Tìm hiểu về Tứ Đại Điều Quy

Tìm hiểu Tứ đại điều quy

Lê Anh Dũng

1.    Tứ đại điều quy là gì?
Tứ là bốn.
Đại là to tát (great), cao cả (noble).
Điều là điều, khoản, mục (a clause, an item).
Quy là dụng cụ vẽ vòng tròn (a compass); là phép tắc, quy định (a regulation).
Điều quy hay quy điều là phép tắc, quy định (regulations).
Tứ đại điều quy (the Four Great Regulations) là bốn quy tắc lớn giúp con người sống, cư xử, làm việc đúng đạo lý, luật lệ. 

2.    Tứ đại điều quy có nguồn gốc từ đâu?
Trước khi đạo Cao Đài ra đời thì đạo Minh Sư bên Trung Quốc đã có Tứ đại điều quy do ông Thương Châu Tử soạn để người tu noi theo đó trau giồi đạo hạnh.
Sang Tam Kỳ Phổ Độ, khi lập Tân luật (1926) Ơn Trên vẫn giữ lại một số cựu luật, trong đó có Tứ đại điều quy, được ấn định trong phần Đạo pháp, Chương V, gồm có một điều duy nhất là Điều thứ hai mươi hai.

3.    Nguyên văn Tứ đại điều quy trong Tân luật ra sao?
Trong Tân luật, nguyên văn Tứ đại điều quy ở phần Đạo pháp, Chương V, như sau:
Điều thứ hai mươi hai:
Buộc phải trau giồi đức hạnh giữ theo tứ đại điều quy là:

1. Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.
2. Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.
3. Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
4. Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.
Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

4.    Giữ gìn Tứ đại điều quy có ý nghĩa ra sao?
Tứ đại điều quy chỉ gồm 157 chữ. Số lượng này thực sự không phải là nhiều, là lớn. Nhưng bốn quy điều được gọi là “đại” bởi lẽ chúng có ý nghĩa to tát, có giá trị cao cả. Thật vậy, Tứ đại điều quy là phép tắc giúp người tu giữ mình, tránh phạm phải sai lầm, tội lỗi để hoàn hảo hóa bản thân.
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát dạy rằng: “Phải học cho thuộc Tứ đại điều quy. Cứ noi theo đó mà diệt lần các tội xấu chưa sửa được thì sẽ vô sự. Bằng ai không theo đó mà sửa mình thì phải bị hại về sau.” [1]
Thế nên giữ gìn Tứ đại điều quy tức là trau giồi tâm hạnh cho thành bậc đạo đức tâm hạnh vẹn toàn thì mới mong tiến hóa lên phẩm vị Thần Thánh, Tiên Phật.

Giải nghĩa Tứ đại điều quy:

I. Điều quy thứ nhất: Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ[2] chịu cho bực thấp hơn điều độ[3]. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.

Bề trên gồm có:
(1) Bề trên vô vi là Thầy, Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng. Tuân lời dạy bề trên vô vi là phải thực hành đúng theo thánh ngôn, thánh giáo, luật đạo.
(2) Bề trên hữu hình là hội thánh, là các chức sắc, chức việc, các bậc lãnh đạo mỗi thánh sở Cao Đài. (Thánh sở gồm thánh thất, thánh tịnh, cơ quan Đạo.) Tuân lời dạy bề trên hữu hình là phải biết phục tùng tổ chức và lời khuyên dạy, mệnh lệnh của bậc hướng đạo đàn anh.

Phải tuân lời dạy của bề trên là bổn phận đàn em. Chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ là đức hạnh đàn anh đàn chị hướng đạo. Hai ý này bổ khuyết cho nhau theo hai chiều qua lại.

Lấy lễ hòa người: Giữ lễ phép, lễ độ, lịch sự trong giao tiếp để thể hiện đức hạnh người tu và để thu phục tình cảm người khác mới có thể giữ tình hòa ái.

Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt: Còn làm người phàm tục thì khó tránh khỏi sai lầm. Do đó phải biết nhận lỗi, biết hối hận để sửa lỗi bản thân.

II. Điều quy thứ hai: Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.

Chớ khoe tài, đừng cao ngạo: Hạnh khiêm tốn.

Quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo: Hạnh hy sinh, đức vị tha.

Đừng nhớ cừu riêng: Lòng hỷ xả, khoan thứ, bao dung. (Cừu là thù hằn, giận hờn.)

Trần Quốc Tuấn (1226-1300) là con Trần Liễu (1211-1251). Năm 1237, chú Trần Liễu là Trần Thủ Độ (1194-1264) bắt vợ ông Liễu đang có thai phải làm vợ của Trần Cảnh (1218-1277) là em ông Liễu. Khi vua Trần Thái Tông (tức là Trần Cảnh) chống giặc Mông Cổ thì Trần Hưng Đạo (tức là Trần Quốc Tuấn) bỏ qua mối thù của cha mà hết lòng giúp vua chống giặc. Mỗi khi đi gần vua, Trần Hưng Đạo hay cầm theo cây gậy có bịt đầu sắt nhọn. Sợ vua nghi ngờ, ông tháo đầu sắt ra vứt bỏ. 

Chớ che lấp người hiền: Đừng che giấu người tài đức, phải có lòng quý trọng nhân tài, biết tiến cử, tạo cơ hội cho bậc hiền tài được thi thố năng lực giúp đời, giúp đạo. 

III. Điều quy thứ ba: Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

Bạc tiền xuất nhập phân minh: Mọi thu chi tiền bạc, vật dụng phải có sổ sách và phải có thêm người cộng sự làm chứng. 

Đừng mượn vay không trả: Điểm này và trên liên quan tới giới cấm “nhì bất du đạo”. 

Đối với trên, dưới đừng lờn dễ: Khi bề trên mềm mỏng, thương mến người dưới thì người dưới không được ỷ vào đó mà coi thường, thiếu lễ độ, thiếu cung kính đúng mực. 

Trên dạy dưới lấy lễ: Không ỷ quyền, không cậy thế để áp chế đàn em cấp dưới.

Dưới gián trên đừng thất khiêm cung: Góp ý, sửa lỗi cho bề trên phải nói năng lễ độ, có thái độ tôn trọng, đừng làm mất mặt bề trên.

Ngày xưa có người con chí hiếu. Anh bận đi làm nên để con trai ở nhà cho ông nội dạy cháu học. Nhưng ông nội tánh quá nghiêm khắc, thường đánh đòn trẻ rất đau. Anh con trai xót xa cho con nhưng không dám nói hỗn với cha. Một hôm, anh đi làm về đúng lúc ông nội đang cầm roi đánh cháu quá đáng. Anh bèn chạy lại giằng lấy cây roi trên tay cha mình, vừa tự quất vào người mình thật đau vừa khóc mà nói: “Cha đánh đòn con trai của con thì con cũng đánh đòn con trai của cha đây.” Ông nội thấm thía, từ đó về sau đổi cách dạy cháu nội. 

IV. Điều quy thứ tư: Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau. 

Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng[4] mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới[5]. Đừng cậy quyền mà yểm tài người[6].

Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau: Đừng cư xử theo thói thấp hèn, trước mặt người thì làm bộ cung kính, tôn trọng, ca tụng nhưng vắng mặt người thì nói xấu, khinh thường.

Đừng lấy chung làm riêng đừng vụ riêng mà bỏ việc chung: Thái úy Tô Hiến Thành đã làm đúng như điều quy này.

Năm 1175 vua Lý Anh Tông sắp mất, gởi thái tử Long Cán (là con bà thái hậu họ Đỗ) cho thái úy Tô Hiến Thành trợ giúp. Thái hậu Thiên Linh sai người mang một mâm vàng tặng Tô Hiến Thành, nhờ ông giúp con bà là Long Xương lên ngôi vua. Tô Hiến Thành từ khước, vẫn lập Long Cán lên làm vua Lý Cao Tông.
Năm 1179 Tô thái úy bệnh nặng. Quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hết lòng chăm sóc. Đỗ thái hậu và vua Lý Cao Tông đến thăm và hỏi sau này ai có thể thay vào vị trí của ông được. Thái úy đề cử quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Bình thường trong triều Trần Trung Tá vì tánh thẳng thắn vẫn hay nói trái ý Tô thái úy. Thái hậu ngạc nhiên hỏi: “Sao không cử Vũ Tán Đường?” Thái úy đáp: “Nếu cần người hầu hạ thì chọn Vũ Tán Đường. Muốn trị nước an dân thì chọn Trần Trung Tá.”



[1] Nguyễn Minh Thiện, Tứ đại điều quy. Sài Gòn: Minh Lý Đạo, nhà in Nguyễn Đức, 1950, tr. 2.
[2] hổ: hổ thẹn, tự cảm thấy mình kém cỏi.
[3] điều độ: phân tách phải quấy, đúng sai.
[4] vụ riêng: mưu cầu lợi ích riêng tư.
[5] dễ dưới: khinh thường kẻ dưới.
[6] yểm tài người: che giấu tài năng người khác.

Lê Anh Dũng
Nguồn: thienlybuutoa.org

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *