gỡ xong thế-cuộc rối-nùi,
Trăng-thanh gió-mát là mùi thanh-tao.
Ai là bực anh-hào quân-tử?
Ai lảu-thông kinh-sử Thánh-Hiền?
Sao mang chứng bịnh não-phiền,
Không lo thoát khỏi cái xiềng quỉ-vương!
Sao không biết tầm đường chánh-đại,
Mê lợi danh mắc phải tội-tình;
Khôn chi chôn cả tánh linh,
Hai đường, đường nhục, đường vinh, chọn làm.

Thi:
Làm sao xứng-đáng Ðạo nhà Nam,
Nam nữ luyện tu cổi lốt phàm;
Phàm Thánh khác xa  với Giác,
Giác-quan cám dỗ chớ nên làm.



       Thầy ban ơn các con.  Thầy thăng.

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *