Ý nghĩa áo dài trắng của người Đạo Cao Đài

 
Ý NGHĨA ÁO DÀI TRẮNG CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI
Mỗi khi bàn đến quốc phục của người dân Việt là tôi nhớ đến chiếc áo dài.Ngày xưa, nhân dân ta mỗi khi đi dự hội hè đình đám, hoặc có việc quan, hay mỗi khi tiếp khách, đi lễ và cúng kiến… đều mặc áo dài.

Chỉ có khác là nhân dân ta tùy theo nghèo hay giàu mà tạo sắm chiếc áo dài đơn giản hay sang trọng đắt tiền. Như vậy chiếc áo dài thể hiện được phong cách của người ViệtNam, thể hiện văn hóa đặc thù dân tộc Việt tiềm ẩn trong chiếc áo dài.
Đó là bản tánh thâm trầm, giản dị, khiêm tốn, nói riêng người tín đồ Cao Đài, khi mặc chiếc áo dài trắng là màu tượng trưng cho bản tánh giản dị, thanh cao về tinh thần trong sạch về phẩm chất của Cao Đài, đồng thời nói lên cái quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt và cái văn hóa tốt đẹp của người tín đồ Cao Đài. Từ đó, đạo Cao Đài được truyền bá ra khắp thế giới, đều biết và chấp nhận văn hoá tốt đẹp của dân tộc ViệtNam là dân tộc được Đức Chí Tôn Thượng Đế chọn và họ sẽ giao hòa với tánh thâm trầm tinh túy của người Việt.
Ngoài ra, chiếc áo dài trắng của Cao Đài còn có một ý nghĩa sâu sắc của Đức Chí Tôn đã kín đáo ban cho nó.
1. Trước hết xin nói: Màu trắng là Màu của Tình Thương
Đức Chí Tôn dạy mọi người phải thương yêu nhau như ruột thịt. Sự thương yêu đó thể hiện tình huynh đệ đồng đạo, ở tình nhơn loại giữa con người với nhau.
Đức Chí Tôn dạy rằng: Giáo lý của Thầy là Đại Đồng”. Lấy sự thương yêu làm gốc và nếu không có sự thương yêu thì Đạo không thành. Cho nên, từ sự thương yêu, lấy giáo lý Cao Đài để thể hiện:
– Lòng bác ái, khoan dung của Thiên Chúa,
– Lòng Từ Bi Hỷ Xả của Phật, và
– Tánh Ái Nhơn Hòa Thuận của Khổng.
2. Màu trắng là màu của sự vô tội
– Màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái có nề nếp, gia phong giữ gìn trinh tiết.
– Màu trắng tượng trưng cho sự ngây thơ không chút bợn nhơ của trẻ thơ.
– Màu trắng tượng rưng cho con người đạo ức hiền ương không làm gì tội lỗi.
– Màu trắng nói lên sự thanh cao trong sạch của con người.
Nói chung: màu trắng là màu của sự vô tội. Chiếc áo dài trắng của Đạo Cao Đài nói lên ý nghĩa vô tội đó. Bởi vì sứ mạng của người tín đồ Cao Đài là phổ độ chúng sanh, để mọi người lo tu hành, trau dồi đạo đức, làm sao để được sống vào đời Thượng Nguơn Thánh Đức, tức là nguơn vô tội, cho nên người tín đồ Cao Đài trước hết phải là con người vô tội để được sống vào đời Thượng Nguơn tới, vì đời Hạ Nguơn sắp mãn, nhơn loại sẽ chịu sự sàng sảy của luật thiên điều, ai hữu căn hữu kiếp sẽ được tồn tại, ai hung tàn tội lỗi sẽ bị hủy diệt.
3. Màu trắng là màu của nước
Nước ở đâu cũng có, thời buổi nào cũng có. Nước vô tận vô biên. Nước chảy từ sông ra biển từ biển trở vào sông, nước ròng nước lớn, đều do một quy luật thiên nhiên của vũ trụ. Người tín đồ Cao Đài đi tầm đạo giống như dòng nước chảy theo quy luật tự nhiên, cũng như người tín đồ Cao Đài tuân theo luật đại hóa lưu hành của Trời Đất. Bởi vậy trong Kinh Ngọc Hoàng Thượng-Đế có đoạn:
“Bất ngôn nhi mặc, tuyên đại hóa,
Thị không thị sắc, Vô Vi nhi dịch sử quần linh.”
Người tín đồ Cao Đài trầm lặng không nói, để mặc cho cuộc đại biến hóa của vũ trụ và “không làm” (vô vi) để tùy theo các quần linh chuyển dịch.
Theo đức Lão Tử và phái Đạo Gia, Vô Vi có nghĩa là “không làm”, nhưng không có gì là không làm(Vô Vi nhi Vô Bất Vi) hay là “không làm gì trái với luật tự nhiên”. Đức Lão Tử bảo “Vi Vô Vi” tức là “Hãy làm cái Vô Vi”. Như vậy, Lão Tử nào có chủ trương sự không làm gì cả, mà bảo nên làm theo phép “Vô Vi”.
Dòng nước âm thầm chảy ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ theo sức hút của mặt trăng và do sự chuyển động không ngừng của trái đất chạy quanh nó và quanh mặt trời, mà nào có ai để ý đến đây!
Thánh Nhơn có bảo rằng: “Đạo Pháp phải trường lưu như dòng thủy triều không ngừng nghỉ”.
Đức Ngô Minh Chiêu cũng dạy về “Đạo Pháp trường lưu” như sau: “Nước nào đâu có tướng, Đạo nào đâu có tướng. Người tín đồ Cao Đài âm thầm hành đạo, không nói, chỉ làm theo phép Vô Vi là đạt được Đạo”.
Bởi vậy Đức Lý Giáo Tông dạy: “Thái Thượng vô ngôn hữu đạo thành” (TNHT – 34)
Đức Chí Tôn thì dạy: “Đạo vốn Vô Vi” (TNHT – 175) và “Thời kỳ Mạt Pháp nầy mới có Tam Kỳ Phổ Độ, các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt. Thầy đến chuyển Đạo, lập Vô Vi” (TNHT – 121).
Như vậy, chiếc áo dài trắng của tín đồ Cao Đài thể hiện cái “Đạo Vô Vi”.
4. Màu trắng là không màu mà cũng gồm 7 màu góp lại
Ánh sáng màu trắng nhưng thật ra gồm có 7 màu chính yếu mà cũng có thể nói là nó không có màu nào hết. Bằng một cuộc thí nghiệm quang học, người ta phân tách màu trắng của ánh sáng ra 7 màu bằng cách chiếu qua một lăng kính. Bảy màu này chiếu qua một lăng kính thứ hai thì trở lại màu trắng.
Bằng một thí nghiệm khác, người ta vẽ 7 màu nầy lên một cái dĩa carton tròn rồi đem quay nhanh cái dĩa, thì người ta sẽ chỉ thấy toàn là màu trắng. Như vậy, màu trắng của Đạo Cao Đài nói lên:
– Nhứt bản biến vạn thù và vạn thù quy nhứt bản, theo thí nghiệm về phân tích ánh sáng trên.
– Có đó rồi không có. Màu trắng biến thành 7 màu, rồi trở lại màu trắng, tức là Sắc sắc không không. Hư Hư Thiệt Thiệt”. Bởi vậy trong kinh Ngọc Hoàng có câu: “Nhược thiệt, nhược hư… Thị không, Thị Sắc”. Vì thế, Màu Trắng là không màu, vậy Đạo tức là “Vô”.
5. Màu trắng là Đạo, Đạo vốn là Vô
Theo Vũ Trụ Quan của Đạo Cao Đài thì:
“Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy – Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy mới phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng. Tứ Tượng biến thành Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn thế giới.
Thầy lại phân Tánh Thầy sanh ra vạn vật: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm; gọi là chúng sanh” (TNHT – 170), và
“Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giới nầy, mà nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy” (TNHT – 28).
Con người là một phần Chơn Linh của Thượng Đế, vậy con người cũng từ Hư Vô Chi Khí mà ra, cho nên khi con người Đắc Đạo trở về hội hiệp cùng Thầy tức là trở lại “Vô Vi Chi Khí” chính là Niết Bàn đó vậy (TNHT – 44).
Bởi vậy Đại Thừa Chơn Giáo có viết: Luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hóa Thần”, “Luyện Thần huờn Hư, luyện Hư huờn Vô thì Huyền Quan Nhứt Khí sẽ được mở toát ra.” (ĐTCG – 61)
Người tín đồ Cao Đài Giáo mặc áo dài trắng là nói lên cái “Vô của Đạo, vì Đạo chính là Vô”. Nói cách khác “màu trắng thể hiện cái Đạo”. Do đó màu trắng có ý nghĩa rất sâu xa và còn có thể nói là rất “huyền diệu”.
Chúng ta hãy liên tưởng đến việc: “Tại sao đức Giáo Tông và Thượng Chưởng Pháp mặc áo trắng, trong khi các chức sắc Đại Thiên Phong khác lại có phẩm phục màu khác?”
Bởi vì áo của Giáo Tông màu trắng tức là “màu nguồn gốc của Đạo”. Đạo không màu sắc hay tượng trưng một màu rất trong sạch là màu trắng, màu trắng có thể biến ra các màu vàng, xanh, đỏ.
Trở lại màu trắng tức là “Qui Hồi Căn Bổn” vậy. Còn Thượng Chưởng Pháp mặc phẩm phục trắng vì Thượng Chưởng Pháp có quyền thay thế cho Giáo Tông khi Ngài vắng mặt (CTĐ – 44).KẾT LUẬN

Khi mặc áo dài trắng, người tín đồ Cao Đài tâm niệm phải nên hiểu là mình đang mang trong người không biết bao nhiêu ý nghĩa sâu xa của Đạo của mình mà Đức Chí Tôn đã kín đáo gởi vào đó.
Chúng ta phải hiểu bổn phận và trách nhiệm của chúng ta khi ta mặc chiếc áo dài trắng nầy để không làm trái giáo lý của Đức Chí Tôn.
NGỌC HUỆ CHƠN
Nguồn: ThienLyBuuToa.org

Post Author: Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *