Thử tìm hiểu ẩn nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

THỬ TÌM HIỂU ẨN NGHĨA CỦA SÁU CHỮ
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Bùi Văn Khâm
Host 1

Thưa quý  vị khán giả, trong tinh thần tìm hiểu và suy tư về vai trò của Tôn Giáo nói riêng hay đời sống Tâm Linh của con người nói chung, qua chương trình này  chúng tôi đã mời DS Bùi Văn Khâm thảo luận về một số đề tài xoay quanh vấn đề làm thế nào để con người đạt được những mục tiêu tối căn bản và thiết thực của đời sống như sống Khỏe Mạnh, Hạnh Phúc, Hòa Ái và Giác Ngộ hay Healthy, Happy, Harmony and Enlightenment. Trong kỳ này chúng ta sẽ nghe DS Khâm cùng chúng ta thảo luận về đề tài Thử Tìm Hiểu Ẩn Nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.  

Cụm từ  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ  Độ  đối với một số đông đồng bào Việt Nam chúng ta có thể còn chưa được hiểu rõ lắm, xin chú có thể tóm tắt ĐĐTKPĐ là gì?

Trả lời :
Quả thật như vậy,  sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đúng ra là danh xưng chính thức của một nền Đạo Mới phát xuất tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, thường được biết đến nhiều hơn qua danh xưng Đạo Cao Đài. Nhưng theo Giáo Lý Cao Đài, hai chữ Cao Đài thực ra là Tá Danh của Thượng Đế, nhưng trong dân gian quen gọi nền Đạo Mới này bằng cái tên Đạo Cao Đài. Tuy nhiên,  theo thiển ý của tôi, chính sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có thể nói mới thực sự hàm ẩn  một tư duy mới, một con đường khai phóng, một lý tưởng mới, cho vấn đề Đời Sống Tâm Linh của loài người, nhiều hơn là một Tôn Giáo theo ý nghĩa tôn giáo truyền thống.

Host 2

 Như vậy xin chú có thể lần lượt trình bày cho quý khán giả thấy được cái lý tưởng mới về Đời Sống Tâm Linh đó như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi và đi sâu vào đề tài này, tôi xin được phép nói sơ qua về  background and position, hay căn bản và vị trí của người viết, để quý khán giả dễ nắm bắt vấn đề thảo luận qua sự cố gắng duy trì tính trung thực và khách quan của sự trình bày.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình theo Đạo Cao Đài, và từ đó trưởng thành trong truyền thống Đạo Cao Đài. Tuy nhiên có thể nói nhờ thừa hưởng  tinh thần căn bản của Giáo Lý Cao Đài, đó là tất cả các tôn giáo đều xuất phát  từ một nguồn gốc, nhắm đến cùng một Chân Lý, và Chân Lý vốn không có sở hữu chủ,  – Vạn Pháp Đồng Tông, Vạn Giáo Nhứt Lý và Thuần Chơn Vô Ngã-, cho nên trong suốt quá trình Tìm Đạo Tu Học gần 45 năm, tôi luôn luôn đi vào vấn đề Đời Sống Tâm Linh bằng tinh thần Tìm Chân Lý, mà không cảm thấy bị hạn chế trong phạm vi hay giới hạn của những Giáo Điều hay Tín Lý cá biệt nào.

Cũng bằng tinh thần đó ở đây tôi xin cùng quý khán giả xa gần đi tìm hiểu đề tài này về  Đạo Cao Đài, nhưng không phải với vị trí của một tín đồ Cao Đài, (a believer) mà là với cương vị của một người Đi Tìm Chân Lý (a Truth Seeker), bằng tinh thần tuyệt đối khách quan có thể có được, cũng như qua sự nghiên cứu và thể nghiệm thuần túy từ những quan điểm của một cá nhân. Một số quan điểm, nhận xét, phân tách, có thể không  hẳn phản ảnh Giáo Lý của Đạo Cao Đài nói riêng hay các Tôn Giáo nói chung. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây như là một cố gắng thử đưa ra một số cái nhìn từ những góc độ tương đối mới mẽ, không ngoài mục đích đi tìm một con đường khai phóng mới cho nỗ lực phát triển Tâm Linh của cộng đồng loài người.  

Host 1
Vậy xin chú cho biết hai chữ Đại Đạo là gì?

Trả lời :
Một cách  trực tiếp hai chữ Đại Đạo hiểu nôm na là Đạo Lớn. Vấn đề đặt ra là thế nào là Đạo Lớn. Danh từ Đại Đạo được tìm thấy rải rác trong khắp các Kinh Điển Giáo Lý Cao Đài từ rất sớm trong những ngày khai Đạo, nhưng theo chỗ hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì hình như chưa thấy có sự xác định rõ ràng cụ thể  thế nào là Đại Đạo. Mặc dù vậy, có thể nói cũng có một số lý giải về Đại Đạo như thường tìm thấy trong Đạo Học Đông Phương hoặc trong Thánh Giáo Cao Đài cũng đã có sự phân biệt giữa Cao Đài Đại Đạo là Pháp Môn Tu Luyện bản thân con người và Cao Đài Tôn Giáo là hệ thống tín ngưỡng mang hình thức tôn giáo tổ chức.  

Nếu hiểu nôm na Đại Đạo là Đạo Lớn, căn cứ vào số lượng tín đồ, hay sự phát triển  về mặt Giáo Sở, hay chiều dài lịch sử, thì những tôn giáo có lịch sử nhiều ngàn năm, có tín đồ hàng tỷ, hay hàng trăm triệu, mới xứng đáng với danh xưng Đại Đạo.

Theo Tôn Chỉ căn bản của Đạo Cao Đài thì sở dĩ có sự ra đời của Đạo Cao Đài là vì sau khi trải qua những bước đường tiến hóa, các Tôn Giáo xuất hiện suốt dòng lịch sử của loài người và qua nhiều giai đoạn cũng như địa phương văn hóa khác nhau, đã đưa  loài người đến một giai tầng  tiến hóa mà qua đó toàn thể cộng đồng nhân loại có thể đạt đến được mục tiêu tâm linh tối hậu mà suốt dòng lịch sử tiến hóa Tâm Linh của loài ngưòi đã có những bậc Giáo Tổ Như Phật, Chúa đã từng đạt được. 

Qua lời Thánh Ngôn sau đây chúng ta thử kiểm nghiệm để có thể tìm ra  ẩn nghĩa của hai chữ Đại Đạo trong đó chăng:
“Vốn từ trước Thầy (hiểu là Thượng Đế), đã lập ra ngũ chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Tùy theo phong hóa của nhân loại mà gầy Chánh Giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán Khôn vô đắc duyệt , thì  nhân loại duy có hành Đạo tại tư phương của mình mà thôi. Còn nay thì nhân loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhân loại nghịch lẫn nhau,  nên Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt……..Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con. …”  (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 24-04-1926).

Host 2

Xin chú có thể giải thích rõ hơn những lời dạy trên có liên quan đến Đại Đạo như thế nào?

Trả lời:
Lời Thánh Ngôn trên cho thấy là theo dòng lịch sử và tại nhiều địa phương xa xôi khác nhau Thượng Đế đã lập nhiều mối Đạo khác nhau tùy theo trình độ tiến hóa Tâm Linh của con người. Ngày nay con người theo đà tiến bộ, có thể có những sự giao lưu với nhau, nên nhờ đó mà có sự trao đổi giữa nhau, và có thể nhờ vậy mà Thượng Đế kỳ này mở Cơ Đại Đạo bao gồm tất cả mọi trình độ tu học của mọi từng lớp chúng sanh đang ở những trình độ tiến hóa khác nhau.  Hay nói cách khác, một mối Đạo trong đó bao gồm  mọi sinh hoạt của đời sống con người thì đó đích thực là một nền  Đại Đạo.

Như đã trích dẫn lời Thánh Ngôn trên đây ra đời từ Tháng Tư năm 1926, đầu thế kỷ XX, lúc đó quả thật nhân loại đã bắt đầu có sự giao lưu gần gũi với nhau hơn. Nhưng thời đó có lẽ chưa có ai hình dung ra được cái hình ảnh “Càn Khôn dĩ tận thức”, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là “globalization”, hay hoàn cầu hóa, nó như thế nào, qua nhiều lãnh vực trong sinh hoạt chung của cộng đồng loài người. 

Thực ra cái thông điệp này của Ơn Trên tuy mới  xuất hiện trong Đạo Cao Đài vào thập niên 1920, nhưng có thể nói là đồng bộ với phát triển của Khoa Học Kỹ Thuật kéo theo sự phát triển dây chuyền khác đã đưa loài người rời khỏi  “tư phương”  của mình để đi khám phá hoàn cầu. Chẳng hạn như việc khám phá ra lục địa Mỹ Châu của Columbus vào năm 1492 mà chúng ta nghĩ lễ kỷ niệm vào tháng 10 này mỗi năm, đã mở đầu cho quá trình thu nhỏ quả địa cầu. Về mặt tôn giáo, chẳng hạn  những công trình nghiên cứu dịch thuật của Max Muller và James Legge đã cho ra đời bộ sách đồ sộ The Sacred Books Of The East 50 cuốn xuất bản giữa năm 1879 đến 1891, và chính Max Muller là người đầu tiên đề ra ngành học Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative religions) mà ngày nay hầu hết các Đại Học Âu Mỹ đều có dạy. Các Học Giả Tiên Phong này vốn là những nhà thần học Thiên Chúa Giáo có thể nói đã khai quật lên kho tàng Khoa Học Tâm Linh của Đông Phương, đặc biệt Ấn Độ và Trung Hoa, qua nhiều thế kỷ đã đem hai dòng Đạo  mạch   Đông Tây lại với nhau. 

Xuyên qua những điều này cho chúng ta thấy rõ ràng trong nhiều thế kỷ qua nhân loại đã chuyển mình để đi từ tinh thần tôn giáo truyền thống giáo điều cục bộ tiến đến tinh thần tôn giáo toàn cầu, đại đồng huynh đệ, vượt ra ngoài hàng rào ngăn cách của Tín Lý Giáo Điều. Phảỉ chăng đây mới chính là tinh thần Đại Đạo thực sự, tức là con người sống đời sống Tâm Linh trong mọi sinh hoạt hằng ngày, một chiều hướng Phát Triển Tâm Linh Cá Nhân đến toàn thể cộng đồng nhân loại, mà không bị gới hạn trong bất cứ một hệ thống Tín Lý Giáo Điều cá biệt nào.

Host  1

Trong đoạn Thánh Ngôn trích ở trên còn có hai ý chỉ quan trọng nữa, đó là  “Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt” và “ Thầy nhứt định chính mình Thầy đến để độ rỗi các con…”, chú có thể cho biết hai điều này liên hệ đến Đại Đạo như thế nào?

Trả lời:
Tôi xin thành thật cám ơn câu hỏi này. Tôn chỉ căn bản của Đạo Cao Đài như chúng ta thường thấy nêu lên ở khắp mọi nơi  như trên đầu đề các văn kiện tài liệu Đạo (letter head) đó là những khẩu hiệu “Tam Giáo Quy Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt” có lẽ là để thể hiện mục tiêu tối hậu như trong Lời Dạy ở trên, “ Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt”.

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, đây là chỗ đưa đến sự ngộ nhận nghiêm trọng nhứt đối với  niềm tin đại chúng trong Tôn Giáo Cao Đài.
Hình như vì  cũng hiểu Đạo Cao Đài theo tinh thần của  một Tôn Giáo Tổ Chức Truyền Thống hiện hữu trong xã hội loài người như là những phong trào quần chúng, và  thường được xác định giá trị  qua những tiêu chuẩn Giáo Điều, Giáo Chúng, Giáo Quyền, Giáo Sở v.v , vì hiểu như vậy nên mới có sự ngộ nhận mục tiêu “quy nguyên phục nhứt” theo cái hiểu của đời thường, tức là con ngưòi sẽ có một mối Đạo duy nhứt, hay tất cả các tôn giáo sẽ quy về một tôn giáo duy nhứt toàn cầu. Lịch sử nhân loại cho thấy rõ ràng, tuyệt đối không thể có một tôn giáo cho toàn thể nhân loại. 

Thực tế lịch sử cũng cho thấy là dù cho có những tôn giáo thành công trong một giai đoạn nào đó có thể biến cả một quốc gia, hay một lục địa trên 90 phần trăm theo cùng một tôn giáo, điều đó cũng không có nghĩa là mục tiêu  của tôn giáo – Hoàn thiện con người  và đưa con người vào Tiên Bang Phật Quốc – có thể đạt được. Không những vậy, chính cái tham vọng đưa tất cả nhân loại vào cùng một tôn giáo đi theo cùng một niềm tin như vậy đã là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh tôn giáo, như chúng ta đã thấy trong lịch sử. 

Như vậy phải chăng sự  “quy nguyên phục nhứt” để tiến đến cảnh giới Đại Đạo trong đời sống Tâm Linh của loài ngừơi không phải nhìn từ bình diện tôn giáo tổ chức mà phải chăng cần phải được hiểu bằng trình độ tiến hóa và phát triển Tâm Linh từng nơi mỗi cá nhân con người. Lời dạy “Chính mình Thầy đến độ rỗi các con” phải chăng nói lên một tinh thần Đại Đồng Nhân Loại trong đó tất cả  mỗi cá nhân đều đạt được sự giao cảm trực tiếp với Thầy, với Trời từ nơi tâm nội của từng người,  mỗi mỗi đều có Một Minh Sư nột tại nơi mình. Phải chăng đây mới chính là ý nghĩa đích thực của Đại Đạo trong toàn nhân loại.

Hiểu như vậy tự nhiên đưa chúng ta trở lại nguyên tắc căn bản trong đời sống Tâm Linh con người là phải bắt đầu từ nơi đời sống của từng mỗi cá nhân con  người qua con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, mà các Bậc Giác Ngộ đã có những chứng ngộ bản thân. Và như vậy phải chăng “quy nguyên phục nhứt” cần nên hiểu là trở về nguyên bổn của đời sống con người, trở về Bổn Nguyên Tự Tánh, Bản Lai Diện Mục, hay Hiệp Một Cùng với Cha Trời, hay Hiệp Thiên Đắc Nhứt. Hiển nhiên là phải trải qua con đường Khoa Học Tâm Linh, hay quá trình Siêu Khoa Học, chứ không thể là những phát triển các phong trào quần chúng chỉ dựa vào Đức Tin mà thôi.

Host 2

Như vậy chú có thể làm sáng tỏ hơn có sự  liên hệ như thế nào giữa tinh thần Đại Đạo và Khoa Học Tâm Linh không?

Trả lời:
Như  đã nói trên, nói đến Đại Đạo là phải nói đến tinh thần Thực Nghiệm Tâm Linh, nói đến sự phát triển đời sống Tâm Linh trên từng cơ sở cá nhân trong Đại Gia Đình Nhân Loại, chứ không phải như trong các tôn giáo tổ chức truyền thống vốn là những tập thể quần chúng quy tụ chung quanh một hệ thống Giáo Điều Tín Lý, dù có đông đảo đến đâu, lịch sử cũng cho thấy rõ ràng là không giúp con người đạt đến mục tiêu căn bản của tôn giáo – là Hoàn Thiện và Thánh Hóa con người. Qua hai chữ Đại Đạo chúng ta thử  chiết giải để có thể tìm hiểu trong đó có ẩn chứa cái nguyên tắc nào có thể nói lên tinh thần Khoa Học Tâm Linh trong cảnh giới Đại Đạo không. 

Chẳng hạn theo chữ Hán, chữ Đại có hai nét giao nhau và một gạch ngang, có sự giải thích cho rằng hai nét đó tượng trưng cho hai nguyên lý Âm Dương, và gạch ngang là Một, như vậy khi đạt đến chỗ Âm Dương Hiệp Nhứt là đạt đến chỗ rộng lớn. Hay nói cách khác, đạt đến Đại là do kết quả của quá trình vận hành chuyển hóa hai nguồn năng lực Âm Dương trong bản thể con người, chứ không liên quan gì  đến số lượng hàng tỷ tín đồ của một tổ chức tôn giáo. 

Ngoài ra nhìn vào chữ Đại chúng ta cũng thấy thấp thoáng hình dáng của một Con Người dang hai tay và đang đứng trên đôi chân của mình.

Host 1

Còn chữ Đạo có lối chiết tự nào từ chữ Hán không, thưa chú?

