QUAN ÂM NHƯ LAI chào mừng chư Hiền đệ, miễn lễ, an tọa.
Giờ này Bần Đạo thừa lệnh Đức Chí Tôn lai đàn để cùng chư hiền giải bày đôi điểm trên con đường tu thân học Đạo.
Con người đang sống trong cõi đời Hạ nguơn này phải chịu nhiều gian lao thử thách. Kìa nợ tiền khiên oan trái! Kìa dục vọng dấy tràn! Thử hỏi tại vì đâu?
Chỉ vì con người mang kiếp sống Hậu Thiên, tâm chịu lấy hiện tượng Ly Âm Hỏa sanh sanh tử tử chẳng có lúc nào chấm dứt nên mãi triền miên chìm đắm trong sông mê bể khổ của dục tình, không tự tĩnh lấy mình. Nếu chúng sanh biết tự giải thoát cái lòng tham dục, giải thoát cái ý vị kỷ của mình thì con người tức khắc nhẹ nhàng thư thái.
Làm sao diệt được lòng ích kỷ?
Đạo Trời khai mở cốt để sửa đổi cái tâm phàm phu trở về cái tâm Thánh đức (Hậu Thiên phục chuyển Tiên Thiên). Cũng do cái tâm phàm tục mà nhân loại điên đảo. Cũng vì sự sống danh lợi mà con người mãi sa đọa.
Ôi thôi thôi! lòng người đã đen bạc, tình người lại nhạt phai thì cõi đời lấy chi làm mục đích? người tu hành lấy chi làm cứu cánh?
Đa phần chúng sanh đã và đang vấp phải căn bịnh nặng nề, cái lòng vị kỷ, bản ngã tư tâm. Chưa đạt đến chỗ vị tha, hòa đồng với mọi người, cho nên niềm tin tuyệt đối nơi Thượng Đế cũng bị hao mòn. Giá trị tối linh của con người cũng vì đó mà phôi pha.
Đạo là chi? mà Đời là chi? Đạo, Đời tuy hai mà một. Đời với Đạo tuy một mà hai. Bởi thế chúng sanh nào có khác chúng sanh? Tất cả đều mang một hình hài như nhau, đều có một tâm niệm như nhau. Tại sao con người Thượng nguơn Thánh đức cái tâm từ lành hồn nhiên chất phát, mà con người Hạ nguơn lại nhiều mưu mô xảo quyệt? Có phải cũng vì cái bản ngã kết tập lâu đời mà có. Cũng vì cái nghiệp lực trái oan ràng buộc mà ra.
Trong khung cảnh Đời, Đạo muốn nên người Chí Đức phải Khắc kỷ tu tâm.
Làm sao là khắc kỷ? Lấy gì mà tu tâm?
– Kỷ muốn khắc phải “Thiểu tư quả dục“.
– Tâm muốn tu phải “Kiến tố bảo phát“.
Phải cởi bỏ cái lớp trí thức giả tạo bên ngoài để cho chơn tâm trọn vẹn hiển hiện nơi con người.
Một cuộc xoay vần của Tạo Hóa mấy ai hay? Thượng Đế đã cầm cân công lý không lẽ ngừng nghỉ? Vậy thì chúng sanh cũng phải tự mình giác ngộ cái bản tâm thanh tịnh của chính mình: ấy là Phật Tánh từ bi đã sẵn có trong mỗi một.
Đạo không khó mà khó ở lòng chúng sanh. Muốn thể hiện cái chân ý viên dung, phải tuần tự mà tiến hành. Thể hiện từ cái nhỏ, cái dễ nhất, cái gần nhất để đạt thành cái rộng rãi, lớn lao nhất và vô biên nhất. Chư chúng sanh khá tự xét lấy chứ đừng để cho ai xét mình.
Học Đạo là học những gì sẵn có trong ta, của ta. Tức là Thân và Tâm, hay gọi là Tánh và Mạng. Cái không phải của ta, tức ngoài Tánh – Mạng, là bàng môn tả đạo vậy!
Hỡi chư Thiên ân! Chư chúng sanh! Hãy yên vui với cuộc sống của chính mình. Tự tại ung dung với lòng mình mà định cho mình một tâm chí bền vững, một tấm lòng quảng đại kiên trung. Mặc dầu bao cơn thử thách, chẳng qua đó là lò lửa để nung luyện cho hạt ngọc kim cương thêm sức sáng. Một câu tâm niệm, một đức chí thành cũng trọn vẹn, cũng dung dị không thua gì muôn kinh ngàn điển chư chúng sanh khá hiểu.