TÌM HIỂU Ý NGHĨA 2 CHỮ “CAO ĐÀI”
Huệ -Ý
(Trích TSCĐGL Tây Đức số 34)
Trong bài này, chúng tôi không đưa ra ý kiến mới mà chỉ tổng hợp các tài liệu từng đề cập đến danh xưng “Cao Ðài” theo một bố cục tương đối rõ ràng mạch lạc, để chư độc giả tham khảo.
A – Tầm quan trọng:
Hai tiếng Cao Ðài gần gũi quá đến nỗi chúng ta quên đi vì quen thuộc mà không tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu. Thực sự hai tiếng Cao Ðài đã có một tầm quan trọng, đến nỗi:
1.- Ðức Ngô Ðại Tiên đã viết câu sau đây trên vách phòng Ngài và lập đi lập lại
“Cao Ðài ứng hóa trong lòng chúng sanh,
Ðố ai có biết cái danh Cao Ðài!”
2.- Ðức Chí Tôn đã cấm bàn đến hai tiếng Cao Ðài trong một đàn cơ như sau:
“Thầy các con.
Các con tịnh tâm nghe Thầy hỏi:
………..
Còn hai chữ Cao Ðài nghĩa là gì!
K….. bạch……. Cười……Cười……Cao Ðài…. cười, M.L.T Thầy cấm các con bàn về hai chữ Cao Ðài nghe. Chờ đến Long Hoa Ðại Hội sẽ rõ……
(Hai tài liệu trên rút trong quyển lịch sử Ngô Minh Chiêu)
B. Nguồn gốc hai tiếng Cao Ðài:
Các văn kiện nào xa xưa và các văn kiện nào hiện đại đã đề cập 2 tiếng Cao Ðài:
I. Xa xưa chúng ta thấy có:
A) Tiên tri trong quyển Vạn Pháp Qui Tông: Quyển này do các đạo sĩ truyền lại hơn mấy trăm năm nay. Ðức Ngô Ðại Tiên thuở ban đầu có cầu cơ với các bài thỉnh Tiên rút ra từ quyển này. Trong Vạn Pháp Qui Tông có câu:
“Cao Ðài Tiên Bút thi văn tự” chỉ rõ trong Ðạo Cao Ðài có thơ văn của chư Tiên do thần cơ diệu bút tiếp ra.
B) Lời tiên tri của các Lão Sư Chi Minh Sư hay là Ðại Ðạo bên Trung Quốc: Sau khi nhà Thanh lên thay thế nhà Minh, một số cựu thần nhà Minh không phục nhà Thanh bèn lên núi ẩn tu lập ra chi Minh Sư, Minh Ðường hay là Ðại Ðạo. Một quyển kinh của các Lão sư phái này đã được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, ngoài bìa sách có hai câu thơ tiên tri như sau:
“Cao như Bắc Khuyết nhân chiêm ngưỡng
Ðài tại Nam Phương Ðạo thống truyền”
Hai câu đối này cho biết Ðạo Cao Ðài sẽ xuất hiện tại Nam Phương mà Ðức Cao Ðài là Giáo Chủ, Ðức Cao Ðài tức là Ðức Huyền Khung Cao Thượng Ðế Ngọc Hoàng Ðại Thiên Tôn, ngự tại phương Bắc hay là Bắc Khuyết.
C) Lời tiên tri trong Minh Thánh Kinh Linh sám:
Trong quyển này có câu: “Mạng hữu Cao Ðài Minh Nguyệt chiếu” cho biết tánh của Ðức Thượng Ðế giáng trần mở nền Chơn Giáo, sáng tỏ như Trăng rằm.
D) Lời tiên tri trong sách: Ấu Học Tầm Nguyên.
Sách có câu: “Ðầu Thượng Viết Cao Ðài” nghĩa là nơi ở trên đỉnh đầu mọi người thì gọi là Cao Ðài.
E) Kinh Nhựt Tụng của một phái tu thân tại Trung Việt:
Tại Trung Việt 20 năm trước ngày khai Ðạo (năm 1926) có một phái người tu theo lối cư sĩ lấy hiệu là phái Minh Sư, mỗi ngày đọc kinh có thêm câu:
“Con cầu Phật Tổ Như Lai
Con cầu cho thấu Cao Ðài Tiên Ông”
Khi các Giáo sĩ Ðạo Cao Ðài ra truyền Ðạo tại Tam Quan (Trung Việt) thì mấy vị này sau khi nghe danh hiệu đức Cao Ðài đều đến xin làm đệ tử ngay.
F) Lời tiên tri lưu truyền tại Trung Việt đã lâu đời trước năm khai Ðạo (1926):
“Canh Dần Mậu Dần niên,
Kỷ Mão Canh Thìn tiền;
Tự nhiên Thiên phú tánh,
Cao Ðài tân chân truyền.”
Lời tiên tri này nói rõ năm và báo trước rằng: “Trời sẽ khiến lòng người theo Ðạo mới và Ðạo Cao Ðài sẽ đạt chân truyền.”
G) Lời tiên tri của chơn linh cụ Thủ Khoa Huân cho năm 1913 (13 năm trước ngày khai Ðạo)
Tại quận Cao Lãnh Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1913 các ông văn Nho, kỳ hào có họp nhau tại nhà ông Lê quang Hiển nhạc phụ của ông Diệp văn Kỳ, để phò cơ thỉnh Tiên, khi cơ lên chơn linh cụ Thủ Khoa Huân, một nhà cách mạng bị tử hình tại Mỹ Tho giáng cơ cho bài thơ sau đây:
“Tứ triêm đào lý nhứt môn xuân
Canh tân bôi ức giang san cựu
Trừ cựu thời thiên tuế nguyệt tân
Cửu thập thiều quang cơ bán lục
Nhất luân minh nguyệt vị tam phần
Thừa nhàn hạc giá không trung vụ
Mục để Cao Ðài tráng chí thân”
Thích môm: (của cụ Thủ Khoa Huân)
“Co dủi Cao Ðài khỏe tấm thân
Dạo xem đào lý đượm màu Xuân
Giang san chẳng khác ngàn năm cũ
Ngày tháng chờ thay một chữ tân
Chín chục thiều quang vừa nửa sáu
Một vầng trăng rạng chứa ba phần
Thừa nhàn cỡi hạc không trung ruổi
Chạm mắt Cao Ðài khỏe tấm thân.”
Trong hai bài thơ có nhắc đến danh từ Cao Ðài.Thời buổi ấy các ông không rõ danh từ ấy có nghĩa! Song các ông biết rằng đại cương hai bài thơ ấy có nói về quốc vận một cách sâu xa. Hai câu thi 5 và 6 có ý kỷ niệm ngày 3 tháng 1 năm 1913 vào câu và câu nào cũng ngụ ý số 3. Sau đàn cơ ấy ông Lê Quang Hiển để hai bài thơ này lên trang thờ để làm kỷ niệm.
Mãi đến năm 1927 Tòa Thánh Tây Ninh phái chức sắc đến quận Cao Lãnh truyền Ðạo và khi chữ Cao Ðài đã được mọi người nói đến. Chừng ấy ông Lê Quang Hiển mới nhớ lại hai bài thơ của cụ Thủ khoa Huân đã cho 13 năm trước và đem ra trình với chư chức sắc nói trên.
(Tài liệu tiên tri rút trong quyển Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (Cao Ðài Giáo sơ giải) của Ðạo Trưởng Huệ Lương)
II. Hiện đại:Về nguồn gốc phát tích hiện đại đối với hai nhóm Vô Vi và Phổ Ðộ như sau:
1. Ðối với Ðức Ngô Ðại Tiên : Ðức Chí Tôn xưng danh Cao Ðài lần đầu tiên vào năm 1920 trong một dịp như sau:
Ðầu năm 1920 trước khi đổi ra làm việc ở Hà Tiên, tại Tân An, Ơn Trên dạy đức Ngô chỉnh đốn việc cầu Tiên, tập dượt đồng tử mới thủ Ngọc cơ.
Vào một buổi đàn cơ do đồng tử âm dương (Nguyễn Văn Vân và ông Bộ Thọ) Pháp đàn là ông Trần phong Sắc, ông Kim là điển ký và Ðức Ngô làm độc giả. Khi đọc đến câu:
“Ngũ chơn bửu khí lâm triều thế.
Giá hạc đằng vân xiển tự nguyên.”
Có một vị Tiên Ông giáng xưng là Cao Ðài Tiên Ông, cơ gõ mạnh và bảo ông Trần phong Sắc sửa lại hai câu ấy. Ông Sắc vốn là một nhà Nho sành sỏi, nhưng không biết Cao Ðài Tiên Ông là ai, nên trả lời một cách suồng sã rằng: “Bài thỉnh Tiên này ra 100 năm về trước rồi, từ bên Trung quốc qua đây không ai dám cho là sái, nay Ngài bảo sửa, nói vậy là thiệt trật hay sao?”
Tiên Ông quơ cơ đập vào đầu ông Sắc vì vô lễ, ông lẹ hụp xuống tránh khỏi. Kế Ðức Cao Ðài Tiên Ông gọi tên Ðức Ngô biểu sửa. Ngài bèn sửa như vầy:
“Bửu Chơn ngũ khí lâm triều thế”
Tiên Ông khen.
Cả nhóm người đều chưa hiểu Ðức Cao Ðài là ai. Riêng Ðức Ngô tin rằng đó là ông Trời mới dám sửa kinh sách từ xưa như vậy.
2. Ðối với nhóm đệ tử thứ hai (về Phổ Ðộ).
Chậm hơn đức Ngô ít năm, quí vị tiền bối Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, và các vị khác nữa từ tháng 7/1925 tập xây bàn cơ tại nhà cụ Cao hoài Sang. Lúc đầu là hồn thân quyến về, sau đó Ơn Trên dạy Ðạo cho các ông.
Một Tiên Ông xưng là A Ă Â biểu các ông phải kêu bằng Thầy và Ngài gọi các ông là “con”.
Cho đến đêm Noel 1925 Tiên Ông mới xưng “Ngọc Hoàng Thượng Ðế viết Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương” …..
“Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là để dìu dắt các con vào đường đạo đức hầu chẳng bao lâu đây các con sẽ ra giúp Thầy mà khai Ðạo. Các con thấy Thầy khiêm nhường dường nào chưa? Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức”. (Hai tài liệu này trích từ quyển lịch sử Ðức Ngô Minh Chiêu)
C. Ý Nghĩa:
Chúng ta sẽ tìm hiểu sự tá danh của Ðức Thượng Ðế, danh hiệu đầy đủ và hai tiếng Cao Ðài nhìn theo kinh dịch.
1. Sự tá danh:
Cao Ðài chỉ là một tá danh của Ðức Thượng Ðế mà thôi. Tá là mượn, danh là tên, vì thật sự không có một danh từ nào gói trọn vẹn được sự vinh quang của Ðức Thượng Ðế, cho nên từ xưa, người ta đã đi đến gần Ngài khi xưng tụng Ngài là “Ðấng Vô Danh” (Thánh Faulkhi đến Athème giảng Ðạo tại đại hội nghị Aré, đã gặp một tế đàn tại thành Athème trên có khắc “Kính Thần Vô Danh” (theo kinh Thánh Tân Ước).
Tá danh là mượn tên. Vậy hai tiếng Cao Ðài Ðức Thượng Ðế đã mượn từ lâu!.
Vào năm 1927, trong một đàn cơ ở Cần Thơ, Ðức Thượng Ðế cho cho một bài thi như sau:
“Linh Tiêu nhứt tháp thị Cao Ðài,
Ðại hội quần Tiên thử ngọc giai;
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh Lạc ThiênThai.”
Có nghĩa: Nơi điện Linh Tiêu trên Thiên Ðình có một ngôi tháp tên gọi là Cao Ðài, quần Tiên thường nhóm họp ở trước bệ ngọc ấy, hào quang muôn trượng do đó mà phát ra. Tên xưa của cảnh quí báu ấy là “Lạc Thiên Thai”.
Như vậy Cao Ðài chính là tên một ngôi tháp trên Thiên Ðình mà Ngài đã mượn vậy. Cùng một ý nghĩa trên ta tìm được nơi trang đầu sách Thánh bằng chữ Hán do Hội truyền Giáo của người Anh xuất bản năm 1913 ở Thượng Hải có câu:
“Hỡi Ðấng Jéhovah, Ngài là cái lâu đài cao thượng mà nơi đó chúng con có thể ẩn trú”.
Nếu khởi đầu chúng ta thấy Ðức Ngôi Hai đã từng đặt câu hỏi:
“Cao Ðài ứng hóa theo lòng chúng sanh,
Ðố ai có biết cái danh Cao Ðài?”
Thì đặc biệt thay Ngài đã giải thích hai tiếng Cao Ðài trong dịp giảng nghĩa danh từ “Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Ðài Giáo ViệtNam” như sau:
“Cao Ðài là một tá danh của Thượng Ðế khi đến mở Ðạo tại ViệtNam. Ðài cũng là cái Ðài, cái Ðài tối cao trọng đại, chứa đựng từ bi, cảm ứng, trung thứ, Tam qui, Ngũ giới, Tam Nguơn, Ngũ hành, Tam Cang, Ngũ Thường. Ðài là nơi, là vị trí tập trung tất cả xu hướng Ðạo giáo hay tôn giáo phát tiết ra từ nơi đây”.
Từ Bi, Tam Qui, Ngũ Giới thuộc Phật giáo.
Cảm Ứng, Tam Nguơn, Ngũ Hành thuộc Tiên giáo.
Trung Thứ, Tam Cang, Ngũ Thường thuộc Nho giáo.
Ðài là nơi Tam giáo hiệp nhất, là tòa nhà đại đồng qui tụ tất cả các tôn giáo mà xưa kia đã từ nơi đây tung ra các nơi.
Ðức Ngô có dạy bằng văn vần:
“Cao Ðài chỗ Thiên nhơn hiệp nhứt,
Tá danh hầu cứu vớt vạn linh;
Trong cơn thay xác đổi hình,
Hạ ngươn mạt kiếp phục sinh tánh lành.”
“Cao Ðài chỗ Thiên nhơn hiệp nhứt”, từ cái nhìn Cao Ðài thật xa đã đem về thật gần gũi chúng ta, nơi mỗi người chúng ta Cao Ðài tức là Nê Huờn Cung mà câu “Ðầu Thượng viết Cao Ðài” đã giảng giải, đó là nơi Thiên Nhơn Hiệp Nhứt, nơi mà Tinh Khí Thần hiệp một ở ngày đắc Ðạo như Chí Tôn đã dạy: “Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm, từ ngày Ðạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ nay duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng hiệp đủ “Tam Bửu” là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh”. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
2. Danh hiệu đầy đủ:
Danh hiệu đầy đủ của tá danh là:
“Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát”
Nam Mô: chữ phạn trong kinh Phật có nghĩa: Chắp tay, cúi đầu, cung kính thỉnh nguyện.
Cao Ðài: thuộc Ðạo Nho, sách Ấu Học Tầm Nguyên của Nho giáo có câu: “Ðầu Thượng viết Cao Ðài”
Tiên Ông: một vị Tiên, thuộc Ðạo Tiên (Lão)
Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát: Bồ Tát theo tiếng phạn là vị đã tự giác được bản tính, nhưng không an hưởng mà tiếp tục phổ độ chúng sanh (Quán không bất chứng), thuộc Ðạo Phật.
Trong danh hiệu của Ngài biểu hiện tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài là Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Hiệp Nhứt. Sự sắp đặt một cách qui củ từ Cao Ðài đến Tiên Ông rồi Ðại Bồ Tát là con đường gồm năm giai đoạn mà người tu phải đi để thoát cảnh trần ai.
Cao Ðài bao gồm 3 mối Đạo lớn trong đó có 5 giai đoạn:
Ðạo Nho gồm: Nhơn Ðạo, bổn phận đối với gia đình. Thần Ðạo: bổn phận đối với quốc gia. Thánh Ðạo: bổn phận đối với xã hội. Ba giai đoạn trên thuộc phần nhập thế và nửa xuất thế. Tiên Ðạo và Phật Ðạo: Phần xuất thế tu tánh luyện mạng để thoát vòng luân hồi sanh tử. Theo danh hiệu của Ðức Chí Tôn, người tu hành phải đi từ giai đoạn, tuần tự liên tiếp nhau, từ thấp lên cao, từ Nhơn Ðạo đến Thiên Ðạo hầu hoàn tất con đường tu học để trở về hiệp nhứt với khối Ðại Linh Quang.
Ý nghĩa của việc Nho giáo đến Lão giáo rồi Phật giáo đã được Ðức Thượng Ðế giảng trong đàn cơ 15/9 Bính Dần như sau:
“Thầy lập Phật giáo vừa khi khai Thiên lập địa nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo rồi Nho giáo. Nay hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu nên phản tiền vi hậu:
Tỷ như lập Tam giáo qui nhất thì:
Nho là trước
Lão là giữa
Thích là chót.
Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần mà đưa chúng nó lại Vô Vi chi khí, chính là Niết Bàn đó vậy”. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
Số chữ trong câu tá danh của Ðức Chí Tôn gồm có 12. Ðó là số đặc biệt của Ðức Chí Tôn mà Ngài đã giảng như sau:
“Lạy Thầy 12 lạy là tại sao? Các con không biết đâu! Thập nhị khai Thiên là Thầy. Chúa cả Càn khôn thế giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.” (TNHT, tr.12)
Trong một đàn cơ tại Liên Hoa Cửu Cung vào khoảng 1940, một vị Hội trưởng hội Phật học thời bấy giờ dâng một cái khải có 6 chữ “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Hôm đó Ðức Thượng Ðế giáng cơ và minh như sau: “Thập nhị tùng lục” và Ngài cho biết câu tá danh 12 chữ “Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát” ngày hôm nay là do 6 chữ “Nam Mô A Di Ðà Phật” xưa kia mà ra (Cao Ðài Giáo Lý số 6 năm thứ tư -1968).
Câu danh hiệu trên thể hiện sự khiêm nhường của Ðức Thượng Ðế để dễ dàng độ rỗi nhơn sanh:
“Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát hai phẩm chót của Tiên Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao, tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào!
Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy”. (TNHT, tr.41)
3. Hai tiếng Cao Ðài theo kinh Dịch:
Ðàn cơ tại đảo Phú Quốc, giờ tý đêm rằm tháng 8 Ất Sửu (1925) Ðức Quan Thánh Ðế Quân dạy:
…. “Kỳ này lập Ðạo, tá danh là Cao Ðài là cái triệu chứng để lại muôn đời roi truyền trong Việt Nam, mà cũng là ngày năm châu loạn lạc, đao binh nổi dậy khắp nơi!
Chúng sanh khá nhớ: “Cao vi CÀN, Càn vi Thiên, Ðài vi KHẢM, Khảm vi Thủy tức là quẻ “Thiên Thủy Tụng” thì chạy đâu cho khỏi số Trời định đoạt binh lửa bốn phương. Những kẻ thiếu tu đành cam số phận. Cười, cười!” (Quyển Cải Tử Huờn Sanh của ông Lê trung Nghĩa)
Theo kinh dịch trước quẻ Tụng là quẻ Nhu, Nhu nghĩa là ăn uống, vì ăn uống tất sinh ra tranh nhau. Tụng nghĩa là tranh nhau. Quẻ Tụng trên là Càn, là Trời, dưới là Khảm là Thủy, Càn biểu dương cường dũng, nóng nảy táo bạo, Khảm biểu dương hiểm độc, mưu mô. Một bên hiểm, một bên kiện tất nhiên không chịu nhau, hoặc bề trong âm hiểm mà bề ngoài dương kiện cũng chẳng khỏi tranh nhau. Ðã tranh nhau tất phải kiện, hoặc kiện bằng giấy bút, hoặc kiện bằng miệng lưỡi, hoặc kiện bằng đao binh, tổng chi là Tụng, nên đặt quẻ bằng Tụng.
Ở vào thời tụng, phe nào cũng tranh phần phải, thị phi hắc bạch rất hỗn hào, duy có người trung chính xử đoán bằng cách trung chính mới hay. Trung thì chẳng thiên lệch về phía nào. Chính thì chẳng dan díu với tư tình, thính đoán được công bình thời trong thiên hạ ai nấy cũng thỏa hiệp. (Kinh Dịch Cụ Phan Bội Châu)
Sứ mạng Cao Ðài Giáo trong thời Tụng chính là sứ mạng nhơn hòa:
“Hộ con tạo thế nhơn hòa,
TrờiNam xây dựng Bửu Tòa vạn linh”.
Phụ thêm câu đối:
1.- Trước các Thánh Thất thuộc Tòa Thánh Tây Ninh:
“Cao Thượng Chí Tôn Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Ðài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền”
2.- Trước Thánh Thất Bình Hòa Gia Ðịnh:
“Cao Thượng Hoằng Khai Ðại Ðạo qui nhứt bổn
Ðài Tiền phổ hóa Tam Kỳ Hiệp Ngũ Chi”.
Bài đến đây, chưa thể gọi là chấm dứt. Chỉ tóm tắt lại:
– Phóng ra thì Cao Ðài muôn vàn ý nghĩa “Cao Ðài ứng hóa theo lòng chúng sanh”.
– Thu gọn lại “Cao Ðài là Cao Ðài”.
Vấn đề của chúng ta là phải biết : biết phần phức tạp cũng như phần đơn giản.