Trả lời:       

Cách chiết tự chữ Hán của chữ Đạo này cũng rất lý thú.  Ở trên đầu chữ Đạo cũng có hai phết tượng trưng cho Âm Dương và một gạch ngang, tượng trưng cho Âm Dương hiệp nhứt. Tiếp theo bên dưới có chữ thủ là cái đầu. Trong chữ thủ này có chữ Mục là con mắt. Hay có thể nói cả chữ Đạo tượng trưng cho Cơ Thể con người, trong đó có thể nói hai bộ phận trọng yếu nhứt của Cơ Thể trong quá trình Luyện  Đạo Âm Dương là cái Đầu, và Con Mắt, và hình như cũng ám chỉ Một Con Mắt, vì có một chữ Mục. Trong chữ Đạo chúng ta còn thấy có chữ Tự như trong Tự  Chủ, Tự Do v.v…, và nếu dịch chữ Tự này ra Tiếng Anh cũng có nghĩa là Self, mà chữ Self hiểu rộng hơn theo ý nghĩa Đạo Học cũng có nghĩa là Tự Tánh, Chơn Ngã, chẳng hạn như tìm thấy trong tổ chức Self Realization Fellowship rất nổi tiếng có trung tâm trên khắp thế giới ngày nay, đưa ra đường lối tu luyện để tìm ra Chính Mình.Và có thể chúng ta để ý đến đến chữ Tự này chỉ do thêm một dấu phết  trên chữ Mục là thành ra chữ Tự, chúng ta hầu như có thể nhìn ra được ý chỉ các Bậc Thánh Nhân từ ngàn xưa đã khải thị cho con người là con đường đi khám phá ra Tự Tánh hay Chơn Tâm hay The Real Self của mỗi người chỉ bắt đầu bằng điểm nhấn cơ bản nơi chữ Mục hay Thiên Nhãn đã được thị hiện nơi Đạo Cao Đài ngay từ ngày đầu tiên của sự thị hiện Chánh Pháp Cao Đài.

Ngoài ra trong chữ Đạo còn có bộ xước, như cái cánh tay nâng đỡ cả phần chính của chữ Đạo thì có nhiều giải thích bằng những nhận thức khác nhau tùy theo cách nhìn, như có quan niệm cho rằng bộ xước tượng trưng cho mặt đất mà con người cần phải đứng trên đó mà tu luyện mới tiến hóa lên hàng Tiên Phật được, theo tinh thần tương quan giữa Tam Tài, Thiên Địa Nhân. 

Cũng có quan niệm cho rằng  bộ xước đó còn có thể tượng trưng cho tứ chi của con người. Từ trong  những nghiên cứu về yoga và các pháp môn tu luyện, và qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy tứ chi, đặc biệt là 2 bàn tay và 2 bàn chân, đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình tu luyện. Chẳng hạn những pháp môn như Vô Vi Đại Đạo của Đạo Cao Đài, Pháp Luân Công, nhiều cách luyện Khí Công và Yoga, đều có sự vận dụng của hai tay và hai chân, đặc biệt là hai lòng bàn tay và bàn chân, là những nơi có thể kiểm nghiệm được luồng khí lực lưu chuyển rõ ràng. Hay nói cách khác Bộ Xước và từng bộ phần của chữ Đạo theo chiết tự ở trên nói lên sự vận dụng của bản thể con người, hay sự vận hành hết chức năng cơ bản của đời sống con người trong đó điểm quan trọng nhứt là Bộ Đầu và Thiên Nhãn  là phần chủ yếu nhứt để đưa con người đi khám phá ra chính mình.

Tóm lại là giai đoạn làm người  sống trên mặt đất này là giai đoạn vô cùng quan trọng trên bước đường tiến hóa Tâm Linh của loài người. Vì vậy mà Giáo Lý Nhà Phật cũng dạy là “Nhân thân nan đắc”, được sinh làm thân con người là một cơ hội vô cùng qúy báu. Phải chăng đây cũng chính là căn bản của lời dạy trong Thánh Kinh, là Thiên Chúa phải sai Con Độc Sanh xuống làm người qua thân xác Chúa Jesus, phải chăng là để tu luyện làm Gương Mẫu để lại cho loài người noi theo để thăng tiến về hiệp cùng chỗ Một, chính là Thiên Chúa Duy Nhứt.

Nhưng không hiểu tại sao Thần Học Ki Tô Giáo lại giải thích sự hy sinh của Chúa Jesus theo quan niệm của Huyền Học Cổ ( Mythology)  Babylon về việc dùng vật tế thần linh (animal sacrifice) thường tìm thấy trong các Mythology của văn minh cổ vùng Cận Đông. Giáo Lý căn bản cuả Thần Học Ky Tô Giáo cho rằng  Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá  dùng máu của Ngài để rửa sạch tội lỗi cho loài người. Có nhiều nhà nghiên cứu về Mythology, Huyền Thoại Học, cho thấy quan niệm cho rằng Chúa Jesus đem thân xác Ngài làm một quả lễ tế và  dùng máu để chuộc tội, quan niệm  này có thể  có nguồn gốc từ các hình thức tế thần bằng sinh vật, thậm chí có những khi dùng mạng người để tế thần linh, đây là những lễ nghi thường thấy trong Huyền Thoại Học Babylon.

Host 2

Nếu hiểu Đại Đạo theo tinh thần này thì đó là một sinh hoạt Tâm Linh có tính cách Siêu Tôn Giáo, chú có thể cho biết  Đạo Cao Đài với danh xưng chính thức có mang hai chữ Đại Đạo nhưng tại sao chúng ta thấy Đạo Cao Đài cũng mang  những sinh hoạt không khác các tôn giáo khác, và đặc biệt hình thức tổ chức Giáo Hội Cao Đài còn chặt chẽ tinh vi không khác những tôn giáo có tổ chức Giáo Hội chặt chẽ nhứt.

Trả lời:
Theo thiển ý của tôi, thì tôn giáo nào cũng có cả phần hình nhi hạ học dành cho quảng đại quần chúng, và hình nhi thượng học chỉ  những người có trình độ tiến hóa Tâm Linh đến một giai đoạn nào đó mới có thể lãnh ngộ được những giáo lý thượng thừa.  Duyệt qua các tôn giáo lớn của nhân loại chúng ta thấy trước hết xuất hiện phần hình nhi thượng học cho bậc thượng trí lãnh hội, và sau đó tùy theo căn trí của chúng sanh mà xuất hiện phần giáo lý dành cho đại chúng. Chẳng hạn như chúng ta thấy các Bậc Giáo Tổ như Đức Phật, Đức Chúa, các Ngài đến không những không lập ra một tôn giáo nào theo kiểu những tổ chức Giáo Hội với tập đoàn quần chúng, mà các Ngài còn mạnh dạn lên án những hình thức giáo điều không hợp lý. Như Đức Chúa, dù cũng xuất thân từ Do Thái Giáo, đã  dứt khoát phá bỏ những  Giáo Luật  không thích hợp của Moses, như chữa bịnh vào ngày Sabat,  và Đức Phật tuyên dạy Giáo Lý Vô Ngã đối lại với Giáo Lý Vệ Đà của Bà La Môn, và Ngài cũng bài trừ sự phân chia giai cấp chủng tộc, v.v… theo quan niệm của Bà La Môn Giáo.

Đạo Cao Đài cũng không đi ra ngoài thông lệ này. Trước khi Đạo Cao Đài ra đời như là một Tôn Giáo Tổ Chức vào cuối năm 1926, thì trước đó khoản 7 năm, người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, Ngài Ngô Minh Chiêu, có thể nói là đã theo con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, cũng có thể nói không khác con đường mà Đức Phật và Đức Chúa đã đi qua, tức là nhờ công phu tu luyện nơi chính đời sống mà đạt được những chứng ngộ Tâm Linh. Do đó chúng ta thấy từ Đức Phật, qua Đức Chúa đến Ngài Ngô Minh Chiêu của Đạo Cao Đài, tất cả  đều bắt đầu bằng con đường Đại Đạo. Và ngày nay nhìn lại chúng ta  có thể  hiểu được thái độ của Ngài Ngô Minh Chiêu không nhận chức Giáo Tông lãnh đạo Giáo Hội Cao Đài, cũng như việc không nhận làm Thầy, không thâu nhận đệ tử v.v… Có thể nói chính tinh thần này đã đưa Đạo Cao Đài lên cảnh giới của Đại Đạo, và căn bản Đạo Cao Đài không phải là một tôn giáo tổ chức theo ý nghĩa truyền thống.

Cũng như trong Giáo Lý Nhà Phật thường cho rằng có Phật có 8 vạn 4 ngàn Pháp Môn, như vậy có thể nói hầu hết các sinh hoạt trong đời sống, từ đọc kinh, ngồi thiền, cho chí nhảy đầm, ca múa v.v… cũng không ra ngoài Pháp Phật, và như vậy không có Đạo nào đi ra ngoài cái Đạo đưa con người đến cứu cánh Giác Ngộ của Phật. Như vậy Đạo Phật hiểu theo tinh thần này thì chính là Đại Đạo. 

Host 1

Xin chú có thể có mấy lời kết về hai chữ Đại Đạo trước khi chào tạm biệt quý vị khán giả?

Trả lời:
Như trong nhiều cuộc thảo luận qua chương trình Sống Đạo này, tôi cố gắng phân tích để trình bày cùng quý vị và các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ, rằng trong các sinh hoạt quanh đời sống con người, trong đó đời sống tôn giáo chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng tại sao, con người mặc dù đã có không ít những Bậc Giác Ngộ như Đức Phật, Đức Chúa và nhiều vị khác nữa, con người vẫn chưa đạt được những tiến bộ về mặt Tâm Linh như đã có rất nhiều tiến bộ ngoạn mục trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta không thể không tự hỏi: Tại sao lại như vậy? Xuyên qua sự tìm tòi nghiền ngẫm những Gương Sống của các Bậc Siêu Phàm, hình như chúng ta rút ra được nhận định là con đường đưa các Ngài đạt đến Đạo quả phải chăng là con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, chứ không phải là những phong trào quần chúng quay quanh Giáo Điều Tín Lý. Các Tôn Giáo Tổ Chức có thể là cũng rất cần và rất quan trọng đó, nhưng dù một tổ chức tôn giáo có tinh vi đến đâu, hùng mạnh cách mấy, cũng chỉ là phương tiện, không giúp Hoàn Thiện và Thánh Hóa được con người, phải chăng vốn là mục tiêu căn bản nhứt của mọi tôn giáo. Phải chăng chỉ có con đường Thực Nghiệm Tâm Linh  mà các Bậc Siêu Phàm đã đi qua và để lại Gương Sống cho hậu thế chúng ta  mới là con đường có thể đưa con người chuyển phàm vi Thánh và đạt đến Tiên Bang Phật Quốc, có thể là ngay trong kiếp làm người này. Phải chăng đây chính là Chân Nghĩa của Đại Đạo vậy.

Qua phần sau của chương trình chúng ta sẽ thảo luận về phần còn lại của đề tài là Tam Kỳ và Phổ Độ.

Mọi bổ túc, sửa sai, thắc mắc xin quý vị liên lạc về khambui@sbcglobal.net or doccocaudao2008@yahoo.com, xin hầu đáp và đa tạ quý vị và các bạn.   
         

THỬ TÌM HIỂU ẨN NGHĨA CỦA SÁU CHỮ
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ  (tiếp theo)
Host 1

Trong phần trước của chương trình chúng ta thảo luận về hai chữ Đại Đạo  trong chủ đề Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trong phần này chúng ta sẽ thảo luận tiếp những cụm từ Tam Kỳ và Phổ Độ.
Xin chú cho biết Tam Kỳ là gì?

Trả lời:
Nếu trong phần trước cụm từ Đại Đạo có thể tìm thấy trong một số kinh điển của Đạo Gia, và Đạo Phật hình như cũng có nói đến Đại Đạo, nhưng qua phần này các cụm từ Tam Kỳ có thể nói là thuật ngữ  đặc biệt của Đạo Cao Đài.
Đặc biệt cụm từ Tam Kỳ ở đây tôi xin đưa ra một cái nhìn từ một khía cạnh khác hơn với định nghĩa truyền thống của hai chữ Tam Kỳ thường tìm thấy trong Giáo Lý Cao Đài.

Host 2

Vậy xin chú cho khán giả biết hai chữ Tam Kỳ trong Đạo Cao Đài có ý nghĩa như thế nào?

Theo Giáo Lý Cao Đài thì Cơ Cứu Chuộc của Thượng Đế dành cho nhân loại được chia ra làm ba thời kỳ về phương diện lịch sử như sau:

Nhứt Kỳ Phổ Độ thuộc vào thời Thượng Cổ, tương đương với thời kỳ của:
          Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Đạo Phật,  Brahman  Bà  La Môn Giáo (Ấn Độ).
          Đức Thái Lão Quân  mở  Tiên Giáo ( Trung Hoa).
          Vua Phục Hy: Thánh Đạo (Trung Hoa).
          Moses: Do Thái Giáo ( Do Thái).

Nhị Kỳ Phổ Độ thuộc vào thời kỳ Trung Cổ, tương đương với các thời kỳ của:
          Đức Phật Thích Ca: Đạo Phật (Ấn Độ).
          Đức Khổng Tử:  Đạo Nho (Trung Quốc).
          Đức Lão Tử: Đạo Tiên (Trung Quốc).
          Jesus  Christ: Đạo Thánh (Do Thái).
          Mohammed: Đạo Hồi (Trung Đông)

Bảng sắp xếp trên đây ghi theo các tài liệu như Từ Điển Cao Đài, Lịch Sử Đạo Cao Đài, v.v… Nhưng sự phân định thời  kỳ không được rõ ràng lắm. Có lẽ vì các tài liệu lịch sử không được đầy đủ, một số các nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ai Cập, Babylon, Ba Tư, với các tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng không thấy nói tới  chẳng hạn như:

Bái Hoả Giáo  Zoroastrianism do Đức Zoroaster  628-521 BC,  khoảng đồng thời với Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng Tử hay Lão Tử, cho nên có thể coi như thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ.    

Nhìn vào bảng phân định nầy chúng ta thấy thời Nhị Kỳ Phổ Độ có vẻ có nhiều các Bậc Giáo Tổ ra đời hơn cả.

Tam Kỳ Phổ Độ: là thời kỳ mở Đạo Cao Đài vào đầu thế kỷ XX, mà theo Giáo Lý Cao Đài, do chính Thượng Đế qua Huyền  Cơ Diệu Bút đến mở Đạo, đến trực tiếp cho mỗi chúng sanh mà không do con người làm Giáo Chủ nữa. Cho nên khác với các tôn giáo, thường mang tên vị Giáo Chủ sáng lập,  Đạo Cao Đài thuộc thời kỳ Tam Kỳ Phổ Độ không có con người làm Giáo Chủ.

Trên đây là tóm lược bảng phân chia ba thời kỳ Phổ Độ theo Giáo Lý Cao Đài đứng về phương diện lịch sử.

Vấn đề đặt ra là trình độ tiến hóa của nhân lọai hẳn đã thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử hai ba ngàn năm nay, như vậy bản chất của mỗi tôn giáo tùy theo từng thời kỳ hẳn có khác. Hơn nữa các sinh hoạt tâm linh trong đời sống con người trải qua bao ngàn năm thế nào cũng đem lại những thay đổi trong mức độ tiến hóa nơi con người. Do đó ở đây tôi xin đưa ra một nhận định về Tam Kỳ nhìn từ khía cạnh Tiến Hóa.  

Host 1

Vậy chú có thể trình bày Nhứt Kỳ nhìn từ khía cạnh tiến hóa như thế nào?

Trả lời:
Như chúng ta có thể thấy, trong thời kỳ Nhứt Kỳ nhân loại còn thuần phát, có thể nói là phần đông trông chờ vào sự lãnh đạo của một thiểu số có trình độ tiến hóa cao hơn. Tức là trong thời kỳ này, có thể nói về phương diện tâm linh con người ta tu bằng đức tin thụ động vào người lãnh đạo tinh thần, nhiều hơn là những cố gắng bản thân.

Nhưng mà không hẳn chỉ con người thời thượng cổ mới tu hằng niềm tin thụ động như vậy, mà trong mỗi thời đại có thể cũng có những thành phần con người tu bằng niềm tin thụ động. Như vậy trong thời Tam Kỳ này có thể nói là cũng bao gồm những người sống đời sống tôn giáo bằng niềm tin thụ động. 

Chẳng hạn như tin vào một Giáo Lý của một mối Đạo rồi chỉ đi nhà thờ, đi chùa, thánh thất, mỗi tuần hay mỗi tháng 1, 2 lần. Cúng dường, công quả, mang tính cách đóng góp vào cho một tập thể đủ điều kiện sinh hoạt. Có thể nói dù ngay trong thời đại chúng ta, hay thời đại sau này, những người tu, hay sống đời sống tôn giáo theo tinh thần này thì có thể nói là họ đang tu theo Nhứt Kỳ Phổ Độ.

Host 2

Xét theo khía cạnh tiến hóa  như vậy thì Nhị Kỳ là thế nào, thưa chú?

Trả lời:
Trong khi Sống Đạo, hay tu hành bằng niềm tin thụ động  trong giai đoạn Nhứt Kỳ như nói ở trên, con người sẽ tiếp tục tiến hóa đi lên, vì có học, có tu là đương nhiên có tiến. Khi tiến đến một giai đoạn nào đó, tự nhiên có người tự trong Tâm sẽ cảm thấy thôi thúc, cảm thấy đi nhà thờ mỗi tuần một lần, đi chùa mỗi tháng 1, 2 lần như vậy chưa đủ. Lần lần những người này sẽ cảm thấy có những thôi thúc muốn được lên lớp, muốn học nhiều hơn, muốn tự mình có câu trả lời cho chính mình về những vấn đề tâm linh, muốn “hạ thủ công phu” và từ đó muốn đi tìm Thầy học Đạo. Như vậy tu ở giai đọan này phải có Thầy, có Minh Sư, và có sự thực hành qua  công phu tu luyện thực sự, bằng cách này hay cách khác, bằng nhiều Pháp Môn khác nhau, mà mỗi người gặp được trên bước đường “tìm Thầy học Đạo” đó, tùy theo căn cơ duyên phước của mỗi người. Nói tóm lại, tu ở giai đoạn Nhị Kỳ là giai đoạn tu tích cực, nhấn mạnh vào thực hành, phải có chứng nghiệm, qua sự dẫn dắt của Thầy, chứ không phải  chỉ tin suông một cách hoàn toàn thụ động như ỏ trong giai đoạn Nhứt Kỳ.

Host 1

Vậy xin chú cho biết tiếp qua giai đoạn Tam Kỳ là thế nào?

Trả lời:
Trong thời gian tu luyện ở giai đoạn Nhị Kỳ, cũng nhờ có sự hành trì Pháp Môn Tu Luyện con người sẽ có sư tiến bộ về mặt Tâm Linh, có thể có những chứng ngộ Tâm Linh, khác xa với những người ở Nhứt Kỳ chỉ thuần túy là Tin suông thôi. 

Tuy nhiên người tu ở giai đoạn Nhị Kỳ này khi tiến hóa đến giai đoạn gần đến điểm đích của hành trình Tiến Hoá, còn mấy bước chót nữa cũng không thể vượt qua, vẫn còn cảm thấy có cái gì đó chưa hoàn toàn thỏa mản, vẫn còn những áng mây thắc mắc, chưa thực sự đạt đến cảnh giới của cái BIẾT, vì vẫn còn vướng mắc trong xác phàm này, như con quạ vẫn còn kẹt trong cái lồng, chưa bay ra ngoài được. Lúc đến giai đoạn này  muốn tìm đến Thầy để nhờ giúp đỡ, nhưng cả Thầy và trò đều còn mang thân xác con người trần tục, vị Minh Sư, của mình dù muốn giúp cách mấy cũng không giúp được. Người hành giả đến giai đoạn này không còn nương cậy nơi tha lực được nữa, mà phải tự mình vạch con đường cho mình đi. Đây chính là con đường “Tự Tu Tự Ngộ”, phải  học Đạo với Minh Sư Nội tại, với Thầy Vô Vi. Vì chỉ có Sư Vô Vi mới có thể đưa tay ra mà dắt chúng ta từ thế giói Vật Chất đi qua Cảnh Giới của Tâm Thức được.

Đây chính là Giai Đoạn Tam Kỳ. Đó là giai đoạn Tự Tu Tự Ngộ, không học Đạo với thầy phàm được nữa. Phải chăng đây chính là chỗ Tinh Yếu nhứt của Cơ Đạo Kỳ Ba. Mỗi người Môn Đệ Cao Đài phải  qua đến giai đoạn Tự Tư Tự Ngộ học Đạo trực tiếp với Thầy, như Thầy đã nói “Kỳ này Thầy quyết định, chính mình Thầy độ rỗi các con”.

Như vậy, tu ở giai đoạn nào là tùy theo trình độ tiến hóa Tâm Linh của mỗi người. Nhận định trình độ tiến hóa Tâm Linh  bằng tinh thần như vậy, thì mỗi cá nhân tu ở Kỳ nào, là do trình độ tiến hóa cá nhân của mình đến đâu, chứ không phải mình theo một tôn giáo nào, tin giữ giáo điều nào. Như vậy thì phải chăng một người dù theo Đạo Cao Đài mà tu bằng Đức Tin Thụ Động thì dù có thể mang cái bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trên áo trên khăn, mà chưa đạt đến trình độ tiến hóa tâm linh đến chỗ có có thể học Đạo được với Đức Cao Đài từ nơi Tâm Nội, thì phải chăng vẫn còn đang tu tiến ở giai đọan Nhứt Kỳ hay Nhị Kỳ mà thôi. 

Rồi đây, có thể theo đà tiến hóa chung của loài người, càng ngày sẽ càng có nhiều người tiến hóa đến giai tầng muốn Tự Tu Tự Ngộ, như Đức Phật đến lúc quyết định rời bỏ các vị Thầy Bà La Môn để đến ngồi dưới cội Bồ Đề, hay là đến tâm trạng như Ngài Ngô Minh Chiêu với ý chí  “không chịu học Đạo với Thầy phàm tục”. Khi con số người đạt đến trình độ này càng cao, thì phải chăng đó chính là Cơ Phổ Độ đến kỳ thị hiện, xin  được trình bày sau đây về hai chữ Phổ Độ. 

Host  2

Như vậy xin chú cho biết thế nào là Phổ Độ?

Trả lời:
Theo nghĩa đen thì Phổ có nghĩa là mở rộng ra, bày ra, và Độ là chở người qua sông. Do đó Phổ Độ có nghĩa là chở được nhiều người qua sông. Trong Đạo Cao Đài đôi khi chữ Phổ Độ hiểu theo sự phân biệt giữa hai từ Vô Vi và Phổ Độ lại đi khá xa cái nghĩa này. Theo tài liệu Giáo Lý cũng như Lịch Sử của Đạo Cao Đài thông thường khi nói đến Phổ Độ là nói đến hệ thống Tôn Giáo Cao Đài với tổ chức cá biệt, có màu cờ sắc áo riêng, có chùa thất với kiến trúc đặc thù, mang một nét văn hóa chuyên biệt. Đặc biệt nhứt là với một hệ thống Tổ Chức Giáo Hội vô cùng chặt chẽ tinh vi. Có thể nói Cơ Chế Tổ Chức của Đạo Cao Đài  được hiểu chung là Cơ Phổ Độ đó được tổ chức từ Trung Ương đến địa phương, như là một hệ thống quản trị tín đồ chặt chẽ, do quy định bởi một văn bản gọi là Pháp Chánh Truyền, được người tín đồ Cao Đài hiểu như là Hiến Pháp của  Đạo Cao Đài.  Với một hệ thống tổ chức tôn giáo chặt chẽ như vậy, khối tín đồ trên nguyên tắc được quản trị chặt nghiêm ngặt. Dĩ nhiên muốn gia nhập một tổ chức chặt chẽ như vậy phải qua một thủ tục “nhập môn”, với lời thề trung thành với Đạo, cũng có nghĩa là trung thành với tổ chức. Khi người tín đồ vi phạm luật Đạo thì phải chịu những sự chế tài nghiêm khắc, có thể đưa đến sự trục xuất ra khỏi Đạo.

Như vậy, so sánh với nguyên nghĩa của hai chữ Phổ Độ thì một tôn giáo với tổ chức chặt chẽ như nói ở trên  hẳn không thể nào thực hiện được phuơng châm “Phổ Độ”, tức là đưa càng nhiều người qua sông càng tốt.

Song song với  cơ chế của một Tôn Giáo Cao Đài với tổ chức chặt chẽ như vậy, Đạo Cao Đài  ra đời từ nguyên thủy, sớm hơn sự ra đời Tôn Giáo Cao Đài 7 năm, dưới  hình thức một đường lối Tu Luyện gọi là con đường Vô Vi Đại Đạo, với tổ chức rất lỏng lẽo, gần như không có tổ chức gì cả. Tất cả các người tu đều bình đẳng, không có chức tước, không có sự phân biệt về màu cờ sắc áo. Đặt nặng vấn đề Tu Luyện bản thân,  thực sự hạ thủ công phu, Luyện Đạo, Tu Tâm, chứ không chú trọng nhiều đến phần lễ nghi kinh kệ. Tức là thể hiện con đường Thực Nghiệm Tâm Linh nhiều hơn là Tín Điều Tôn Giáo. Phần này cũng có rất nhiều giới luật khắc khe, đòi hỏi người hành giả nhiều quyết tâm và tự khắc chế bản thân. Nhưng những giới điều này nhằm mục đích khắc chế bản thân trong quá trình Tu Luyện, chứ những giới luật này không mang bản chất của những luật lệ nhằm bảo đảm sự trung thành với tổ chức tôn giáo.

Kỳ dư ai có quyết tâm muốn hạ thủ công phu, hạ tâm tự khép mình vào vòng tu luyện, thì tất cả đều được tiếp nhận, không có thủ tục tuyên thệ gia nhập tổ chức, mà chỉ có lời nguyện đeo đuổi cuộc hành trình tu luyện đến cùng. Như vậy lời nguyện đó là đặt ra cho bản thân cá nhân người tu, mà không phải là lời nguyện trung thành với một tổ chức, vì con đường Vô Vi Đại Đạo này vốn không có tổ chức gì để mà trung thành.

Như  vậy, nhìn chung cái phần gọi là Phổ Độ trong Đạo Cao Đài thì vì qua một hệ thống tổ chức chặt chẽ như vậy, nên không thể mở rộng cửa tiếp đón chúng sanh, nên trên bản chất không mang tính “Phổ Độ”- tức là chuyên tải được nhiều người.  Còn ngược lại phần Vô Vi Đại Đạo thì từ bản chất vì không có tổ chức chặt chẽ nên coi như “cửa thiền rộng mở”, lại mang tính “phổ độ” nhiều hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì tu bằng Niềm Tin thụ động, không đòi hỏi nhiều hy sinh, không cần bỏ công ra nhiều, nên số người có thể nhập môn cũng đông hơn gấp trăm vạn lần hơn, nên lại đạt được mục tiêu “phổ độ”- Tức chở được nhiều người qua bờ. Còn phần Vô Vi Đại Đạo mặc dù “cửa thiền rộng mở”, từ bản chất là “phổ độ”, nhưng vì đường tu luyện đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều quyết tâm, nên vẫn có ít, rất ít, người có thể theo được, và vì vậy mà, theo ý tôi, hay bị hiểu sai là “cơ tuyển độ”.   

Host 1

Xin chú có mấy lời kết và chào quý khán giả.

Như đã trình bày một cách khái quát ở trên về Chân Nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở trên, từ đó chúng ta thấy, tự bản chất sự ra đời của Đạo Cao Đài mang  đặc tính của một con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, là con đường Đại Đạo Siêu Tôn Giáo, cũng như vẫn tìm thấy nơi nguồn gốc của các con đường mà Đức Phật và Đức Chúa đã khai mở cho nhân loại. 

Điều đáng lưu ý là trình độ tiến hóa của con người ngày nay, đồng bộ với những tiến bộ về nhiều mặt của đời sống, từ khoa học kỹ thuật, đến kinh tế giáo dục, sẽ kéo theo sự tiến bộ về măt tư tưởng, nhứt là tinh thần tự do cá nhân, trong đó sẽ đưa đến nhu cầu tự do Tâm Linh, phải chăng sẽ càng ngày số người muốn tự tìm cho mình câu trả lời về những vấn đề Tâm Linh, số người muốn lấy lại quyền Tự Quyết Tâm Linh cho mình, sẽ càng ngày càng cao, sự phát triển trí tuệ sẽ càng ngày càng vi diệu hơn.  

Hy vọng theo đà phát triển chung như vậy, con người sẽ chóng đến ngày đạt đến trình độ tíến hóa Tâm Linh để thực sự tạo được con người Hoàn Thiện và Nước Trời Đất Phật ngay trên thế gian này. 

Mọi bổ túc sửa sai hay thắc mắc xin quý vị liên lạc về khambui@sbcglobal.net or doccocaudao2008@yahoo.com.  

Nguồn: Group dichkinhcanban.

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *