Thử nêu những yếu điểm của Giáo Lý Đại Đạo

 
THỬ NÊU NHỮNG YẾU ĐIỂM
CỦA GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO
 Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín

Trong Đàn cơ ngày 19-2 Bính Dần (28-3-1986), Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Đại Tiên Trưởng có dạy Cơ Quan PTGL:
“Điều thiết yếu của chư hiền là lấy trí tuệ tập thể và công năng đại định cùng lòng nhiệt thành hăng say tích cực để xây dựng và xác lập những yếu điểm giáo lý thật cơ bản, thật phổ quát và trường cửu để làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý. Phổ thông giáo lý mà chính giáo lý chưa được xác lập đầy đủ thì phổ thông giáo lý sao được”. Để chúng ta sử dụng trí tuệ tập thể, công năng đại định và lòng nhiệt thành tích cực là ba yếu tố cần thiết để xây dựng và xác lập những yếu điểm giáo lý Đại Đạo, chúng tôi thử nêu ra đây những yếu điểm giáo lý Đại Đạo để chúng ta cùng nghiên cứu, thảo luận cho rốt ráo, cho thông suốt hầu xây dựng và xác lập một nền tảng cho toàn bộ Giáo Lý Đại Đạo thật cơ bản, thật phổ quát và trường cửu.
Thử định nghĩa thế nào là Yếu điểm giáo lý?
Là những điểm giáo lý then chốt, thiết yếu, quan trọng nhứt, nổi bật nhứt. Thế nào là giáo lý?
Giáo ở đây không có nghĩa là tôn giáo, mà giáo là dạy, Lý là lý đạo, đạo lý là chơn lý đạo, qua những lời dạy của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Phật Tiên Thánh Thần giáng cơ dạy trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đặc trưng mang tính chất Đại Đạo. Dưới đây là những yếu điểm:


I. Yếu điểm thứ nhất:
Đấng Giáo Chủ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là chính Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng Chúa Tể càn khôn vạn loại, đến thế gian mở Đạo Kỳ Ba để tận độ nhơn loại buổi cuối cùng của thời Hạ Nguơn mạt kiếp. 
1.a. Đặc biệt hơn các vì Giáo chủ khác mang xác phàm để mở đạo như Đức Thích Ca với đạo Phật, Đức Lão Tử với đạo Tiên, Đức Khổng Tử và Đức Chúa Jésus với đạo Thánh, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế vốn vô hình, vô tình, vô danh, không dùng xác phàm lại sử dụng Thánh Linh của Ngài (Saint Esprit), mượn linh điển bút cơ để lập Đạo, truyền bá giáo lý phổ độ nhơn sanh qua trung gian những hàng đồng tử (phò loan) tiền định. 
1.b. Danh xưng của Ngài cũng đặc biệt, trước tiên Ngài ẩn danh để dễ bề dạy dỗ huấn luyện các vị môn đồ đầu tiên làm phò loan (đồng tử) với ba nguyên âm A, Ă, Â và mãi đến đêm giáng sinh Noen năm 1925 mới thố lộ danh xưng Ngọc Hoàng Thượng Đế với tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát (lại mượn danh của trần thế) để khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở xứ sở Việt Nam. Hai chữ Cao Đài có ý nghĩa rất phóng khoáng, không bị hạn hẹp gò bó trong một tên đời như: Mít, Xoài, Ổi, mà chỉ mang một tánh cách giản dị để tượng trưng:

“Cao Đài là cái đài cao,
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che.”

Chỉ là một cái đài hay cái ngôi ở trên trời cao vút, trên chốn không trung vô tận để tượng trưng cho Đấng vô hình, Đấng tối cao, là Đấng Chí Tôn Thượng Đế, Thái Cực Thánh Hoàng, Chúa tể càn khôn vạn loại.

II. Yếu điểm thứ hai:
Đại Đạo chủ trương Thiên Nhân Hiệp Nhứt. Có nghĩa là lập Đạo Kỳ Ba, Đức Chí Tôn chủ trương: Trời và Người phải hiệp nhứt với nhau để hành đạo độ đời cho tích cực, cụ thể là đạo mở ra để cứu đời, đem hạnh phúc thiết thực và giải thoát toàn diện cho nhơn loại trên hai phương diện nhân sinh và tâm linh. Lời xưa có nói:
“Nhơn năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhơn”, con người có khả năng hoằng hóa Đạo, chớ Đạo không thể dẫn độ người được, vì hữu hình mới phục vụ nhơn sanh hữu hiệu, chớ Đạo vô vi trừu tượng khó có thể độ đời một cách tích cực dễ dàng, thế nên:

“Đấng Giáo Chủ Cao Đài cứu thế,
Là vô hình vô thể vô danh;
Nên cần hướng đạo môn sanh,
Vô nhơn vô ngã mới dành ban trao.”

Vì vậy, Đức Chí Tôn mới lập ra một Hội Thánh (theo Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo) mà vị đứng đầu là Giáo Tông, một người Anh Cả để thay mặt Ngài dẫn dắt đàn em sớm trở về nơi Bồng lai Tiên cảnh. 
1.c. Đức Chí Tôn Thượng Đế không cho môn sanh tạc hình tượng để thờ Ngài mà chỉ thờ Một Con Mắt (Thiên Nhãn) tượng trưng cho Chơn Thần của Thượng Đế lập Đạo Kỳ Ba, Thầy đặt nặng về tâm linh hơn là hữu hình hữu tướng, đã được ghi trong lời giải thích của Ngài trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

“Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả ngã dã.”
 
Tạm dịch là:
Con mắt là chủ cái tâm,
Hai ánh sáng con mắt là chủ tể,
Ánh sáng là Thần,
Thần là Trời (Thượng Đế).

Về sự kiện Đại Đạo Kỳ Ba chủ trương Thiên Nhân Hiệp Nhứt, tức vô hình hợp tác với hữu hình, Ngài tiền bối Cao Triều Phát có giáng cơ minh giải như sau: “Một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không, hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ. Có hữu không vô ví như có hình vật mà không có cơ năng linh hoạt, có vô mà không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo.” Vì cơ tận độ trong thời kỳ Hạ Nguơn mạt kiếp, chính mình Đức Chí Tôn phải giáng trần để giục còi linh, gióng trống Lôi Âm thức tỉnh nhơn loại còn đang say đắm chơi vơi nơi bể tục và cả chư Phật Tiên Thánh Thần cũng đều giáng lâm giúp Thầy giác ngộ độ rỗi nhơn sanh không nệ gian khổ ngày đêm với phương tiện cơ bút, vì hai thời kỳ trước các vì Giáo Tổ chỉ độ được có 4 ức, còn lại tới 92 ức nguyên nhân còn đang bị đọa lạc trầm luân, nên Thầy Thượng Đế rất xót xa, đau đớn mở Đạo để cứu vớt. Chúng ta có thể nhận định được chủ trương Thiên Nhân Hiệp Nhất của Đại Đạo qua việc thiết lập Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh Tây Ninh với ba đài Bát Quái đài, Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài. Bát Quái đài là nơi thờ Đức Chí Tôn Thượng Đế và chư Phật Tiên Thánh Thần, thuộc về vô vi, tượng trưng cho Thần, tức là Thiên (Trời). Cửu Trùng đài gồm 9 phẩm bậc nhơn sanh từ Giáo Tông đến tín đồ, thuộc phần hữu hình, tượng trưng cho phần Nhơn (Người).Hiệp Thiên đài gồm có bộ phận thông công tiếp linh điển và chức sắc, thuộc phần bán hữu hình, làm trung gian để cho chức sắc CửuTrùng đài đến cầu Thầy và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy Đạo và ban bố Thánh lịnh để thi hành đạo sự ở thế gian. Thiên Nhân Hiệp Nhứt còn có một ý nghĩa siêu việt hơn là Người có thể hiệp nhất với Trời bằng phương pháp công phu thiền định, để tâm trống không, thanh tịnh sẽ huyền đồng, hiển lộ Chơn như thể tánh, thì sẽ được Thầy ban ơn vì Thầy có dạy: “Mỗi con đều có một đài hiệp thiên. Nếu con mở được cửa thì thông công được với Thầy, khỏi phải qua trung gian của đồng tử, vì trước kia Thầy đã dạy, đã trao chìa khóa cho các con từ buổi sơ khai Đại Đạo. Nhưng mấy ai giữ được thanh tịnh vô trần, trực nhận chơn tâm đại ngã.” Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt có dạy: “Chư Thiên ân cần phải đắc ‘Thiên Nhân hiệp nhất’ bằng cách tu tịnh, huyền đồng hiển lộ chơn như. Nghĩa là khi xóa bỏ hết những sự nê chấp hình tướng, thấy được nhứt lý là nhờ mỗi vị có được Chơn tâm bản thể hiện ra. Chư Thiên ân nên tìm hiểu sát nghĩa những câu này mới đắc nhứt lý: 

Thiên đắc nhứt dĩ thanh,
Địa đắc nhứt dĩ ninh,
Nhơn đắc nhứt dĩ minh.”

III. Yếu điểm kế là Vạn giáo đồng nhất lý:
Thánh giáo Thầy Chí Tôn minh giải nơi Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn ngày 24-4-1926 như sau:
“Vốn từ trước Thầy lập ngũ chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định Qui Nguyên Phục Nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà làm ra cuộc phàm giáo, Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót 10.000 năm, nhân loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ. Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa.” Do đó chúng ta nhận thấy Đức Thượng Đế quá thương xót nhân loại, trót 10.000 năm vẫn còn sa đắm vào nơi tội lỗi chịu trầm luân khổ lụy, nên nhất định chính mình Thầy, không nài khổ cực và nơi uế trược, giáng trần kỳ ba để cứu vớt nhân loại thoát tục trần và quyết định qui nguyên ngũ chi Đại Đạo mà Tam Giáo Nho, Thích, Lão là ba tôn giáo cơ bản nằm trong ngũ chi Đại Đạo. Đó là vạn giáo đồng nhất lý vì muôn ngàn tôn giáo chung qui cũng hướng dân vi thiện, dạy con người tu thân, trau dồi tâm đức để tiến hóa từ phẩm con người cho xứng danh con người (Nhơn đạo) lên hàng Thánh nhân quân tử (Thần đạo và Thánh đạo), tới hàng tối cao trọn lành trọn tốt là Tiên, Phật (Tiên đạo và Phật đạo). Tất cả vạn giáo đều xuất phát nơi một lý duy nhất là Đạo, là Thượng Đế, tất cả các tôn giáo là những nhánh nhóc nảy sinh từ một gốc cội to lớn là Đại Đạo, hưởng thụ cùng một chất nhựa để tồn tại. Đó là nhứt bổn tán vạn thù và cuối cùng theo Thiên cơ, vạn thù sẽ qui về nhứt bổn. Cụ thể việc qui Tam Giáo, chúng ta nhận rõ nơi cách thức thờ phượng tại Thiên Bàn với ba ngôi vị của Tam Trấn Oai Nghiêm. Đại diện cho đạo Phật là Quan Thế Âm Bồ Tát, đại diện cho đạo Tiên là Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng, đại diện cho đạo Thánh là Quan Thánh Đế Quân. Nhiệm vụ và địa vị của ba vị đại diện Tam Giáo đều bình đẳng, đồng quyền hành và ngồi ngang nhau. Giáo lý căn bản của Tam Giáo đều “Qui tâm, huờn tánh”.

Phật dạy minh tâm kiến tánh.
Tiên dạy tu tâm luyện tánh.
Thánh dạy tồn tâm dưỡng tánh.

Trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 05-8 Bính Tý, 20-9-1936, Thầy có phán rằng: 

“Trong pháp Đạo tu tâm đệ nhứt,
Tu tâm là đứng bực Tiên Thiên.” 

Siêu đọa đều do tâm, Phật tại tâm, Thượng Đế cũng tại tâm. Pháp môn chỉ là phương tiện để đi vào tâm nội, tâm mới là cứu cánh giải thoát cho con người.

IV. Yếu điểm thứ tư:
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời tại Việt Nam với Thánh Ý phục hưng phong trào Tam giáo đồng nguyên của hai đời Lý, Trần, một thời đại xưa đã từng làm cho nước Việt Nam được thái bình thịnh vượng vẻ vang, tinh thần truyền thống của một dân tộc đạo đức thuần phong mỹ tục cũng được phục hồi.
Đó là điểm yếu lý của Cao Đài Đại Đạo xuất phát từ lòng một dân tộc hiếu hòa đạo đức gương mẫu để từ đó phóng phát ra năm châu bốn biển với hai phương châm:
1. Thế Đạo đưa nhơn loại đến thế giới huynh đệ đại đồng, năm châu chung chợ, lập lại đời thánh đức thượng nguơn.
2. Thiên Đạo dẫn dắt hàng tu chơn đạt Đạo giải thoát với tâm pháp “Tánh mạng song tu” gọi là Tân pháp Cao Đài.

V. Yếu điểm thứ năm:
Một yếu điểm giáo lý Đại Đạo nữa là: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời, chính Đức Thượng Đế đến thế gian để xác nhận chánh thức con người là con của Trời, cùng một điểm linh quang với Thượng Đế, vì Thầy có dạy:

“Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang.”

Con người được phục hồi nhân bản, nguồn gốc Thiên chân của chính mình và từ đây được quyền xưng mình là Thiên Tử (con Trời), không kém các vì vua chúa trước kia, vì trước Đức Chí Tôn tất cả đều là con cái của Ngài. Nguồn gốc con người xuất phát từ thượng giới Thiên đình, nào có phải là hạng hạ đẳng. Con người là hàng thượng đẳng chúng sanh được Chí Tôn Thượng Đế cho xuống trần gian học hỏi kinh nghiệm và trui rèn bản thân để trở thành bậc chí nhơn, chí thiện, chí mỹ là Thần Thánh Tiên Phật. Thế nên con người được hãnh diện biết mình là ai như Thầy đã dạy: Thầy là các con, các con là Thầy, có Thầy mới có các con, các con tu hành mới trở thành Thần Thánh Tiên Phật.

VI. Yếu điểm thứ sáu: 
Đại Đạo chủ trương không yếm thế ẩn dật trốn đời, độc thiện kỳ thân mà phải mạnh dạn vào đời để làm tròn bổn phận vi nhân tại thế gian trước khi tiến tu vào hàng Thiên Đạo Đại Thừa.

VII. Yếu điểm thứ bảy:
Đại Đạo chấp hành Đạo thời Trung, không quá thiên về duy vật hay duy tâm mà bình hành tâm vật để tùy duyên và tùy hoàn cảnh của nhơn sanh để đem lại an vui hạnh phúc cho nhơn loại, giúp đời độ thế.

VIII. Yếu điểm thứ tám:
Về Thiên Đàng Địa ngục: Cao Đài Đại Đạo quan niệm Thiên đàng và Địa ngục khác với Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Đức Di Lặc Thiên Tôn có giải sơ:
“Thiên Đàng, Cực lạc không phải chỉ ở trong tưởng tượng mông lung chín từng mây bạc và A tỳ Địa ngục cũng không phải ở tận lòng đất âm u trung tâm điểm quả địa cầu, mà chính ở tại tâm trung của mỗi người.” Đó là khi con người còn đang sống ở thế gian, còn khi lìa bỏ xác phàm, nếu sanh tiền biết lánh dữ làm lành, tu tâm dưỡng tánh, hằng lo giúp đời để bồi công lập đức, linh hồn sẽ được đưa về cõi Thượng giới an hưởng thanh nhàn tùy theo trình độ tu tiến. Chỗ tột bực trường tồn bất diệt là Niết bàn Cực lạc mà Cao Đài gọi là Bạch Ngọc Kinh, nơi ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nếu sanh tiền, con người gây tội lỗi sẽ bị đọa vào âm cảnh ngục môn xa ánh thái dương của Thượng Đế, tối tăm buồn thảm, chớ không bị đọa vào âm ty địa ngục với Thập Điện Diêm Vương cưa xẻ nấu dầu thảm thiết như thế gian lầm tưởng xưa nay.

IX. Yếu điểm thứ chín:
Thượng Đế mở cuộc đại ân xá kỳ ba, ban ơn cho nhơn loại tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời nếu quyết tâm chuyên nhứt tu hành theo Tân pháp Cao Đài và hứa sẽ lập đời Thượng nguơn Thánh đức cho nhơn loại sau hội Long Hoa.

X. Yếu điểm thứ mười:
Thượng Đế mở Đạo Kỳ Ba cốt lập một trường thi công quả, một trường khảo thí để tuyển chọn những bực nguyên nhân thánh thiện hầu lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức cho nhân loại an hưởng hạnh phúc thái bình hoặc đưa lên phẩm vị cao trọng thoát khỏi luân hồi sanh tử để trở về hiệp nhứt cùng Thượng Đế.Cuộc khảo thí do Thánh Ý của Thầy: “Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cấu xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.” (TNHT 1, đàn 13-3-1926)

XI. Yếu điểm thứ mười một:
Thượng Đế thiết tha kêu gọi con người hãy thương yêu nhơn loại trong tình huynh đệ một Cha chung, hãy lấy tình Tạo hóa yêu tất cả chúng sanh như Ngài vì Ngài là Cha của sự thương yêu, Ngài đã xác nhận: “Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam Thập Lục Thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.”

XII. Yếu điểm thứ 12:
Thầy Thượng Đế chọn dân tộc Việt Nam hiền hòa, đạo đức, giàu tâm đạo để làm thí điểm mở Đạo và truyền bá giáo lý Đại Đạo ra năm châu bốn biển. Đó là một đại hạnh cho dân tộc Việt Nam được ân ban quyền pháp:

“Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn;
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.”

Kết luận:
Trên đây chỉ là những ý kiến của một cá nhân khái quát những yếu điểm giáo lý Đại Đạo vì giáo lý Đại Đạo vô cùng bao quát rộng lớn, phải cần có tập thể hợp lực lại phối hợp ba yếu tố căn bản của Đức Lý Giáo Tông đã dạy: trí tuệ, tịnh định và lòng hăng say nhiệt thành mới đạt được kết quả khả quan. 

Đạo Trưởng Chí Tín

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *