Thánh Thất là Trường Giáo Đạo

THÁNH THẤT 
LÀ TRƯỜNG GIÁO ĐẠO

“Tâm Vật bình hành” là nguyên lý căn bản của giáo lý Cao Đài, thế nên giữa hình thức và nội dung phải song hành với nhau mới thể hiện được Đạo Lý! Vì thế một khi đã tạo dựng được ngôi Tam Đài Thánh Thể về mặt hình tướng thì trong nội dung sinh hoạt đạo sự của mỗi Thánh thất cần phải có những chương trình hầu giúp cho phần tâm linh của tín hữu luôn được phát triển để tập làm những việc Thánh thiện, xây dựng ngôi Thánh đường nội tâm vững chắc trong lòng mỗi người.
Đức Phạm Hộ Pháp trong một lần giáng đàn có dạy:
“Đạo có sáng chói ở mọi người thì xã hội đời mới an lạc.
Đứng dưới mái Thánh Đường uy nghiêm đọc thuộc làu từ câu văn Đạo Luật Thánh Ngôn cũng chưa chắc đã hiểu trọn vẹn Cao Đài chủ nghĩa. Câu văn chỉ là hình thức phương tiện vẽ nên chơn lý Đạo Pháp chớ không là Đạo Pháp. Thánh Đường Ngoại Thể đã huy hoàng thì Thánh Đường Nội Tâm phải sáng chói.” [1]
Đức Hộ Pháp kết lại qua câu: “Có như vậy mới mong con cái của Đức Chí Tôn mới tránh khỏi cảnh no lòng với những tấm thực đơn.”
Đức Di Lạc, khi tái ngộ với các đạo hữu ở một địa phương vừa xây cất lại ngôi thờ tự, Ngài có nhận xét và dặn dò:
“Mùa xuân nầy…, Bần Tăng được tái ngộ cùng chư thiện tín … Bần Tăng nhận thấy có tiến triển khả quan về mặt hữu hình, nơi thờ phượng, từ mái nhà thô sơ lụp xụp … đã trở nên đồ sộ nguy nga huy hoàng, và cũng không kém phần uy nghiêm tôn kính. Nhưng đó là mặt hữu hình, thể chất. Cũng cần là cần ở phương diện tựa vào cái giả tướng đó để đánh vào thị nhãn của chúng sanh ưa thích về hình tướng, do đó cũng hấp dẫn họ lại gần nơi thiền tự. Đó là những trình độ hiểu Đạo thô sơ. Điều quan trọng hơn là ở nội tâm.” [2]
Tại Thánh thất Tân Định thuộc Hội Thánh Tam Quan, khi giáng đàn dự Lễ Khánh Thành Diêu Trì Bửu Điện Đức Mẹ có dạy:
“Hỡi các con nam nữ ! Các con đã xây dựng xong về mặt hình thức đối với sở hữu các con, tuy rằng khó mà còn có thể làm được, còn xây dựng về mặt tinh thần đạo đức thì lại càng khó hơn. Hôm nay, các con hãy tô đậm hai chữ xây dựng để làm bài học hàng ngày trên bước Đạo. Về mặt hình thức kể cũng tạm yên, rồi đây các con còn phải mất nhiều thì giờ để xây dựng về mặt tinh thần đạo đức.
Sở dĩ ngày hôm nay có một ngôi hữu hình đồ sộ là do các con đã gia công ruồng bỏ, phá vỡ những gì gọi là xấu xa, mục nát, hư hoại. Vậy thì về mặt tinh thần, trước khi muốn xây dựng cũng phải ruồng bỏ những gì gọi là xấu xa, ích kỷ, chia rẽ, xuyên tạc, nhỏ nhen, cố chấp mà phải xây dựng lại tinh thần tốt đẹp, vị tha, quảng đại, khoan dung, phá chấp. Xây dựng từ bản tâm, bản thân, cá tính đến xây dựng gia đình, phu thê, tử tôn, lần hồi xây dựng đến tình đồng đạo bạn hữu gần xa … Bài học xây dựng Mẹ đã ban cho vừa rồi, đó cũng là một phần thưởng các con, món quà quí giá. Các con đã thấm nhuần bài học hôm nay thì cõi lòng mỗi con như ngọn đèn sáng tỏ, tự soi đường lối cho con đi.” [3]

I. GIÁ TRỊ CỦA THÁNH THẤT:
Qua những lời dạy của các đấng Thiêng Liêng, chúng ta thấy Thánh Sở chỉ là hình thức tôn giáo, là phương tiện để đưa nhơn sanh hướng về đạo lý, về cứu cánh – mục đích của ĐĐTKPĐ. Do đó trên đường tu tiến, chúng ta cần ý thức rằng “Giá Trị của Thánh Thất” có sáng tỏ hay không tùy thuộc vào việc các tín đồ có phát huy được những Lý Đạo sau:
1. Thánh Thất là phương tiện để tu tiến:
Chúng ta hãy xem đoạn Thánh giáo sau:
“Hôm nay, tệ huynh muốn đàm đạo cùng các em về phần hữu vi còn việc vô hình cao cả để rồi các em hạ hồi tu chứng giải phân. Hình thức đã có, qui củ hẳn hòi, chỉ còn trông cậy vào đạo tâm thi hành bổn phận đạo đức của các em nữa thì danh nghĩa Đại Đạo, thì sứ mạng các em mới tròn vẹn khả quan đó vậy.
Như các em đã biết, Thánh Tịnh hay Thánh Thất sở dĩ thành hình là do ở phương diện tinh thần tâm đạo xuất phát. Nếu không vận dụng khả năng để gầy nên một hình thức khả dĩ để mỗi người trong chúng ta, bổn đạo, làm một phương tiện bồi đắp tình đồng loại, đồng đạo, làm trụ cốt để mỗi người lập công bồi đức, thì có chi để nói rằng phổ hóa quần sanh, giáo dân vi thiện. Và có chi để chứng thực tấm lòng trung kiên chánh trực đối với Đại Đạo, với nhân sanh hay với mình đó các em. Thì ra hình thức bên ngoài ấy không phải là cứu cánh thiệt sự cho các em, nhưng nó là phương tiện khá quan trọng cho các em trên đường tu thân lập quả.
Vậy mà … có người vì cái hình thức ấy, đeo đuổi hình thức ấy rồi sanh lòng vị kỷ chấp trước cái ta, đến đổi cũng xảy ra nhiều điều chia rẽ. Than ôi ! hình thức ấy đã biến thành một phương thế hiểm độc làm hại người tu không ít. Tệ huynh mong các em tránh khỏi điều trở ngại ấy để cùng nhau chung tay góp sức xây dựng cơ sở đạo đức ít nhiều, miễn là đặt trọn vẹn với tinh thần phụng sự vô tư. Hễ phụng sự vô tư thì mọi lỗi lầm, mọi phiền phức va chạm giữa nhau đều được xí xóa cho nhau mà gánh gồng đại cuộc.
À, tệ huynh đã nói hình thức Thánh Thất là một phương tiện cho các em tu tiến, song chẳng hiểu thế nào những ngày sóc vọng, những thời công phu, mà chẳng thấy các em dự phần đông đủ và tha thiết đó vậy? Hay tại các em còn bận việc nầy sự nọ ở thế gian chăng, hoặc các em quan niệm độc thiện kỳ thân tu thân tự lập cũng đủ rồi chăng? Hay là vì các em có điều chi không vui giữa nhau, vì một chướng ngaị lý trí nào đó mà vắng dịp tới lui cúng Thầy họp bạn trao đổi đạo lý hâm nóng tình thương chăng?” [4]
2. Kiến tạo hình thể đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhân tâm làm chứng thị. Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể Đạo địa phương:
Đức Lê Đại Tiên có dạy về giá trị của Thánh thất:
“Đạo nghiệp đã trùng hưng về hình thức. Thánh đường trong Thánh địa, đó là bề ngoài, còn cần phải có Thánh Đức Thánh Tâm ở bên trong mới bảo tồn vĩnh cửu. Thánh Tâm, Thánh Đức không phải nằm trong từ chương văn cú kinh điển hay ở nét vàng son lộng lẫy nguy nga mà Thánh Tâm, Thánh Đức ở trong khối óc tâm linh và hành động của con người tu niệm.
Thời xưa các bậc Thánh Nhơn chỉ nhắm vào đức trí của mình để xây dựng nền tảng đức trí cho dân được sống an lạc thái hòa. Thời hiện tại cũng phải như vậy, dầu cuộc đời có tân tiến, có văn minh, có khoa học, lại càng phải giữ vững mức độ thuần thành đức trí. Từ cấp lãnh đạo, phổ cập đến quần chúng nhơn sanh; từ quốc gia xã hội đến hương đảng gia đình; từ Tòa Thánh Hội Thánh đến Thánh Thất Thánh Tịnh mỗi mỗi đều ý thức đến yếu tố căn bản nầy mới tạo cho đời sống được an lạc thái bình vĩnh cửu. Đừng nhìn pho tượng im lìm của các bậc Giáo Chủ mà hãy nhìn sự luân động cứu cánh bất diệt của các Ngài …
Phải tận tâm với trách nhiệm hiện hữu của mình, dầu là chức sắc, là tín đồ … là Ban Cai Quản, ban Quản Trị của Chùa Thất đều ảnh hưởng lớn đối với nhơn sanh địa phương. Nếu nơi nào chưa cảm hóa được nhơn sanh trở về tâm đạo thì người hành đạo nơi đó chưa tròn nhiệm vụ Thiêng Liêng.” [5]
Còn Đức Lý Giáo Tông dạy theo hướng nâng cao:
“Đại Đạo Khai Minh … những ngôi Thánh Đường đồ sộ uy hùng vươn lên khắp nơi khắp chốn. Dầu trải qua bao nhiêu biến chuyển của cuộc đời nhưng hình bóng đạo vẫn theo thời gian mà xuất hiện … Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện Thánh Thể Chí Tôn tại thế. Thượng Đế không là hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng … Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhân tâm làm chứng thị. Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể đạo của địa phương …
Thế nên thiết lập một cơ cấu hình thể đạo mà bảo tồn không được, cũng không khai sáng thêm hơn, thiệt là một điều thiếu sót và tội lỗi lớn đối với mình. Đừng để cho một tâm hồn nào thương xót trước một Thánh Thể của Chí Tôn. Đã tạo được thì phải cố gắng khai minh và phát huy cho đúng với sự tạo dựng của mình hay của người đi trước …
Mượn phương tiện để phục vụ cho cứu cánh, đừng để cứu cánh phải vùi chôn trong phương tiện phù ba. [6]
3. Do đó Thánh Thất phải là nơi để phổ độ chúng sanh:
Ngoài việc là nơi thực hiện những nghi lễ độ sanh, độ tử Thánh Thất còn là nơi chẩn tế và khuyến thiện. Chúng ta hãy tham khảo những lời Thánh giáo sau:
“Hiền bạch chi?
Hải Thần bạch: Về Bửu Quang Đàn xin cất chánh điện.
Về phần khuôn viên nên ấn định tùy theo chư hiền sở hữu, vì thời cơ đang cần tay xoa dịu những kẻ côi thân. Vì Đức Chí Tôn đã truyền: “Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi”. Như vậy, theo hình thể tại trần để đấp ấm cõi lòng gió mưa xuyên tạt. Cần nên tùy sở hữu mình mà ấn định. Nếu Bần Đạo phân tách khuôn viên đủ đầy phương thức thì ngoài phạm vi năng sức của chư hiền. Như thế phải mỏi mòn trí não. Vậy chư hiền cần suy tư để vạch đường tươi sáng đó …” [7]
Lời dạy của Đức Giáo Tông cho thấy Ngài khuyên hãy làm theo khả năng sở hữu và đừng quên là thực tại xã hội đang cần bàn tay xoa dịu những người côi cút!
Cũng với tinh thần đó, Đức Mẹ khuyến khích:
“Diêu Trì Bửu Điện … những nơi nào đã có rồi, thay vì lòng tưởng niệm, các con được phép tượng trưng và hãy dùng đó làm nơi cứu khổ cho nhơn loại chúng sanh. Con ôi ! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dù nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.” [8]
Trong một lần giáng đàn khác, Đức Mẹ dạy thêm:

“DIÊU cao phẩm giá các con trần,
TRÌ chí tu hành, đạt Đạo chân;
KIM bút Mẹ đề lưu tại thế,
MẪU truyền điển báu để lời phân.
Giá lâm tiếp ứng câu cầu nguyện,
Ngự ẩn lòng con mặc phú bần;
Điện ngọc hình dung lòng hiếu tử,
Trung dung hành thiện chí nhân từ.

Này các con, nay Mẹ hạ trần bởi lòng thành do các con nơi trần thế xây dựng. Các con đã hiểu: nơi Điện Ngọc bồ đoàn Mẹ ngự, bốn mùa đầy đủ hoa trổ đơm bông, nào tiếng tiêu thiều nhạc trỗi khúc khoan. Đó là một điều hưởng nhàn bất diệt. Nhưng Mẹ nào an lòng, bởi nhìn các trẻ trần gian đang bị màn vật chất cuốn lôi vào cạm bẫy! Vì thế nên Mẹ động lòng rời bỏ cung ngọc hạ trần cùng các con lăn lóc nơi trần hồng để dụng những lời phàm tục cùng con huấn dụ hầu lập công bồi đức, trau sửa hạnh dung để trở về cùng Mẹ. Nhưng con nào thấy đặng đâu!
Mẹ tiếp mật nguyện nơi lòng các trẻ cầu xin tu chỉnh điện thờ ảnh Mẹ, nhưng các con ôi! Mẹ chỉ ngự nơi lòng các con. Nếu các con biết, thời tôn kính, tự lòng thức tỉnh hầu tế nhơn độ chúng tiến bước trên con đường nhơn đạo tức là hành thiện. Đó là các con biết xây dựng một lâu đài quí báu để tôn thờ Mẹ. Đó chính là lòng các con, vì Mẹ ngự nơi tâm các con.
Nếu các con xây dựng nên một tòa nhà nguy nga tráng lệ mà các con không cải thiện lòng nhơn ái trợ quả độ nhơn tế chúng thì các con cũng không sao về gần bên Mẹ.” [9]
Trong những lúc cần thiết cũng có thể được dùng chánh điện làm nơi sinh hoạt những hoạt động đạo đức ích lợi cho nhân sanh:
” … Nếu cần Bần Đạo cho phép dùng chánh điện làm hội trường. Việc nầy tùy chư hiền linh động, miễn được việc là xong. Từ xưa nơi chánh điện vẫn được giữ tôn nghiêm. Ngày nay, chư hiền nên hiểu như vầy: Thượng Đế vì nhân sanh mà lập Đạo. Còn Thánh Thất Thánh Tịnh là để thờ phượng, cũng là nơi để tụ họp, với những hoạt động đạo đức ích lợi nhân sinh.
Khi cần, chánh điện được sử dụng trong vòng đạo đức. Sự cần thiết là đem lại lợi ích cho nhơn sanh. Nếu chùa thất đóng cửa kín đáo, giữ gìn trang nghiêm mà không có những hoạt động đạo đức thiết thực giúp đời, chẳng khác nào món đồ cổ để triển lãm, trái với tôn chỉ của Thượng Đế khai đạo.” [10]
Trong các hoạt động đạo sự của Thánh thất, việc tổ chức sinh hoạt học hỏi giáo lý là điều trọng hệ:
“Thiện Đức … Công cuộc đang tiến triển về mặt hình thức cơ sở tại địa phương, hiền đệ tùy sở năng sở hữu đến đâu thì làm đến đó, sẽ có tha lực tăng viện. Còn về mặt giáo lý phổ truyền, đó là điều trọng hệ. Phải song song về mặt xã hội và phổ truyền giáo lý để thế nhân hiểu rằng, nhờ giáo lý, lòng đạo phát triển thể hiện việc xã hội từ thiện. Nếu không thì kẻ thọ hưởng chỉ biết cảm ơn người giúp đỡ mà không biết ơn do nguồn gốc giáo lý. Nếu vậy, hoài bảo của hiền đệ mong cho người vào nẻo đạo chưa được trọn vẹn vậy”  [11]
Và do đó quan trọng hơn cả, mỗi Thánh Thất phải nhắm đến định hướng trở thành “Trường Giáo Dân Vi Thiện”.

II. THÁNH THẤT LÀ TRƯỜNG GIÁO DÂN VI THIỆN:
1. Tổ chức, hướng dẫn đạo hữu hướng thiện và hành thiện: qua các hình thức (cơ sở phước phiện, công tác xã hội tại địa phương hay nơi khác, cơ sở tự túc, dạy nghề,  sinh hoạt nữ công gia chánh…).
“Thánh Thất, Tịnh Thất là cơ sở trụ tướng hữu hình để cho đạo hữu cùng nhân sanh đến triêm bái đấng Thiêng Liêng. Ngoài việc ấy ra còn có sứ mạng khác trọng đại hơn đó là vấn đề thuyết minh giáo lý dạy dỗ nhơn sanh tín hữu cải ác tùng thiện quay về chánh đạo, cơ sở học đường, cơ sở phước thiện, cơ sở tự túc. Có như vậy ngôi Thánh Thất, Thánh Tịnh ấy mới vững bền.” [12]
Đức Mẹ phân tích kỹ hơn:
“Thánh Thất, Thánh Đường mọc lên như nấm … Các con thấy gì bên trong Thánh Thất Thánh Đường đó. Ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm, còn thừa bao nhiêu chỗ trống để bụi bám nhện giăng, rêu phong cỏ mọc.
Mỗi tháng có hai lần Sóc và Vọng, bổn đạo chung quanh tề tựu đến đảnh lễ thiêng liêng, cúng hành hương độ một bữa cơm chung rồi ôm khăn gói ra về. Đi đến Thánh thất đôi lần bảy lượt không thấy có gì mới lạ, lần hồi chểnh mảng không đến nữa, dẫu đến cũng chỉ có thế mà thôi.
Có những con thấy không khí buồn tẻ, chẳng biết nói gì, tự nẩy sinh bàn phiếm theo báo chí nào quốc sự chánh trị miệng của thiên hạ, binh người nầy bỏ người kia … không có sinh hoạt đạo đức mà đáng lẽ nơi đây phải được thuyết giảng đạo lý thường xuyên tối thiểu hai lần mỗi tháng để bổn đạo biết thế nào gọi là tu, cúng chùa tụng kinh ăn chay niệm Phật để làm gì và làm thế nào để đắc Đạo. Đó là những điều cần thiết phải được sinh hoạt đều đều trong mỗi Thánh Thất Thánh Đường.
Nhơn sanh đạo hữu có hợp tác hành đạo được là nhờ có người chỉ dạy cho biết Đạo là gì.
Khi đã có tổ chức hành đạo thì mỗi việc làm ràng buộc những người trong nội bộ Thánh thất đó. Có sự ràng buộc hỗ tương lẫn nhau thì không khí sôi động nhộn nhịp về hành thiện đạo đức mới có cơ sở nổi bật lên để lôi kéo sự hiếu kỳ và hấp dẫn người đời vào Đạo. Như vậy mới gọi là hành đạo độ đời “. [13]
 2. Trường Giáo Dân Vi Thiện qua các hình thức:

” Thánh Thất dùng để làm nơi truyền giáo,
Tháng đôi lần giảng đạo thuyết kinh;
Dạy tu hành cho cả nhơn sanh,
Đừng tưởng quấy rồi thành băng hoại.
Phật ngày trước dưới cội bồ đề giảng dạy,
Khuyên nhơn sanh cải ác tùng lương;
Nào có đâu Thánh Thất Thánh Đường,
Cũng chẳng có hành hương nhiều ít.” [14]

Qua lời dạy của Thiêng Liêng, ngày nay chúng ta có phương tiện đủ đầy hơn khi xưa rất nhiều, do đó nếu chưa làm được tốt hơn và nhiều hơn thì chí ít cũng phải cố làm những việc căn bản nhưng lợi ích to lớn cho nhơn sanh. Đó là:
– Thuyết minh giáo lý.

Khi dạy về ý nghĩa “Trường dạy Đạo” – mục tiêu hàng đầu của mỗi Thánh thất, Thiêng Liêng nhắc nhở:
“Phải ý hướng lên cho cao, nhìn cho xa để vượt tất cả mọi hình thức giả tướng, miễn là không phương hại đến chơn lý và đạo sự là được rồi. Nếu vì quá trọng kỉnh Thiêng Liêng để lo huy hoàng tráng lệ mọi hình thức mà thiếu phần căn bản là phổ thông giáo lý, đem đạo cảnh tỉnh người đời thì những hình tướng ấy không bù lại điều căn bản trọng đại kia.” [15]
“Những ngôi chùa, Thánh Thất, Thánh Đường cũng như những mái trường đều là vật vô tri vô giác, không cần và cũng không muốn ai làm vinh diệu cho nó. Trường Đạo là nơi để cho các hàng hướng đạo làm nơi giáo dân vi thiện, tô bồi công quả, có nhiều âm chất để tiến hóa. Cũng nơi đây để dìu dẫn rèn luyện con người từ chỗ tội ác ra nơi lương thiện, từ chỗ tối tăm đến nơi xáng lạng, từ chỗ hận thù giết chóc, giàu hiếp nghèo, mạnh hiếp yếu, trở ra tình thương bảo tồn đùm bọc che chở, dìu dắt lẫn nhau.”  [16]
– Việc hướng dẫn con em nhà đạo, đào tạo thế hệ tiếp nối: đồng nhi, lễ sĩ, Tu Sĩ … chúng ta phải chấp nhận một số sinh hoạt phù hợp với tuổi trẻ, tuy có ồn ào một chút nhưng vẫn trong vòng đạo đức. Bởi vì không ít nơi đã rơi vào tình huống như lời nhắn nhủ chung cho các Thánh thất của Đức Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu:
“… Hễ có sự qui tụ mầm non để giáo dục thì bị chê trách là con nít con nôi, rần rần la ó mất thanh tịnh chùa chiền …! “  [17]
Tiếp theo đây, chúng ta hãy đọc lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân:
“Đừng ai lấy Đạo làm của riêng tư cho mình mà phải có bổn phận xương minh chánh pháp, đem lý Đạo phổ truyền khắp chốn cùng nơi. Chùa Thất cũng thế.
Chí Tôn dạy lập chùa Thất là một hữu hình tục tướng để thể hiện quyền pháp của Trời. Đó một phần nhỏ. Còn phần trọng đại là làm nơi qui tụ nhơn sanh để hướng dẫn mọi sinh hoạt đạo lý, phổ truyền giáo lý, thức tỉnh người đời.
Nơi chùa thất là để chung cho nhơn sanh đến đó nghe Đạo, học Đạo để hành Đạo không đặc ân riêng cho một anh lớn chị lớn hay em nhỏ trong giai cấp nào hết.
Chỉ ngại e là có chùa thất rồi mà không người hành đạo. Rất đổi thiếu người chăm sóc đốt hương, đánh chuông thay tam bửu vậy thôi.
Trong nếp sinh hoạt của chùa thất gồm có hai phần. Một phần tu tịnh để tịnh dưỡng tu đơn, dùng điển lành hỗ trợ cho sự bằng an sung túc của nơi đó. Một phần khác nữa là ngoại giáo công truyền, gồm có giảng đạo, phước thiện, xã hội hành chánh đạo để cho hệ thống của guồng máy hành chánh được lưu thông điều hòa. Nếu không vì những nhu cầu ấy Chí Tôn đã không dạy lập chùa thất.
Còn nói rằng nơi tu tịnh không được chen vào những sinh hoạt ồn ào thì Thượng Đế sẽ ngự luôn ở Bạch Ngọc Kinh chớ không vào cõi đời ô trược đầy xấu xa tội lỗi nầy ” [18]
Do đó phải ý thức để chấp nhận những hình thức sinh hoạt đạo đức tuy có ồn ào đôi chút nhưng rất cần thiết cho sinh khí và tương lai của cơ đạo. Vấn đề chỉ là việc sắp xếp thời gian, nơi chốn sinh hoạt cho các em để không ảnh hưởng đến giờ phút trang nghiêm cần có của đạo sự.
“Đây, Sanh hiền đệ, cười … Đã là lớp Phổ Huấn đạo đức, thì học tập trong lễ nghi khuôn phép, tất nhiên nào phải như các trẻ ngoài đường. Nhưng nếu không có sự vui cười trong lớp Đạo thì làm sao có những tương lai của giáo phẩm trong hàng Đại Đạo. Nếu suy tưởng lại thì hẳn không ai chấp nê việc đó đâu, hiền đệ an lòng tiến hành phận sự và cứ mở mang thêm.
Lão đã cho phép, tất nhiên tất cả huynh đệ tỷ muội của hiền đệ đây cũng đã sẳn sàng chăm sóc và giúp đỡ thêm cho hiền đệ trong các việc muốn cần dùng để hiền đệ thêm phần sốt sắng.” [19]

III. THÁNH SỞ LÀ TRƯỜNG CHƠN ĐẠO:
Pháp môn Cao Đài là Tam Công. Đã đổ móng đắp nền qua những hoạt động phước thiện và đào tạo rèn luyện Tâm Hạnh Đức mà không xây cất “Đài Cao nội tại” là lãng phí to lớn và thật đáng tiếc!  Do đó:
– Nhu cầu học và hành Đạo Pháp của một số tín đồ hữu duyên với Thiên Đạo Đại Thừa cần phải được đáp ứng, nhất là đối với thành phần Ban Cai Quản và các đạo hữu đã dày công hành đạo trong cơ phổ độ.
– Có như vậy Thánh thất mới thực hiện trọn vẹn mục đích của Đạo đối với bổn đạo địa phương trên cả hai phương diện Thế Đạo và Thiên Đạo.
“Xây đắp được Cao Đài nội tại và vào Đạo Pháp đã có thì đâu đâu cũng là chùa là thất của chư đệ muội … hà tất phải lo chi đến điều tồn vong đắc thất của hình tướng nữa.” [20]
Một khi phần Tâm pháp đã được gầy dựng căn bản ở Thánh thất bởi tập thể thì việc “dệt lưới Thiên” này tạo nên màng lưới vô hình bảo vệ nhơn sanh bá tánh xung quanh Thánh địa. Và ngôi trường giáo Đạo này đã được nâng cấp trở thành một Trung Tâm Đào Tạo và là bãi phóng của các phi hành gia “Học Trò Tiên Nhỏ” lên đường trở lại quê xưa.

IV. KẾT LUẬN:
Qua những lời dạy của các đấng Thiêng Liêng, bắt đầu từ lời dạy của Thầy trong những ngày đầu lập đạo, chúng ta thấy: lập TKPĐ hầu giúp nhơn sanh bước kịp cơ tiến hóa của Đất Trời vào thời Tam Nguơn chuyển thế; kết thúc một đại chu kỳ của vũ trụ và chuyển vào một đại chu kỳ mới.
Ở vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ Hạ Nguơn Mạt Kiếp, sóng văn minh bủa tràn, vật chất phát triển cực thịnh, nhân sinh quay cuồng, bị cuốn theo cơn lốc của ảo ảnh phù ba; không ít tín đồ của các tôn giáo trong đó có cả môn đệ của Đức Chí Tôn, bị quay cuồng theo sở dục của nhân thế ngay trong nhận thức tín ngưỡng của mình. Màng vô minh che lấp, nên vẫn chưa nhận thức được đâu là đạo lý căn bản thực hành.
Sự tu học giúp chúng ta “vén ngút mây mù” bấy lâu nay vẫn ngự trị. Thầy đã mở đường chỉ lối cho nhơn sanh nhất là các ức nguyên nhân nhìn thấy con đường trở lại quê xưa vị cũ mà hành trang không gì khác hơn Tâm Hạnh Đức Tài của mỗi “Học Trò Tiên Nhỏ” trong quá trình thực hành Pháp Môn Tam Công mà mỗi Thánh Thất Thánh tịnh là một bãi phóng phi thuyền và mỗi tín đồ là một nhà du hành vũ trụ. Được có tên trong danh sách của phi hành đoàn hay không là do sự nỗ lực của chính mỗi người tín đồ mà sự rèn luyện của cá nhân là yếu tố quyết định. Và chất lượng đào tạo của mỗi Trung Tâm Phi Hành mà vai trò của ban Giám Đốc điều hành; là Ban Cai Quản của mỗi Tịnh Thất, Thánh thất; trong việc hướng dẫn cho nhơn sanh tín hữu sở tại xác định đúng mục tiêu và tạo các điều kiện huấn luyện thực hành với chất lượng cao cũng có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đức Chúa Jésus có lời dạy:
“Điều cần nhứt cho người được mang danh Thiên Mạng, không phải chỉ biểu tượng hình thể của Chí Tôn tại bên ngoài mà chính là phải quyết lòng biểu dương Thiên Ý vào ở mọi từng lớp nhân sinh.” [21]
Vậy để biểu dương Thiên ý vào nhân sanh tín hữu, giúp cho mỗi người “xây được Đài Cao nội tại trong Thánh Đường Nội Tâm”, biện pháp căn bản nhất chính là giáo dục đào tạo, và như thế mỗi Thánh Thất Thánh Tịnh phải cố gắng vươn lên là một trường giáo đạo (Phổ giáo vi thiện và biệt truyền Chơn Đạo) như lời của Đức Lý Giáo Tông (1970):
“Cái khuyết điểm là Thánh Đường hiện nay rất nhiều, từ Toà Thánh, Hội Thánh đến Thánh Thất Thánh Tịnh. Đáng lý ra những nơi nầy phải là nơi dùng làm trường đạo giáo dân, trong lúc đó chỉ có một ít hành động, lấy tỷ lệ như những hạt cát trong bãi sa mạc. Đừng quan niệm xây dựng Thánh Thất và kiếm được một người thủ tự để bốn thời quỳ hương cúng nước là đủ. Thượng Đế Chí Tôn không bảo làm việc quá nghèo nàn ít oi như vậy.
Vì như đã nói: Thánh Thất là trường giáo dân, ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm đơn giản, nếu mỗi Thánh Đường dùng mọi trang trí lộng lẫy huy hoàng tôn nghiêm tráng lệ mà chung quanh vùng đó chưa có nhiều người vào đạo, hiểu đạo, thậm chí đến con em trong gia đình hướng đạo cũng không được sự dạy dỗ đạo lý, đó là trái với mục đích mở đạo của Thượng Đế Chí Tôn … Vì thiếu yếu tố đó nên trách gì một thiểu số địa phương những xung đột đối xử lẫn nhau tại vùng Thánh Địa còn tệ hơn là nơi chợ đông …
Bần Đạo muốn thấy mỗi một Thánh Thất Thánh Tịnh ý thức thể hiện được một hình thể tạm gọi là trường giáo dân. Trước nhứt là giáo dục con em trong gia đình đạo hữu để làm đà tiến cho các lãnh vực rộng rãi khác trong khuôn viên đạo đức. Mỗi Thánh Thất Thánh Tịnh hoạch định một chương trình hành đạo tối thiểu để có việc cho mọi người cùng làm, cùng vui, cùng hứng thú trong nếp từ hòa đạo đức. Khi cần đi đây đi đó là để liên giao hoặc học hỏi thêm. Còn điều căn bản là sở tại địa phương nào phải lo theo địa phương ấy trong đường hướng đào tạo mầm non hướng đạo tương lai. Đừng bao giờ quan niệm rằng ngồi không, chờ ngày Chí Tôn vận hành cho cơ đạo thành.
Nếu không có lớp người căn bản nòng cốt, không chương trình ý thức đào tạo mầm non, chẳng những đạo không phát triển khai phóng mà trái lại thối lùi là khác.” [22]
Tóm lại, chúng ta cần ghi nhớ:
– Nếu chùa thất đóng cửa kín đáo, giữ gìn trang nghiêm mà không có những hoạt động đạo đức thiết thực giúp đời, chẳng khác nào món đồ cổ để triển lãm, trái với tôn chỉ của Thượng Đế khai đạo. (Đức Lý Giáo Tông).
– Điều cần nhứt cho người được mang danh Thiên Mạng, không phải chỉ biểu tượng hình thể của Chí Tôn tại bên ngoài mà chính là phải quyết lòng biểu dương Thiên Ý vào ở mọi từng lớp nhân sinh.                                                (Đức Jésus).
– Do đó: Nếu không có lớp người căn bản nòng cốt, không chương trình ý thức đào tạo mầm non, chẳng những đạo không phát triển khai phóng mà trái lại thối lùi là khác. (Đức Lý Giáo Tông)
– Giờ đây Thánh Đường Ngoại Giới an bài, toàn đạo hãy quay về xây dựng Thánh Đường nội tâm. Bởi nơi ấy Thầy hằng ngự và bốn phương dễ dàng chung về.
Hãy cố gắng xây dựng Thánh Đường Nội Tâm được chắc chắn, thêm uy nghi xáng lạng. Thánh Đường Nội Tâm mới là nhà chung chi phái, là kỳ đài cờ Đạo trương cao.

ĐẠT TƯỜNG
Xuân Ất Sửu 1997

————————————————————————————-
[1] Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc; Nam Thành Tt 14.02 Tân Hợi (1971)
[2] Đức Di Lạc, Trúc Lâm Thiền Điện; 02.01 Bính Ngọ (1967)
[3] Đức Vô  Cực Từ Tôn; Thánh thất Tân Định 16.8 Ất Tỵ (1965)
[4] Đức Bạch Liên Phan Thanh; Thánh thất Bàu Sen 17.11 Kỷ Dậu (1969)
[5] Đức Lê Đại Tiên; Thánh Giáo Sưu Tập 74 tr 85
[6] Đức Lý Giáo Tông; Thánh Giáo Sưu Tập 74 tr 29
[7] Đức Lý Giáo Tông; Đạo Lý 65, tr 90; Huờn Cung Đàn 14.3 Tân Hợi (1971)
[8] Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Thánh thất Bình Hòa 15.8 Đinh Mùi (1967)
[9]  Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Đạo Lý 84 tr123; Nam Thành Tt 15.9 Nhâm Tý (1972)
[10] Đức Lý Giáo Tông; Thiên Lý Đàn 20.01 Đinh Mùi (1967)
[11] Đức Đông Phương Chưởng Quản; Ngọc Minh Đài 15.6 Mậu Thân (1968)
[12] Đức Hiển Thế Đạo Nhơn; Ngọc Minh Đài 15.4 Kỷ Dậu (1969)
[13] Đức Mẹ; Nam Thành Thánh thất 15.6.Tân Hợi (05.8.1971)
[14] Đức Thiên La Tinh; Ngọc Minh Đài 01.01 Giáp Dần (1974)
[15] Đức Lý Giáo Tông; Thánh Giáo Nguyên Bản 70 S14 tr06
[16] Đức An Hòa Thánh Nữ; Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý 14.5 Mậu Thân (1968)
[17] Đức Nguyễn Trung Hậu; Thánh Giáo Sưu Tập 66-67 tr189
[18] Đức Hiệp Thiên Đại Đế; Cơ Quan PTGLĐĐ 01.02.Tân Hợi (25.02.1971)
[19] Đức Lê Đại Tiên; Ngọc  Minh  Đài 14.12 Ất Tỵ (1966)
[20] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn; Cơ Quan PTTGLĐĐ 29.8 Quí Hợi (1983)
[21] Đức Jésus; Thánh thất Bàu Sen 23.11 Đinh Mùi  (24.12.1967)
[22] Đức Lý Giáo Tông (1970).

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *