Tinh thần phá chấp của Cao Đài

 
TINH THẦN PHÁ CHẤP CỦA CAO ĐÀI
Hồng Phúc

I – Tinh thần phá chấp của Cao Đài:
Cao Đài là một Tôn Giáo mang sắc thái phá chấp triệt để. Một Tôn Giáo được khai sinh bởi Đấng Tạo Hóa trọn lành, với mục đích cứu rỗi toàn nhân loại trong thời Hạ Nguơn mạt pháp mà cũng là thời kỳ rực sáng của nền văn minh khoa học.
Tinh thần phá chấp nằm trọn vẹn ý nghĩa trong lời dạy
“Cao Đài không phải Cao Đài, chính thị Cao Đài”. Đức Thượng Đế mở Đạo, tạm mượn cái hữu hình để dạy nhơn sanh lần lần trở về cái vô hình. Ngài dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo: 

“ĐạoThầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập Thánh”. 
Ngài lại dạy trong phẩm Trung Thừa Chơn Giáo:
 “Hôm nay Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những khía cạnh ngã chấp, sắc màu mà cùng hiệp phần tinh ba cổ, kim, trên lập trường duy nhất. Nghĩa là xóa bỏ cái dị mà đem cái đồng giữa các sắc giáo để làm phương định cứu thế kỳ Ba”. 
Từ khi khai Đạo cho đến nay, Thánh ngôn, Thánh giáo rất nhiều, ngoài những lời dạy rõ ràng đơn giản, trực tiếp, dễ hiểu. Các Đấng Thiêng Liêng còn dùng những lời giáo hóa hàm ẩn ý nghĩa sâu xa qua phương thức, dụng sự cầu lý, bắt chúng ta phải chiêm nghiệm, tìm tòi mới thế được cái nghĩa lý sâu sắc rốt ráo.
Trước hết, như đối với biểu tượng Thiên Nhãn, ngoài ý nghĩa đức Chí Tôn đã dạy rõ:
 

“Thầy đâu có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con, nên chi thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy. 
Thầy có dạy trước:

Nhãn thị chủ Tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần.
Thần thị Thiên,
Thiên giả ngã dã.

Nhãn là cửa trái tim con người. Trái tim ý là Tạo hóa, tức là Thần, mà Thần là cái lý Hư Vô, Lý Hư Vô ấy là Trời vậy”,  ý nghĩa lại còn mang tính ẩn dụ. Mắt là bộ phận trọng yếu của cơ thể con người mà ai cũng có. Hình tượng con mắt không thể làm nên sự phân biệt. Con người dù Đông hay Tây, dù kim hay cổ, dù cao quí hay thấp hèn đều được Tạo Hóa phân chia đồng đều hai con mắt.
Giáo hóa loài người bằng biểu tượng chưa đủ, đức Thượng Đế còn nhắc nhở nguồn gốc ban sơ con người qua Vũ trụ quan Cao Đài:

“Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang”.

Tinh thần phá chấp Cao Đài còn được thể hiện qua đường lối, tôn chỉ:

 “Chính mình Thầy đến chốn Nam Bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng;
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng”.

“Thầy dụng huyền linh điển đến trần gian trong Hạ Nguơn mạt kiếp nầy để độ rỗi con cái trở về bổn nguyên Đại Đạo. Thầy sắp một thực tướng Tam Giáo cho các con hiểu rõ vạn giáo trên thế gian đồng nhất lý”.
Đưa ra tôn chỉ nầy là Đức Chí Tôn muốn loài người biết bỏ cái tâm phân biệt về Tôn giáo, để thế Tôn giáo chỉ là phương tiện và Đạo mới là cứu cánh: “Tôn giáo là con thuyền đưa khách, mà Đạo là bến đỗ. Các con thuyền sau cùng cũng xuôi về bến đỗ”. 
Nhìn sang cứu cánh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, con người có mặt trên cõi đời là để thực hiện một nhiệm vụ, một Thiên ý: Đó chính là định mệnh cao đẹp của loài người. Đức Lê Đại Tiên đã nhắc nhở:

“Tu là học để làm Trời,
Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian”.

Muốn đạt được sự giải thoát của phần tâm linh nơi cõi hư vô hằng sống, con người phải thực hành được sự phá chấp nơi thế giới hữu hình nầy, tức là xóa bỏ những ranh giới của sự dị đồng phân biệt, là điều kiện để xây dựng xã hội đại đồng. Như vậy, phá chấp là tiền đề của tình đại đồng nhân loại, là cứu cánh của Tam Kỳ Phổ Độ, là sự thể hiện cao độ tinh thần phá chấp.
Đức Chí Tôn còn muốn con cái của Ngài coi sự phá chấp như lời Kinh Nhựt Tụng qua câu nguyện thứ ba trong bài Ngũ Nguyện mà tín đồ Cao Đài đọc sau mỗi thời cúng:
“Tam Nguyện xá tội đệ tử”. Là người phàm tục, không ai tránh khỏi lầm lẫn tội tình và ai cũng muốn được tha thứ. Vậy thì mỗi người muốn được tha thứ phải rộng lượng bao dung, thứ tha người khác như lời đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn:

” Tam nguyện xá tội bản thân,
Khoan dung phá chấp cõi trần vô minh”.

II – Thế nào là phá chấp?

1. -Tính tương đối Nhị Nguyên:
Hai chữ phá chấp vừa là Danh từ, vừa là Động từ. Phá: đánh đổ, cởi bỏ, triệt tiêu; chấp thì buộc ràng, câu nệ, giữ lại.
Phá chấp: đánh đổ sự câu nệ do bởi cái Ta, cởi bỏ những buộc ràng về mặt tinh thần, dẹp bỏ sự cố chấp do bởi tâm vướng mắc của con người đối với sự vật, sự kiện. 
Đơn giản là như vậy, nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đây. Vì chúng ta đang sống trong cõi Nhị Nguyên, một nơi mà bất cứ sự vật nào cũng có hai mặt mâu thuẩn đối đi nhau, thiếu một, cái còn lại mất đi ý nghĩa. Có âm mới có dương, có xấu mới có tốt, có ác mới có thiện. Không thể có một sự tuyệt đối nơi thế giới hữu hình, hữu hoại nầy. Ngay cả tội ác trên thế gian cũng có công dụng của nó. Như lời đức Như Ý Đạo Thoàn dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo năm Bính Thìn 1976 : 
“Cơ quan nầy được hoàn thành một trụ sở uy nghi trang trọng thế nầy, đều là nhờ ở công quả nhiệt thành tâm Đạo của chư hiền đệ hiền muội đã bỏ hết bao nhiêu thì giờ vui chơi lạc thú ngoài đời, để đóng góp vào công cuộc tạo nên những nền tảng để phổ độ nhơn sanh quay về đường ngay nẻo chánh, tránh khỏi đọa lạc trầm luân. Trong khi đó, những người khác lại cũng khổ, cũng lo âu canh trường thao thức để xâu xé giết chóc lẫn nhau. Hai con người, hai tác dụng cái nào Tạo Hóa cũng chấp nhận cả, chấp nhận để trên cân công bình thưởng phạt”. 
Khác với sự phá chấp tuyệt đối nơi cõi nhất nguyên. Tất cả chỉ có một. Không còn gì để chấp nên không có gì để phá. Phá chấp nơi cõi thế gian nầy có sự chọn lựa ẩn tàng, tức là vừa phá mà vừa chấp, vừa bỏ đi, cũng vừa giữ lại. Phá bỏ cái xấu để chấp trì cái tốt, đối với bản thân con người vốn tiềm ẩn hai cái Ta: Một Chơn Ngã, một Phàm Ngã.
 Do đó vừa phải triệt tiêu cái tính chấp ngã, đồng thời cũng bắt cái ta vào trong nề nếp, kỷ luật. Nói dễ hiểu hơn, đuổi đi cái Ta cao ngạo, ích kỷ, nhưng cũng buộc cái Ta vào đạo đức, công bằng, vị tha, bác ái. Bởi vì sự phá chấp không đồng nghĩa với vô kỷ luật, phóng túng. Các nhà tâm lý học cũng đưa phương châm: “Phải biết trọng cái Tôi tốt đẹp, đừng chiều theo cái Tôi yếu đuối”. 
Đứng về mặt xã hội, con người là một phần tử, một thành viên của cộng đồng. Cho nên con người không thể tách rời xã hội. Do đó, không thể dùng danh từ phá chấp để vượt ra ngoài những khuôn khổ, qui phạm của xã hội, mà phải hòa mình vào dòng xã hội đang luân lưu tức là phải chấp nhận những qui tắc, lề lối chung của cộng đồng, nhứt là với chủ trương Cao Đài là nhập thế. Tu với Cao Đài không phải là độc thiện kỳ thân, từ bỏ cuộc đời, chối từ cuộc sống chung của đồng bào, đồng chủng, mà tìm nơi ẩn mình ở chốn thâm sơn cùng cốc, ngược lại còn phải giúp đỡ người khác cùng tu như lời đức Vạn HạnhThiền Sư: 
“Trong thời buổi Hạ Nguơn nầy Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương không những chỉ có tu thân độc thiện mà thôi, mà phải song hành độ tha nữa. Điều đó chư đạo hữu tất cả hiểu rõ lắm rồi .
Như vậy không có lý do nào để khước từ nhiệm vụ hành đạo hữu vi, để trở về chốn thâm sơn cùng cốc mà an dưỡng thân trần sớm tối tụng kinh, niệm kệ mà
ngắm nhìn thế sự dẫy đầy những đau khổ, những hoạn nạn, những nghèo đói, những dốt nát, những vô minh, những đủ thứ của kiếp người xa đạo, xa nguyên bổn của con người”.

2.- Là Vong kỷ vị tha:
Trong ý nghĩ đó, phá chấp không phải là vì thế cuộc đời đầy dẫy vô minh tội lỗi, không phải vì thế con người đọa lạc xu xa, trong khi bản thân mình đã giác ngộ nên không thể chấp nhận rồi rời xa, đứng bên lề cuộc đời, mặc cho thế sự đắm chìm đau khổ.
 

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo cũng đã dạy:
“Khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người lên tầm vóc Đại Đạo, ngước mắt nhìn lên bầu Trời to rộng,
vượt trùng dương Trời nước bao la chấp cánh bay bổng khắp bốn phương Trời để phục vụ nhơn loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất”. 
Đây chính là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần phá chấp của môn đệ đức Chí Tôn. Chỉ khi nào con người diệt bỏ được sự chấp ngã, loại trừ cái Ta cao như núi Thái Sơn với dẫy đầy tự ái, ngạo mạn để tâm linh được khai mở, để phóng tầm mắt xuyên suốt Vũ trụ bao la, mới có thể chấp cánh bay bổng khắp bốn phương Trời để làm tròn sứ mạng Thiêng Liêng là giúp đời, đem gieo hạt giống Đạo trong khắp cùng nhân loại, cho loài người tìm thế sự cứu rỗi của Đấng trọn lành.
Trong ý nghĩa đó,
phá chấp chính là sự vong kỷ vị tha. Nói một cách thực tế, con người phải đặt quyền lợi của tập thể, của xã hội, của đồng bào, đồng chủng lên trên quyền lợi cá nhân.

3.- Là cởi bỏ mọi câu nệ về hình danh sắc tướng:
Mặt khác, phá chấp còn là sự cởi bỏ mọi câu nệ về hình thức, sắc tướng bên ngoài. Ta đã biết cuộc đời chỉ là giả tạm, không có gì vĩnh cửu và con người vì chạy theo vật chất, hình danh mà lần lần bỏ quên phần đạo đức. Con người càng văn minh, càng coi trọng phần hình thức mà quên rằng bề ngoài chỉ là lớp vỏ che đậy, phần bên trong mới là đáng kể. Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy dạy:

“Cõi vật chất hiện tiền thế đó,
Vật sắp bày nhưng có mà không;

 Nó mau hư nát lẹ làng,
Chẳng chi bền bỉ vững vàng đặng lâu.”

Chính vì  “chiếc áo không làm nên thầy tu” cho nên trong Đại Thừa Chơn Giáo Đức Chí Tôn đã nhắc nhở:

“Tu hành giữ mực thường thôi,
Đừng bày vẽ lắm rồi bôi lem đầy;
Các con biết được Đạo Thầy,
 

Đạo Thầy không chịu cho ai biết mình. 
Ở ăn như thể thường tình,
Lo tu luyện Đạo sửa mình tinh ba;
 

Tu không biểu mặc đồ dà,
Cạo râu thí phát bỏ nhà lìa con …”

Chúng ta bỏ đi quan niệm hẹp hòi, lạc hậu, rằng tu là phải mặc thế nầy thế nọ, hoặc tu phải làm thế nầy thế kia, cốt để phân biệt với người đời. Còn đối với tha nhân, chúng ta khi thực hành sứ mạng độ người tu học, không nên bắt buộc những điều kiện khó khăn gây trở ngại cho người. Đức Thượng Đế cũng đã dạy rất rõ ràng:
“Đạo Thầy đương thời phôi phai hoằng hóa phổ độ chúng sanh, bất luận là người nào, nước nào tu theo cũng đặng. Chớ các con dùng cái hình thức bề ngoài mà truyền bá cho sở hạp với phong tục của các con sao đặng.  
Thí dụ như Nước không biết cúng kiến, thờ phượng, các con ép buộc người ta phải thờ phượng, cúng kiến y như các con mới chịu truyền Đạo cho thì trái hẳn với phong tục nước người, nó không khứng chịu, mà nó không khứng chịu thì các con không khứng chỉ truyền ắt chúng sanh phải chịu luân hồi trả quả mãi”.

4.- Phá chấp là giải thoát – là chấp nhận mọi hoàn cảnh cuộc đời:
Ngoài ra, phá chấp còn mang ý nghĩa giải thoát,
là sự chấp nhận mọi hoàn cảnh cuộc đời một cách an nhiên tự tại. Người ta thường nói, đời là dâu bể để chỉ sự thay đổi, biến chuyển vô lường của cuộc sống thế gian, bởi do tính vô thường giả tạm. Một đêm sáng ngày ruộng dâu biến thành biển cả, thậm chí ngày nay không cần phải qua một đêm mà chỉ trong chốc lát, như trường hợp Tỉnh Đồng Tháp mới đây mà chúng ta đã biết. Chỉ có một tiếng đồng hồ trước sau, mà đất liền, nhà cửa, tài sản và cả sinh mạng con người đã biến thành sông nước, cũng như những cuộc động đất ở các nước trên thế giới ngày nay, chỉ trong một vài phút đồng hồ là đã chôn hằng biết bao nhiêu tài sản và sinh mạng con người. Cho nên người tu hành cần phải phá chấp tức là bình thản nhận mọi nghịch cảnh đau buồn, mất mát cũng như không, quá vui mừng sung sướng trước những sự thành công thắng được.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã dạy: 
“Người tu hành vào hàng Đại Thừa chấp trì quyền pháp để thực hiện sứ mạng Thiêng Liêng thì luôn luôn phải tu tánh luyện mạng cho thuần thục chơn chất, phải giữ lòng thanh tịnh như như. Dầu đứng trước muôn ngàn ngoại cảnh đổi thay cũng đừng để lòng xao động. Luôn luôn diệt trừ phiền não, chấp trước, để không vui, không buồn, không nhơn, không ngã, không bạn, không thù, không tà không chánh, không thị phi ân oán”. 
Đạt được sự phá chấp trong ý nghĩa nầy, người tu phải tìm được sự giải thoát trên bước đường Thiên Đạo Đại Thừa như lời đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn: 
“… Giải thoát mọi ràng buộc, phá hết mọi sự chấp ngã, chấp nhơn, chấp Đạo, chấp Pháp, Tất cả đều “KHÔNG” mới là giải thoát. Đứng trước một xã hội tao loạn, người giải thoát phải tự giải thoát cái tạo loạn ở tâm mình để biến hoàn cảnh hiện tại tao loạn trở thành an nhiên. Đó là giải thoát. 
Đứng trước vật chất vinh hoa phú quí, danh lợi dẫy đầy sáng chói, người tu học Thiên Đạo Đại Thừa phải nhắm vào sự sáng chói của Tâm, sự tịch mịch của Tâm, như núi Thái Sơn sừng sững trước gió loạn sấm chớp.
Ở vào cảnh vinh sang phú túc nệm ấm chăn êm mà Tâm vẫn an nhiên thanh tịnh như ngồi trên nệm cỏ bồ, như uống nước trong veo, như ăn những quả đào ngon ngọt, không thể tâm động vì có đó mà phải tha thiết, vì mất đó mà phải rối loạn, đó là một giải thoát nữa.
 
Đứng trước nghịch cảnh trái ngang, nhưng tâm vẫn thể như ngồi trên bàn thạch, hoặc ở chỗ thanh thoát bao la để biến hoàn cảnh y như gió thoảng, như mây bay tụ tan không ngừng nghỉ, đó cũng là phương giải thoát. 
Ở vào hoàn cảnh bị động, vì các lý do sống còn, nhưng tâm vẫn an nhiên thanh thản để sáng suốt giải quyết mọi vấn đề như cá trong nước, như rồng trong mây, có thể hoà hợp tâm linh trong vũ trụ cho tâm khỏi giao động mới hòa mình với nếp sống hiện tại, từ việc to tát đến việc nhỏ nhen vẫn là một con số không trong cái có, đó là phương giải thoát “.

Thi Bài:
Cơ chuyển thế Hạ Nguơn mở Đạo,
Lượng Chí Tôn hoài bão nhân sanh;
Pháp môn phổ độ thực hành,
Là đường siêu thoát tâm linh dễ dàng.
Không chỉ việc đăng đàn thuyết giảng,
Hay riêng lo thăng giáng hỏa hầu;

 Giữ tâm thanh tịnh vô cầu,
Không hề chấp trước việc nào chẳng hay.

Đạo Trời Đất đêm ngày vận chuyển,
Máy hành tàng diễn tiến vô vi;
Làm lành giữ Đạo kiên trì,
Ích nhân lợi vật gặp thì biến thông”.
 

Quảng Đức Chơn Tiên
HỒNG PHÚC
Nguồn: nhipcaugiaoly.com

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *