Thầy không mượn lâu đài chùa thất, mượn lòng con chân thật mà thôi

THẦY KHÔNG MƯỢN LÂU ĐÀI CHÙA THẤT,
MƯỢN LÒNG CON CHÂN THẬT MÀ THÔI [1]
Đạt Tường

Từ khi mới lập Cao Đài Giáo, Đức Chí Tôn đã có dạy:

“Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi;
Sang hèn trối kệ tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.”

Tuy nhiên, cũng do còn bị lôi cuốn theo nhãn quan đời thường nặng về sắc tướng âm thinh nên có nơi, có lúc trong việc xây cất Thánh thất đạo hữu chúng ta đã quá đặt nặng vào hình thức vượt xa khả năng tài chánh đến nỗi phải chịu nhiều hậu quả phiền toái! 

Chúng ta hãy xem một thí dụ điển hình cách đây trên 40 năm: (Trích nội dung một đọan thư được gởi từ miền Trung)
“Trong tình trạng khẩn bách, … sau lễ khánh thành còn đọng lại một số nợ rất lớn là 160.000đ. Từ ấy đến nay chúng tôi vận động trên mọi hình thức, chẳng những bám vào nhơn sanh mà còn kế họach nhờ vả nơi này nơi khác … … Song cũng chẳng vượt qua với nỗi hoàn cảnh kinh tế chật vật của nhơn sanh miền Trung đang trong cơn thiên tai thất vụ nên không đem lại kết quả bao nhiêu.
Vừa rồi … … tổng kết trả được một số và hiện còn lại là 98.000đ (trong số này có số nợ ciment là 38.000đ phải trả lời mỗi tháng 4%).
Các chủ nợ luôn luôn đòi hỏi, nhất là trong cuộc hội nghị này. Sự đòi hỏi ấy đã làm cho tinh thần hội nghị xao xuyến. Chúng tôi chẳng biết làm sao, chỉ biết dằn tâm chịu đựng những tiếng thô bỉ, những cử chỉ bất nhã mà cho qua thời gian !!! …
…… tháng 8 Tân Sửu 1961”
(Vào thời điểm đó, giá mỗi lượng vàng vào khoảng 2.500 đồng. Số nợ 98.000đ này tương đương 40 lượng vàng.)

I. THẦY KHÔNG MƯỢN LÂU ĐÀI CHÙA THẤT:

Xin lấy một số thí dụ khác cách nay đã hơn 30 năm, trích từ vài đoạn Thánh giáo trong năm 1973:

1. “Thiên Luân bạch: kính xin Đức Giáo Tông từ bi chuẩn phê và tá trợ đệ tử trong việc xây Bát Quái Đài.
Bần Đạo đã rọi qua hình đồ thường thức. Nhơn ý hòa Thiên ý định. Vì có câu Đức Chí Tôn truyền rằng: “Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi.”
Vậy do lòng hiếu đạo, Thiên mạng chư hiền tạo Bát Quái Đài là ngôi thứ ba của nền Đại Đạo, nhưng ngôi nầy là Tòa Bạch Ngọc tại thế, tùy chư hiền chung tâm góp sức, Bần Đạo chứng cho. Trong thời gian cấp chuyển, cơ Đạo hoằng dương cần nỗ lực để thực hiện trong tinh thần hữu hạn của chư hiền mới đạt được thành quả như ý nguyện.” [2]

Câu kết: “… Cần nỗ lực để thực hiện trong tinh thần hữu hạn của chư hiền mới đạt được thành quả như ý nguyện.” của Đức Lý nhắc nhở: muốn đạt thành quả trong xây dựng ngôi Bát Quái Đài nên thực hiện trong khả năng hữu hạn và chỉ như thế thôi cũng đã phải nỗ lực nhiều rồi!

2. Cũng đồng thời gian đó, ngày hôm sau tại một Thánh Tịnh khác, Ngài cũng nhắc lại:
“ … Kìa trước cảnh Bồng Lai xiêu đổ, nhơn tâm ly tán của Thánh cảnh từ xưa sụp đổ trong chương trình “Thất thập nhị Tịnh”. Đó, cơ chuyển hóa của nền Tiên Thiên chánh pháp, sự ổn định tình thế, chỉnh trang do nhơn tâm cấu tạo mà Bần Đạo đã ân ban chìu theo sở vọng của chư hiền. Cơ tái tạo đã bắt đầu vừa xây nền đắp móng, xem như chương trình đã tiến vào bản thể thượng từng … … Nay Bần Đạo chuyển linh cơ cùng Thiên mạng chư hiền nhắc nhở ngày xuân, mọi việc thế gian do dục tâm cấu tạo. Cần hoàn tất chương trình, lo vận hành để đạt kỳ công tái tạo … …
Thiên mạng chư hiền đã nhiều công góp sức để vận dụng tinh thần trét tô Thánh Địa. Nhưng giờ đây chương trình trọng đại … … lời phân qua trước kia nay trở thành dĩ vãng. Vì trước kia Bần Đạo có nhắc lời Đức Chí Tôn nêu ra:

Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Sang hèn trối kệ tâm là quí.

Như vậy, vì cơ tái tạo mà Thiên mạng chư hiền dường như bế tắc … … Đây là cơ thử thách để Thiên mạng tiếp hành. Vậy trước cảnh tại trung đàn, Thiên mạng đồng thể lưu tâm để góp phần công quả Thánh thể lành mạnh, chuyển hóa cơ Thiên trong cơ tái tạo.” [3]

Đứng trước việc tái thiết vượt quá khả năng, do dục tâm cấu tạo đã dẫn đến gần như bế tắc, Đức Lý Giáo Tông nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn khi xưa nhưng cũng từ bi động viên mọi người góp phần công quả khi chương trình tái thiết đang thi công dang dở ở “thượng tầng”. Tình hình cụ thể khi đó là do làm cùng một lúc cả Tam Đài mà ngân khoản lại hạn chế cho nên sau khi đúc xong lầu chuông và trống ở Hiệp Thiên Đài thì cạn tiền trong lúc đang làm dang dở chưa lợp được nóc.

3. Và cũng trong năm đó tại Thánh Thất Vệ Long Trung ở một tỉnh miền Trung, Đức Lý Giáo Tông cũng nhắc lại lần nữa lời của Đức Chí Tôn và khuyên: “nên tùy sức mình để đo lường cho khỏi mệt dấu ngựa phong trần. Đó là Bần Đạo khuyên chư hiền nên lưu tâm hầu phát huy khỏi nghiêng chinh sau giờ tái tạo”.
Ngài dạy:
“… … giờ Bần Đạo chuyển bút linh, tiền đàn rọi thấu tâm trung Thiên mạng chư  hiền đồng khẩn nguyện. Đó là đáp ứng tại trần theo nguyện vọng Thiên mạng chư hiền trong cơn cõi trần vọng niệm. Nầy Thiên mạng, cảnh vật tơi bời hình Thánh Thể phải chịu chung phần theo trong đời tiêu diệt. Đó là không riêng nơi cảnh nầy mà đồng chung số phận của cảnh đời thử thách. Lòng cương quyết của chư hiền vô tận, tất nhiên vật chất tạo thành không khó, chỉ khó là đạo tâm của chư hiền phai mờ không sao xây dựng. Đó là điều tối cần. Bần Đạo rọi qua đã biết chí quật cường, từ nam nữ đã quyết tạo thành Thánh Thể, đó là tùy theo năng lực của chư hiền tiến thủ.
Đây là Bần Đạo nhắc lại trước (kia) khi Khai Đạo, Đức Chí Tôn đã dạy rằng:

Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Nào cần hạ giới vọng cao ngôi;
Sang hèn trối mặc tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.

Theo lời dạy của Đức Chí Tôn là Đức Chí Tôn chỉ ngự trị nơi cõi lòng của chư hiền, mà nếu chư hiền tạo thành một tòa nhà nguy nga đẹp đẽ mà lòng chư hiền thiếu hẳn lòng kính thành, thì tòa nhà ấy có quí báu chi đâu. Nay thời kỳ thực hiện hình thể Tam Đài tại thế là để cho chư hiền tiếp tay, để tinh thần vào đấy hầu giải tỏa não phiền trong cơn nguyện cầu trước điện tiền Từ Phụ. Ấy là lẽ cố nhiên. Nhưng Thiên mạng chư hiền nên tùy sức mình … Vậy Bần Đạo hạ trần đôi lời diễn dụ, Thiên mạng chư hiền lưu tâm.” [4]

Qua đây chúng ta thấy vấn đề tạo dựng hình tướng Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế gian là một việc quan trọng luôn được Ơn Trên quan tâm hướng dẫn.
Bây giờ, chúng ta hãy nghe (xem) một đoạn thơ của Ban Cai Quản một Thánh thất tại miệt Cửu Long đã được gởi đến cầu cứu với các Thánh sở bạn cách nay gần 10 năm:
“Thất thập lục niên,
Kính gởi: Ban Cai Quản Họ Đạo, Thánh Thất … Mạnh thường quân.
Hôm nay, Ban Cai Quản Họ Đạo … chúng tôi mạo muội viết ít dòng thơ ngỏ này kính gởi đến quý hiền huynh tỷ … …
Kính thưa chư quý hiền,
Thánh Thất … … được xây cất vào năm 1974 bằng cây lá. Đến năm 1994 bị xuống cấp sắp hư sập nên Họ Đạo có đơn xin chính quyền địa phương cho phép tu sửa lại bằng vật liệu nặng (vật tư 32.500.000đ, địa phương đóng góp đủ chi)
Đến năm 2000, Ban Cai Quản và toàn Họ Đạo xét thấy cần tu bổ trang trí Thánh Thất. Cần có Thánh Tượng, hình Tam Thánh, cổng tam quan, bàn thờ Hộ Pháp và cửa bông sen … … thi công từ tháng 7 Canh Thìn (2000) đến 15.02 Tân Tỵ (2001) mới tạm xong.
Nhưng phép thuận của chính quyền cách ngày lễ an vị Thánh Tượng chỉ có 6 ngày nên Ban Cai Quản chúng tôi gởi thư mời đến các nơi không kịp và không đầy đủ.
Kính thưa chư quý hiền,
Họ Đạo chúng tôi tu sửa trang trí Thánh Thất với tổng chi phí chung: 80.647.600đ
Hiện nay chúng tôi còn đang thiếu nợ vật tư là 21.865.600đ
Họ Đạo chúng tôi hết sức lo lắng về tiền trả vật tư mà không có. Ban Cai Quản mới năn nỉ chủ vật tư đóng lãi theo ngân hàng nhà nước nhưng chủ vật tư nói: “Tôi bán cho quý ông để lo tu bổ trang trí Thánh Thất, tôi có góp phần nào rồi.? Vậy số tiền thiếu, quý Họ Đạo nên trả cho chúng tôi để mua bán”. Do đó Ban Cai Quản chúng tôi hết sức khổ tâm, bổn đạo nơi đây đã đóng góp của và công quả nhiệt tình nhưng vì phần đông còn nghèo. Khi nghe Ban Cai Quản thiếu tiền vật tư kể trên có một số không đi cúng Đức Chí Tôn … … nên Ban Cai Quản Họ Đạo có đến gia đình để đàm đạo thì người đạo nghĩ mình đến để xin tiền nên tiếp xúc rất lơ là. Vì vậy, Ban Cai Quản chúng tôi thấy việc làm đạo là việc chung mà đến nay vì nghiệt ngã nợ nần làm cho nhiều người rơi nước mắt, nhất là mấy bà quá lo sợ.
Nay Họ Đạo chúng tôi kính cẩn gởi thư ngỏ này gói trọn niềm tin vào sự cao cả vì mến Thầy thương Đạo, với tấm lòng vàng và bàn tay nhân ái của chư quý hiền và các vị mạnh thường quân … nhìn lại địa phương … chúng tôi đang bị nghiệt ngã vì nợ nần vật tư mà ra tay cứu vớt, hỗ trợ giúp đỡ tùy hỷ số tiền để Ban Cai Quản chúng tôi hoàn thành ý nguyện. Đại ân, đại đức này toàn Họ Đạo địa phương chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ chư quý hiền … …
… … 19  tháng 3 năm Tân Tỵ (dl 12.4.2001)”
Đây là một thí dụ thực tế về những khó khăn tài chánh rồi ảnh hưởng đến đạo sự và tâm lý hành đạo của một bộ phận bổn đạo. Số tiền ở thí dụ này chưa nhiều lắm mà đã trở thành vấn đề như thế! Một số nơi khác trong năm 2002 vừa qua, chúng ta được biết sau khi làm lễ an vị xong còn nợ nần từ 100 đến 200 triệu đồng. Chỉ tính theo lãi suất ngân hàng thì mỗi tháng cần có một số tiền từ 1 đến 2 triệu để trả lãi. Với các địa phương ở vùng nông nghiệp thì số tiền này rất lớn! Chưa kể việc đến ngày đáo hạn phải trả nợ vốn vay, làm thế nào để có đủ số. Đây là hậu quả của việc chưa liệu cơm gắp mắm và đã quá chú trọng vào hình tướng trang trí lộng lẫy huy hoàng !!!

Chúng ta suy gẫm lời dạy sau đây cho hàng ngũ Chức Sắc của một Hội Thánh ở miền Trung khi một Thánh sở vừa được khánh thành:
“Nay Đền Thánh đã hoàn thành nhờ sự góp sức của nhơn sanh, nhờ lòng nhiệt thành của toàn Đạo mới được đầy đủ tốt đẹp như thế này. Nhưng sở dĩ hôm nay còn có việc lo, việc buồn, toàn Đạo chưa yên tâm mà trông thấy cái dung nghi mỹ miều của nó, ai ai cũng phải buồn, trông đến là khổ tâm là vì thâm thiếu một số tiền to lớn. Chư hiền có biết bởi những lý do nào mà không được viên mãn lại hóa cạnh góc? Cái cạnh góc đó sở dĩ còn là do nơi tính cẩu thả, lòng háo dục, háo kỳ. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhơn sanh để cho rơi rớt đổ tháo, miếng ăn tấm mặc của nhơn sanh làm cho mất mát, xương máu của nhơn sanh làm cho hao tổn … …
Chư hiền huynh bình tĩnh xét lại cái lỗi của mình, khi thấy được lỗi thì bước tu mới công hiệu. Kẻ thấy lỗi để sửa lỗi là kẻ đã gần với ánh sáng chân lý, kẻ thấy lỗi mà chối lỗi là kẻ gần với tà quyền …” [5]

II . MƯỢN TẤM LÒNG CHÂN THẬT MÀ THÔI:
1. Trong quá trình xây dựng Thánh thất, sẽ phát sinh những ý kiến khác biệt nhau về hình thức hay phương án tiến hành. Họ Đạo phải cố gắng dung hòa tư tưởng, đoàn kết chung lòng cùng nhau. Đức đệ tứ Giáo Tông Nguyễn Bửu Tài có lần đã nhắc nhở:
“Tệ Huynh rất vui mừng mà nhìn thấy các em địa phương sở tại có nhiệt tâm lo nghĩ đến việc trùng tu kiến thiết lại những gì đổ vỡ do thời chiến gây nên. Tệ Huynh để lời khen ngợi các em, từ Đầu Họ Đạo tới Ban Cai Quản.
… nên nhớ điều nầy: việc trùng tu phải dựa vào sở hữu cùng năng lực thực tế, không nên bày bố rồi mãi lo thanh toán nợ nần mà xao lãng phần tu học … Tệ Huynh sẽ hộ trì các em thành công theo sở nguyện. Điều thành công đó trước phải đề cao tinh thần tương thân tương trợ mọi mặt …

PHÚ LỐI VĂN:

Xuân Bính Ngũ giáng lằn quang điển,
Nơi Liên Hoa thăm viếng các anh em;
Nên làm sao tốt lá tốt nem,
Khéo gói gắm cho êm mọi việc.
Tình thương đạo mới là cần thiết,
Tùy mỗi người mỗi việc đảm đương;
Tin tưởng nhau đề cử một số để làm cột rường,
Việc tái tạo Thánh Đường trong mai hậu … …
Sự kết đoàn anh trước em sau,
Tùy sở hữu chung vào việc cả … …
Gắng giữ đạo đừng lời bài bác,
Kẻ dở hay rồi hờn mát hơn thua;
Buồn giận nhau chẳng lai vãng đến chùa,
Rồi xây cất để ma quỉ ở.
Vì thương mến nên Tệ Huynh nhắc nhở,
Lời chân thành không sợ các em buồn;
Vươn mình lên lãnh lấy vai tuồng,
Sẽ có lúc vẹn tròn cùng sứ mạng.” [6]

2. Hình tướng Thánh Thể của Thầy là phương tiện để độ dẫn nhơn sanh, đó là bước đầu rất cần thiết nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để mỗi Thánh thất thể hiện đúng ý nghĩa mà Thầy đã ban trong Kỳ Ba này là ngôi nhà Thánh. Vì thế Đức Quan Thánh Đế Quân có lần đã dạy:
“Đã hy sinh lập chùa thất là một điều đáng khen và nên làm, nhưng còn một việc nên làm và đáng khen, đáng quí hơn nữa là chơn tu hành đạo. Nếu có chùa thất mà không có người chơn tu hành đạo thì như hang chứa rắn độc.
Vậy Ta khuyên … … ráng học đạo tu hành, rèn tâm sửa tánh, bỏ điều tửu nhục, không nên bài bạc, chớ nên nói những lời dâm ô thô bỉ, đừng nên nhúng tay vào những việc phi nghĩa bất nhân, chớ sát sanh hại vật, hãy tìm lành lánh dữ hầu độ dẫn thôn lân.” [7]

Việc “Chơn tu hành đạo” chỉ có thể khởi đầu từ “tấm lòng chân thật” và đây là điều chính yếu để mỗi tín hữu có thể tự cứu lấy mình và cứu cả Cửu Huyền Thất Tổ. Một lần nữa khi giáng đàn ở Trúc Lâm Thiền Điện, Đức Di Lạc đã dạy:
“Mùa xuân này là giáp một mùa xuân nơi đây, Bần Tăng được tái ngộ cùng chư thiện tín, toàn thể nam nữ hãy kiểm điểm lại nơi lòng mình, nơi bản thân mình và nơi gia đình quyến thuộc của mình, xem một năm qua đã tiến triển đến mức độ nào chưa về phương diện tinh thần đạo nghĩa?
Riêng Bần Tăng nhận thấy có tiến triển khả quan về mặt hữu hình, nơi thờ phượng, từ mái nhà thô sơ lụp xụp trong mùa xuân Ất Tỵ, đã trở nên đồ sộ nguy nga, huy hoàng, và cũng không kém phần uy nghiêm tôn kính. Nhưng đó là mặt hữu hình, thể chất. Cũng cần là cần ở phương diện tựa vào cái giả tướng đó để đánh vào thị nhãn của chúng sanh ưa thích về hình tướng, do đó cũng hấp dẫn họ lại gần nơi thiền tự. Đó là những trình độ hiểu Đạo thô sơ.
Điều quan trọng hơn là ở nội tâm. Nội tâm, có nhớ lời Bần Tăng phân giải năm ngoái cùng chăng, và đã làm được những gì trong các điểm ấy?
Cúng lạy pho tượng tạm đặt tên Bần Tăng để thể hiện lòng sùng kính một Đấng Từ Bi cứu thế, nhưng phải cần làm và làm cho nhiều theo đức độ và giáo lý đã chỉ truyền mới mong tự cứu rỗi thân tâm, chớ quá chú trọng về mặt hình thức lễ bái cầu xin mà thiếu về phần nội tâm tự tu, tự cứu. Bần Tăng cũng không làm sao cứu rỗi giùm.” [8]

Cũng với tinh thần khuyến khích đạo hữu hãy ý thức rõ ràng mục đích chính của đời tu là nhắm vào nội dung tu học và hành đạo “tu chơn”, Đức Trưng Nữ Vương dạy:
“Này các em, Chị tiếp chuyển linh cơ trong ngày xuân nhựt. Giờ Bồng Lai ngự bút, nhìn vào Nữ Đạo các em nơi nầy trong thời gian niên qua đã lập kỳ công hành thiện trên đường tương trợ, kế tiếp các em còn một bổn phận xây dựng Thánh cảnh tư phương. Đó là một công quả kỳ cùng mà các em địa phương Tam Cảnh đồng chung gánh vác.
Này các em … trên đường hành thiện là ngoại dung. Còn nội dung phần học tập đức tính tu chơn, xây dựng tinh thần để góp phần lập công bồi quả. Các em đã và đang tiến lên trên chương trình lập vị.” [9]

Vậy có học và hành việc “tu chơn” là chúng ta mới đi đúng hướng lập vị ở tương lai.

Hình tướng và nội dung là hai mặt không thể tách rời nhau như hai mặt âm và dương của Đạo. Vì thế một khi đã bước đầu xây dựng được hình tướng rồi thì chúng ta phải cố gắng phát triển nội dung. 

Nội dung đây là những đạo sự căn bản cần thiết để phát triển Thánh tâm của mỗi người tín hữu cũng như của nhân sanh.
Một lần, trong ngày lễ kỷ niệm của Vĩnh Nguyên Tự, Đức Như Ý đã giáng đàn nhắc nhở:
“Lễ kỷ niệm Đệ Nhị Chu Niên trùng hưng đạo nghiệp được lịnh tổ chức để ghi nhớ và tán thưởng công lao của hàng đạo tâm thiện chí đóng góp tinh thần trách nhiệm xây dựng lại một hình bóng cứu thế tại trần gian.
Vì thế, Lão muốn nói lên giá trị thật sự của nó không phải nhắm vào ngôi chùa đồ sộ nguy nga, có khách thập phương đến lễ bái cúng dường đông đảo, mà mục đích là hoằng dương Chánh Đạo phổ độ nhơn sanh. Có như vậy mới xứng đáng với công trình người xưa đã tạo lập và người nay xây dựng lại.” [10]

Để có thể “hoằng dương chánh đạo phổ độ nhơn sanh” giúp cho Thánh tâm trong mỗi đạo hữu phát triển, Ơn Trên hướng dẫn chúng ta phải tiến hành các đạo sự từ phước thiện cho đến học đường, kinh tế, nhà tịnh … …
“Thánh Thất Thánh Tịnh là cơ sở trụ tướng hữu hình để cho đạo hữu cùng nhân sanh đến chiêm bái Đấng Thiêng Liêng. Ngoài việc ấy ra còn có sứ mạng khác trọng đại hơn, đó là vấn đề thuyết minh giáo lý dạy dỗ nhơn sanh tín hữu cải ác tùng thiện quay về chánh Đạo, cơ sở học đường, cơ sở phước thiện, cơ sở tự túc. Có như vậy ngôi Thánh Thất Thánh Tịnh đó mới vững bền.” [11]

Qua các đạo sự này, chúng ta mới có môi trường để rèn luyện và nâng cao tâm chí đức hạnh của mỗi người tín đồ chúng ta.
“Này chư hiền cảnh tại, Bần Đạo ban ân chư hiền đã nhiệt tâm tạo thành Thánh Cảnh giữa cảnh đồng quê. Đó là khơi lên một điểm sáng cho cảnh tại noi gương học đạo. Vậy chư hiền đã đạt thành phần hình thức, còn phần nội dung cần chỉnh đốn trang hoàng tinh thần chư hiền quật khởi để đáng là phận sứ mạng thọ lãnh vai tuồng trong buổi kỳ ba mạt hạ … …

BÀI
Chuyển linh bút Bửu Quang cảnh tại,
Cho chư hiền cả thảy đồng nhau;
Công trình công quả tô vào,
Lập thành Thánh cảnh một màu đẹp xinh.
Với tư tưởng đức tin sẵn có,
Chư hiền cần vạch sẵn nội dung;
Chương trình học tập trùng phùng.
Đoàn viên xây dựng thung dung Tiên tòa.
Xuân chuyển bút truyền qua đôi đoạn,
Cho chư hiền tiếp đón thi công;
Kỳ ba nơi chốn trần hồng,
Thánh tâm phải lọc khai thông lý huyền.
Đạo cốt giữ Tiên Thiên chánh lý,
Đạo vốn là chung thỉ tự tâm;
Đạo là xây đắp chất âm,
Đạo cần phải giữ móng mầm trung dung.
Phát tư tưởng hòa cùng tạo dựng,
Tạo nên hình tiêu chuẩn trần gian;
Tinh thần cần phải chỉnh trang,
Lập công thi đức đáng trang nam tài.” [12]

Với nam giới đã được Đức Lý Giáo Tông chỉ dẫn phải chú trọng vào nội dung học tập rèn luyện tinh thần sau khi góp phần công quả công trình xây dựng Thánh thể Tam Đài thì với nữ giới cũng không khác hơn. Hai chữ “Tâm Đạo” cũng luôn được nhắc nhở và một khía cạnh căn bản khác của tấm lòng chân thật đối đãi với nhau là tình yêu thương hòa thuận cùng nhau. Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy:
“Em ơi! Thượng Đế cũng như Đức Từ Mẫu luôn luôn ngự nơi tâm đạo của mỗi nhơn sanh trong đó có các em. Chớ không phải đợi tới các em xây dựng trang trí huy hoàng lộng lẫy ngôi Diêu Trì Bửu Điện mới đến ngự.
Vì vậy, cuộc lễ an vị sắp đến đây các em phải luôn luôn thể hiện tình thương yêu hòa thuận với nhau. Đó là món quà quí giá hiến dâng Đức Từ Mẫu.” [13]

Qua những Thánh giáo đã trích dẫn nêu trên, chúng ta thấy dù ở nơi đâu hay bất cứ thời gian nào các Đấng Thiêng Liêng cũng chỉ mang đến cho chúng ta một Lý Đạo bất biến như lời của Đức Chí Tôn:

Thầy không mượn lâu đài chùa thất,
Mượn lòng con chân thật mà thôi.

Nói một cách khác: “hữu hình hữu hoại”, vật chất hình tướng dầu cho tráng lệ huy hoàng, nguy nga đồ sộ đến mấy đi nữa cũng chỉ là phương tiện tạm mượn. Chỉ có TÂM mới là điểm cốt lõi mang tính quyết định cho sự tiến hóa trên đường tu học và hành đạo của mỗi người tín hữu chúng ta. Vì thế chúng ta đừng bao giờ quên lời dạy của Đức Chí Tôn:
“ Chư môn đệ soạn lại Thánh giáo mà học.
Ta nói chư môn đệ đến cùng Ta bằng tấm lòng thành, còn đồ vật chất tượng hình cho chư môn đệ học đạo, chứ không phải Ta quan hệ cần thiết nơi ấy đâu mà chư môn đệ chăm lo chỗ đó để rồi sinh ra bất bình nhau, hay thiếu sức mà kêu vang.
Đó là chư môn đệ làm cho Ta buồn, chứ chẳng phải vui đâu!” [14]

III. KẾT LUẬN:
Đức Chí Tôn luôn nhắc nhở chúng ta, những con cái của Ngài phải ý thức:

“Thầy Bạch Ngọc ngôi cao đã có,
Nơi trần gian quý nọ tại tâm;
Các con chớ có hiểu lầm,
Chùa cao cột lớn, việc làm quả công.” [15]

Và tương tự như thế Đức Mẹ cũng khuyên nhủ:

“Mẹ không cần đền đài lộng lẫy,
Mà bên trong chẳng thấy tâm con;
Muối dưa dạ trẻ giữ tròn,
Quý hơn điện ngọc không còn lương tâm.” [16]

Như vậy, cái tâm quý giá mà Thầy Mẹ hằng mong đợi ở chúng ta là “tấm lòng chân thật”. Lòng chân thật là tìm về lẽ thật chân chánh tức là Đạo Lý. Muốn được như vậy thì phải tập cho có được “tâm thanh tịnh vô cầu” như lời Thánh giáo:

“Đạo tâm nơi cõi Thiên đàng,
Chùa cao cột lớn, Phật vàng chớ ham.
Bậc Thượng thừa dù nam hay nữ,
Để tâm không hai chữ vô vi;
Âm thinh sắc tướng làm chi,
Hữu hình hữu hoại, có khi rã rời.” [17]

“Muốn được sáng suốt thì cần được thanh tịnh. Muốn có thanh tịnh thì bớt sự việc phù phiếm vô bổ.
Phần nhiều đạo hữu tin ở hình thức, khi mất rồi thì kẻ tu bỏ Đạo. Hoặc vì mê tín dục vọng mà tu, khi thấy không thỏa mãn lòng phàm hoặc thất vọng vì cớ nào cũng không còn làm Đạo.” [18]

Do đó Đức Đông Phương mới dạy thêm:

“Đường phản bổn không ngoài Đại Đạo,
Nẻo về Nguyên do Lão chủ ông;
Chủ ông là cái Tấm Lòng,
Lòng người Giác Ngộ cộng thông đất Trời.
Muốn được vậy cấp thời tu tỉnh,
Muốn quay về chấn chỉnh sửa đoan;
Tâm trần vướng mắc rộn ràng,
Rút gươm thần huệ đoạn phăng cho rồi.” [19]

Kính chúc tất cả quý đạo hữu đều có được tấm lòng chân thật đúng như ý Ơn Trên đã dạy và chúng ta sẽ góp phần phổ thông Lý Đạo giúp cho mọi tín hữu thấy rõ con đường và đích nhắm phải đi tới hầu góp phần thực hiện sứ mạng kỳ ba phổ độ sự tiến hóa của nhơn sanh.

Thuyết trình tại CQ.PTGLĐĐ Rằm tháng 4 Quý Mùi 2003
ĐẠT TƯỜNG

———————————————————————–
[1] Đức Chí Tôn , Nam Thành Thánh thất mùng 1 tháng giêng Ất Tỵ 1965
[2] Đức Lý Thái Bạch, Đạo Lý 88 tr 55 Ngọc Điện Huỳnh Hà 02.01 Quý Sửu 1973
[3] Đức Lý Thái Bạch, Đạo Lý 88 tr 72, Bồng Lai Thánh Tịnh 03.01 Quý Sửu 1973
[4] Đạo Lý 96 trang 30, Vệ Long Trung Quảng Ngãi 23.8 Quý Sửu 1973
[5] Đức Cao Tiếp Quân, Thánh Truyền Trung Hưng tập 2 tr284; Trung Hưng Bửu Tòa 07.6 Bính Thân 14.7.1956
[6] Liên Hoa Cửu Cung mùng 4.01 Bính Ngũ 24.01.1966
[7] Đức Quan Thánh, Văn Phòng PTGL Tam Thôn Hiệp 08.12 Ất Tỵ 30.12.1965
[8] Đức Di Lạc, Trúc Lâm Thiền Điện 02 tháng Giêng Bính Ngũ 22.01.1966
[9] Đức Trưng Trắc, Đạo Lý 88 tr 65, Bồng Lai Thánh tịnh 03.01 Quý Sửu 1973
[10] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự 15.3 Ất Mão 26.4.1975
[11] Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, Ngọc Minh Đài 15.4 Kỷ Dậu 1969
[12] Đức Lý Giáo Tông, Đạo Lý 88 tr132; Bửu Quang Đàn 16.01 Quý Sửu 1973
[13] Đức Liên Hoa Thánh Mẫu; Nam Thành Tt 08.8 Kỷ Dậu 19.9.1969
[14] Đức Cao Đài Giáo Chủ, Tt Trung Thành 15.7 ĐĐ.15 Canh Thìn 18.8.1940
[15] Đức Chí Tôn, Cao Thượng Bửu Tòa 03.01 Kỷ Hợi 1959
[16] Đức Mẹ, Đạo Lý 110 tr12, Thiên Trước 15.8 Giáp Dần 1974
[17] Đức Chí Tôn, 18.02 Mậu Thân 1968
[18] Đức Đông Phương Lão Tổ
[19] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQ PTGL 04.6 Tân Dậu 05.7.1981

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *